Vật chứng là một trong các loại nguồn chứng cứ mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây được viết tắt là BLTTHS) ghi nhận bên cạnh các loại nguồn chứng cứ khác. So với các loại nguồn chứng cứ khác, vật chứng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự bởi vì chúng không bị chi phối bởi các yếu tố tình cảm, tâm lý như các loại nguồn chứng cứ khác. Các quy định về xử lý vật chứng trong BLTTHS đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp cơ quan, người tiến hành tố tụng xử lý vật chứng, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tuy nhiên, từ khi BLTTHS có hiệu lực cho đến nay, việc vận dụng các quy định về xử lý vật chứng bộc lộ nhiều sai phạm, thiếu sót. Bên cạnh sự hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một số cán bộ thực hành công vụ, sai sót trong việc xử lý vật chứng thời gian qua còn xuất phát từ chính các quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập. Chính vì vậy, việc tìm hiểu quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng; đánh giá thực trạng áp dụng quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng trong thời gian qua để đề ra giải pháp khắc phục là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về xử lý vật chứng
1.1. Khái niệm về xử lý vật chứng
Theo Từ điển tiếng Việt, xử lý là “áp dụng vào cái gì đó những thao tác nhất định để nghiên cứu, sử dụng”[1]. Trong tố tụng hình sự, vật chứng là những vật gắn liền với tội phạm, cho nên trong quá trình giải quyết vụ án, bên cạnh việc xử phạt hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan, người tiến hành tố tụng còn phải xử lý cả những vật, tài sản mà liên quan đến vụ án đã xảy ra nhằm xóa bỏ điều kiện hỗ trợ cho hành vi phạm tội xảy ra, khôi phục quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp không có lỗi, … Theo đó, xử lý vật chứng được hiểu là việc cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng các hình thức xử lý phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại vật chứng nhằm xóa bỏ hay khôi phục quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với vật chứng của vụ án.
1.2. Chủ thể có thẩm quyền xử lý vật chứng
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 76 BLTTHS, khi vụ án bị đình chỉ chủ thể có thẩm quyền xử lý vật chứng là các cơ quan tiến hành tố tụng. Tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà thẩm quyền xử lý vật chứng có khác nhau. Khi vụ án bị đình chỉ ở giai đoạn điều tra, việc xử lý vật chứng sẽ do Cơ quan điều tra quyết định, cụ thể, thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định xử lý theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 34 BLTTHS. Khi vụ án bị đình chỉ ở giai đoạn truy tố, việc xử lý vật chứng sẽ do Viện kiểm sát quyết định, cụ thể, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 36 BLTTHS. Còn khi vụ án bị đình chỉ ở giai đoạn xét xử, việc xử lý vật chứng sẽ do Tòa án quyết định, cụ thể, Chánh an quyết định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 hoặc do Hội đồng xét xử quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS; nếu vụ án được đưa ra xét xử thì thẩm quyền xử lý vật chứng thuộc về Tòa án mà cụ thể là Chánh án hoặc Hội đồng xét xử; nếu vật chứng thuộc trường hợp trả lại cho chủ sở hữu (trong trường hợp vụ án không bị đình chỉ) thì những người có thẩm quyền xử lý vật chứng ở hai trường hợp trên có quyền quyết định trả lại vật chứng nếu vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Cần lưu ý, quy định “không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” được hiểu không chỉ là không ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm, người phạm tội mà còn không ảnh hưởng đến việc làm rõ các tình tiết khác trong vụ án hình sự, bảo đảm cho vấn đề giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Nếu quán triệt được nội dung này sẽ tránh được việc giao trả lại tài sản không đúng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và không gây khó khăn cho Tòa án khi cần xem xét vật chứng tại phiên tòa; đồng thời, nhắc nhỡ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quan tâm nhiều hơn đến việc làm sáng tỏ các tình khác của vụ án bên cạnh chứng minh tội phạm, người phạm tội.
