I. Vài nét về hệ thống tòa án ở Hoa Kỳ
Tổ chức bộ máy nhà nước ở Hoa Kỳ được chi phối bởi 2 đặc trưng cơ bản. Thứ nhất, đó là tổ chức bộ máy nhà nước dựa trên nền tảng của chế độ liên bang (federalism). Thứ hai, trong tổ chức bộ máy nhà nước ở cấp liên bang nguyên tắc “phân lập quyền lực” (separation of powers) được áp dụng một cách triệt để.
Theo nguyên tắc phân lập quyền lực được thể hiện trong Hiến pháp Hoa Kỳ, chính quyền liên bang được chia thành 3 nhánh quyền lực là nhánh lập pháp, nhánh hành pháp và nhánh tư pháp. Mục 1 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rõ “mọi quyền lập pháp được trao cho một Quốc hội gồm Thượng viện và Viện dân biểu”. Mục 1 Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định “quyền hành pháp được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ”. Mục 1 Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định “quyền tư pháp được trao cho Tòa án tối cao và các tòa án thấp hơn do Quốc hội thành lập.”
Điều khá đặc biệt là Hiến pháp Hoa Kỳ, từ khi ban hành năm 1787 tới nay vẫn duy trì quy định tại mục 1 Điều 3 “Thẩm phán, của Tòa Tối cao hoặc các tòa án thấp hơn, sẽ đảm nhận nhiệm vụ của mình trong thời kỳ vẫn duy trì được hạnh kiểm tốt, và sẽ được nhận một khoản đãi ngộ để bù đắp cho sự phục vụ của mình ở mức không bị rút giảm trong thời gian tại vị.”
Như vậy, bản thân Hiến pháp đã quy định cứng 2 cơ chế bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử: (1) không lo bị mất việc khi không có lý do chính đáng và (2) không bị giảm lương trong thời gian tại vị vì bất cứ lý do gì.
Hệ thống tòa án liên bang của Hoa Kỳ được cấu trúc thành 3 tầng là (1) các tòa án quận (district courts), (2) các tòa phúc thẩm (appeals courts)[1] và (3) tòa tối cao. Cấu trúc này được thiết lập từ năm 1789 theo Luật về Tòa án năm 1789 (the Judiciary Act of 1789).
Hiện tại, hệ thống tòa án của Hoa Kỳ có 94 tòa án quận[2] (tức là địa hạt của tòa án quận không nhất thiết trùng với địa hạt của các bang vì Hoa Kỳ chỉ có 50 bang, mặc dù mỗi bang được bố trí có ít nhất 1 tòa án quận) với 678 thẩm phán.[3] Tòa án quận giải quyết các vụ tranh chấp ở cấp sơ thẩm. Ngoài ra, có 2 tòa án sơ thẩm có thẩm quyền hạn chế là Tòa Thương mại quốc tế (the Court of International Court) (giải quyết các vụ việc liên quan tới hải quan và thương mại quốc tế) và Tòa Khiếu kiện đòi bồi thường liên bang (the U.S. Court of Federal Claims) có chức năng giải quyết các yêu cầu đòi chính quyền liên bang bồi thường hoặc các vụ tranh chấp hợp đồng do chính quyền liên bang giao kết hoặc các vụ việc khiếu kiện chính quyền liên bang tịch thu hoặc trưng thu/trưng mua trái luật đối với tài sản tư nhân. Năm 2010, các tòa án quận của Hoa Kỳ phải thụ lý khoảng 290 ngàn vụ việc sơ thẩm các loại (đó có thể là các vụ việc về dân sự hoặc vụ việc về hình sự).
Hoa Kỳ có 13 tòa phúc thẩm đóng vai trò xem xét các kháng nghị, kháng cáo đối với bản án, quyết định của tòa án quận. Năm 2010, các tòa phúc thẩm này thụ lý giải quyết khoảng 55 ngàn vụ việc các loại.
