1. Những tranh luận về một triết lý tư pháp mới
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã hiến định yêu cầu “bảo vệ công lý”. Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định bảo vệ công lý là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt của Tòa án nhân dân (sau đây gọi chung là Tòa án) - cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam. Có thể nói, quy định này khẳng định công lý đã trở thành một giá trị căn bản trong cộng đồng xã hội Việt Nam và mỗi cá nhân trong cộng đồng đó có quyền được sống trong một xã hội trật tự, ổn định và hợp tác dựa trên nền tảng những giá trị căn bản của công lý. Cũng từ quy định này, một triết lý tư pháp mới đã xuất hiện, đó là do Tòa án là thiết chế cơ bản chăm lo, bảo vệ công lý nên những cá nhân thành viên xã hội khi cho rằng mình đang chịu một bất công hoặc cho rằng đang hiện hữu những bất công trong xã hội và yêu cầu Tòa án bảo vệ thì Tòa án có nhiệm vụ thực thi mọi biện pháp để bảo vệ công lý chứ không chỉ thuần túy dừng lại ở việc áp dụng luật pháp đối với từng vụ việc cụ thể như quan niệm trước đây.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhận thức về vai trò của Tòa án trước yêu cầu “bảo vệ công lý” còn khá nhiều ý kiến và chưa thực sự thống nhất, đặc biệt là trong quá trình rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật nói chung, rà soát, sửa đổi một số bộ luật quan trọng, rường cột của đất nước như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nói riêng. Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là một ví dụ điển hình. Tại phiên họp, quan điểm của Ban soạn thảo cho rằng căn cứ Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 thì dự thảo Bộ luật cần phải tối đa hóa mọi không gian, phát quang, mở rộng mọi con đường để người dân có thể thụ hưởng đầy đủ những giá trị của công lý. Ban soạn thảo lập luận việc bảo vệ công lý bao hàm rất nhiều nội dung, trong đó có việc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của người dân với lý do không có luật quy định. Vì vậy, dự thảo Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì Tòa án không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp chưa có điều luật thì Tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân.
Băn khoăn với tính khả thi của đề xuất nêu trên, một số ý kiến nhấn mạnh về tính phụ thuộc của hoạt động tư pháp xét xử vào hệ thống luật pháp thực định, thành văn hiện nay. Theo đó, Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật về tố tụng hiện hành đều quy định “thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy nếu chưa có luật, chưa có quy định thì tòa án và thẩm phán không thể giải quyết được các vụ việc. Việc buộc tòa án phải thụ lý tất cả các vụ, việc dân sự là không phù hợp với thực tế của Việt Nam. Quy định này chỉ phù hợp với các nước áp dụng án lệ, Việt Nam chưa có án lệ nên chưa thể thực hiện được.
Phản biện những lập luận nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng theo quy định của Hiến pháp, tòa án dứt khoát phải là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người dân, giải quyết mọi xung đột về quyền lợi và nếu người dân đến yêu cầu bảo vệ quyền của họ thì Tòa án không thể nói không trước yêu cầu của người dân. Cuộc sống luôn vận động nên nếu chờ thực tiễn nảy sinh mới sửa sai luật thì mọi thiết chế đều trở lên thụ động. Và khi có yêu cầu bảo vệ quyền của người dân khi chưa có điều luật áp dụng thì Tòa án cũng không thể chờ có chuyện xảy ra thì 500 vị đại biểu Quốc hội lại ngồi vào bàn họp để thảo luận. Người dân thực sự viện đến Tòa án khi họ đã xử lý mọi cách mà không thể giải quyết, không có Tòa án thì xung đột không thể chấm dứt, vì vậy, Tòa án phải xem xét để giải quyết chứ không thể nói Tòa từ chối xử vì lý do chưa có luật quy định.