1.3. Thời điểm, hình thức xử lý vật chứng
Vật chứng không những được xử lý khi vụ án đang trong quá trình giải quyết (đang thực hiện các hoạt động trong các giai đoạn tố tụng có thể là điều tra, truy tố hay xét xử) mà còn được xử lý khi vụ án kết thúc (có thể là vụ án bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử hoặc vụ án được xét xử xong và bản án có hiệu lực pháp luật). Khi vụ án bị đình chỉ (trong giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử), cơ quan, người tiến hành tố tụng phải ra quyết định khi xử lý vật chứng và khi thi hành quyết định này phải lập văn bản thể hiện và được đưa vào hồ sơ vụ án. Việc thi hành quyết định này do cơ quan thi hành án thực hiện. Đối với trường hợp vật chứng được xử lý khi vụ án đang được tiến hành, BLTTHS không quy định hình thức xử lý cũng như có lập văn bản khi thi hành án hay không. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án, cơ quan, người tiến hành tố tụng thường ra quyết định giao trả lại vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; đồng thời, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định xử lý vật chứng sẽ tiến hành thi hành quyết định đó bằng cách lập biên bản giao trả vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp và biên bản giao nhận sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án. Đối với trường hợp vật chứng được xử lý khi vụ án được xét xử thì việc xử lý vật chứng sẽ là nội dung không thể thiếu trong phần Quyết định của bản án hình sự. Việc thi hành quyết định xử lý vật chứng sẽ do cơ quan thi hành án thực hiện khi bản án có hiệu lực pháp luật.
1.4. Biện pháp xử lý vật chứng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS, vật chứng được xử lý bằng các biện pháp sau: tịch thu tiêu hủy, tịch thu sung quỹ nhà nước, trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng hoặc bán theo quy định pháp luật.
Cần lưu ý việc trả lại tài sản là một biện pháp xử lý vật chứng với việc trả lại tài sản là biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 41, Điều 42 Bộ luật Hình sự. Biện pháp tư pháp được hiểu “là biện pháp hình sự được Bộ luật Hình sự quy định, do các cơ quan tư pháp áp dụng đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có tác dụng hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt”[2]. Cho nên, biện pháp trả lại tài sản được quy định tại Điều 41, Điều 42 Bộ luật Hình sự có giá trị hỗ trợ cho hình phạt. Theo Từ điển tiếng Việt, hỗ trợ được hiểu “giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào”[3]. Do bản chất của nó là hỗ trợ hình phạt nên việc xét xem có áp dụng chúng hay không tùy thuộc vào đánh giá của người tiến hành tố tụng và đối tượng bị xử lý có thể được xác định là vật chứng của vụ án cũng có thể không phải là vật chứng của vụ án. Trong khi đó, điều tiên quyết khi áp dụng các quy định về xử lý vật chứng thì đối tượng bị xử lý phải là vật chứng của vụ án, tức nó được thu thập, bảo quản, kiểm tra, đánh giá theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định. Cho nên, khi đã xác định một vật là vật chứng thì bắt buộc phải áp dụng các quy định tại Điều 76 BLTTHS để xử lý. Việc cơ quan, người tiến hành tố tụng có áp dụng thêm quy định tại Điều 41, 42 Bộ luật Hình sự hay không tùy theo đánh giá của họ. Điều này cũng phù hợp với một vài hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử các vụ án hình sự có vật chứng[4]. Do đó, không thể chấp nhận ý kiến cho rằng, Hội đồng xét xử không được áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS để trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp mà phải áp dụng Điều 41 hoặc Điều 42 Bộ luật Hình sự[5].