Tòa Tối cao đóng vai trò là tòa án đứng đầu hệ thống tòa án của Hoa Kỳ, thụ lý các vụ việc liên quan tới các vấn đề mang tính tranh cãi về cách hiểu quy định của Hiến pháp. Đây chính là tòa án thực hiện chức năng bảo hiến ở Hoa Kỳ. Hàng năm, Tòa Tối cao nhận được hàng ngàn đơn yêu cầu xem xét các vụ việc. Tuy nhiên, số lượng vụ việc được Tòa Tối cao chấp nhận xem xét và ra phán quyết rất nhỏ. Chẳng hạn, năm 2010, trong số 7.857 vụ việc được các đương sự đề nghị Tòa Tối cao xem xét, giải quyết thì chỉ có 86 vụ việc được Tòa Tối cao chấp nhận xem xét.[4]
Bên cạnh hệ thống tòa án liên bang là hệ thống tòa án của các bang (50 hệ thống tòa án bang) và của 2 vùng lãnh thổ là Puerto Rico và Quận Columbia. Hệ thống tòa án của mỗi bang cũng được cấu trúc thành 3 tầng theo đó ở tầng thấp nhất là các tòa án quận/tòa án địa hạt (district courts hoặc county courts) cùng một số loại tòa sơ thẩm đặc biệt gồm: Tòa vị thành niên (Juvenile Court), Tòa giao thông (Traffic Court), Tòa khiếu kiện nhỏ (Small Claims Courts), Tòa gia đình (Family Court). Các tòa án ở tầng thấp nhất này giải quyết sơ thẩm các vụ việc. Ở tầng trung gian là các Tòa án phúc thẩm (Courts of Appeals). Ở tầng cao nhất là Tòa tối cao của Bang. Trong năm 2010, tòa sơ thẩm của các bang thụ lý giải quyết khoảng 90 triệu vụ việc các loại, Tòa phúc thẩm của các bang thụ lý giải quyết khoảng 300 ngàn vụ việc và 50 tòa tối cao của các bang thụ lý giải quyết khoảng 85 ngàn vụ việc các loại.
II. Tư pháp độc lập ở Hoa Kỳ
Tư pháp độc lập (judicial independence) (hay độc lập xét xử) là một giá trị cốt lõi trong văn hóa chính trị-pháp lý của Hoa Kỳ. Giá trị ấy được công nhận và theo đuổi từ khi sáng lập hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy cách hiểu về tư pháp độc lập trong thực tiễn rộng hẹp khác nhau, nhưng điểm cốt lõi của tư pháp độc lập ở Hoa Kỳ chính là sự độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử, theo đó thẩm phán giải quyết vụ việc tranh chấp một cách vô tư, khách quan, không thiên vị, không bị ảnh hưởng trong quyết định của mình bởi các áp lực đến từ bên ngoài, ngay cả đó là áp lực của công chúng.[5] Thực tiễn hoạt động của tòa án ở Hoa Kỳ cho thấy, khi giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể, trong đó lợi ích giữa hai bên tranh chấp mang tính đối chọi nhau về tính thắng/thua, hợp pháp/bất hợp pháp, đúng/sai, các bên thường mong muốn vụ việc được kết thúc theo hướng có lợi cho mình. Trong bối cảnh đó, có 3 nguồn áp lực chính mà người làm công tác xét xử (thẩm phán) thường phải đối mặt đó là: (1) các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong bộ máy cầm quyền, bao gồm cả lãnh đạo của tòa án, thẩm phán của tòa án cấp trên (nhất là trong các vụ xét xử có liên quan tới cán bộ lãnh đạo của các cơ quan này hoặc thân hữu của những cán bộ này); (2) các bên đương sự trong vụ việc; và (3) dư luận xã hội (áp lực dư luận).[6] Tư pháp độc lập vì thế chính là sự độc lập của những người làm công tác xét xử (thẩm phán) đối với cả 3 nguồn áp lực kể trên. Ngoài ra, sự độc lập của người làm công tác xét xử còn bao hàm sự độc lập của chính những người cùng làm công tác xét xử với nhau khi giải quyết một vụ án (tức là sự độc lập của các thẩm phán với nhau), thậm chí là sự độc lập của bản thân người làm công tác xét xử với chính mình (theo nghĩa họ không được xét xử những vụ việc mà bản thân họ đã có định kiến hoặc có lợi ích liên quan tới vụ việc hoặc với các bên trong vụ việc ấy).
