Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) – Một số vấn đề cần bàn luận

Ngày 29 tháng 11 năm 2006, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Công chứng. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế về công chứng ở nước ta. Luật Công chứng năm 2006 sau 6 năm thi hành  đã tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật công chứng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập.

Ngoài nguyên nhân công tác quản lý thời gian đầu chưa theo kịp với thực tiễn xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động công chứng, thì nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do nhiều quy định của Luật công chứng đã không còn phù hợp hoặc thiếu; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về hành nghề công chứng. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công chứng hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với các luật khác như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở[1]

Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật) đang thu hút sự quan tâm của nhiều các chuyên gia, nhà quản lý và đặc biệt là của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực Công chứng. Dưới đây tác giả xin giới thiệu một vài bàn luận xoay quanh Dự thảo luật này.

1. Mở rộng phạm vi công chứng

Sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, Dự thảo Luật giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu. Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ “cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự, công chứng viên có quyền chứng nhận bản dịch giấy tờ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại. Quy định này nhằm nâng cao chất lượng bản dịch giấy tờ, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu chứng nhận bản dịch. Qua đó, Nhà nước cũng quản lý tốt hơn thị trường dịch vụ dịch thuật hiện nay”.

Hiện tại có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này, cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng cũng có ý kiến không tán thành, vì hoạt động công chứng ở nước ta đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ xác nhận về mặt hình thức.

Tuy nhiên, cũng có một lý khác cần phải tính đến là trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước xã hội dân sự thì cùng một loại việc nếu Nhà nước làm cũng tốt, xã hội làm cũng tốt thì nên giao cho xã hội làm, xu hướng thế giới đi theo hướng như thế, Nhà nước lúc đấy thu thuế, không phải làm nữa thì ta giảm tải được bộ máy công chức nhà nước. Giả sử trong tình hình hiện nay các cơ quan nhà nước, các UBND chứng thực cũng là bình thường, nói tốt lắm là không tốt đâu. Chúng ta biết rồi, đi xin một giấy chứng thực cũng không phải là đã hoàn toàn tốt, đã đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Bây giờ mở thêm một kênh nữa cho công chứng viên cũng chứng thực loại việc này để hai bên chỗ nào tốt thì dân đến, gần dân thì người ta đến là tốt, trong khi đó Nhà nước lại thu được thuế của văn phòng công chứng thì tại sao không làm. Tôi nghĩ không có nghĩa là cứ Nhà nước không làm được mới xã hội hóa[2].

2. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch[3]

Cùng với việc mở rộng phạm vi công chứng, Điều 2 của Dự thảo Luật còn quy định công chứng viên được giao thẩm quyền chứng nhận tính xác thực của bản dịch; đồng thời, quy định công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính xác thực của giấy tờ được dịch, về tư cách pháp lý của người dịch và trình tự, thủ tục công chứng bản dịch, còn người dịch chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch.

Bên cạnh ý kiến tán thành với chủ trương nêu trên, cũng có những ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này, bởi lẽ dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung được dịch thuật cũng như các ngôn ngữ có thể có yêu cầu dịch rất đa dạng, phong phú. Do đó, yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch về tính hợp pháp, tính xác thực của các giấy tờ, nội dung được dịch sẽ vượt quá khả năng của những người này, trong khi tiêu chuẩn của công chứng viên tại Điều 13 của Dự thảo Luật cũng không đòi hỏi công chứng viên phải biết ngoại ngữ. Các ý kiến này cho rằng, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên còn chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, việc chuyển trách nhiệm chứng thực bản dịch từ Phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện sang cho các tổ chức hành nghề công chứng cũng khó có thể bảo đảm chất lượng các bản dịch được công chứng sẽ tốt hơn vì bản chất của vấn đề phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ dịch thuật viên.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch. Cho rằng quy định này là không khả thi, đặc biệt là trong trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Với trình độ hiện tại, công chứng viên cũng chỉ có thể bảo đảm chứng thực chữ ký của người dịch như các Phòng tư pháp đang làm hiện nay. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng của bản dịch, cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này.

3. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng[4]

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, Dự thảo Luật quy định tại Điều 6 như sau:

“1. Văn bản công chứng giá trị bắt buộc thực hiện đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch và các cơ quan, tổ chức liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận về quyền được yêu cầu cưỡng chế thi hành nghĩa vụ thì khi một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền được yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền cưỡng chế thi hành hợp đồng, giao dịch đó.

2. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố vô hiệu.

3. Chữ ký của người dịch được công chứng viên chứng nhận có giá trị chứng minh người dịch đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người dịch về nội dung của bản dịch”.

Như vậy, Điều 6 Dự thảo Luật quy định theo hướng hợp đồng đã được công chứng có giá trị thi hành đối với các bên tham gia ký kết. Trường hợp các bên ký kết hợp đồng có thỏa thuận về quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành hợp đồng đó, trừ trường hợp có tranh chấp liên quan đến hợp đồng và Tòa án đã tiến hành việc thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, quy định này khắc phục tình trạng phải đưa vụ việc ra Tòa ngay cả khi đã có văn bản công chứng (do một bên không thực hiện nghĩa vụ) gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho các bên; đồng thời có lợi cho người dân, giúp các bên tham gia hợp đồng yên tâm hơn khi giao kết của mình đã được đảm bảo thi hành bởi hoạt động công chứng.