Vật chứng được xử lý bằng hình thức bán theo quy định pháp luật nếu chúng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản. Biện pháp xử lý này được hướng dẫn cụ thể tại mục 6 phần I Thông tư số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP. Theo đó, vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng như: rau, quả, thực phẩm tươi sống, hoá chất... thì cơ quan thu giữ tiến hành lập biên bản ghi rõ tình trạng vật chứng đó, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và gửi tiền vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan tài chính cùng cấp và chủ sở hữu tài sản (nếu biết); đối với vật chứng là tài sản thuộc loại có quy định thời hạn sử dụng ngắn, tài sản đã gần hết hạn sử dụng hoặc việc bảo quản gặp khó khăn, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào hiện trạng vật chứng, sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan tài chính cấp, cơ quan đang bảo quản tài sản lập Hội đồng tổ chức bán đấu giá vật chứng đó và gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu tài sản (nếu biết). Sau đó, tùy từng trường hợp mà khoản tiền này được trao trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp nếu vật chứng thuộc trường hợp phải trao trả lại hoặc tịch thu, sung quỹ nếu vật chứng thuộc trường hợp phải tịch thu, sung quỹ.
2. Thực trạng áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về xử lý vật chứng
Việc xử lý vật chứng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật góp phần quan trọng vào việc tước đoạt quyền sở hữu đối với các tài sản đối với người thực hiện hành vi phạm tội nhằm xóa bỏ điều kiện phạm tội; khôi phục lại quyền sở hữu cho chủ sở hữu, quyền chiếm hữu cho người quản lý hợp pháp; cũng như kịp thời bán đấu giá tài sản mau hỏng, thời hạn sử dụng ngắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, … BLTTHS và một số văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định khá chi tiết và đầy đủ về việc xử lý vật chứng và trên thực tế đã giúp hoạt động giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng đạt được hiệu quả tốt và mang tính thuyết phục cao.
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng cũng đã phát sinh một số sai sót cần được khắc phục[6]. Đồng thời, qua thời gian áp dụng, quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng cũng tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để năng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
2.1. Một số sai sót trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về xử lý vật chứng
Thứ nhất, xử lý vật chứng không đúng quy định. Vật chứng là vật cấm lưu hành theo điểm a khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 (nay là điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS) đáng lẽ phải thu giữ, tịch thu, sung quỹ nhà nước nhưng Tòa án lại giao cho cơ quan khác giải quyết. Sai sót này được thể hiện qua vụ án Cao Tỷ Phú và đồng bọn bị xử phạt về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" theo Bản án hình sự sơ thẩm số 1085/HSST ngày 19/12/2002 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm số 525/HSPT ngày 18/4/2003 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Nội dung sự việc như sau, từ năm 1996 đến năm 1998, Phú cùng đồng bọn sử dụng hồ sơ, giấy tờ xe ô tô, xe mô tô giả để bán 38 xe ô tô và 4 xe mô tô nhập lậu cho các cơ quan và cá nhân. Tuy nhiên, trong phần quyết định, cả ai bản án trên đều giao cho Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền 38 xe ôtô và 4 xe môtô mà đáng lẽ ra phải tịch thu, sung quỹ nhà nước các xe ôtô và môtô đó vì chúng là vật chứng của vụ án. Chính vì lẽ đó mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy phần xử lý vật chứng này của 02 bản án đó[7].
Bên cạnh đó, điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thì có thể áp dụng hình thức tịch thu sung quỹ. Đối với những vật chứng nhỏ, gọn và có giá trị nhỏ thì việc áp dụng như quy định này không có gì phải bàn cãi nhưng đối với vật có giá trị lớn như nhà cửa, công trình kiến trúc lớn và chỉ xác định một phần giá trị trong vật đó là công cụ phạm tội, phương tiện phạm tội, do phạm tội mà có thì tịch thu cả vật hay chỉ phần giá trị đó. Có ý kiến cho rằng, phải tịch thu cả vật đó bởi vật đó đã tham gia vào việc đổi chác. Nhưng có ý kiến cho rằng chỉ tịch thu phần giá trị tài sản được tham gia vào việc phạm tội[8]. Tuy nhiên, theo quy định về các loại tài sản tại Chương XI Bộ luật Dân sự, tài sản được chia thành vật chính, vật phụ, vật chia được và vật không phân chia được, vật đồng bộ. Nếu vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội là vật chính hoặc vật phụ và vật phân chia được thì chỉ cần tịch thu sung quỹ phần được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội là vật chính, vật phụ hay phần được phân chia từ vật chung vì bản chất của các vật này đều có thể tách ra so với các bộ phận khác mà chúng vẫn giữ được công dụng hoặc giá trị. Còn nếu vật đó là vật không phân chia được hay vật đồng bộ thì nếu một phần của nó được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì ta phải tịch thu toàn bộ vật đó.
