Trước khi ban hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, việc xử lý hành vi phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Bản sơ kết kinh nghiệm về đường lối xử lý tội vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn (Công văn số 949 -NCPL ngày 25/11/1968 của Toà án nhân dân tối cao). Theo quy định tại Bản sơ kết kinh nghiệm của Toà án nhân dân tối cao về đường lối xử lý tội vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn, thì:
Tội vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn xâm phạm nền an toàn giao thông, một bộ phận của nền trật tự, trị an vốn thuộc loại tội khinh xuất. Đối với loại tội này, cần xác định chắc chắn là có hành vi phạm luật lệ giao thông, có hậu quả tác hại cụ thể do hành vi phạm tội gây nên. Đường lối xử lý đối với người phạm tội vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn được quy định như sau: “trừng trị thích đáng đối với những vi phạm nghiêm trọng, nghiêm trị đúng mức đối với những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời kết hợp với thận trọng để xem xét đầy đủ mọi tình tiết một cách toàn diện”.
Đến năm 1976, Chính phủ ban hành Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15/3/1976 quy định tội phạm và hình phạt đối với hành vi xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng và sức khoẻ của nhân dân. Tại Điều 9 của Sắc luật này có quy định “tội xâm phạm đến trật tự công cộng, an toàn công cộng và sức khoẻ của nhân dân”. Khi BLHS năm 1985 được ban hành, mà theo đó, hành vi xâm phạm đến các quy định về an toàn giao thông vận tải được quy định tại Điều 186 với tên tội danh là: “Tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến năm 1991, thì Điều luật này được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985. Tên tội danh được sửa thành “Tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải”, riêng nội dung của tội phạm vẫn được giữ nguyên.
Ngày 22/12/1999, tại kỳ họp thứ 6 khóa X Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua BLHS (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ ngày 01/7/2000, mà theo đó, tên tội danh và nội dung tội phạm trước đây được quy định tại Điều 186 BLHS năm 1985 đã có sự thay đổi cơ bản và được quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999.
1. Quy định của BLHS hiện hành về tội phạm này
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999, như sau:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.[1]
Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này
- Khách thể của tội phạm là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.
Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Để đấu tranh phòng chống vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bằng pháp luật hình sự, Nhà nước quy định tội phạm và hình phạt đối với hành vi này. Theo đó, chỉ những hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có tính chất nguy hiểm cao, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác và hành vi có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời mới bị coi là phạm tội hình sự.
Phương tiện giao thông đường bộ gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ[2]. Trong đó:
+ Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
+ Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gọi tắt là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông đường bộ cũng phải chấp hành các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vì vậy, xe máy chuyên dùng cũng được coi như phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ.
- Mặt khách quan của tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bao gồm các yếu tố: hành vi khách quan; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (gọi tắt Luật GTĐB) về bảo đảm an toàn trong hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ như quy định về:
Việc chấp hành báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách giữa các phương tiện tham gia giao thông; sử dụng làn đường; vượt xe, chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng, đỗ xe trên đường (trong và ngoài đô thị); điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua cầu, phà, trong hầm đường bộ và tại các nơi đường giao cắt; tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ; xe kéo xe và xe kéo rơ moóc;
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; người điều khiển và người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác; người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt sức vật đi trên đường bộ;
Tổ chức các hoat động khác trên đường bộ như tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội ...
Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng. Để truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 BLHS cần xác định những quy định cụ thể nào về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong Luật GTĐB bị vi phạm.
Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS, thì hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ bị coi là phạm tội khi gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, thì:
+ Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết một người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
+ Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 202 BLHS là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết hai người;
b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
+ Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết từ ba người trở lên;
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
Gữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra phải tồn tại mối quan hệ nhân quả, nghĩa là, về mặt thời gian thì hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải xảy ra trước hậu quả nêu trên. Hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả nghiêm trọng là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Tội phạm hoàn thành từ thời điểm xảy ra thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm cho về sức khoẻ, tài sản của người khác.
- Về mặt chủ quan của tội phạm, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được thực hiện do lỗi vô ý do tự tin hoặc do cẩu thả.
+ Vô ý do tự tin, trong trường hợp người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
+ Vô ý do cẩu thả, trường hợp người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
- Chủ thể của tội phạm, tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS là tội phạm nghiêm trọng; quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 202 BLHS là tội phạm rất nghiêm trọng; quy định tại khoản 4 Điều 202 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Do vậy, chủ thể của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, và khoản 4 Điều 202 BLHS là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự là người có đủ khả năng nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, có khả năng điều khiển hành vi theo hướng có lợi hay không có lợi cho xã hội, hoặc có khả năng xử sự khác không gây nguy hiểm cho xã hội. Để kết luận một nguời có đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải căn cứ quy định tại Điều 13 BLHS, theo quy định tại Điều luật này, những người không đủ năng lực trách nhiệm hình sự là: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm trong xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Như vậy, người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là người có khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và có khả năng điều khiển hành vi của mình.
