Quy định về xác định thù lao của một số nước, gợi mở về xác định định mức thù lao cho quản tài viên ở Việt Nam

 

Luật Phá sản sửa đổi Luật Phá sản 2004 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015[1] (sau đây viết tắt là LPS 2014) quy định chuyên môn hóa người làm công việc quản lý, thanh lý tài sản (bao gồm quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phá sản sau đây gọi chung là quản tài viên) thay cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản mang tính chất kiêm nhiệm trong Luật Phá sản 2004 (viết tắt là LPS 2004). Chế định Quản tài viên là một nội dung hoàn toàn mới, được xem như là một mắc xích quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án phá sản. Trong các quy định có liên quan đến Quản tài viên, tác giả chỉ đề cập đến một nội dung khá quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cả chủ nợ, con nợ và cả Quản tài viên, đó là vấn đề chi trả thù lao cho Quản tài viên.

Trong trình tự thủ tục phá sản, người quản lý, thanh lý tài sản[2] có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Họ là người trực tiếp thực hiện các công việc sự vụ, thu hồi, quản lý, tổ chức định giá, đấu giá,… tài sản của con nợ, góp ý xây dựng các phương án thanh lý, phương án phục hồi, giám sát tổ chức lại sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, để nâng cao trách nhiệm, tạo động lực cho đội ngũ này thực hiện chức năng, nhiệm vụ luật phá sản các nước đều quy định việc chi trả thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản.

Trong điều kiện xã hội hóa người làm công việc quản lý, thanh lý tài sản vấn đề chi trả thù lao càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi thù lao chính là đối tượng mà người quản lý, thanh lý nhắm tới khi tham gia vào các vụ án phá sản. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để xây dựng được một chế độ thù lao hợp lý vừa không ảnh hưởng quá lớn tới lợi ích của chủ nợ, con nợ đồng thời vừa tạo động lực để người quản lý, thanh lý tài sản hoàn thành nhiệm vụ.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước, tác giả mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm và một số gợi mở nhằm xây dựng chế độ thù lao hợp lý cho Quản tài viên ở nước ta.

1. Ý nghĩa của việc xây dựng chế độ thù lao hợp lý đối với người quản lý, thanh lý tài sản

Xét trong mối tương quan về lợi ích, nếu khoản thù lao quá thấp sẽ không tạo được động lực cho người quản lý, thanh lý tài sản tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm vào trình tự thủ tục phá sản, mà nếu thiếu đi yếu tố tích cực, trách nhiệm của chủ thể này thì quá trình tiến hành thủ tục phá sản gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể tạo ra nhiều tiêu cực từ phía người quản lý, thanh lý tài sản. Ngược lại, nếu xác định khoản thù lao quá cao sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chủ nợ, con nợ. Thực tiễn giải quyết các vụ án phá sản cho thấy khả năng thu hồi tài sản của con nợ rất thấp, tài sản của con nợ còn lại là rất ít, trong khi đó phải thực hiện chi trả cho nhiều khoản chi phí[3] từ thu hồi, quản lý đến thất thoát trong định giá, đấu giá... với phần còn lại ít ỏi mà chi trả thù lao quá cao chắc chắn số tài sản của chủ nợ thu hồi được lại càng ít, ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ nợ. Xét ở góc độ lợi ích mà nói, chế độ thù lao hợp lý trước hết phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ nợ, con nợ, người có quyền lợi ích liên quan và người quản lý, thanh lý tài sản.

Chế độ thù lao hợp lý sẽ tạo động lực vào trách nhiệm cho đội ngủ quản lý, thanh lý tài sản tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các vụ án phá sản, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án phá sản. Dưới góc độ kinh tế, phá sản là một quá trình đòi nợ mà ở đó người quản lý, thanh lý tài sản là người được thuê để giải quyết một số công việc nhất định. Khi được thuê, đương nhiên yếu tố tiên quyết khi họ tham gia chính là mức thù lao được hưởng. Trong điều kiện kinh tế thị trường thì mức thù lao phải có tính chất tương xứng với thời gian, công sức và trách nhiệm mà họ bỏ ra. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, thực hiện công việc quản lý, thanh lý tài sản phá sản không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nhiều chuyên môn nghiệp vụ trong nhiều lĩnh vực (như pháp luật, kinh tế, kế toán, kiểm toán, định giá, đấu giá....) và gắn liền với trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp (đây là nghề có tính rủi ro, nhạy cảm và cả mạo hiểm). Chính vì vậy, chế độ thù lao hợp lý sẽ tạo ra động lực cho chính người quản lý, thanh lý tài sản khi tham gia các vụ án phá sản, là cơ sở để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, thanh lý tài sản.