Ngoài ra, việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội cũng có nhiều sai sót. Chẳng hạn, bị cáo dùng xe mô tô đã nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa làm thủ tục sang tên làm phương tiện phạm tội nhưng Tòa án lại trả cho người đứng tên sở hữu. Có trường hợp, bị cáo dùng xe mô tô của mình làm phương tiện cướp tài sản thay vì tịch thu sung quỹ nhưng Tòa án lại nhận định bị cáo có hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn, giá trị tài sản không lớn nên trả lại tài sản cho bị cáo; hay bị cáo bị xét xử về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo Điều 154 Bộ luật Hình sự nhưng số tiền thu giữ là vật chứng của vụ án là 29.000 USD lại được giao trả lại cho bị cáo[9].
Thứ hai, trong thực tiễn có trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp thay cho biện pháp xử lý vật chứng. Chẳng hạn, trong thực tiễn hoạt động xét xử các vụ án về các tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia cho thấy, có những trường hợp Cơ quan điều tra thu giữ tài sản bị hư hỏng làm vật chứng trong vụ án mà người phạm tội bị truy tố, xét xử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Khi người bị hại và người phạm tội đã thỏa thuận bồi thường toàn bộ giá trị tài sản thì khi xét xử, Tòa án đã tuyên trả tài sản cho bị cáo. Hay trong vụ án bị cáo bị xét xử về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia cũng gặp vướng mắc tương tự như có vụ án Hội đồng xét xử đã tuyên buộc bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại và giao trả tài sản bị xâm phạm là vật chứng của vụ án cho bị cáo[10]. Xét việc xử lý sai này xuất phát từ việc chưa phân biệt rõ được hai nội dung là bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng. Trong đó, bồi thường thiệt hại là biện pháp tư pháp còn xử lý vật chứng là biện pháp tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 76 BLTTHS. Cho nên, dù bị cáo đã bồi thường đủ rồi thì tài sản bị hư hỏng là tài sản do phạm tội mà có để tịch thu tiêu hủy theo điểm c khoản 2 Điều 76 BLTTHS.
Thứ ba, thực tiễn có vụ án xử lý vật chứng nhưng còn bỏ sót, tức xử lý vật chứng này nhưng không xử lý vật chứng khác; những vật chứng Tòa án cấp sơ thẩm không xử lý nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xử lý; những vật chứng có tình trạng pháp lý như nhau nhưng lại xử lý khác nhau. Điều này được thể hiện qua vụ án Nguyễn Văn Hậu và đồng bọn phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trong khoảng thời gian từ tháng 12-1999 đến tháng 4-2001, Hậu cùng đồng bọn đã làm và sử dụng hồ sơ giả để đăng ký và bán 41 xe ôtô nhập lậu cho nhiều cá nhân và tổ chức. Trong số 41 xe ôtô là vật chứng của vụ án, có 22 xe ôtô bị Cơ quan điều tra tạm giữ; 15 xe ôtô bị Cơ quan điều tra kê biên và giao người mua bảo quản; 04 xe không thu giữ được do không xác định được người quản lý. Vụ án được xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Trong phần xử lý vật chứng, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm quyết định không thống nhất và có nhiều sai sót. Cụ thể, trong 37 xe thu giữ được, Toà án cấp sơ thẩm chỉ xử lý 35 xe, còn bỏ sót 02 xe không xử lý (trong đó 01 xe CQĐT đang tạm giữ; 01 xe người mua đang quản lý). Đối với 35 xe ôtô, Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định tịch thu 21 xe do Cơ quan điều tra đang tạm giữ (trong đó có 08 xe không có biển kiểm soát) và buộc nộp sung quỹ Nhà nước 14 xe do những người mua đang quản lý. Như vậy, sai sót của cấp sơ thẩm về xử lý vật chứng là bỏ sót không xử lý hết vật chứng của vụ án. Đến giai đoạn phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm xử lý 20 xe liên quan đến kháng cáo, trong đó quyết định giao cho Bộ Tài chính xử lý 15 xe có biển kiểm soát (gồm 07 xe Toà án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu, 06 xe Toà án cấp sơ thẩm buộc nộp