Douglass North, một học giả nổi tiếng về kinh tế và pháp luật người Mỹ (giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1993) đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, việc thiết lập và duy trì một nền tư pháp độc lập, đảm bảo cho pháp luật, mệnh lệnh của nhà nước được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh, củng cố chữ “tín” của nhà nước, chữ “tín” của pháp luật là một trong những bí quyết thúc đẩy phát triển kinh tế ở chính Hoa Kỳ trong suốt chiều dài lịch sử của mình.[7]
Điều thú vị là, tuy “độc lập xét xử” là một giá trị được thừa nhận rộng rãi tuy nhiên cơ chế bảo đảm tính độc lập xét xử của thẩm phán ở chính Hoa Kỳ cũng có tính đa dạng. Điều đó thể hiện trước hết ở cách thức hình thành nên đội ngũ thẩm phán ở Hoa Kỳ. Bên cạnh hệ thống tòa án liên bang, Hoa Kỳ còn có 50 hệ thống tòa án của các bang, đó là chưa kể tới hệ thống tòa án của Quận Columbia và Puerto Rico. Cụ thể, nếu như với hệ thống tòa án liên bang, Hiến pháp quy định rõ chế độ bổ nhiệm thẩm phán suốt đời (hiện tại tổng số thẩm phán của tòa án liên bang vào khoảng 900 thẩm phán), thì ở nhiều bang, thẩm phán có thể được hình thành bằng con đường bổ nhiệm hoặc do dân bầu. Bản thân thực tế ấy đã cho thấy, không có lời giải duy nhất cho việc thiết lập cơ chế bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử của thẩm phán ở ngay chính trên mảnh đất Hoa Kỳ. Điều này cũng hàm ý rằng, các quốc gia khác nhau có thể thiết lập và duy trì các cơ chế bảo đảm sự độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử không hoàn toàn giống nhau.
III. Những yếu tố bảo đảm tính độc lập tư pháp ở Hoa Kỳ
Theo các học giả nghiên cứu về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ[8] cơ chế bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử (độc lập tư pháp) bao gồm những yếu tố căn bản sau đây:
Thứ nhất, yếu tố về cấu trúc của hệ thống tòa án. Hệ thống tòa án của Hoa Kỳ được cấu trúc thành một hệ thống riêng biệt với hai nhánh (ngành) quyền lực khác là Quốc hội lưỡng viện (nhánh lập pháp) và Tổng thống (nhánh hành pháp). Như phần trên đã lập luận, hệ thống tòa án liên bang của Hoa Kỳ là 1 hệ thống 3 tầng: tòa án quận (giải quyết các vụ việc sơ thẩm), tòa án phúc thẩm (giải quyết các yêu cầu giải quyết vụ việc theo thủ tục phúc thẩm) và Tòa tối cao. Hệ thống tòa án này được coi là các cơ quan của liên bang nên các công việc của tòa án liên bang không phải báo cáo với các cơ quan ở địa phương (dù đó là cơ quan dân cử) hoặc các cơ quan của bang.
Điều cũng rất đáng lưu ý là mối quan hệ giữa các cấp tòa án chỉ là mối quan hệ về tố tụng chứ không có mối quan hệ cấp trên, cấp dưới. Các cơ quan tòa án thực hiện thẩm quyền của mình một cách độc lập, không cần và cũng không được phép thực hiện việc thỉnh thị án với các tòa án ở tầng cao hơn.
Giữa Tòa Tối cao với Tổng Thống và Quốc hội không tồn tại mối quan hệ mang tính chất báo cáo công tác. Tuy Tổng thống và Quốc hội cùng tham gia vào quá trình bổ nhiệm thẩm phán Tòa Tối cao khi có sự khuyết thiếu thẩm phán nhưng khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ việc Tòa tối cao thực hiện công việc của mình một cách độc lập trong phạm vi thẩm quyền luật định. Quốc hội và Tổng thống không được phép tạo ra bất cứ áp lực nào đối với việc thực thi chức trách bình thường của các thẩm phán. Lãnh đạo Tòa Tối cao cũng không phải thực hiện việc báo cáo công tác thường niên trước Quốc hội (dù đó là báo cáo trước Thượng viện hay Hạ viện).
Về việc quản lý cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các thẩm phán, quản lý đội ngũ cán bộ giúp việc cho các thẩm phán cho tới năm 1939, công việc này (đối với các tòa án liên bang) được giao cho liên Bộ: Bộ Nội vụ, Kho bạc liên bang và Bộ Tư pháp thực hiện. Tuy nhiên, khi khối lượng công việc của các tòa án ngày càng nhiều, sự trợ giúp của đội ngũ cán bộ giúp việc[9] cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho thẩm phán ngày càng trở nên quan trọng thì đội ngũ thẩm phán ở Hoa Kỳ (vào đầu thế kỷ 20) bắt đầu lập luận rằng nếu chỉ bảo đảm cho thẩm phán 2 yếu tố là (1) bổ nhiệm suốt đời và (2) không bị cắt giảm lương trong quá trình tại vị/đương chức thì vẫn chưa bảo đảm tính độc lập của tòa án. Đối với tòa án ở các bang mà thẩm phán được hình thành bằng con đường bầu cử thì việc để cho Bộ Tư pháp các bang trực tiếp quản lý hành chính đối với các tòa án bang càng làm cho thẩm phán bang khó bảo đảm tính độc lập của mình.
