Biện pháp tư pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự (BLHS), mà thẩm quyền áp dụng chỉ thuộc về Hội đồng xét xử (HĐXX), khi xét xử vụ án và được quyết định trong bản án. Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định về xử lý vật chứng, mà theo đó, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc HĐXX quyết định ở giai đoạn xét xử. Quy định là thế, nhưng trong thực tiễn áp dụng còn nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn trong áp dụng nên cần được sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện trong lần sửa đổi BLHS, BLTTHS sắp tới.
1. Quy định của BLHS và BLTTHS về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Điều 41 BLHS năm 1999 quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, như sau:
“1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.”
Khi xét xử vụ án hình sự có vật chứng đi kèm với hồ sơ vụ án thì, cùng với việc quyết định về tội danh, điều luật áp dụng, hình phạt và biện pháp tư pháp đối với bị cáo, HĐXX còn phải xem xét, quyết định việc xử lý vật chứng. Điều 76 BLTTHS năm 2003 có quy định về xử lý vật chứng, cụ thể:
“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”
1.1. Điều 41 BLHS hiện hành quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là vật, tiền có thể là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc thông qua việc phạm tội mà có hay do mua, bán, chuyển nhượng hoặc là những vật mà Nhà nước cấm sản xuất, mua bán, tang trữ, lưu hành. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là tước đoạt những thứ này ở người phạm tội hoặc người đang chiếm giữ bất hợp pháp sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy. Đây là một biện pháp tư pháp được áp dụng nhằm hỗ trợ cho hình phạt để bảo đảm đạt được mục đích của hình phạt. Khi xét xử vụ án hình sự, cùng với phán quyết về tội danh, điều khoản của BLHS hiện hành và hình phạt áp dụng đối với người phạm tội, HĐXX phải quyết định trong bản án về tịch thu sung quỹ nhà nước, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tiêu hủy vật, tiền liên quan đến việc thực hiện tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, kê biên trong quá trình điều tra, truy tố vụ án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLHS, tiền hoặc vật liên quan đến tội phạm được xử lý như sau:
Thứ nhất, tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện phạm tội, đây là những công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, như: dao, súng, xe máy được sử dụng để cướp tài sản; tiền được sử dụng để đánh bạc, đưa hối lộ,…Vật hoặc tiền có được do việc thực hiện tội phạm, như: xe máy có được do trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt,… hoặc do mua bán, chuyển nhượng, trao đổi với người khác, mang đi cầm xe máy trộm cắp được, gán nợ, tặng cho,…Vật thuộc loại Nhà nước cấm sản xuất, tang trữ, vận chuyển, mua bán, lưu hành, như: vũ khí quân dụng, pháo nổ, ma túy, chất phóng xạ, chất nổ, văn hóa phẩm đồi trụy,… Đây là những vật mà người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đối tượng của việc thực hiện tội phạm. Như vậy, trong mọi trường hợp không phân biệt loại tài sản bị chiếm đoạt, tài sản đó phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLHS, đó là: công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
Thứ hai, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trong trường hợp này, để có căn cứ trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật, tiền đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Khoản 2 Điều 41 BLHS quy định: “Đối với những vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép là những vật, tiền thuộc sở hữu của người khác thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.Ví dụ: C là lái xe ô tô loại 16 chỗ ngồi của cơ quan X, tháng 8/2013 trong đợt đi công tác tại địa bàn tại xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, C đã dùng thủ đoạn tinh vi che mắt cán bộ cùng đi để vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điều hiệu HERO với số lượng 1950 gói và đã bị bắt. Trong trường hợp này, chiếc xe ô tô mặc dù được C dùng làm phương tiện thực hiện tội phạm nhưng không bị tịch thu mà phải trả lại cho cơ quan X. Theo quy định tại Điều 239 Bộ luật dân sự (BLDS), thì vật bị coi là không xác định được chủ sở hữu nếu sau một năm (đối với động sản), kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu; sau năm năm (đối với bất động sản), kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu. Như vậy, trường hợp vật chứng là tài sản không xác định được chủ sở hữu và cơ quan điều tra chưa ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu thì ở giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án phải tiến hành việc thông báo tìm kiếm chủ sở hữu; nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà vẫn không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản đó thì khi xét xử, HĐXX cần giao tài sản là vật chứng cho cơ quan chức năng bảo quản và trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ nếu trong thời hạn quy định tại Điều 239 của BLDS mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật chứng có yêu cầu thì sẽ xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; nếu sau khi đã được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã hết thời hạn quy định tại thông báo mà không có người đến nhận và cũng không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, thì tài sản đó được sung quỹ nhà nước.