sung quỹ Nhà nước, 02 xe Toà án cấp sơ thẩm không xử lý) và tịch thu sung quỹ Nhà nước 05 xe (gồm 03 xe không có biển kiểm soát và 02 xe có biển kiểm soát). Như vậy, việc cấp phúc thẩm xử lý 02 xe ôtô mà Toà án cấp sơ thẩm không xử lý là vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử và việc quyết định tịch thu đối với 02 xe ôtô có biển kiểm soát và có tình trạng pháp lý giống như những xe ôtô mà Toà án cấp phúc thẩm giao cho Bộ Tài chính xử lý là không thống nhất về đường lối giải quyết vụ án gây thiệt hại cho những người liên quan. Chính vì có những sai phạm về phần xử lý vật chứng mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy cả hai bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm về phần xử lý vật chứng[11].
Thứ tư, khoản 1 Điều 76 BLTTHS quy định tùy theo từng giai đoạn tố tụng nếu vụ án bị đình chỉ thì cơ quan đang giải quyết hồ sơ sẽ ra quyết định đình chỉ nhưng trên thực tiễn có vụ án Viện kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nhưng lại không xử lý vật chứng của vụ án. Vụ án “đánh bạc” đối với 17 con bạc do Cơ quan điều tra Bộ Công an và Phòng PC14 Công an tỉnh Hà Tây triệt phá tại xới bạc lớn trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (địa bàn giáp ranh hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình) vào năm 1999 minh chứng cho sai phạm này. Khi làm nhiệm vụ, lực lượng Công an đã bắt quả tang 17 đối tượng đang đánh bạc, do Đặng Duy Bắc và Lưu Quốc Chiến cầm đầu. Ngay sau đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tây đã có kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây truy tố 16 đối tượng do Lưu Quốc Chiến bỏ trốn. Tuy nhiên, vụ án được Trưởng phòng kiểm sát điều tra án trị an, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây chuyển về Viện kiểm sát nhân dân huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Sau đó, cả 16 bị can được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lương Sơn ký quyết định đình chỉ. Nhưng vật chứng của vụ án là số tiền 8,4 triệu đồng đã không được tịch thu sung quỹ và không tiêu hủy một số tang vật gồm: 4 quân xóc đĩa, bát, đĩa… Khoảng 7 năm sau, đầu tháng 10/2006, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lương Sơn mới ra quyết định xử lý vật chứng và sau khi vụ việc bị báo chí phanh khui thì số tiền này mới được nộp sung công quỹ[12].
Thứ năm, sai sót trong việc xử lý vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng không đáng kể. Điểm đ khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ”. Việc BLTTHS quy định việc tịch thu tiêu hủy vật chứng là cần thiết nếu vật chứng đó không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đáng kể, nhưng hiện nay cũng chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng không đáng kể” để xử lý dẫn đến việc xử lý còn mang tính tùy tiện, không thống nhất. Trên thực tế, có Cơ quan điều tra đã tự xác định vật chứng không còn giá trị theo ý chí cá nhân của mình như thể hiện qua vụ án Chang A Súa phạm tội “Hiếp dâm”. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra có thu tinh dịch trong âm đạo của người bị hại và lông tóc của Chang A Súa nhưng không cho giám định mà lại tự ý tiêu hủy bằng cách đốt với lý do mẫu vật không đảm bảo để giám định. Trong vụ án hiếp dâm không bắt quả tang và người bị hại không rõ lai lịch của kẻ phạm tội thì mẫu tinh dịch trong âm đạo người bị hại là chứng cứ duy nhất để truy nguyên tội phạm khi gửi mẫu vật đi giám định xác định ADN. Sai phạm trên thể hiện ở chỗ, việc thu thập vật chứng là do Cơ quan điều tra thực hiện, còn việc xác định các mẫu vật chứng đó có đảm bảo giám định được hay không là do cơ quan giám định kết luận. Việc Cơ quan điều tra đã tự tiêu hủy mẫu vật chứng sau khi thu thập được với lý do mẫu vật chứng đó không đảm bảo giám định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại[13].