Có thể nói cuộc tranh luận nêu trên đang đặt hệ thống pháp luật Việt Nam trước một câu hỏi mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc về các biện pháp thực thi và bảo vệ công lý theo tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN. Công lý chính là chuẩn mực của trạng thái xã hội lý tưởng giúp mỗi cá nhân thành viên xã hội tự tiết chế và đối xử một cách công bằng với người khác. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ, nền tảng xã hội phải được xây dựng và bồi đắp trên cơ sở những giá trị của lương tri, công bằng, lẽ phải và phẩm giá con người. Vì vậy, việc phát quang mọi con đường, tối đa hóa mọi không gian để người dân được tiếp cận, được thụ hưởng những giá trị lớn lao của công lý đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống hôm nay. Yêu cầu tôn trọng các giá trị của công lý đã và đang mở ra một tư duy mới, một triết lý tư pháp mới đòi hỏi phải nghiên cứu và đề xuất những phương thức, biện pháp phù hợp, hữu hiệu để bảo vệ công lý, từ đó gìn giữ và phát triển niềm tin của cộng đồng đối với sự công chính của hệ thống pháp luật và tư pháp, tích cực góp phần thúc đẩy an ninh, trật tự xã hội, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
2. Công lý trên con đường trở thành giá trị căn bản của cộng đồng xã hội Việt Nam
Bàn về sự ra đời của công lý, các nhà nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn sơ khai, bán khai, xã hội tồn tại trong trạng thái mà người dân sống thưa thớt và chiến tranh luôn rình rập, công lý còn chưa thực sự được coi là một phẩm hạnh quan trọng của mỗi cá nhân bởi nó còn phải nhường chỗ cho những phẩm chất quan trọng của các chiến binh như sức mạnh, lòng quả cảm, sự khéo léo hay kỹ năng sử dụng vũ khí thuần thục. Pháp luật trong giai đoạn đó dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, hay “bản năng”, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn,[1] và mỗi “cá nhân là viên cảnh sát của chính mình, người nào đủ mạnh thì dùng cách trả thù để xử tội theo ý mình”.[2] Khi chế độ thành bang được thiết lập, các cá nhân phải gắn bó, liên kết, hợp tác, bảo vệ lẫn nhau, không được có những hành vi làm phương hại lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, trong một xã hội văn minh, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt. Loài người đã nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở hòa bình và công lý. Những yêu cầu trong hình thái kinh tế -xã hội mới đó đã làm phai nhạt những phẩm hạnh của các chiến binh và đưa công lý từng bước tiến tới vị trí trung tâm của hệ giá trị đạo đức của xã hội cổ đại.[3]
Những giá trị ưu việt, bền vững của công lý tiếp tục được bồi đắp và làm sâu sắc hơn trong quá trình phát triển của nền văn minh nhân loại. Về cơ bản, các tư tưởng, học thuyết về công lý đều cho rằng công lý là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống tốt đẹp và cuộc sống tốt đẹp chính là điều mà công lý hướng tới. Nội dung căn cốt nhất của công lý là hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng và là mệnh lệnh để ngăn chặn một người chiếm đoạt thứ mà thuộc về người khác hoặc ngăn chặn việc chiếm đoạt những thứ gì thuộc về mình. Công lý cũng còn được quan niệm là một hình thức luân lý đạo đức phổ biến mà bất cứ ai cũng phải tuân thủ. Vì vậy, nghĩa vụ đầu tiên của mỗi cộng đồng xã hội là phải công nhận và bảo vệ các giá trị nền tảng của công lý.
Các tư tưởng, học thuyết về công lý còn cho rằng thiên chức của công lý là nuôi dưỡng, bồi đắp một trật tự nội tại trong mỗi cá nhân mà ở đó nguyên tắc của lẽ phải và sự khôn ngoan phải đứng trên mọi sự xô đẩy và cảm xúc của con người. Như vậy, công lý có vai trò quan trọng trong việc tiết chế, giữ cho mỗi thành viên của xã hội không có hành vi làm phương hại đến người khác. Một điểm cũng cần nhấn mạnh là trong khi các phẩm hạnh khác giúp con người tự hoàn thiện trong mối quan hệ với chính mình (lòng quả cảm, sự khiêm tốn…) thì công lý lại giúp phát triển những phẩm chất thúc đẩy mối quan hệ trong cuộc sống của một người với người khác. Do đó, công lý là phẩm hạnh quan trọng giữ cho mỗi thành viên xã hội gắn kết chặt chẽ vì lợi ích chung của toàn xã hội. Để đảm bảo sự ổn định và phát triển, những đức hạnh tử tế, nhân văn và ấm áp, mà trong đó công lý chiếm một vị trí đặc biệt ưu tiên, cần phải được lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong mỗi cộng đồng xã hội.
