Ngày 21/10/1970 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Điều 12 của Pháp lệnh này quy định: Tội cố ý làm trái nguyên tắc chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa[1], mà theo đó mục đích tư lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đến ngày 09/7/1985 Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (viết tắt CHXHCNVN) công bố Bộ luật Hình sự (viết tắt BLHS) năm 1985, Điều 174 của Bộ luật này quy định về tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng[2], mục đích vụ lợi và hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của tội này. Khung hình phạt tối đa là 7 năm tù đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985, được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989, mà theo đó hình phạt đối với tội này nghiêm khắc hơn so với quy định trước đó. Tại khoản 11 Điều 2 của Luật này Điều 174 được sửa đổi, bổ sung mà theo đó cấu thành cơ bản của tội này có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, ngày 21/12/1999, tại kỳ họp thứ 6 (Khóa X) Quốc hội nước CHXHCNVN đã thông qua BLHS 1999 có hiệu lực từ ngày 1/7/2000, quy định tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165 của Bộ luật này.
1.Quy định của BLHS hiện hành về tội phạm này
Điều 165 BLHS quy định:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Tóm lại, tội cố ý làm trái được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong điều luật cũng xác định rõ yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội. Tội phạm cố ý làm trái không những xâm phạm sự hoạt động quản lý kinh tế đúng đắn của Nhà nước mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho xã hội. Cho nên, bên cạnh các mức hình phạt tù quy định ở các khung, nhà làm luật còn cho phép có thể áp dụng hình phạt bổ sung, như: Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm này bao gồm: Khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm, cụ thể:
*Khách thể của tội phạm: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của NN đối với các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của NN. Đối tượng tác động của tội phạm này là các quy định của NN về quản lý kinh tế.
*Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của NN trong quản lý kinh tế. Các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế ở đây được hiểu là những quy định của các cơ quan NN có thẩm quyền như Chính phủ, Quốc hội,…quy định của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thì phải đúng thẩm quyền hoặc được Chính phủ ủy quyền hoặc cho phép làm thử để rút kinh nghiệm (ví dụ: các đặc khu kinh tế là những mô hình kinh tế mà ở đó NN cho phép làm thử, tại đó có thể có một số quy định riêng trong quản lý kinh tế). Các quy định của NN về quản lý kinh tế trong từng thời kỳ có thay đổi khác nhau cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước. Do vậy, khi xác định hành vi cố ý làm trái quy định của NN về quản lý kinh tế cần viện dẫn các quy định cụ thể là luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,…
Hành vi cố ý làm trái có thể là thực hiện không đúng (hành động) hoặc không thực hiện (không hành động) các quy định của NN về quản lý kinh tế. Hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ: cố ý làm trái quy định của NN trong việc chuyển mục đích sử dụng lấy đất nông nghiệp để cấp cho làm nhà ở; nhập những loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được gây thiệt hại cho nền sản xuất nông nghiệp trong khi NN đã có văn bản đình chỉ việc nhập khẩu các mặt hàng đó). Còn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn như là một điều kiện, phương tiện, là tiền đề để thực hiện tội phạm cố ý làm trái quy định của NN về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định về quản lý hành chính, quản lý cán bộ,… trường hợp này có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS). Ngoài ra, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của NN thì bị truy cứu về tội tham ô tài sản (Điều 278 BLHS).
Tội phạm được coi là hoàn thành khi gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng trở lên hoặc thiệt hại dưới một trăm triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là thiệt hại về vật chất cụ thể hoặc có thể là những hậu quả về chính trị, xã hội, như: làm rối loạn thị trường, làm trì trệ sản xuất, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới những hoạt động quản lý kinh tế của NN…[3].
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội là tiền đề để họ làm trái các quy định của NN về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định về quản lý hành chính, quản lý cán bộ… Trong trường hợp này, người phạm tội có thể bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281). Ngoài ra, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của NN thì bị truy cứu về tội tham ô tài sản (Điều 278)[4].