Thứ sáu, sai sót trong việc bán vật chứng là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản không đúng quy định của pháp luật. BLTTHS không quy định hình thức bán các hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản đó là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại mục 6 phần I Thông tư số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hình thức xử lý vật chứng là loại tài sản này phải qua hình thức bán đấu giá. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nơi không tổ chức bán đấu giá, có nơi có tổ chức bán đấu giá cũng có những vi phạm nhất định. Chẳng hạn, vụ án “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm” ở Long An. Năm 2004, bà Ngô Kim Tuyến đến Long An thành lập trại nuôi khỉ Long Khánh. Đầu năm 2005, bà Tuyến đi tìm mua khỉ đuôi dài về nuôi. Tháng 8/2005, đối tác của bà Tuyến là ông Huỳnh Hữu Dũng đã tố cáo bà Tuyến giả mạo hồ sơ mua bán khỉ. Tháng 11/2005, bà Tuyến bị Công an tỉnh Long An khởi tố. Gần hai tháng sau, đàn khỉ đã sinh sôi được 286 con trị giá bạc tỷ của bà Tuyến nhanh chóng được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An đem bán đấu giá cho chính ông Dũng với giá 149 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian thông báo nộp hồ sơ chưa đủ 24 giờ từ 16/01/2006 đến khi bán đấu giá là 7 giờ 30 phút ngày 17/01/2006. Thế nhưng, việc đấu giá đã diễn ra suôn sẻ, bởi ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, ngày 03/11/2005, Cơ quan điều tra đã phát thông báo gửi đến Công ty Liên doanh nuôi và phát triển khỉ VN và Trại khỉ Bình Long. Kết quả sau đó, phiên đấu giá có đúng 2 doanh nghiệp này tham gia và người trúng giá lô khỉ trên lại chính là ông Dũng, chủ Trại khỉ Bình Long - người tố cáo bị cáo Tuyến[14]. Sau đó, vụ án được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An chuyển giao cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa. Đến tháng 6/2007, Viện kiểm sát nhân dân huyện lại miễn trách nhiệm hình sự cho bà Tuyến và ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Cùng lúc đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện có công văn yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xử phạt hành chính đối với bà Tuyến và xử lý khoản tiền 149 triệu đồng bán khỉ đang được gửi tại Kho bạc nhà nước[15]. Sai phạm ở đây là do nóng vội, Cơ quan điều tra đã vi phạm các quy định về bán đấu giá tài sản và khi ra quyết định đình chỉ vụ án, VKS không ra quyết định xử lý vật chứng mà yêu cầu cơ quan khác xử lý.
Nghiêm trọng hơn, có vụ án, vật chứng được bán qua giá tham khảo chứ không qua bán đấu giá. Đó là trường hợp bán tài sản trong vụ án Hùng “Xì tẹc” cùng đồng bọn phạm tội “Buôn lậu” xăng dầu vào năm 2006. Chính việc không bán đấu giá nên giá xăng dầu thực tế bán đã rẽ hơn nhiều so với giá thực tế. Cụ thể, giá xăng được bán 4.050 đồng/lít và giá dầu được bán 3.050 đồng/lít, trong khi tại thời điểm đó, giá bán lẻ là 5.300đồng/lít[16].