Công lý còn là một tiêu chí quan trọng đánh giá tính ưu việt của một chế độ xã hội. Tính chính đáng, chính nghĩa của sự xuất hiện và tồn tại của mỗi chính quyền cũng thường được đánh giá thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không. Các cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền lực phải dựa vào công lý. Công lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì tàn bạo. Vì vậy cần phải kết hợp công lý và quyền lực, và nhằm mục đích này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý có đủ quyền lực; hay những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý. Chính với vai trò to lớn trong việc tạo dựng tính chính đáng, chính nghĩa, đạo lý, lòng nhân ái và lẽ công bằng trong mỗi xã hội, ngày nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận công lý ngay tại Lời nói đầu trong Hiến pháp của quốc gia mình như Hiến pháp Nhật Bản, Hiến pháp Cộng hòa Hàn quốc, Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan, Hiến pháp nước Cộng hòa Nam Phi. [4]
Những giá trị của một nền công lý đích thực, chân chính, nhân văn, vì con người cho nhân dân Việt Nam xuất hiện và được truyền bá về Việt Nam từ năm 1919 tại bản “Yêu sách nhân dân An Nam”, văn bản do Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam gửi đến trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Vécxây (Pháp). Ở thể văn vần, “Việt Nam yêu cầu ca” đặc biệt nhấn mạnh những giá trị đích thực của công lý: Cậy rằng các nước Đồng minh/Đem gương công lý giết hình dã man”, “Những tòa đặc biệt bất công/Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành”, hay “Hòa bình may gặp hội này/Tôn sùng công lý, đọa đày dã man”.
Năm 1925, tại bài viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần nền công lý thực dân giả tạo, phi nhân tính qua hình ảnh của nữ thần công lý Themis: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”. Tại bài “Nước An Nam dưới con mắt người Pháp”, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục chỉ rõ nền cai trị phi công lý của thực dân Pháp tại Việt Nam: “Khắp nơi, người ta vi phạm luật lệ của người An Nam, coi thường phong tục, cướp bóc tài sản; mượn cớ đi trấn áp, nên quân lính "được thể" lại tha hồ cướp phá, giết chóc; thú tính xấu xa nhất lại hoành hành; đến cái vẻ công lý cũng không còn".
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước cách mạng nhân dân ra đời, khát vọng của nhân dân về những giá trị đích thực của công lý đã sớm được ghi nhận ngay tại bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 19 tháng 9 năm 1945, chỉ hơn hai tuần sau ngày Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập và Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Qua hai tư liệu nêu trên, có thể thấy rằng ngay trong giai đoạn đầu của nhà nước cách mạng nhân dân, Nhà nước Việt Nam đã sớm thừa nhận những giá trị ưu việt và tiến bộ của công lý. Ngược lại, công lý cũng đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, góp phần làm sáng rạng tính chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp, góp phần thể hiện sâu sắc và rõ nét bản chất và tư tưởng xây dựng nhà nước thân dân, vì dân ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước cách mạng.
Sau một thời gian dài đất nước ta rơi vào chiến tranh với nền hành chính quan liêu mệnh lệnh, có phần coi nhẹ vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, các giá trị của công lý đã từng bước được ghi nhận trở lại cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Lần đầu tiên sau một thời gian dài vắng bóng, các giá trị của công lý đã được thể hiện tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã hiến định những giá trị của công lý và yêu cầu bảo vệ công lý. Những quy định này của Hiến pháp đã tuyên bố, khẳng định và cam kết rằng công lý đã trở thành giá trị căn bản được cộng đồng xã hội Việt Nam chia sẻ và tôn trọng. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặc biệt là trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ các quyền tự do và dân chủ cơ bản của người dân, yêu cầu bảo vệ công lý phải là những giá trị cơ bản làm nền tảng cho mọi tranh luận không thể tránh khỏi giữa các nhóm lợi ích và các cá nhân.