Thứ ba, khoản 3 Điều 41 BLHS quy định: “Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước”. Điều đó có nghĩa là cho phép Tòa án có quyền quyết định tịch thu hay không tịch thu sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp này, nếu xác định được chủ sở hữu không có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình vào việc thực hiện tội phạm, thì Tòa án trả lại vật, tiền đó cho chủ sở hữu. Nếu xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình làm công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm, thì ngoài việc tịch thu tiền, vật đó để sung quỹ nhà nước, hành vi của chủ sơ hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức về vật chất.[1] Ví dụ: C mượn xe máy của D nói là đi chở ít hàng tạp hóa về bán cho ngư dân chuẩn bị cho chuyến đi biển sắp tới. D biết hàng mà C định vận chuyển là thuốc nổ nhưng không ngăn chặn mà vẫn cho C mượn xe. Trong trường hợp này, D có lỗi trong việc để cho C sử dụng xe máy của mình vào việc thực hiện tội phạm, do đó chiếc xe máy của D có thể bị tịch thu.
Khi tịch thu tài sản cần phân biệt các trường hợp sau:
a.Đối với vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành:
Nếu sau khi bị chiếm đoạt, tài sản được mua đi, bán lại nhưng thu hồi được, thì ngoài việc trả lại, bồi thường hoặc tịch thu như đã nêu trên, số tiền dùng vào việc mua bán trái phép của từng lần (kể cả của người chiếm đoạt) bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại điểm a hay điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS.
Nếu tài sản thu hồi được là vật cấm lưu hành, nếu không còn giá trị sử dụng thì tịch thu tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS.
Chú ý để tránh trùng thu, mỗi cầu mua, bán chỉ tịch thu một lần ở người bán (nếu người mua đã trả tiền) hoặc ở người mua (nếu người mua chưa trả tiền).
b. Đối với các tài sản khác: Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản rồi bán tài sản đó, thì số tiền thu được do bán tài sản không bị tịch thu mà được trừ vào khoản phải bồi thường; nếu thiếu thì phải bồi thường thêm cho đủ, nếu còn thừa thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền thừa đó.
1.2. Theo quy định tại Điều 74 BLTTHS: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS, thì:
Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành, là tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, nếu vật cấm lưu hành là các chất ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy thì tuyên tịch thu nhưng không sung quỹ Nhà nước mà đưa đi tiêu hủy;
Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì vật chứng đó bị sung quỹ Nhà nước. Ví dụ, khi khám nhà của H – người đã thực hiện hành vi cướp giật chiếc túi của người phụ nữ vừa đi xe máy từ Ngân hàng B ra đường, Cơ quan điều tra đã thu giữ được 3 chiếc điện thoại di động hiệu Iphone 6. Theo lời khai nhận của H thì cả 3 chiếc điện thoại đó đều là đồ cướp giật của người khác. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp nhưng không xác định chủ sở hữu của 3 chiếc điện thoại là ai, nên khi xét xử, Toà án phải quyết định sung quỹ Nhà nước 3 chiếc điện thoại trên.