* Chủ thể của tội phạm: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế, kinh doanh, dịch vụ…của NN. Người đồng phạm có thể là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.
Đối với tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể của tội phạm bao gồm cả những nội dung quy định tại Điều 12 và Điều 13 BLHS và dấu hiệu của chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn.
Theo quy định tại Điều 277 BLHS, có thể hiểu rằng: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Quyền hạn của những người có chức vụ, quyền hạn ở đây được thể hiện ở các chức năng: Chức năng chính quyền, chức năng lãnh đạo, chức năng kinh tế, chức năng hành chính. Việc đảm nhận hay được giao chức vụ, quyền hạn có thể thường xuyên, lâu dài hoặc trong một thời gian nhất định.
* Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội có lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Người phạm tội nhận thức được hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là nguy hiểm cho xã hội, thấy được hậu quả sẽ xảy ra nhưng vì vụ lợi hay động cơ cá nhân khác nên người phạm tội mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có động cơ mục đích này thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại điểm a khoản 2 Điều 165 BLHS.
*Nhận xét chung:
So với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985 được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989, thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985 được Quốc hội thông qua ngày 22/12/1992, Điều 165 của Luật này đã không gắn mục đích vụ lợi của người thực hiện hành vi phạm tội như Điều 174 BLHS năm 1985 đã quy định, mà chỉ xác định chủ thể tội phạm là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thực hiện hành vi cố ý làm trái những quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Khung hình phạt tăng so với lần sửa đổi trước là từ 1 năm đến 7 năm, động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác chỉ là yếu tố tăng nặng cho khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Nghiên cứu các nội dung trong Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản Xã hội chủ nghĩa năm 1970 so với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định trong BLHS năm 1985 qua 2 lần sửa đổi, bổ sung có những điểm giống nhau về mục đích vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, hình phạt quy định trong điều luật đều có 3 khung, gồm: Cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng và cấu thành đặc biệt tăng nặng. Trong cấu thành cơ bản khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù; khung hình phạt tối đa là 20 năm tù trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Qua nghiên cứu các tội phạm về chức vụ quy định trong BLHS hiện hành, như: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để trục lợi (Điều 283); Tội đưa hối lộ (Điều 289); Tội làm môi giới hối lộ (Điều 290); Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291); Tội trốn thuế (Điều 161)… nhà làm luật quy định mức thiệt hại khởi điểm ít nhất tại khung cơ bản thấp hơn nhiều so với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả (khoản 1 Điều 156) quy định giá trị khởi điểm là 30.000.000 đồng, trong khi đó các tội khác như tham ô tài sản, nhận hối lộ, làm môi giới hối lộ giá trị mức khởi điểm chỉ là 2.000.000 đồng.
Rõ ràng có sự khác biệt giữa tội cố ý làm trái với các tội phạm kinh tế khác có cấu thành vật chất là yếu tố vụ lợi. Nghĩa là, tội cố ý làm trái, yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc. Qua các lần sửa đổi, bổ sung quy định về tội cố ý làm trái, tại Điều 165 BLHS hiện hành đã định lượng khá cụ thể mức thiệt hại trong các trường hợp phạm tội và chế tài áp dụng đối với từng trường hợp của loại tội phạm này.
Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp người phạm tội biết mình làm trái với các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nhưng vẫn thực hiện vì những mục đích và động cơ khác nhau. Tuy nhiên, khi tội phạm bị phát hiện, họ cố gắng “chạy” để được kết luận là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285). Không ít người tiến hành tố tụng vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã làm lợi cho người phạm tội khi chuyển sang tội danh này. Đây là việc làm trái pháp luật. Bởi vì, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng có mặt chủ quan là lỗi cố ý. Trong khi đó, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện với lỗi vô ý. Thực tế, cũng có nhiều trường hợp người phạm tội biết mình đã làm trái, muốn kéo cấp trên của mình cùng chịu nên đã xin ý kiến (bằng văn bản hoặc bằng miệng) và được cấp trên đồng ý trong khi không biết đó là việc làm trái với quy định. Khi đó, nếu có tội phạm xảy ra, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái. Đối với cấp trên trong trường hợp này nên bị xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (ngoại trừ cấp trên cũng biết được việc làm trái của cấp dưới thì phải bị truy cứu với vai trò đồng phạm)[5].