Phúc đáp đối với những lập luận này, năm 1939 Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định thành lập Văn phòng quản lý hành chính của các tòa án liên bang (Administrative Office of the U.S. Courts)[10] với tư cách là một cơ quan độc lập (tách khỏi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ) chịu sự giám sát trực tiếp của Hội đồng thẩm phán liên bang[11] để đảm nhiệm các công việc quản lý các công việc hành chính phục vụ hoạt động của các tòa án liên bang. Trong một diễn biến tương tự, từ năm 1940, các bang cũng tiến hành thành lập Văn phòng quản lý hành chính đặt dưới sự giám sát của Tòa Tối cao của Bang để thực hiện các công việc quản trị hành chính liên quan tới hoạt động của tòa án bang.
Với việc thành lập Văn phòng quản lý hành chính, công việc lập dự toán ngân sách cho các hoạt động của Tòa án liên bang được tiến hành bởi Văn phòng quản lý hành chính. Số liệu ngân sách này sẽ được đưa vào dự luật ngân sách liên bang do phía hành pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định (phía hành pháp không có quyền điều chỉnh dự toán ngân sách do Văn phòng quản lý hành chính đệ trình). Khi bảo vệ ngân sách trước Quốc hội, Văn phòng quản lý hành chính sẽ trực tiếp đảm nhiệm công việc này.
Như vậy, từ năm 1939, hệ thống tòa án liên bang đã trở thành độc lập cả về mặt hành chính đối với nhánh hành pháp và nhánh lập pháp liên bang. Đây cũng được xem là một trong những yếu tố bảo đảm tính độc lập của hệ thống tòa án liên bang ở Hoa Kỳ.
Thứ hai, việc chọn lựa thẩm phán ở Hoa Kỳ
Thẩm phán liên bang được lựa chọn bằng một quy trình thống nhất với sự can dự của Tổng thống và Thượng viện. Theo đó, Tổng thống là người đề cử thẩm phán liên bang và được Thượng viện phê chuẩn (theo quy định tại Mục 2 Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ). Trong thực tế, tên của những ứng viên tiềm năng thường được đề nghị từ phía các thượng nghị sỹ hoặc hạ nghị sỹ cùng đảng với Tổng thống ở địa bàn đang khuyết thẩm phán, sau đó Bộ Tư pháp liên bang sẽ đóng vai trò cố vấn cho Tổng thống về việc chọn lựa ứng viên chính thức đề nghị Thượng viện phê chuẩn. Trước khi được Thượng viện phê chuẩn, Ủy ban tư pháp của Thượng viện sẽ tiến hành các phiên điều trần để bàn về sự phù hợp của mỗi ứng viên cho vị trí thẩm phán tòa liên bang. Tuy nhiên, rất lưu ý là bản thân các tòa án trong hệ thống tòa án (ngay cả Tòa Tối cao), Hội đồng thẩm phán Hoa Kỳ và Văn phòng quản lý hành chính của các Tòa án Hoa Kỳ đều không có vai trò gì trong việc đề cử hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán liên bang.[12]
Như phần trên đã đề cập sơ bộ, điều khá đặc sắc là với thẩm phán bang, cách thức chọn lựa ở Hoa Kỳ lại rất đa dạng. Cụ thể, có bang, việc lựa chọn được tiến hành bằng hình thức bổ nhiệm (do Thống đốc bang bổ nhiệm), có bang việc lựa chọn được tiến hành bằng cơ chế bầu cử theo đảng phái hoặc không theo đảng phái. Tuy nhiên, hầu hết thẩm phán và các tổ chức nghiên cứu về cải cách tòa án đều cho rằng cơ chế bầu thẩm phán không phải là cơ chế chọn lựa thẩm phán tốt nếu nhìn từ yêu cầu bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử vì e ngại rằng cơ chế bầu thẩm phán sẽ buộc thẩm phán phải chiều theo ý kiến của dân chúng trong các phán quyết của mình mà không tôn trọng đầy đủ nội dung và tinh thần của luật.[13]
Thứ ba, chế độ đãi ngộ đối với thẩm phán.