Trong trường hợp nếu chủ sở hữu biết được và cho phép người phạm tội dùng tài sản của mình để phạm tội thì tài sản đó cũng phải bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.Ví dụ, A biết B đi chặn người qua đường để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn cho B mượn xe máy thì chiếc xe máy của A phải bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật. Ví dụ, vật chứng là thực phẩm tươi sống, hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn…
Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Ví dụ, vật chứng là bộ quần áo cũ nát, con dao han rỉ, cục đá, đoạn gỗ nhỏ…
1.3. Thẩm quyền xử lý vật chứng
Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc HĐXX có quyền quyết định trả lại những vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Ví dụ, K tự ý dùng xe ô tô của cơ quan M đi buôn lậu và bị bắt giữ. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục tố tụng cần thiết, xét thấy không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có quyền ra quyết định xử lý vật chứng, trả lại chiếc ô tô cho cơ quan M.
Trong trường hợp vật, tiền bạc không thuộc loại tài sản Nhà nước cấm lưu hành, tuy được thu giữ trong quá trình tố tụng nhưng có căn cứ xác định tài sản đó không liên quan gì đến tội phạm và người phạm tội thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc Hội đồng xét xử có quyền quyết định trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
*Vài lưu ý khi áp dụng Điều 41 BLHS, Điều 76 BLTTHS
Một là, việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành, là biện pháp tư pháp chỉ do HĐXX xét xử vụ án áp dụng và không có trường hợp ngoại lệ. Trong vụ án có giải quyết vấn đề tịch thu tiền, vật liên quan đến tội phạm theo quy định tại Điều 41 BLHS và Điều 76 BLTTHS, cần chú ý thêm một số trường hợp sau:
Tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLHS và khoản 2 Điều 76 BLTTHS, khi tiền, tài sản thu hồi được;
Tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLHS, khi tiền, tài sản không thu hồi được;
Trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịchthu tài sản đó sung quỹ nhà nước, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS.
Hai là, cần phân biệt hình phạt bổ sung tịch thu tài sản với biện pháp tư pháp này. Hai biện pháp cưỡng chế này tuy có điểm giống nhau là tước tài sản của người phạm tội sung quỹ nhà nước, không có đền bù, do Tòa án áp dụng nhưng có bản chất pháp lý khác nhau. Tịch thu tài sản với tư cách là hình phạt bổ sung có đối tượng là tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án, không hoặc có liên quan trực tiếp đến tội phạm, được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đối tượng của các biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, có thể thuộc quyền sở hữu cá nhân người phạm tội hoặc tài sản của họ do chuyển quyền sở hữu hợp pháp (phạm tội mà có). Biện pháp tư pháp có thể được thực hiện ở những giai đoạn tố tụng trước khi thi hành án.[2]
Ba là, đối với những tài sản là vật chứng được quy định tại Điều 74 BLTTHS, phải thỏa mãn các quy định về chứng cứ; việc thu thập và bảo quản chứng cứ tương ứng tại các Điều 64, Điều 75 BLTTHS, như: Công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm; vật là đối tượng của tội phạm cũng như vật khác và tiền bạc có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, thì áp dụng Điều 76 BLTTHS để xử lý mà không cần áp dụng thêm Điều 41 BLHS.
Bốn là, đối với vật và tiền bạc không thuộc loại tài sản Nhà nước cấm lưu hành, tuy được thu giữ trong quá trình tố tụng nhưng có căn cứ xác định tài sản đó không liên quan đến tội phạm và người phạm tội, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS. Đối với những vật, tiền bạc là vật chứng được quy định tại Điều 74 BLTTHS nhưng thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì áp dụng khoản 3 Điều 41 BLHS tịch thu sung quỹ nhà nước.