Tuy nhiên, về vấn đề này, còn nhiều ý kiến cho rằng, quy định về quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành hợp đồng đã được công chứng là không phù hợp với nhiều quy định hiện hành của pháp luật về dân sự, thi hành án dân sự. Bởi lẽ, Luật Thi hành án dân sự chỉ mới quy định cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại và quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Mặt khác, nội dung của các giao dịch dân sự rất phong phú, đa dạng và diễn biến phức tạp; việc công chứng của công chứng viên đối với hợp đồng chỉ có thể bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng và thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của các bên tại thời điểm hợp đồng, thỏa thuận được giao kết. Do đó, nếu giao cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành nghĩa vụ theo hợp đồng của các bên tham gia mà không qua cơ chế tài phán (Tòa án hoặc trọng tài) thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan này vì phải xác minh xem việc yêu cầu thi hành các nghĩa vụ dân sự nói trên tại thời điểm có yêu cầu thi hành có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

4. Độ tuổi của công chứng viên

Về độ tuổi của công chứng viên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hiện đang đặt ra 02 phương án khác nhau, cụ thể: Phương án 1, công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức, có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi. Phương án 2, không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng viên trong Luật này, tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này[5]

Đối với 02 phương án nêu trên, những chuyên gia đồng tình với phương án 1 cho rằng: Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nói riêng và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế nói chung. Do đó, để kiểm soát chất lượng của hoạt động công chứng, trong dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn để quản lý tiêu chuẩn của người hành nghề công chứng trong suốt quá trình hành nghề, đặc biệt là tiêu chuẩn về sức khỏe. Do vậy, đa số ý kiến tán thành với quy định Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.

Tuy nhiên cũng không ít chuyên gia bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định “khống chế” độ tuổi hành nghề công chứng, bởi lẽ tuổi hành nghề và tuổi nghỉ hưu là 2 nội dung khác nhau. Bộ luật Lao động hiện không khống chế tuổi hành nghề, chỉ có một số nghề có thể gây hại mới khống chế tuổi hành nghề. Vì vậy, Dự thảo Luật chỉ nên quy định tuổi nghỉ hưu của công chứng trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Bộ luật Lao động, không  nên “khóa” độ tuổi hành nghề, nhất là với nghề công chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý của văn bản công chứng thì công chứng viên cần có sức khỏe, do đó trong luật cần quy định 1 năm phải đi khám sức khỏe một lần để bảo đảm sự minh mẫn của công chứng viên.

5. Trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên

Liên quan đến tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc hình thành tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là cần thiết để tập hợp, đoàn kết hội viên nhằm phát huy vai trò tự quản của các tổ chức này; hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc quản lý hành nghề công chứng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người hành nghề công chứng.

Tuy nhiên, về trách nhiệm tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, hiện có hai loại ý kiến. Một số ý kiến cho rằng, công chứng là một nghề quan trọng, vì vậy, công chứng viên phải có nghĩa vụ tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên để tăng cường tính tự quản trong hoạt động công chứng, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Liên minh Công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên.

Không đồng tình quan điểm trên, nhiều ý kiến khác cho rằng việc tham gia hội trước hết phải dựa trên nhu cầu tự nguyện, tự quản của công dân, tổ chức được liên kết với nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hiến pháp đã khẳng định, công dân có quyền tự do lập hội. Do vậy, không thể quy định trong Dự thảo Luật nghĩa vụ công chứng viên phải tham gia một tổ chức xã hội – nghề nghiệp nhất định.

Mai Hoa

Tài liệu tham khảo

1. Quốc Huy, Nên cân nhắc việc mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, đăng tải trên trang web http://www.congly.com.vn;

2. Minh Vân, Thận trọng khi mở rộng thẩm quyền cho văn phòng công chứng và công chứng viên, đăng tải trên trang web http://www.daibieunhandan.vn;

3. Thu Hằng, Cho ý kiến dự thảo Luật công chứng (sửa đổi): Đồng thuận mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, đăng tải trên trang web http://www.moj.gov.vn;

4. Thu Hằng, Sửa đổi Luật Công chứng: Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, theo Báo Pháp luật online;

5. Lục Bình, Có nên “khóa” độ tuổi hành nghề công chứng?, đăng tải trên trang web http://www.daidoanket.vn;

6. Ðể công chứng và chứng thực đến gần dân hơn, đăng tải trên trang web http://www.nhandan.com.vn;

7. Có nên mở rộng phạm vi công chứng?, đăng tải trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam;

8. Không cần “khóa” độ tuổi hành nghề công chứng, đăng tải trên trang web http://www.thanhtra.com.vn


[1] Tờ trình số 424/TTr-CP ngày 20/20/2013 của Chính phủ về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

[2] Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Không phải là khi nhà nước không làm thì mới được mới xã hội hóa, đăng tải trên trang web http://www.daibieunhandan.vn

[3] Có nên mở rộng phạm vi công chứng?, đăng tải trên trang web http://www.baoninhthuan.com.vn

[4] Có nên mở rộng phạm vi công chứng, đăng tải trên web http://www.baoninhthuan.com.vn

[5] Không cần “khóa” độ tuổi hành nghề công chứng, đăng tải trên trang web http://www.thanhtra.com.vn