Thực tiễn ở Hoa Kỳ cho thấy duy trì một chế độ đãi ngộ tốt về tiền lương là điều kiện bảo đảm quan trọng để thẩm phán cảm nhận được vị trí xã hội, vinh dự nghề nghiệp của mình, yên tâm làm việc và duy trì được sự độc lập trong hoạt động xét xử.
Đối với các thẩm phán liên bang, nguyên tắc đãi ngộ đối với thẩm phán về lương đã được quy định rõ trong Hiến pháp Hoa Kỳ, theo đó (như phần trên đã dẫn), “Thẩm phán, của Tòa Tối cao hoặc các tòa án thấp hơn, sẽ đảm nhận nhiệm vụ của mình trong thời kỳ vẫn duy trì được hạnh kiểm tốt, và sẽ được nhận một khoản đãi ngộ để bù đắp cho sự phục vụ của mình ở mức không bị rút giảm trong thời gian tại vị.”
Trong thực tế, lương của thẩm phán tòa án luôn cao hơn một cách đáng kể so với các quan chức hành chính trong bộ máy chính quyền. Lương của thẩm phán cũng thường cao hơn so với thu nhập bình quân trên đầu người của xã hội khoảng 5-6 lần. Ví dụ, vào năm 2000, khi mức lương bình quân trên thị trường lao động vào khoảng 32 ngàn USD/năm thì lương trả cho thẩm phán liên bang ở tòa sơ thẩm là 141.300 USD/năm, tòa phúc thẩm là 149.900 USD/năm, tòa tối cao là 173.600USD/năm.[14] Năm 2009, lương của thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang là 174.000USD/năm, lương của thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang là 184.000USD/năm và lương của thẩm phán tòa tối cao liên bang là 213.900USD/năm, riêng lương của Chánh án Tòa Tối cao là 223.500USD.[15] Năm 2014, lương của thẩm phán Tòa sơ thẩm liên bang là 199.100 USD/năm, lương của thẩm phán Tòa phúc thẩm là 211.200 USD/năm, lương của thẩm phán Tòa tối cao là 244.400 USD/năm, lương của Chánh án Tòa Tối cao Hoa Kỳ là 255.500USD/năm.[16] Chế độ lương dành cho thẩm phán được công bố công khai tại website <http://www.uscourts.gov/JudgesAndJudgeships/JudicialCompensation/judicial-salaries-since-1968.aspx>.
Thứ tư, ban hành các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán để phòng tránh các trường hợp xảy ra xung đột lợi ích (conflicts of interests). Từ năm 1989, Hoa Kỳ đã ban hành luật quy định việc minh bạch hóa những món quà mà thẩm phán được tặng, các khoản thu nhập ngoài lương mà thẩm phán có được từ các hoạt động liên quan tới nghề nghiệp. Theo quy định tại Điều 501 đến 505 của Bộ pháp điển số 5 (5 U.S.C), thẩm phán có thể thực hiện một số hoạt động liên quan tới việc viết sách hoặc giảng dạy, tuy nhiên, thu nhập từ các nguồn ngoài lương này không được vượt quá 15% mức lương mà thẩm phán đã nhận hàng năm. Thẩm phán cũng phải thực hiện việc công khai hóa tài sản và thu nhập của mình để công chúng có thể biết và kiểm soát. Theo quy định tại Điều 455 Bộ pháp điển số 28, thẩm phán phải từ chối thụ lý và giải quyết các vụ việc mà do có lợi ích liên quan nên không bảo đảm tính vô tư, khách quan, độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc. Các quy định tương tự cũng tồn tại trong các đạo luật của các bang quy định về hành vi của thẩm phán.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán của các tòa án ở Hoa Kỳ còn có những hướng dẫn về cách ứng xử của các thẩm phán trong việc phát ngôn trước công chúng, gắn bó với các đảng phái chính trị, việc tham gia thành viên hoặc trong các hội đồng của các tổ chức tư nhân. Tuy những hướng dẫn này không được quy định trong luật nhưng trong thực tế hầu hết các thẩm phán đều coi như những chỉ dẫn về đạo đức nghề nghiệp và đều gắng tuân thủ những chỉ dẫn như vậy để bảo đảm tính vô tư, khách quan, tính độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án.