Năm là, pháp luật quy định về tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội, về bản chất, đó là tịch thu tang vật của vụ án. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không thu giữ được công cụ, phương tiện phạm tội thì có nghĩa là không có vật chứng của vụ án để xử lý, không có đối tượng để tịch thu. Trường hợp công cụ, phương tiện phạm tội mà người phạm tội đã bán đi thì Tòa án cũng không thể “truy thu” số tiền mà họ đã bán được, bởi tại thời điểm họ bán thì về cơ sở pháp lý, công cụ, phương tiện đó vẫn đang là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân hoặc tổ chức bị người phạm tội chiếm đoạt. Do vậy, thực tiễn xét xử có thể có những trường hợp sau:
i)Trường hợp bị cáo cắt lấy dây cáp điện (tội phá hủy công trình phương tiện về ANQG), số dây này còn giá trị thanh lý bán phế liệu, trước đó bị cáo đã bồi thường xong trị giá số dây cáp nói trên, thì phải coi đây là tài sản do phạm tội mà có, áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS để tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước.
ii)Trường hợp bị cáo bán tài sản chiếm đoạt được một khoản tiền, nhưng phía người bị hại từ chối nhận lại khoản tiền bồi thường, thì phải coi đây là tài sản do phạm tội mà có, tuy người bị hại từ chối nhận lại khoản tiền bồi thường, vẫn áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS để tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước.
iii)Trường hợp bị cáo thêm tiền của mình vào tiền đã chiếm đoạt của người khác để mua công cụ, phương tiện phạm tội thì vẫn áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS để tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước vì đây là công cụ, phương tiện phạm tội.
2. Những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn áp dụng Điều 41 BLHS và Điều 76 BLTTHS
Thứ nhất, chưa có quy định rõ công cụ, phương tiện phạm tội nào là đối tượng phải áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS, để HĐXX quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước. Tại điểm b khoản 1 điều này thì quy định, vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có cũng bị tịch thu sung quỹ nhà nước, vậy với tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 BLHS, khi xét xử có áp dụng khoản 1 Điều 41 BLHS tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền gốc hoặc vàng hay ngoại tệ mà người phạm tội dùng để cho vay lãi nặng không? Thực tiễn xét xử đang tồn tại hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất, số tiền gốc hoặc vàng hay ngoại tệ mà người phạm tội dùng để cho vay với lãi suất rất cao về bản chất đó là phương tiện phạm tội, nên phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước, vì nếu như người thực hiện hành vi không dùng số tiền gốc hoặc vàng hay ngoại tệ đó để cho vay lãi nặng thì không cấu thành tội phạm này; động cơ phạm tội là vì vụ lợi nhằm thu lợi bất chính, cũng giống như người phạm tội buôn lậu, ngoài việc bị cáo phải chịu chế tài xử phạt của HĐXX, còn phải bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa mà bị cáo đã buôn lậu. Hơn nữa, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS không có trường hợp ngoại lệ. Quan điểm thứ hai, riêng dấu hiệu đặc trưng của tội cho vay lãi nặng là số tiền lãi vượt mức quy định của pháp luật, chứ không phải là số tiền gốc mà họ bỏ ra để cho vay, do vậy, không máy móc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS để tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước. Ngay đối với số tiền lãi thì cũng chỉ tịch thu số tiền lãi cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định, đó mới là “tiền thu lợi bất chính”. Bởi do chưa có quy định cụ thể, nên đây có lẽ là kẽ hở của pháp luật và có thể bị lợi dụng khi xử lý vì mục đích cá nhân.
Thứ hai, căn cứ vào đâu để xác định“vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS. Có ý kiến cho rằng, vật thuộc loại nhà nước cấm lưu hành phải là đối tượng của các tội phạm được quy định trong BLHS, cụ thể Điều 193. Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; Điều 195. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 196. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 230.Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ; Điều 232. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; Điều 233. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; Điều 236. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ và Điều 238. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc. Ý kiến khác thì căn cứ vào Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014 của Bộ Công thương, mà theo đó, Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh được quy định tại các nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, được sửa đổi, bổ sung bởi các văn bản sau: Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại và Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp, đó là:
1.Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
2. Các chất ma túy;
3. Hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế);
4. Các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách;
5. Các loại pháo;
6. Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả cả chương trình trò chơi điện tử);
7. Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
8. Thực vật, động vật hoang dã (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đó được chế biến) thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng;
9. Thủy sản cấm khai thác, thủy sản có dư lượng chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người;
10. Phân bón không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam;
11. Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống cây trồng gây hại đến sản xuất và sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái;
12. Giống vật nuôi không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái;
13. Khoáng sản đặc biệt, độc hại;
14. Phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường;
15. Các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
16. Các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
17. Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
18. Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amphibole;
19. Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu;
Người viết thấy rằng, ý kiến thứ nhất là phù hợp hơn vì theo quy định của BLHS thì hành vi tang trữ, lưu hành các loại đồ vật theo quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 BLHS là tội phạm và bị xử lý bằng trách nhiệm hình sự, còn đối với các đồ vật khác thì chỉ có thể bị xử lý theo quy định pháp luật vi phạm hành chính.