Tuy vậy, với bản chất của các đạo luật phá sản là nhằm thu hồi tài sản cho các chủ nợ, do đó việc đảm bảo cho lợi ích của các chủ nợ là vấn đề luôn được đặt ra, việc tiến hành trình tự phá sản nhằm chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý của con nợ là thứ yếu, là hệ quả của quá trình thu hồi nợ theo “thủ tục đòi nợ đặc biệt”. Dù áp dụng trình tự thủ tục phá sản nào, thủ tục thanh lý hay thủ tục phục hồi thì bản chất trên vẫn không thay đổi. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ thù lao hợp lý vừa đảm bảo cho lợi ích của các chủ nợ, vừa có tác dụng tích cực, tạo động lực để người quản lý, thanh lý tài sản hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế tiêu cực nảy sinh. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ người quản lý, thanh lý tài sản là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết các vụ án phá sản là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.

2. Quy định của một số nước về xác định chi phí thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản

Mỗi một quốc gia đều có cách quy định và xác định thù lao riêng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, quan điểm lập pháp. Song khi xác định thù lao đều được thể hiện qua những yếu tố sau:

2.1. Về chủ thể xác định thù lao

Hiện nay đại đa số luật phá sản các nước trên thế giới thường quy định chủ thể xác định thù lao do tòa án quyết định như luật phá sản các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, khu vực Đài Loan,.... Luật Không có khả năng trả nợ của Đức, khoản 1 Điều 64 quy định, thù lao cho người quản lý tài sản và các khoản tiền ứng ra để chi trả trong các vụ giải quyết phá sản do tòa án phá sản phán quyết xác định. Luật Phá sản Nhật, Điều 166 về “Tạm ứng chi phí, thù lao” quy định: “Quản tài viên (người quản lý tài sản phá sản) được quyền nhận tạm ứng chi phí thù lao và thù lao, hạn mức do tòa án xác định”. Luật Phá sản Mỹ quy định, căn cứ vào tình hình thực tế tòa án xác định việc thu phí của người quản lý, thanh lý tài sản. Luật Phá sản 2006 của Trung Quốc cũng quy định tương tự Luật Phá sản Mỹ, việc xác định thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản do Tòa án xác định và không được cao hơn hạn mức do pháp luật quy định. Bên cạnh đó Luật Phá sản Trung Quốc còn quy định thêm nếu có ý kiến khác biệt trong việc xác định thù lao thì hội nghị chủ nợ có quyền đề xuất lên tòa án, nếu được sự đồng ý của tòa án thì hội nghị chủ nợ và người quản lý, thanh lý tài sản có thể tiến hành hiệp thương về mức thù lao[4].

Luật Phá sản một số nước quy định việc xác định thù lao do hội nghị chủ nợ xác định hoặc cơ quan có thẩm quyền khác xác định như các nước Anh, Australia, Canada, Nga.... Luật Phá sản Anh quy định người quản lý, thanh lý tài sản do Bộ Công thương chỉ định nên thù lao do Bộ công thương xác định. Nếu Bộ Công thương không xác định thì sẽ do Hội nghị chủ nợ xác định, tuy nhiên nếu ¼ số chủ nợ trở lên hoặc chủ nợ đại diện cho ¼ tổng số nợ trở lên không đồng ý với chi trả thù lao do quá cao hoặc nếu con nợ có yêu cầu thì thù lao sẽ do Bộ Công thương xác định. Luật Phá sản Australia quy định, thù lao người quản lý, thanh lý tài sản do hội nghị chủ nợ xác định, nếu hội nghị chủ nợ không xác định thì người quản lý, thanh lý tài sản có thể thỉnh cầu tòa án xác định.

Ngoài ra, có một số nước do quy định người quản lý, thanh lý tài sản mang tính chất kiêm nhiệm, nên việc chi trả thù lao chủ yếu mang tính chất trợ cấp hành chính cho các đối tượng này khi họ thực hiện nhiệm vụ thực tế trong các vụ việc phá sản. Điều này thể hiện trong một số đạo luật như Luật Phá sản 1986 Trung Quốc, Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, Luật Phá sản 2004 của Việt Nam.

2.2. Về căn cứ xác định thù lao

Việc xác định thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản để đảm bảo được yếu tố công bằng, hài hòa lợi ích cho các chủ thể (chủ nợ, con nợ và người quản lý, thanh lý tài sản) đều phải dựa vào các căn cứ cụ thể, không thể dựa vào đánh giá chủ quan của tòa án hay sự quyết định đơn thuần của hội nghị chủ nợ. Thực tế, mỗi vụ án phá sản đều có tính chất, quy mô tài sản, phạm vi lãnh thổ khác nhau. Bên cạnh đó, có nhiều tình huống xảy ra trong quá trình áp dụng trình tự thủ tục phá sản như thay đổi người quản lý, thanh lý tài sản, con nợ không còn tài sản hoặc còn nhưng quá ít không đủ để trang trải chi phí phá sản hoặc khi con nợ được áp dụng thủ tục phục hồi,.... ở mỗi trường hợp trên, mức độ, cường độ, thời gian, công sức của người quản lý, thanh lý tài sản sẽ khác nhau. Chính vì vậy, việc đưa ra các căn cứ để xác định thù lao là rất cần thiết, nếu không sẽ thiếu đi các cơ sở xác định thù lao, làm ảnh hưởng đến lợi ích của chủ nợ, hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của người quản lý, thanh lý tài sản.