*Nhận xét chung
So với quy định của BLHS năm 1985, thì quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có một số điểm mới sau:
Một là, với sự thay đổi tên tội danh, thì đối tượng tác động của tội phạm chỉ là phương tiện giao thông đường bộ.
Hai là, thiệt hại được quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999 được quy định là “thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác” thay cho quy định “thiệt hại cho tính mạng, cho sức khoẻ của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” tại khoản 1 Điều 186 BLHS năm 1985.
Ba là, tại khoản 2 Điều 202 BLHS bổ sung thêm hai tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là: “không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông” và “gây hậu quả rất nghiêm trọng.”
Bốn là,về hình phạt chính cao nhất có thể áp dụng đối với người phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS năm 1999 “phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm” thay cho quy định tại khoản 3 Điều 186 BLHS năm 1986 “phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm”. Hình phạt chính có thể áp dụng đối với người phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, được quy định tại khoản 4 Điều 202 BLHS, đó là “phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm” thay cho quy định tại khoản 4 Điều 186 BLHS năm 1986 “cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm”
Năm là, hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 là tội nhẹ hơn tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải quy định tại Điều 186 BLHS năm 1985. Bởi vì, mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS hiện hành nhẹ hơn mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 186 BLHS năm 1985.
2. Những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xét xử
Một là, về tên tội danh Điều 202 BLHS năm 1999 quy định: “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; khoản 17 Điều 3 Luật GTĐB quy định:“Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ”. Tại khoản 18 Điều 3 của Luật này quy định có tính liệt kê phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Khoản 19 của Luật này có quy định phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gọi tắt là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Trong khi đó, tại khoản 21 của Điều 3 của Luật GTĐB có quy định:“Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng”. Bên cạnh đó, tại Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ Giao thông vận tải (gọi tắt Thông tư 13/2009/TT-BGTVT), quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, mà đối tượng áp dụng của Thông tư 13/2009/TT-BGTVT gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và thực hiện các quy định về tốc độ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Song song đó, tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT có giải thích thuật ngữ phương tiện giao thông đường bộ, như sau: “Phương tiện giao thông đường bộ gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”. Từ những trích dẫn trên, rõ ràng khi đối chiếu giữa tên tội danh quy định tại Điều 202 BLHS với nội dung của một số quy định Luật GTĐB cũng như các văn bản hướng dẫn áp dụng là không tương thích với nhau, do vậy thực tiễn xét xử có quan điểm khác nhau về việc định tội danh với người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện là xe máy chuyên dụng, như: Ô tô chữa cháy; ô tô quét đường; ô tô hút chất thải; ô tô trộn vữa; ô tô trộn bê tông; ô tô bơm bê tông; ô tô cần cẩu; ô tô thang; ô tô khoan; ô tô cứu hộ giao thông; ô tô chuyên dùng loại khác như ô tô truyền hình lưu động, ô tô đo sóng truyền hình lưu động, ô tô kiểm tra và bảo dưỡng cầu, ô tô kiểm tra cáp điện ngầm, ô tô chụp X-quang, ô tô phẫu thuật lưu động gây ra hậu quả nghiêm trọng. Mà theo đó có quan điểm cho rằng, Điều 202 BLHS chỉ quy định và xử phạt đối với người có hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây ra hậu quả nghiêm trọng, mà phương tiện giao thông đường bộ phải được hiểu là loại phương tiện được quy định tại khoản 17 Điều 3 của Luật GTĐB. Quan điểm khác lập luận rằng, bất kể phương tiện gây tai nạn là xe cơ giới hoặc xe thô sơ hay xe chuyên dùng, tham gia giao thông mà gây tai nạn với hậu quả nghiêm trọng thì đều có thể áp dụng Điều 202 BLHS để điều tra, truy tố và xét xử. Hoặc với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng mà không phải khi họ tham gia giao thông trên đường (lái xe trong sân nhà, trong gara,…) cũng có những ý kiến trái chiều nhau về việc định tội danh. Từ đó thiết nghĩ rằng, nếu tên tội danh của Điều 202 BLHS được sửa đổi quy định theo hướng “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, thì chắc chắn rằng sẽ không có những vướng mắc trên.
Hai là, tình tiết “không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS. Tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT có hướng dẫn về tình tiết không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS, cụ thể gồm những trường hợp sau đây: i) Điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép, bằng lái do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái phù hợp. ii) điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, bằng lái chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái phù hợp. iii) Điều khiển phương tiện giao thông trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm điều khiển phương tiện đó. Ngoài ra, cần chú ý khi áp dụng tình tiết không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định:
- Thời hạn sử dụng của giấy phép, bằng lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp được tính từ ngày cấp phép đến khi hết hạn ghi trên giấy phép, bằng lái xe đó (hoặc theo quy định của pháp luật về thời hạn của giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đó).
- Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đã bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy phép, bằng chuyên môn mà cần tiếp tục điều khiển phương tiện nốt hành trình còn lại thì trên hành trình đó không bị coi là không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Dù được hướng dẫn như trên đã nêu, nhưng thực tiễn xét xử còn có vướng mắc, cụ thể: Tại thời điểm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả chết người, không có giấy phép lái xe theo quy định do trước đó họ đã bị kẻ trộm lấy cắp chiếc bóp trong đó có giấy phép lái xe và giấy tờ tùy thân khác, (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền), khi xét xử có Toà án áp dụng tình tiết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS đối với bị cáo, có Toà án lại không áp dụng mà chỉ xét xử như người vi phạm theo khoản tương ứng mà điều luật quy định (khoản 1 Điều 202 BLHS). Bởi theo Điều 59 của Luật GTĐB căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn. Người được cấp giấy phép lái xe Hạng B2, C, D, E và Hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo và đạt kết quả kỳ thi sát hạch, trúng tuyển mới được cấp giấy phép lái xe đúng hạng. Trường hợp giấy phép lái xe có thời hạn, trước khi hết thời hạn sử dụng thì người lái xe phải đi khám sức khoẻ và làm các thủ tục theo quy định để được đổi giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe có thể bị thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn theo quy định của Chính phủ (Điều 61 của Luật GTĐB). Về bản chất, giấy phép hoặc bằng lái xe là một “chứng thư pháp lý” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép một người có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, với trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB đã có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định nhưng giấy phép hoặc bằng lái xe đã bị mất, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh họ có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định hay không, nếu đúng việc mất giấy phép hoặc bằng lái xe của họ là sự thật thì chỉ nên truy tố, xét xử như người vi phạm theo khoản tương ứng mà điều luật quy định (khoản 1 Điều 202 BLHS) là phù hợp nhất.
Ba là, tình tiết “không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 202 BLHS. Thực tiễn xét xử khi áp dụng tình tiết này cũng không thống nhất về mặt nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Như trên đã phân tích, yếu tố lỗi của tội phạm quy định tại Điều 202 BLHS là lỗi vô ý (vô ý do tự tin hoặc vô ý do cẩu thả), nhưng tình tiết quy định tại điểm d khoản 2 Điều 202 BLHS có thể hiểu đó là hành vi cố ý không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn giao thông hoặc vô ý không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn giao thông đều được cả. Thực tế hành vi cố ý không chấp hành, hướng dẫn giao thông với hành vi vô ý không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn giao thông của người vi phạm xét về mặt ý thức chủ quan là khác nhau, vì vậy trách nhiệm hình sự áp dụng cho chúng cũng phải khác nhau. Do vậy, nếu đánh đồng trách nhiệm hình sự của hai hành vi này cùng vào điểm d, khoản 2, Điều 202 BLHS là không phù hợp và đây cũng là bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Bốn là, việc nhận tội thay cho người có hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 202 BLHS, thực tiễn xét xử cũng không phải hiếm gặp, nhưng việc áp dụng chế tài xử lý trong trường hợp đối với người nhận tội thay còn gặp nhiều khó khăn, vì: Điều 313 BLHS có quy định về tội che giấu tội phạm, mà theo đó, tại khoản 1 của Điều luật này có quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:…”. Qua nghiên cứu thấy rằng, tại khoản 1 của Điều luật này không có quy định dẫn chiếu Điều 202 BLHS, nên những người che giấu người thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại Điều 202 BLHS sẽ không bị coi là tội phạm. Ngược lại, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nhận tội thay về “Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 BLHS, vì không thỏa mãn yếu tố chủ thể.[3] Thực tế này cũng là nguyên nhân góp phần làm phát sinh tình trạng oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự thời gian vừa qua.