Thứ ba, với những vật chứng nhỏ, gọn, có giá trị không quá lớn thì việc áp dụng quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 41 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS không có gì vướng mắc, nhưng với những vật có giá trị rất lớn như nhà cửa, công trình kiến trúc khác và xác định một phần giá trị trong vật đó là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc do phạm tội mà có thì tịch thu cả vật hay một phần tương ứng được xác định. Xoay quanh vấn đề này có các quan điểm sau: Quan điểm thứ nhất, phải tịch thu cả vật đó bởi vật đó là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc được dùng vào việc đổi chác. Quan điểm thứ hai, chỉ tịch thu phần vật được xác định liên quan đến tội phạm. Theo quy định tại Chương XI Các loại tài sản của BLDS năm 2005, thì tài sản được chia thành vật chính và vật phụ (Điều 176); vật chia được và vật không chia được (Điều 177); vật đồng bộ (Điều 180), nếu vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội là vật chính, vật phụ hoặc phần phân chia được từ vật chung thì chỉ tịch thu sung quỹ nhà nước phần được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội là vật chính, vật phụ hoặc phần phân chia được từ vật chung, nếu sau khi tách ra mà nó vẫn giữ được giá trị sử dụng, giá trị của vật đó; nếu vật đó là vật không thể phân chia được hay là vật đồng bộ thì phải tịch thu toàn bộ vật đó.
Thứ tư, đối với việc trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS, mà theo đó, những vật chứng thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho họ nhưng không quy định rõ đến yếu tố lỗi của những chủ thể này, nên dù họ có lỗi hay không có lỗi thì đều phải trả lại cho họ. Như vậy, sẽ không thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 41 BLHS, theo quy định này nhà làm luật đã loại trừ trường hợp các chủ thể nêu trên có lỗi khi để cho người phạm tội sử dụng vật, tiền của họ làm công cụ, phương tiện phạm tội. Do vậy, cần thiết nên bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS việc chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp không có lỗi.
Thứ năm, các điểm b và c khoản 2 Điều 76 BLTTHS có quy định: “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước”, “Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước”. Nhưng tại Điều 163 BLDS năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”, do vậy, có thể thấy quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS là chưa bao quát; quy định tại điểm c khoản 2 Điều 76 BLTTHS là trùng lặp, nên cần thiết phải sửa đổi “vật, tiền bạc”, “tiền bạc hoặc tài sản” thành tài sản để đồng bộ, thống nhất chung trong hệ thống pháp luật.