Các căn cứ là cơ sở quan trọng để đưa ra các phương pháp xác định thù lao phù hợp. Có nhiều căn cứ tòa án hoặc hội nghị chủ nợ có thể tự mình xác định được dựa vào các yếu tố tài sản của con nợ, song có những căn cứ đòi hỏi phải có sự can thiệp bởi các cơ quan chuyên môn như việc định giá, đấu giá tài sản con nợ, hoặc những căn cứ phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án phá sản như khả năng thu hồi tài sản của con nợ sau khi thụ lý vụ án hoặc khi con nợ được áp dụng thủ tục phục hồi,.....

Trên thực tế, các căn cứ để xác định thù lao chỉ mang tính chất tương đối, bởi có căn cứ có thể xác định được trên sổ sách giấy tờ, song có nhiều căn cứ phải dựa vào thực tế thực hiện nhiệm vụ của người quản lý, thanh lý tài sản. Ví dụ như vấn đề thu hồi tài sản, về nguyên tắc, các tài sản thuộc sở hữu của con nợ mà luật phá sản quy định phải thu hồi để giải quyết vụ án đòi hỏi người quản lý, thanh lý tài sản phải thực hiện, tuy vậy thực tế có tài sản thu hồi đơn giản, nhưng không ít tài sản không thu hồi được. Hoặc như vấn đề quản lý đối với tài sản của con nợ, việc quản lý tài sản bảo đảm sẽ khác về tính chất đối với tài sản không bảo đảm, hoặc quản lý đối với tài sản là động sản khác với quản lý tài sản là bất động sản. Hoặc như công việc sự vụ khi tham gia vào trình tự thủ tục phá sản, người quản lý, thanh lý tài sản với vai trò là người tham gia trong quá trình thanh lý sẽ khác vai trò với người tham gia trình tự phục hồi. Nếu không có những căn cứ xác định tương đối thì trong những trường hợp cụ thể trên sẽ rất khó xác định thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản.

Tùy vào quan điểm lập pháp mà các nước có sự quy định khác nhau về căn cứ xác định thù lao, nhưng nhìn chung các căn cứ để các nước có thể dựa vào để xác định thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản bao gồm: tài sản của con nợ (tổng tài sản của con nợ hoặc tài sản của con nợ không bao gồm tài sản bảo đảm); mức độ phức tạp trong thu hồi, quản lý, định giá, đấu giá,… đối với tài sản (xét trên mức độ quy mô tài sản, phạm vi lãnh thổ đối với tài sản của con nợ phải thu hồi, khả năng thu hồi đối với tài sản của con nợ); trình tự áp dụng đối với con nợ (con nợ sẽ được áp dụng theo trình tự nào, trình tự thanh lý hay trình tự phục hồi); thời gian tiến hành trình tự thủ tục phá sản (dài hay ngắn);….

2.3. Phương pháp xác định thù lao

Hiện nay để xác định thù lao người quản lý, thanh lý tài sản các nước thường áp dụng hai phương pháp, đó là xác định thù lao dựa vào thời gian tham gia của người quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ án và dựa vào tài sản của con nợ mà người quản lý, thanh lý tài sản tham gia thu hồi, quản lý. Ở mỗi phương pháp này đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

a) Về phương pháp xác định thù lao dựa vào thời gian tham gia vụ án của người quản lý, thanh lý tài sản

Phương pháp này được luật phá sản một số nước áp dụng như Luật Phá sản 1986 Trung Quốc, Luật Phá sản doanh nghiệp 1993, Luật Phá sản 2004 của Việt Nam. Về cách thức tính thù lao được xác định dựa trên một khoản tiền cơ bản trên một đơn vị thời gian nhất định (có thể tính dựa trên mức lương tối thiểu hoặc quy định của pháp luật đối với ngành nghề, ví dụ như đối với luật sư, kế toán, kiểm toán viên - các đối tượng này có thể tính thù lao theo giờ), sau đó tính tổng thời gian tham gia của người quản lý, thanh lý tài sản để xác định tổng số thù lao.

Ưu điểm của phương pháp này là việc xác định thù lao không cần dựa vào mức độ phức tạp của vụ án phá sản, thực trạng tài sản của con nợ thế nào để xác định thù lao. Song nhược điểm của nó lại khá lớn, đó là người quản lý, thanh lý tài sản có thể lợi dụng để kéo dài thời gian tiến hành các công việc sự vụ để hưởng thù lao, ảnh hưởng đến lợi ích của chủ nợ, quá trình giải quyết vụ án.

b) Về phương xác định thù lao dựa vào tài sản của con nợ

Phương pháp này thường áp dụng kết hợp hai yếu tố đó là tài sản của con nợ và hạn mức (phần trăm) mà người quản lý, thanh lý được hưởng trên tổng số tài sản đó. Ưu điểm của phương pháp này chính là tạo động lực để người quản lý, thanh lý tài sản thu hồi tài sản cho con nợ, bảo vệ được quyền lợi cho chủ nợ.