3. Tòa án nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ công lý
Quay trở lại với Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), một nội dung cần được tiếp tục trao đổi làm rõ, đó là sự phân biệt giữa luật pháp và công lý. Trong những nghiên cứu về triết học pháp luật thực định, luật pháp (ius) và công lý (iustitia) được nhìn nhận là hai khái niệm có quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không thực sự hoàn toàn đồng nhất. Công lý là khái niệm cơ sở, có nội hàm sâu rộng hơn khái niệm luật pháp. Luật pháp phải hướng tới công lý, luật pháp chỉ phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người trước sự vi phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp và tại một số thời điểm, luật pháp có thể chưa phản ánh được kịp thời, đầy đủ nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội, chưa chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công bằng, lẽ phải, cũng như các yêu cầu về bảo đảm và bảo vệ các quyền con người. Chính vì vậy, tại nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, luật pháp chỉ được coi là phương tiện để đạt được những kết quả công bằng và họ cũng không thường dùng cụm từ “anh ấy là một công dân tuân thủ pháp luật” (he is a law - abiding citizen), bởi theo họ không có gì là tự hào với việc tuân phục pháp luật một cách mù quáng. Với phân tích nói trên, việc Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý đã mang lại một triết lý tư pháp có phạm vi và nội dung rộng lớn và sâu sắc hơn việc Tòa án chỉ thụ động, thuần túy áp dụng những luật pháp thực định hiện hữu để bảo đảm và bảo vệ những quyền cơ bản của công dân như những quan niệm trước đây.
Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Điều đó không có nghĩa là các nhánh quyền lực khác như Quốc hội hay Chính phủ không liên quan đến việc thiết lập và bảo vệ công lý. Theo truyền thống pháp luật Việt Nam, công lý được hiểu là “sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải” và ban hành công lý là việc “Tòa án xác định điều đúng, điều sai trong một vụ việc nhằm thiết lập lại sự công bằng”.[5] Còn các nhà lập hiến Hoa Kỳ trên cơ sở học thuyết tam quyền phân lập cũng thường cho rằng việc thiết lập công lý phải được giao cho một cơ quan có tính ổn định, lâu dài và không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các yếu tố chính trị thoáng qua, nhất thời như các cơ quan được hình thành trên cơ sở bầu cử, đó chính là hệ thống các cơ quan xét xử.[6]
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, việc đề xuất mở rộng quyền tiếp cận, thụ hưởng những giá trị công lý của người dân thông qua quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của người dân với lý do không có luật quy định” là hoàn toàn phù hợp với tinh thần và định hướng chung của Chiến lược. Tại Nghị quyết, Đảng ta đã yêu cầu: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm” và mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Chiến lược là: “Xây dựng nền tư pháp bảo vệ công lý…”. Tại phần nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, Nghị quyết khẳng định cần tiếp tục “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến tòa án, tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”. Như vậy, đề xuất “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc của người dân với lý do không có luật quy định” là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp.
Để đảm bảo cho tính khả thi của quy định nêu trên trong trường hợp Tòa án phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý trong những lĩnh vực có “khoảng trống pháp luật”, trong cả hai Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đều yêu cầu cần khai thác, sử dụng án lệ, tập quán, quy tắc góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật, đồng thời giao “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Nghiên cứu lịch sử nhà nước cách mạng và lịch sử tư pháp Việt Nam từ năm 1945, chúng ta có thể thấy rằng nghĩa vụ không được thoái thác trước trách nhiệm bảo vệ công lý của Tòa án đã được quy định từ rất sớm. Ngay tại Sắc lệnh số 13 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 24-1-1946, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Điều thứ 50 Sắc lệnh nhấn mạnh ngoài pháp luật, thẩm phán còn phải dựa vào lương tâm ngay thẳng của mình để xét xử: “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình”. Vì lẽ bảo vệ công lý, Điều thứ 80 Sắc lệnh quy định thẩm phán không được thoái thác nghĩa vụ xét xử: “Các thẩm phán không thể lấy cớ gì, trừ trường hợp cáo tị và hồi tị, mà từ chối không xét xử một việc nào”.