Thứ sáu, trường hợp công cụ, phương tiện phạm tội được xác định là vật chứng của hai vụ án độc lập nhau thì xử lý vật chứng đó như thế nào? Ví dụ, con dao dùng làm hung khí được tìm thấy tại nhà riêng của bị cáo là vật chứng của hai vụ án giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, trong khi đó vụ án giết người TAND tỉnh H xét xử vào tháng 02/2014, vụ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người TAND huyện C, tỉnh Đ dự kiến xét xử vào tháng 6/2014 thì vật chứng là con dao gây án được HĐXX nào tuyên tịch thu tiêu hủy. Bởi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS, khi xét xử bị cáo về tội giết người thì HĐXX phải quyết định trong phần xử lý vật chứng, tịch thu tiêu hủy con dao đó. Tuy nhiên, con dao đó lại là vật chứng của vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chưa được xét xử, nên sẽ là không phù hợp nếu như vụ án cố ý gây thương tích được xét xử mà không có vật chứng. Thực tiễn xét xử, cách giải quyết trường hợp trên là vẫn tạm thời giữ lại con dao để phục vụ cho xét xử vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Thứ bảy, với trường hợp dùng tài sản là tàu đánh cá đã thế chấp ngân hàng để vay tiền làm phương tiện phạm tội “Phá hủy công trình quan trọng an ninh quốc gia” theo Điều 231 BLHS (cắt cáp viễn thông ngầm dưới biển), vì là phương tiện phạm tội, nên HĐXX có xử lý vật chứng là tịch thu con tàu sung quỹ nhà nước không? Do luật và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể, nên thực tiễn xét xử đã nãy sinh các quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, do con tàu vừa là phương tiện phạm tội vừa là tài sản được thế chấp hợp pháp bảo đảm khoản tiền vay của ngân hàng, trong khi đó các điều luật tương ứng về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng quy định trong BLHS, BLTTHS không quy định trường hợp vật chứng là tài sản được thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ dân sự, nhưng để bảo đảm quyền lợi của phía ngân hàng, vật chứng của vụ án là con tàu được thanh lý trước hạn hợp đồng, phần giá trị còn lại của con tàu (nếu có) thì tịch thu sung quỹ nhà nước. Quan điểm thứ hai, việc ngân hàng nhận thế chấp con tàu là hợp lệ nhưng việc thế chấp đó không làm mất đi quyền sở hữu của bị cáo đối với con tàu đó, nên đã là phương tiện phạm tội thì phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Có thể thấy dù Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 24/10/2998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố , xét xử vụ án hình sự đã hết hiệu lực thi hành, nhưng tại tiểu mục a mục 5 Phần I của Thông tư liên tịch có hướng dẫn: “Vật chứng là tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp (người có tài sản cầm cố, thế chấp, người nhận cầm cố, thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố, thế chấp) tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó. Trong trường hợp bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì họ được tìm đối tác để khai thác, sử dụng. Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người thứ ba theo quy định tại các Điều 336, 337, 355, 356 Bộ luật dân sự và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp họ không tìm được đối tác thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản”. Người viết thấy rằng, hướng dẫn này bảo đảm được quyền lợi chính đáng của bên nhận tài sản cầm cố, thế chấp hợp pháp, tuy nhiên, để không trái với quy định của pháp luật, cần thiết bổ sung quy định trên vào quy định của BLTTHS.
3. Kiến nghị
Từ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xét xử và những nội dung phân tích trên, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hướng đến sự điều chỉnh có hiệu quả hơn, khắc phục sự bất cập, tính bất hợp lý trong áp dụng biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, chúng tôi kiến nghị: Cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu hướng dẫn thống nhất nhận thức để tránh những tranh cãi không cần thiết. Bên cạnh đó cần tạo sự ổn định lâu dài, nhất là đối với các điều luật tương ứng quy định về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng trong BLHS, BLTTHS khi sửa đổi bổ sung sắp tới, như: Cần giải thích, quy định rõ hơn về công cụ, phương tiện phạm tội, trong trường hợp nào phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước; trường hợp nào không bị tịch thu sung quỹ nhà nước; trường hợp tài sản (vật chứng của vụ án) được thế chấp hợp pháp cho ngân hàng để bảo đảm các khoản vay; xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội đối với vật không thể chia tách được; quy định cụ thể hơn vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành;…
4. Kết luận: Pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta quy định về biện pháp tư pháp “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” và “xử lý vật chứng” của vụ án là cần thiết, với những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xét xử và kiến nghị sửa đổi, bổ sung như trên đề cập, hy vọng sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, hạn chế được những sai sót, phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử , đáp ứng yêu cầu của tiến hành cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.