Hiện nay nhiều nước áp dụng theo phương pháp xác định thù lao này. Luật Phá sản Mỹ quy định, căn cứ vào tình hình thực tế mà tòa án xác định việc thu phí của người quản lý, thanh lý tài sản trong hạn mức từ 3% đến 15% trên tổng số tài sản phá sản. Hạn mức thù lao cụ thể như sau:  Nếu giá trị tài sản của con nợ dưới 5000 USD thì không được thu vượt quá 25%; quá 5000 USD đến dưới 50.000 USD không được thu quá 10%; từ 50.000 USD đến dưới 1.000.000 USD không được thu quá 5%; trên 1 triệu USD không được thu quá 3%. Luật Phá sản Trung Quốc củng có quy định tương tự, mức thù lao được xác định giới hạn phần trăm trên tổng số tài sản phá sản (không bao gồm tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán), thù lao sẽ được tính như sau: Dưới 12% nếu tài sản phá sản không quá 100 vạn nhân dân tệ; Dưới 10% nếu tài sản phá sản quá 100 vạn nhân dân tệ đến 500 vạn nhân dân tệ; Dưới 8% nếu tài sản phá sản quá 500 vạn nhân dân tệ đến 1000 vạn nhân dân tệ; Dưới 6% nếu tài sản phá sản quá 1000 vạn nhân dân tệ đến dưới 5000 vạn nhân dân tệ; Dưới 3% nếu tài sản phá sản quá 5000 vạn nhân dân tệ đến dưới 10.000 vạn nhân dân tệ; Dưới 1% nếu tài sản phá sản quá 10.000 vạn nhân dân tệ; Dưới 0,5% nếu tài sản phá sản quá 50.000 vạn nhân dân tệ (Điều 2, Bản giải thích pháp luật số 09 [2007])[5].

 Tuy vậy, việc chi trả thù lao theo phương pháp này vẫn có một số vấn đề đặt ra, ví dụ đối với các trường hợp con nợ không còn tài sản, hoặc vấn đề thay đổi người quản lý, thanh lý tài sản,… trên thực tế rất phức tạp khi xác định thù lao. Để giải quyết vấn đề này, các nước thường kết hợp đồng thời giữa phương pháp chỉ định người quản lý, thanh lý tài sản với xác định thù lao (ví dụ: chỉ định người quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp con nợ không còn tài sản, hay đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặc biệt,… phá sản). Ví dụ: Luật Phá sản Trung Quốc đưa ra nhiều phương thức chỉ định như tùy cơ chỉ định, tiến cử chỉ định và cạnh tranh chỉ định nhằm giải quyết vấn đề phức tạp trong các vụ án phá sản, đồng thời giải quyết vấn đề liên quan đến phương pháp xác định thù lao. Như phương pháp tùy cơ chỉ định (bao gồm 3 phương pháp: luân hồi, bốc thăm hoặc quay số) nếu đã tùy cơ thì dù rơi vào vụ án phá sản nào thì “người quản lý”[6] đều phải chấp nhận và thực hiện tham gia vụ án.

3. Một số kinh nghiệm rút ra và một số gợi mở trong xây dựng chế độ thù lao cho quản tài viên ở Việt Nam

3.1. Những kinh nghiệm rút ra qua nghiên cứu quy định chế độ thù lao cho người quản lý, thanh lý của một số nước

- Sự thể hiện hài hòa quan hệ lợi ích giữa chủ nợ (và người có quyền, lợi ích có liên quan) với người quản lý, thanh lý tài sản. Tức là việc chi trả thù lao phải có cơ chế để người quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ (hoặc hội nghị chủ nợ) thể hiện quan điểm của mình khi xác định thù lao trong các vụ án phá sản cụ thể, đến khi hai bên đạt được sự đồng thuận tương đối. Tòa án (hoặc cơ quan có thẩm quyền) là trọng tài hoặc đưa quyết định khi các bên không đạt được sự đồng thuận.

Xét về khía cạnh quan hệ lợi ích mà nói, người quản lý, thanh lý tài sản là người “được thuê” để đảm đương các công việc sự vụ trong quá trình tiến hành phá sản con nợ, nếu giá trị thuê quá thấp có thể họ không tham gia, hoặc tham gia một cách miễn cưỡng, thiếu động lực để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhưng nếu giá thuê cao quá chắc chắn “người đi thuê” sẽ bị thiệt thòi, có thể họ sẽ không thuê, hoặc sẽ tìm một phương cách khác để thực hiện việc đòi nợ (trên thực tế, việc thuê người làm quản lý, thanh lý tài sản thường không do “người đi thuê” quyết định, nhiều nước thường quy định chi phí cho người quản lý, thanh lý tài sản thường do tòa án quyết định). Đó là chưa kể việc thu hồi tài sản cho chủ nợ thường không bao giờ đạt được giá trị tuyệt đối, thậm chí là còn rất thấp. Chính vì vậy, nếu chúng ta đặt nặng mục tiêu giải quyết phá sản chỉ nhằm chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp yếu kém, xem nhẹ quyền và lợi ích của chủ nợ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc chủ nợ sử dụng trình tự phá sản để bảo vệ lợi ích của mình.