Các học thuyết về công lý cũng cho rằng công lý là một phẩm hạnh giúp mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Với cách tiếp cận này thì quyền là cái có trước, công lý là điều xuất hiện sau. Khi các quyền được công nhận, thừa nhận thì công lý sẽ xuất hiện nếu các quyền bị vi phạm. Ở một khía cạnh, công lý chính là nghĩa vụ với người khác. Từ ý nghĩa đó, có thể khẳng định bảo vệ công lý chính là bảo vệ các quyền cơ bản của người dân. Trong thực tiễn, các thủ tục tố tụng chính là những cơ chế, những công cụ xã hội giúp các cá nhân tiếp cận được công lý, bảo vệ các quyền của mình trong cuộc sống. Dó đó, các cơ chế tố tụng phải đáp ứng ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là người đầy tớ phục vụ, thúc đẩy công lý chứ không phải là ông chủ của công lý. Nếu các cơ chế tố tụng không đủ mạnh và hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hoá quá trình thực thi các quyền cơ bản của cá nhân.
Bên cạnh đó, để góp phần bảo đảm và thúc đẩy sự tôn trọng các quyền, tự do cơ bản và phẩm giá của con người, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người khẳng định cá nhân có quyền được xét xử công bằng (the right to a fair trial). Nội dung cơ bản của quyền này xác định mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan để xác định quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Nội hàm của quyền này tiếp tục được cụ thể hóa thông qua phán quyết tại vụ kiện nổi tiếng Golder v United Kingdom. Các phán quyết của Cao ủy Châu Âu về nhân quyền và Tòa án nhân quyền đều khẳng định quyền được xét xử công bằng là một biểu hiện cụ thể của quyền được có một tòa án xét xử (a right to a court), bao gồm quyền được tiếp cận tòa án và khởi kiện của một cá nhân dù chỉ là một khía cạnh của các vấn đề dân sự. Tiếp theo, tại vụ kiện Airey v Irland, các cơ quan nhân quyền đã tiếp tục mở rộng nội hàm quyền tiếp cận tòa án, trong đó nhấn mạnh đó là quyền của cá nhân trong việc tiếp cận một cách “có hiệu quả” và không được có bất cứ cản trở pháp lý nào. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xác định “quyền có một tòa án xét xử” sẽ đưa thêm những gánh nặng đáng kể về tài chính, nhân lực… cho các nhà nước. Tuy nhiên, quyền được xét xử công bằng là một yêu cầu rất quan trọng trong một chế độ pháp quyền và đây cũng chính là cơ chế trụ cột để bảo vệ quyền con người cụ thể. Vì vậy, các cơ quan nhân quyền quốc tế khuyến nghị các tổ chức quốc tế, khu vực và mỗi quốc gia nên nghiên cứu để chấp thuận cách tiếp cận này.[7]
Thay cho lời kết
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: Trong công tác tư pháp, tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã giao Tòa án nhân dân thông qua hoạt động xét xử để bảo vệ lẽ phải và thiết lập công lý. Bàn về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhận định: Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể...”. Với thiên chức thiết lập công lý đó, theo ông, Tòa án cần “phải từng bước mở rộng thẩm quyền để hướng đến giải quyết được hầu hết mọi tranh chấp xuất hiện trong đời sống xã hội”.[8] Với những lập luận nêu trên, quyết tâm chính trị về xây dựng một xã hội dựa trên nền tảng công lý, trật tự, ổn định đang củng cố và mang lại niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đề xuất mở rộng thẩm quyền của Tòa án để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ công lý, thiết lập công lý sẽ tạo nguồn động lực mới, thúc đẩy, giải phóng lực lượng sản xuất, từ đó góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn tới./.
Thạc sỹ Nguyễn Xuân Tùng
[1] Vũ Văn Mẫu: Dân luật khái luận, năm 1961.
[2] Will Durant: Nguồn gốc văn minh (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2006.
[3] David Johnston: A Brief History of Justice, Wiley-Blackwell, 2011.
[4] Alan Ryan: Justice, Oxford University Press, 1993.
[5] Nhà Pháp luật Việt-Pháp: Từ điển Thuật ngữ pháp luật Pháp-Việt, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2009.
[6] Abram Chayes: How does the constitution establish justice, Harvard Law Review, Vol.101:1026, 1988.
[7] Rhona K.M.Smith: Textbook on International Human Rights, Oxford University Press, 2003.
[8] GS.TS. Nguyễn Phú Trọng: Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011.