2.Những vướng mắc bất cập từ thực tiễn xét xử
Thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vẫn còn những vương mắc, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, cụ thể:
Thứ nhất, trong thời gian qua, nhiều vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng trong các tổ chức kinh tế nhưng khi xem xét trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng lại có ý kiến khác nhau về tư cách chủ thể của tội phạm này. Loại ý kiến thứ nhất: Người có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội cố ý làm trái phải là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ được quy định tại Điều 277 BLHS. Loại ý kiến thứ hai: Người có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội cố ý làm trái có thể là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định nhưng không nhất thiết phải trong khi thực hiện công vụ quy định tại Điều 277 BLHS. Nói cách khác, họ không phải là công chức, viên chức nhà nước. Ví dụ: Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần X, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y,…
Dù chưa có hướng dẫn chính thức về vấn đề này nhưng theo tinh thần quy định tại Điều 165 BLHS: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại… là thỏa mãn dấu hiệu chủ thể chứ điều văn không quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cố ý làm trái. Do đó, phải hiểu rằng đối với tội cố ý làm trái, chủ thể của tội phạm bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều 277 BLHS và người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức ngoài quốc doanh. Người viết cũng thống nhất với quan điểm này, bởi theo kết cấu trong BLHS, nhà làm luật đã sắp xếp tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào Chương XVI. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mà không đưa vào Chương XXI. Các tội phạm về chức vụ, điều này có nghĩa không xem hành vi cố ý làm trái là hành vi tham nhũng, chủ thể không nhất thiết phải là người thi hành công vụ và cũng không nhất thiết phải là người của cơ quan Nhà nước và quan điểm này đã được thực tiễn xét xử kiểm nghiệm là phù hợp.
Thứ hai, cấu thành tội phạm này, người phạm tội phải gây thiệt hại từ đủ một trăm triệu đồng trở lên mới được coi là gây hậu quả nghiêm trọng, đây là yếu tố định lượng mà các nhà làm luật quy định cấu thành cơ bản của tội phạm này. Trong trường hợp nếu người gây thiệt hại dưới một trăm triệu đồng, phải có điều kiện “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quan điểm người viết trong trường hợp này không cần thiết phải dùng cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng”, vì ngay trong tên điều luật đã thể hiện yếu tố, đó là: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, do vậy với cách viết như trên rõ là không phù hợp với điều văn của tên điều luật và cũng chính từ lý do này, trong thực tiễn đấu tranh với tội phạm cố ý làm trái gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, do có những sai phạm trong công tác quản lý tại Nông trường X từ năm 2008 – 2010, nên Giám đốc Nguyễn Tấn P. bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức từ Giám đốc xuống Phó giám đốc (tháng 10/2011). Qua xác minh đơn thư tố cáo, Thanh tra Nhà nước tỉnh có kết luận: Giai đoạn từ 9/2012 đến 9/2013 Quyền giám đốc Nông trường X là Nguyễn Tấn P. có những sai phạm trong công tác quản lý kinh tế, tài chính làm thất thoát tài sản của đơn vị hơn 95 triệu đồng. Vấn đề đặt ra, liệu có chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra để truy cứu trách nhiệm về hành vi cố ý làm trái của Giám đốc P. được không? Theo người viết, sẽ có các quan điểm khác nhau về vấn đề này, mặc dù theo kết luận, Giám đốc P. đã 02 lần làm thất thoát tài sản của Nhà nước, nhưng mỗi lần đều dưới mức định lượng theo quy định làm căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 165 BLHS, kể cả P. đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này trước đó vào tháng 10/2011, nhưng do Khoản 1 của Điều 165 BLHS quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị…” Nguyên nhân của vướng mắc này: Một là, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 1 Điều 165 BLHS, nên thực tiễn áp dụng sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; Hai là, như trên đã đề cập, ngay điều văn thể hiện tên của điều luật được viết “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nghĩa là nếu có căn cứ chứng minh thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra từ đủ 100 triệu đồng trở lên, thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng, nên không cần thiết phải quy định tiếp “gây hậu quả nghiêm trọng”, chính quy định này đã gây nên sự rắc rối, vòng lẫn quẫn không đáng có.