Mặc khác, trong quá trình áp dụng thủ tục phục hồi, vấn đề chi phí phá sản (bao gồm cả chi phí thù lao) luôn được các chủ nợ cân nhắc cẩn thận. Bởi một doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản, nếu áp dụng thủ tục phục hồi thành công thì chủ nợ có khả năng thu hồi đầy đủ, song với những nguy cơ phá sản cận kề, lại phải tốn kém cho chi phí phục hồi, chờ đợi trong khoảng thời gian dài đã làm cho không ít chủ nợ có quan niệm thà tiến hành thủ tục thanh lý để vớt vát số tài sản ít ỏi còn lại hơn là mất trắng nếu việc áp dụng phục hồi không thành công (thực tiễn áp dụng Luật Phá sản năm 2004 cho thấy hầu như không có doanh nghiệp được áp dụng thủ tục phục hồi[7]). Đo đó, việc xây dựng chế độ thù lao hợp lý trước hết phải đảm bảo yếu tố hài hòa về lợi ích, đặc biệt là mối quan hệ giữa lợi ích của chủ nợ với quản tài viên thông qua việc chi trả thù lao.

Thực hiện điều này, trong một chừng mực nhất định, sự tham gia, thỏa hiệp, hiệp thương giữa chủ nợ (hội nghị chủ nợ) với người quản lý, thanh lý tài sản, hoặc chí ít, việc xác định chi phí thù lao cụ thể luôn có sự tham gia, hoặc có ý kiến từ các chủ trên trong trường hợp dự toán chi phí thù lao đưa ra không hợp lý là một mắc xích khá quan trọng bảo đảm yếu tố hài hòa về lợi ích. Bên cạnh đó còn có các cách thức để các chủ thể phản biện khi tòa án đưa ra các mức chi trả thù lao không hợp lý.

- Việc chi trả thù lao phải đảm bảo tính tương xứng với công sức, thời gian, trách nhiệm mà người quản lý, thanh lý tài sản bỏ ra. Điều này thường thể hiện qua cường độ thực hiện công việc, thời gian bỏ ra, các yêu cầu về kỹ năng mà người quản lý, thanh lý tài sản phải có để thực hiện nhiệm vụ, như: các công việc sự vụ (thống kê chủ nợ, tham gia hội nghị chủ nợ,…), thu hồi, quản lý, đấu giá, tham gia góp ý xây dựng phương án phục hồi, giám sát quá trình áp dụng các biện pháp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh…. Mỗi một yếu tố trên trong các vụ án phá sản cụ thể sẽ được căn cứ quan trọng để xác định thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản.

Nói cách khác là phải dựa vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể mà họ thực hiện trong một vụ án phá sản. Đồng thời, việc áp dụng các loại thủ tục khác nhau (thanh lý hay phục hồi) thì chức năng, nhiệm vụ của quản tài viên sẽ khác nhau, công lao, sức lực và thời gian họ tham gia sẽ khác nhau, chính vì vậy việc đưa ra các phương thức xác định thù lao dựa trên chức năng nhiệm vụ là yếu tố cần phải xem xét nhằm đảm bảo tính hợp lý, công bằng khi xác định thù lao cho quản tài viên.

- Sự tác động của thị trường trong việc chi trả thù lao. Trước hết, đó là việc chi trả thù lao đối với nghề quản lý, thanh lý tài sản trong điều kiện kinh tế thị trường phải xét trên cơ sở mặt bằng chung của xã hội. Thứ hai, đó chính là sự cạnh tranh của người quản lý, thanh lý tài sản trong nghề của mình khi tham gia vào các vụ án phá sản cụ thể. Trên thực tế, có nhiều nước còn quy định việc cạnh tranh của những người quản lý, thanh lý tài sản trong các vụ án phá sản cụ thể (thông qua phương án chi trả thù lao do người quản lý, thanh lý tài sản tự đề xuất).

Thực tế, khi đã xem quản lý, thanh lý tài sản là một nghề thì tất nhiên sẽ có có sự cạnh tranh trong nghề. Không phải người quản lý, thanh lý tài sản nào (kể cả tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản) củng giống nhau về năng lực, trình độ, kinh nghiệm và hiệu quả giải quyết công việc trong các vụ án phá sản. Chính vì thế, việc xây dựng chế độ thù lao có ý nghĩa tạo ra sự cạnh tranh để được làm người quản lý, thanh lý trong các vụ án phá sản, là cơ sở để nâng cao chất lượng cho đội ngủ quản lý, thanh lý tài sản và giải quyết hiệu quả vụ việc phá sản.