Năm là, với trường hợp người bị hại từ chối giám định thiệt hại, không yêu cầu bồi thường thì có tính thiệt hại thực tế đó vào tổng thiệt hại trong vụ án để làm căn cứ định khung khi truy tố, xét xử không? Ví dụ: A. điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ, không đúng phần đường nên đụng vào xe mô tô do H. điều khiển phía sau chở bà Ph. và cháu M. (03 tuổi). Hậu quả làm cháu M. bị tử vong; bà Ph. bị gãy chân phải, nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện, tỉ lệ thương tật qua giám định 20%; riêng chị H. theo hồ sơ bệnh án mà Cơ quan điều tra thu thập được có trong hồ sơ cho thấy: Gãy hở xương đòn vai trái (can liền tốt, không di chứng); gẫy thân xương chày 1 bên chân trái (đường gẫy ở trên 1/3, can xấu trục lệch, chi ngắn trên 04 cm), nhưng chị H. từ chối giám định thương tật, không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Từ đó có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất, A. bị truy tố và xét xử theo khoản 1 Điều 202 BLHS (làm chết 01 người; bị thương tật 01 người với tỉ lệ 20%). Quan điểm thứ hai, dù Ph. từ chối giám định, từ chối mọi yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng căn cứ vào bệnh án và các tài liệu có liên quan, đối chiếu với Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích (Kèm theo Thông tư liên tịch số: 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để tiến hành giám định xác định tỉ lệ thương tật của người bị hại Ph. (giám định trên hồ sơ) có như vậy mới bảo đảm việc truy tố xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tổng tỉ lệ thương tật của người bị hại chắc chắn sẽ trên 41% nhưng nhỏ hơn 100%, theo phương pháp cộng dồn thì chỉ 02 vết thương thôi thì đã trên 32%, nếu tính tổng tỉ lệ thương tật của cả 02 người sẽ trên 52%. Do vậy, căn cứ vào điểm b, tiểu mục 4.2, mục 4 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP và điểm b khoản 2 Điều 2 của Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT, cần phải truy tố và xét xử A. theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng” là mới thỏa đáng.
Thực tiễn xét xử chứng minh rằng, nếu vì lý do người bị hại từ chối giám định, không yêu cầu bồi thường thiệt hại, không đề nghị xử lý bằng pháp luật hình sự để bỏ qua những trường hợp như trên thì sẽ là không công bằng trong xử lý, không bảo đảm tính pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động tố tụng hình sự, bởi lẽ thực tiễn các tòa án đã từng xét xử những vụ án giao thông mà người điều khiển phương tiện giao thông do khinh xuất khi chuyển hướng, khi vượt,…hậu quả làm cho người cùng ngồi trên xe mô tô với bị can, bị cáo bị tử vong, mà mối quan hệ giữa họ có thể là bạn bè thân thiết, vợ sắp cưới,… cho dù người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại trước đó có đơn không yêu cầu bồi thường thiệt hại, đề nghị không xử lý bằng pháp luật hình sự, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn điều tra, truy tố, xét xử.
3. Kiến nghị
Để hoàn thiện pháp luật hình sự, tạo cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong lần sửa đổi BLHS sắp tới chúng tôi xin đề suất mấy kiến nghị sau.
Thứ nhất, tên tội danh của Điều 202 BLHS hiện hành được viết lại theo hướng sau: “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, có như thế mới thể hiện tính khái quát và bao trùm lên tất cả các phương tiện giao thông đường bộ gồm: phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Thứ hai, trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB gây hậu quả nghiêm trọng, mà trước đó đã có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định nhưng giấy phép hoặc bằng lái xe đã bị mất, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, nếu đúng việc mất giấy phép hoặc bằng lái xe của họ là sự thật thì chỉ nên truy tố và xét xử họ như trường hợp vi phạm theo khoản tương ứng mà điều luật quy định (khoản 1 Điều 202 BLHS) là phù hợp hơn cả.
Thứ ba, đối với tình tiết không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông, cần sửa đổi theo hướng: i) Nếu cố ý không chấp hành sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 202 BLHS; ii) Nếu vô ý không chấp hành thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 BLHS là phù hợp.
Thứ tư, bổ sung trường hợp được coi là phạm tội che giấu tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 313 BLHS với trường hợp một người nhận tội thay cho người có hành vi phạm tội quy định tại Điều 202 BLHS.
Thứ năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành hướng dẫn thống nhất áp dụng với trường hợp người bị thiệt hại về sức khỏe, vật chất trong vụ án giao thông, tuy họ hoàn toàn không có lỗi nhưng lại từ chối giám định tỉ lệ thương tật, từ chối mọi yêu cầu về bồi thường thiệt hại.
Kết luận
Trên đây là một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn áp dụng Điều 202 BLHS, để việc áp dụng Điều luật thật sự chính xác và hiệu quả, những kiến nghị trên rất cần sự quan tâm nghiên cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để sớm ban hành hướng dẫn thống nhất trong áp dụng hoặc luật hóa. Có như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thực tiễn mới đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn trật tự xã hội, an toàn giao thông.
Th.S Lê Văn Sua
[1] Trường Đại học luật Hà Nôi, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Tập I, NXB CAND, Hà Nội, 2005, tr 196.
[2] Khoản 17 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
[3] Phạm Văn Beo (2011), Luật Hình sự Việt Nam Quyển 2 – Phần các tội phạm), NXB Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, tr 429 – 432.