2.2. Một vài bất cập từ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về xử lý vật chứng
Bên cạnh việc áp dụng quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng không đúng, việc áp xử lý vật chứng trong thực tiễn thiếu thống nhất còn có nguyên nhân do các quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng tồn tại những bất cập nhất định. Đó là:
Thứ nhất, việc quy định biện pháp xử lý vật chứng không rõ ràng dẫn đến lúng túng khi áp dụng. Điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ”. Quy định sẽ không được hiểu trong trường hợp nào thì vật chứng này bị tịch thu sung quỹ và trong trường hợp nào thì bị tịch thu tiêu hủy. Bên cạnh đó, cũng trong điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS có đề cập đến cấm lưu hành nhưng lại không quy định thế nào là vật cấm lưu hành. Cho nên, có ý kiến cho rằng, vật thuộc loại cấm lưu hành bao gồm các lọai hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện[17] là vũ khí, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật chuyên dùng của quân sự, công an…; các chất ma túy; các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tính dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ nhân cách; các loại pháo; đồ chơi nguy hiểm, có hại đến hình thành nhân cách của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội; thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam…[18]. Ý kiến khác cho rằng, vật thuộc loại cấm lưu hành bao gồm các đồ vật là đối tượng của tội phạm quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 Bộ luật Hình sự. Đó là: vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật chuyên dùng của lực lượng vũ trang; các chất ma túy; các loại hóa chất có tính chất độc hại mạnh[19]. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì theo quy định của Bộ luật Hình sự thì hành vi tàng trữ, lưu hành các loại đồ vật theo các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 Bộ luật Hình sự là tội phạm và bị xử lý bằng tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cần có quy định thống nhất về vấn đề này.
Đối với việc trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội … dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp…”. Tuy nhiên, điều luật lại không đề cập đến lỗi của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Theo quy định này thì chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp dù có lỗi hay không có lỗi khi vật, tiền bạc của họ bị người phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì phải trả trả lại cho họ. Thấy rằng, trong trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp có lỗi mà vẫn giao trả tài sản cho họ sẽ không đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật. Vì khoản 3 Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định trường hợp xử lý tương tự: “vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước”. Do đó, cần quy định thêm khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp không có lỗi thì mới trả lại tài sản cho họ bởi vì nếu họ có lỗi cố ý thì họ là đồng phạm trong vụ án; còn nếu họ có lỗi vô ý thì cần tịch thu sung công vật tài sản trong trường hợp này.
Thứ hai, vấn đề xử lý vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm. Theo quy định tại Điều 74 BLTTHS, bên cạnh vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, vật chứng còn là vật mang dấu vết tội phạm. Trong khi đó, khoản 2 Điều 76 BLTTHS chỉ quy định việc xử lý vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội; vật cấm lưu hành; tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; vật, tiền bạc thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm phương tiện phạm tội; vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được mà chưa có quy định xử lý vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm. Bên cạnh đó, vật mang dấu vết tội phạm được phân thành hai loại là vật thuộc sở hữu người phạm tội và vật thuộc sở hữu người khác. Thực tiễn hoạt động tố tụng thời gian qua, không ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm và thuộc sở hữu của người phạm tội như xe ôtô, môtô có các vết va chạm trong các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, vết máu trên các tài sản trong vụ án “Cố ý gây thương tích”; vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm thuộc sở hữu người khác như tài sản có dấu vân tay của người phạm tội nhưng chúng không phải là đối tượng của tội phạm, … Do không có quy định về xử lý vật chứng thuộc trường hợp này nên trong thực tiễn có vụ án Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 76 hay điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2003 để xử lý vật chứng[20]. Tuy nhiên, việc xử lý vật chứng như hai trường hợp này là không chính xác. Để khắc phục thiếu sót này, cần bổ sung hình thức xử lý vật chứng là vật mang dấu vết tội phạm vào khoản 2 Điều 76 BLTTHS.