- Gắn liền phương thức chỉ định, thay đổi người quản lý, thanh lý tài sản với việc chi trả thù lao. Việc chi trả thù lao cho người quản lý, thanh lý tài sản trong các vụ án phá sản trong thực tế là rất đa dạng, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng loại vụ việc (như quy mô tài sản, tính chất, lĩnh vực kinh doanh của con nợ, khả năng thu hồi tài sản,…) do đó việc xác định thù lao cần phải có những phương thức chỉ định hợp lý. Vi dụ như, việc chỉ định những vụ án phá sản mà tài sản con nợ không còn nhiều, hoặc tài sản không đủ chi trả chi phí phá sản hay thù lao, hoặc chỉ định trong các vụ án phá sản liên quan đến các doanh nghiệp lớn (có nguồn lao động, tài sản lớn, có ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế - xã hội);…

3.2 Một số quy định của Luật Phá sản (LPS) 2014 về chi trả thù lao cho Quản tài viên

Khoản 7, 8 Điều 4 LPS 2014 xác định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là cá nhân, doanh nghiệp hành nghề trong quá trình giải quyết phá sản và khoản 5 Điều 16 quy định quản tài viên “được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”, như vậy LPS 2014 đã khẳng định tính chuyên môn hóa và chế độ thù lao chi trả cho Quản tài viên. Hiện tại, các quy định liên quan đến việc chi trả thù lao được LPS 2014 quy định bao gồm:

Về chủ thể xác định thù lao cho quản tài viên, Khoản 4 Điều 23 quy định “Tòa án nhân dân quyết định mức tạm ứng chi phí phá sản, mức chi phí phá sản trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật và quyết định việc hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này”, tại khoản 12 Điều 4 xác định: “Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy theo quy định của LPS 2014, chi phí quản tài viên nằm trong chi phí phá sản và sẽ do Tòa án quyết định.

Về căn cứ để xác định thù lao cho quản tài viên, tại khoản 1 Điều 24 LPS 2014 quy định: “Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được tính dựa trên thời gian, công sức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”. Như vậy có 3 căn cứ được Luật quy định để xác định chi trả thù lao cho quản tài viên khi tham gia vào các vụ án cụ thể đó là thời gian tham gia, công sức quản tài viên bỏ ra và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nguồn để chi trả chi phí cho quản tài viên được lấy từ tài sản của con nợ (doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản)[8].

Ngoài ra còn một số quy định liên quan đến xác định chi phí thù lao khác, như tòa án có thẩm quyền xác định tạm ứng chi phí quản tài viên. Tức khi xác định tạm ứng chi phí phá sản, đồng thời tòa án phải xác định tạm ứng chi phí cho quản tài viên. Đây là quan điểm tuy không mới trong luật phá sản các nước, nhưng là quan điểm rất mới trong luật phá sản Việt Nam thể hiện tính lợi ích rõ ràng của người quản lý, thanh lý tài sản khi được chỉ định tham gia vào các vụ án phá sản.

3.3 Một số gợi mở trong xây dựng chế độ thù lao cho quản tài viên ở Việt Nam

Để thực hiện quy định của LPS 2014 về Quản tài viên, Bộ Tư pháp đã được Chính phủ giao soạn thảo Nghị định “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản[9], trong đó có quy định liên quan đến việc xác định và chi trả thù lao cho Quản tài viên. Dự thảo Nghị định đã được tổ chức hội thảo lấy ý kiến, được sự đóng góp của nhiều nhà chuyên môn, song dưới góc độ nghiên cứu, tác giả xin đưa ra một số ý kiến và gợi mở với quy định hiện tại của Dự thảo Nghị định và phương hướng lâu dài trong việc xây dựng chế độ chi trả thù lao cho Quản tài viên.

a) Những vấn đề đặt ra về quy định chi trả thù lao trong Dự thảo Nghị định “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản”

Theo quy định tại Điều 22 “Chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quả lý thanh lý tài sản” và Bảng định mức thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Ban hành kèm theo Nghị định) của Dự thảo Nghị định (viết tắt: Dự thảo Nghị định Quản tài viên), theo tác giả vẫn còn nhiều điểm chưa khả thi, các quy định khá đơn giản về phương pháp và cơ sở để xác định mức thù lao chi trả cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trước hết, việc quy định về cơ sở để chi trả thù lao dựa trên tổng giá trị tài sản thu được của doanh nghiệp, hợp tác xã, theo tác giả là chưa hợp lý. Trong thực tế, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bao gồm cả tài sản là bất động sản và động sản, mà hai loại tài sản này về thực chất việc thu hồi và thực hiện quản lý rất khác nhau, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khá phức tạp từ việc thu hồi đối với tài sản là bất động sản[10]. Bên cạnh đó, đối với tài sản là tài sản bảo đảm thì việc thu hồi sẽ được xác định như thế nào, tài sản này có được tính là tài sản thu được không, thực tế tài sản này luôn trong tình trạng do chủ nợ quản lý và ưu tiên thanh toán cho chủ nợ bảo đảm. Ngoài ra, quy định còn thiếu nội dung trách nhiệm của Quản tài viên, chẳng hạn, tổng tài sản phải thu của doanh nghiệp, hợp tác xã là 100%, nhưng Quản tài viên chỉ thu hồi được 18% giá trị hoặc thấp hơn (tác giả xin lấy đánh giá của Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC và Ngân hàng thế giới công bố năm 2008 như đã trích ở trên), trong khi đó vẫn còn khả năng tiếp tục thu hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp này nếu không có quy định xác định trách nhiệm của Quản tài viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Thứ hai, phương pháp xác định mức thù lao cho Quản tài viên của Dự thảo Nghị định thiếu sự linh động, xác định “cứng” mức thù lao cho Quản tài viên. Phương pháp này sẽ rất không hợp lý và thiếu bình đẳng  trong việc chỉ định Quản tài viên.