Thứ ba, cấu thành cơ bản của tội phạm này, người phạm tội phải gây thiệt hại cho Nhà nước từ một trăm triệu đồng trở lên, mức định lượng này theo chúng tôi chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, còn hiện tại trong điều kiện nền kinh tế của đất nước luôn tăng trưởng hàng năm nếu vẫn cứ với mức định lượng ấy làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, rõ là có sự “khiêng cưỡng”, vì với mức 100 triệu đồng đối với tài chính của doanh nghiệp hiện nay nói chung là không lớn.
Thứ tư, quán triệt tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, mà theo đó, bên cạnh việc đưa ra định hướng chung “đề cao tính nhân đạo trong xử lý tội phạm” thì Nghị quyết cũng đề cập tới những nội dung quan trọng trong sửa đổi chính sách, pháp luật hình sự, như: Giảm hình phạt tù đồng thời tăng cường áp dụng hình phạt tiền,…do vậy, cần đưa loại hình phạt là phạt tiền vào hình phạt chính của tội phạm này, vì việc mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền cũng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đối với các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế.
Thứ năm, tại khoản 4 của Điều luật có quy định: “Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm” thiết nghĩ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn trong trường hợp nào thì người phạm tội bị tịch thu một phần tài sản, trường hợp nào thì bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Thứ sáu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần sớm nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn trong trường hợp nào được coi là gây hậu quả “rất nghiêm trọng”; “đặc biệt nghiêm trọng”; với trường hợp là lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp thì phải áp dụng hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định”.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích trên, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hướng đến sự điều chỉnh có hiệu quả hơn, khắc phục sự bất cập, tính bất hợp lý và đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác phòng chống tội phạm này, chúng tôi kiến nghị: Cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu hướng dẫn thống nhất nhận thức về chủ thể của tội phạm này, để tránh những tranh cải không cần thiết. Bên cạnh đó để tạo sự ổn định lâu dài nhất đối với các điều luật có quy định mức định lượng giá trị cụ thể trong cấu thành cơ bản, chúng tôi kiến nghị có thể lấy mức lương tối thiều chung do Nhà nước quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang làm căn cứ thước đo gây thiệt hại của tội phạm này tại thời điểm vi phạm là sẽ hợp lý hơn. Mặt khác, cần sớm nghiên cứu đưa hình thức phạt tiền vào hình phạt chính của tội phạm này, do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS sắp tới đề nghị cấu thành cơ bản của tội phạm này có thể viết lại theo hướng sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm mức tháng lương cơ bản đến dưới ba trăm mức tháng lương cơ bản hoặc dưới một trăm mức tháng lương cơ bản nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ gấp năm lần đến 10 lần so với thiệt hại,…”; về áp dụng hình phạt bổ sung chỉ nên áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp là phù hợp hơn cả. Có như vậy mới khắc phục được tồn tại trong thực tiễn hiện nay, đó là, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra khá phổ biến, nhưng công tác đấu tranh xử lý hình sự còn rất hãn hữu.
[1]Kẻ nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ và thể lệ về kinh tế, tài chính, gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị phạt từ 6 tháng đến 7 năm.
[2]Người nào vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế do Nhà nước quy định, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
[3] Phạm Văn Beo (2011), Luật Hình sự Việt Nam (Quyển 2- Phần các tội phạm), NXB Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, tr 312 - 313.
[4] Phạm Văn Beo, tlđd 10, tr 302.
[5] Phạm Văn Beo, tlđd 10, tr 303.