Thứ năm, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp, các luật sư rất coi trọng giá trị về tư pháp độc lập. Liên đoàn luật sư Hoa Kỳ còn thiết lập riêng một Ủy ban thường trực về Tư pháp độc lập (Standing Committee on Judicial Independence - SCJI) với các sứ mệnh cơ bản như: (1) hỗ trợ các tòa án và các đoàn luật sư phát hiện, phòng ngừa và phản ứng lại với các biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử; (2) thúc đẩy, nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của tư pháp độc lập và việc chọn lựa các thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp làm việc cho hệ thống tòa án Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền; (3) nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nâng cao sự độc lập trong hoạt động xét xử của các thẩm phán; (4) tiếp nhận và xử lý, hỗ trợ xử lý các khiếu nại từ các đoàn luật sư cáo buộc về các hành vi vi phạm nguyên tắc độc lập tư pháp.[17]
Tóm lại, độc lập tư pháp là một giá trị căn bản mà Hiến pháp và pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hàng trăm năm qua. Để bảo đảm sự độc lập tư pháp, Hoa Kỳ đã thiết lập được một cơ chế khá hoàn thiện với hàng loạt các yếu tố, biện pháp quan trọng cả về khía cạnh tổ chức bộ máy, công tác nhân sự, chế độ đãi ngộ và cơ chế giám sát từ bên ngoài. Những kinh nghiệm của Hoa Kỳ như mô tả ở trên tuy không thể sao chép một cách máy móc nhưng rất đáng được lưu tâm nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của thẩm phán và hội thẩm ở Việt Nam hiện nay.
TS. Nguyễn Văn Cương
[1] Cho đến năm 1948 vẫn còn gọi là “circuit courts”.
[3] William T. Bianco and David T. Canon, American Politics Today: Essential 3rd ed (New York: Norton & Company, 2013) at 364-365.
[4] William T. Bianco and David T. Canon, American Politics Today: Essential 3rd ed (New York: Norton & Company, 2013) at 365.
[5] Mira Gur-Arie and Russell Wheeler, “Judicial Independence in the United States: Current Issues and Background Information” <http://www.fjc.gov/public/pdf.nsf/lookup/JudIndep.pdf/$file/JudIndep.pdf>
[6] Frank Cross, “Judicial Independence” in Keith E. Whittington, et. al (eds.), The Oxford Handbook of Law and Politics (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 558-560.
[7] Georg Vanberg, “Establishing and Maintaining Judicial Independence” in Keith E. Whittington, et. al (eds.), The Oxford Handbook of Law and Politics (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 108.
[8] Chẳng hạn, xem: Mira Gur-Arie and Russell Wheeler, “Judicial Independence in the United States: Current Issues and Background Information” <http://www.fjc.gov/public/pdf.nsf/lookup/JudIndep.pdf/$file/JudIndep.pdf>; Georg Vanberg, “Establishing and Maintaining Judicial Independence” in Keith E. Whittington, et. al (eds.), The Oxford Handbook of Law and Politics (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 108; Frank Cross, “Judicial Independence” in Keith E. Whittington, et. al (eds.), The Oxford Handbook of Law and Politics (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 558-560.
[9] Hiện tại, chỉ tính riêng với hệ thống tòa án liên bang, đội ngũ cán bộ giúp việc các loại đã lên tới 32 ngàn người làm việc tại hơn 800 địa điểm mà hệ thống tòa án liên bang cung cấp dịch vụ: http://www.uscourts.gov/FederalCourts/UnderstandingtheFederalCourts/AdministrativeOffice.aspx
[10] Website của cơ quan này là http://www.uscourts.gov/FederalCourts/UnderstandingtheFederalCourts/AdministrativeOffice.aspx.
[11] Judicial Conference of the United States. Hội đồng này gồm 26 thẩm phán phúc thẩm do Chánh án Tòa Tối cao làm Chủ tịch (được thành lập theo Điều 331 Bộ pháp điển số 28 của Hoa Kỳ: 28 U.S.C. 331).
[13] Mira Gur-Arie and Russell Wheeler, “Judicial Independence in the United States: Current Issues and Background Information” http://www.fjc.gov/public/pdf.nsf/lookup/JudIndep.pdf/$file/JudIndep.pdf
[14] Mira Gur-Arie and Russell Wheeler, “Judicial Independence in the United States: Current Issues and Background Information” http://www.fjc.gov/public/pdf.nsf/lookup/JudIndep.pdf/$file/JudIndep.pdf at 134.
[15] http://en.wikipedia.org/wiki/Federal_judge_salaries_in_the_United_States