Phương pháp này có ưu điểm là Tòa án sẽ rất thuận lợi trong việc xác định thù lao cho Quản tài viên, song lại sẽ khó trong việc chỉ định. Tác giả chỉ lấy đơn cử, trường hợp một vụ án có nhiều Quản tài viên muốn tham gia làm người quản lý, thanh lý trong vụ án đó thì Tòa án sẽ giải quyết thế nào, tức chỉ định thế nào để đảm bảo tính khách quan, công bằng và không xuất hiện tiêu cực. Một trong những phương pháp được nhiều nước áp dụng khi chỉ định người quản lý, thanh lý tài sản là phương pháp cạnh tranh. Nhưng nếu quy định “cứng” như Dự thảo Nghị định Quản tài viên rất khó để các Quản tài viên thể hiện tính cạnh tranh của mình về năng lực, trình độ, đồng thời Tòa án củng khó có cơ sở để tiến hành chỉ định. Hầu hết các nước khi quy định xác định thù lao thường xác định mức trần và mức sàn, ít khi sử dụng quy định “cứng” như Dự thảo Nghị định đưa ra.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, phạm vi của vụ án phá sản mà Tòa án xác định mức thù lao phù hợp, nếu quy định cứng như Dự thảo Nghị định Quản tài viên thì Tòa án muốn có muốn cũng không thể ra quyết định áp dụng hạn mức phù hợp theo quan điểm của mình được. Việc quy định tại Điều 22  Dự thảo Nghị định Quản tài viên của Tòa án đối với thù lao của Quản tài viên chỉ mang tính hình thức.

Thứ ba, việc xác định mức thù lao cho Quản tài viên còn thiếu các cơ sở về tính chất (phức tạp hay đơn giản), thời gian, phạm vi,.... của vụ án. Những yếu tố này trên thực tế có thể lường trước được, đây cũng là cơ chế để Quản tài viên khi tham gia và hưởng mức thù lao nhất định phải có trách nhiệm khi thực hiện chức trách của mình. Như trên đã trình bày, có nhiều nước, người quản lý, thanh lý tài sản phải tự lường hết các mức độ phức tạp của vụ án để đề ra các phương án giải quyết và mức thù lao phù hợp. Nếu chúng ta xác định mức thù lao “cứng”, khi chỉ định xong Quản tài viên mới xác định các phương án quản lý, thu hồi, mức độ phức tạp,... thì sẽ rất bị động. Thậm chí sẽ có trường hợp sẽ bỏ giữa chừng. Quy định “cứng” về mức thù lao không chỉ ảnh hưởng đến chỉ định mà còn ảnh hưởng đến quá trình đình chỉ, thay đổi Quản tài viên.

Thứ tư, căn cứ vào “Bảng định mức thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” theo tác giả thì mức chi trả cho Quản tài viên theo định mức này so với một số nước là khá thấp, khó tạo ra bước đột phá cho nghề quản lý, thanh lý tài sản đang còn khá mới ở Việt Nam. Nếu lấy cùng một mức giá trị tài sản thu được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì Việt Nam thua rất xa quy định của Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ: nếu giá trị tài sản thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản ở Việt Nam là 3,3 tỷ đồng thì Quản tài viên được hưởng chưa đến 70 triệu đồng, trong khí đó nếu ở mức này thì Mỹ người quản lý, thanh lý tài sản có thể được thu đến 165 triệu đồng (mức áp dụng dưới 1 triệu USD là 5%) và Trung Quốc có thể thu đến dưới 396 triệu đồng (mức áp dụng dưới 100 vạn nhân dân tệ là 12%).

b) Một số cơ sở xây dựng chế độ thù lao hợp lý cho Quản tài viên

Để xây dựng một chế độ thù lao hợp lý cho Quản tài viên, theo quy định của LPS 2014, hiện nay có thể nói là khá cấp thiết, bởi LPS 2014 đã có hiệu lực pháp luật, tuy vậy, theo quan điểm của tác giả, chúng ta cũng cần có những bước đi và có sự điều chỉnh nhất định (đây là lĩnh vực khá mới so với Việt Nam). Để xây dựng một chế độ thù lao hợp lý, theo quan điểm của tác giả:

Trước hết nó đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ quan điểm mục tiêu của Luật (tức Luật Phá sản sẽ theo đuổi mục tiêu nào: mục tiêu thanh lý tài sản để chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp làm ăn yếu kém, lâm vào tình trạng phá sản hay tiến hành phục hồi con nợ để duy trì sự hoạt động của nó) đến các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, phải dựa trên các cơ sở, căn cứ khoa học (cả lý luận và thực tiễn) để đưa ra cách thức xác định thù lao thích ứng (ở mức độ nguyên tắc và trong từng vụ án cụ thể). Trước mắt, chúng ta chưa có thực tiễn về lĩnh vực này thì có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của một số nước để xây dựng những quy định về chi trả thù lao cho Quản tài viên.

Thứ ba, thể hiện hợp lý mối quan hệ giữa việc xác định thù lao với các quy định khác có liên quan, như: chỉ định, thay đổi Quản tài viên; chủ thể xác định thù lao trong các vụ án cụ thể; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Quản tài viên (bao gồm cả mức độ tham gia và khả năng hoàn thành nhiệm vụ). Đây là nội dung cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan soạn thảo văn bản thi hành LPS 2014, tránh chồng chéo, gây khó cho nhau trong việc thực hiện.

Thứ tư, phải chú ý đến các yếu tố như: tính chất (đơn giản hay phức tạp), phạm vi (trên địa bàn rộng hay hẹp), thời gian (ngắn hay dài) của vụ án mà người Quản tài viên tham gia để đưa ra các căn cứ xác định thù lao.

Giải quyết các vấn đề trên, từ đó xây dựng một chế độ thù lao hợp lý theo tác giả, không hề đơn giản, đòi hỏi phải có lộ trình, có sự nghiên cứu cả về những kinh nghiệm của nước ngoài và thực tiễn từ chính điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta, một vấn đề mà lĩnh vực phá sản nước ta đang còn quá thiếu.

Dương Hương Sơn

[1] Nguồn: Công báo số 683 đến số 686 ngày 17/7/2014 của Văn phòng Chính phủ phát hành trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

[2] Tùy theo quan niệm về chức năng, nhiệm vụ của “người quản lý tài sản” mà tên gọi ở mỗi nước là không giống nhau, các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa gọi là “người tín thác phá sản” hay “người quản lý phá sản”; Trung Quốc đại lục (Luật phá sản doanh nghiệp 2006) và khu vực Đài Loan gọi là “người quản lý phá sản”; các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ thường gọi là “người ủy thác phá sản”, “người tín thác phá sản” hay “người tiếp quản phá sản”,...; một số nước thì gọi là “quản tài viên” như Nga, Nhật. Bên cạnh đó, có một số thiết chế được thành lập theo cơ cấu tổng hợp các thành với tên gọi khác là “tổ thanh toán tài sản” hay “tổ quản lý, thanh lý tài sản” như Luật phá sản doanh nghiệp 1986 của Trung Quốc; Luật phá sản Doanh nghiệp 1993, Luật phá sản 2004 của Việt Nam. Để thống nhất tên gọi tác giả gọi là người quản lý, thanh lý tài sản.

[3] Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2008 do Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC và Ngân hàng thế giới công bố, Việt Nam xếp thứ 91. Trong đó ở chỉ tiêu thứ 10, giải thể doanh nghiệp, báo cáo cho rằng việc giải quyết các doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam còn kém hiệu quả, xếp hạng 121/178, thủ tục phải mất 5 năm, tốn kém đến 15% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đối với các bên liên quan chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản.

[4] Điều 28 Luật phá sản doanh nghiệp Trung Quốc quy định: “Thù lao của người quản lý do tòa án xác định. Hội nghị chủ nợ có ý kiến khác với thù lao của người quản lý thì có quyền đề xuất lên tòa án”.

[5] Bản giải thích pháp luật số 9 [2007] “Quy định của Tòa án nhân dân tối cao đối với việc xác định thù lao của người quản lý trong vụ án phá sản” được Ủy ban thảm phán Tòa án nhân dân tối cao tại kỳ họp lần thứ  1442 thông qua ngày 4/4/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/6/2007.

[6] Theo cách gọi của luật phá sản Trung Quốc đối với người quản lý, thanh lý tài sản - tg.

[7] Xem Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Phá sản 2004, số: 44/BC-TANDTC ngày 09/9/2013.

[8] Khoản 1 Điều 23 LPS 2014.

[10] Xem thêm: Đấu giá tài sản tại Nhà máy đường Quảng Nam: trái đắng cho người trúng đấu giá? Đăng trên trang Nhà báo và Công luận, đường dẫn, ngày 21.10.2011. Đường dẫn: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/162/30135/Dau-gia-tai-san-tai-Nha-may-duong-Quang-Nam-Trai-dang-cho-nguoi-trung-dau-gia.html