Thứ ba, việc xử lý vật chứng là “vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Việc xử lý vật chứng này chưa được quy định trong BLTTHS và hướng dẫn đầy đủ nên trong thực tế việc áp dụng việc xử lý vật chứng đối với loại đối tượng này chưa thống nhất. Chẳng hạn, các loại vật (kể cả giấy tờ tùy thân) là loại vật khác có gia trị chứng minh tội phạm, người phạm tội; các vật như thanh sắt, con dao được người bị hại chống trả khi tội phạm cố ý gây thương tích được thực hiện; các giấy tờ thu giữ trong người bị cáo có giá trị chứng minh bị cáo là người phạm tội nhưng các đồ vật, tài liệu này không phải là đối tượng được xử lý theo khoản 2 Điều 76 BLTTHS nên không có căn cứ xử lý. Chính vì chưa có quy định xử lý nên có Tòa áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 hoặc khoản 3 Điều 76 BLTTHS để xử lý bằng cách giao trả các vật chứng này cho chủ sở hữu[21]. Xét về bản chất thì việc giao trả các tài sản trên cho chủ sở hữu là hợp lý. Tuy nhiên, do không có các quy định viện dẫn nên đã dẫn đến sự lúng túng khi áp dụng.
Thứ tư, về khái niệm tài sản, vật, tiền bạc trong Điều 76 BLTTHS. Các điểm b và c khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước…” và “Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước”. Tuy nhiên, theo Điều 163 Bộ luật Dân sự thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Cho nên, quy định như điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS là chưa bao quát và quy định như điểm c khoản 2 Điều 76 BLTTHS trùng lặp và mâu thuẫn không phù hợp. Do đó, cụm từ “vật, tiền bạc” trong điểm b khoản 2 và “tiền bạc hoặc tài sản” trong điểm c khoản 2 cần được sửa đổi thành tài sản để đảm bảo việc thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Thứ năm, vướng mắc trong việc xác định thời hạn và cách niêm yết thông báo tìm kiếm khi áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp mà không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước”. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự gặp một số trường hợp quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ vật chứng của vụ án nhưng chưa xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Để xác định chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, sau khi xác minh không có kết quả, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra thông báo trong một thời gian nhất định để tìm chủ sở hữu của vật chứng. Nếu trong thời hạn thông báo mà xác định được đối tượng thông báo thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 76 BLTTHS để quyết định trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Nhưng nếu đã hết hạn điều tra, truy tố, xét xử vẫn không tìm được chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng chuyển vật chứng cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra; Viện kiểm sát chuyển vật chứng cùng với hồ sơ cho Tòa án trong giai đoạn truy tố; trong giai đoạn xét xử, thì tùy từng trường hợp sẽ quyết định sung quỹ Nhà nước hoặc tiếp tục tạm giữ vật chứng chờ khi hết hạn thông báo thì ra Quyết định sung quỹ Nhà nước.
Tuy nhiên, do BLTTHS không quy định hình thức thông báo và thời hạn thông báo nên đã gây ra lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước đây, Thông tư số 03.TT.LB ngày 23/4/1984 quy định thời gian niêm yết công khai tìm chủ sở hữu là không quá 6 tháng[22]. Sau đó, Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước được ban hành kèm theo Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ Tài chính quy định thời hạn tìm kiếm chủ sở hữu đối với tài sản có giá trị lớn bị đánh rơi, bỏ quên là 1 năm và tìm kiếm chủ sở hữu đối với bất động sản là năm năm[23]. Tuy nhiên, cả hai quy định này đều được áp dụng hướng dẫn các quy định trước khi BLTTHS ra đời. Theo quy định tại khoản 4 Điều 76 BLTTHS thì “trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Như vậy, việc xác lập quyền sở hữu và chủ sở hữu mới trong vụ án hình sự là những quan hệ mang tính dân sự. Do đó, khi giải quyết việc xác lập quyền sở hữu mới đối với vật chứng có thể được áp dụng các quy định về xác lập quyền sở hữu quy định tại Mục I Chương XIV Bộ luật Dân sự. Cụ thể thời hạn tìm kiếm chủ sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu là 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản hay thời hạn xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên là 01 năm[24]. Vì vậy, khi cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ vật chứng của vụ án nhưng chưa xác định được chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng thông báo công khai trong thời hạn một năm đối với động sản, năm năm đối với bất động sản và kể từ ngày đã thực hiện các hoạt động điều tra xác minh nhưng không có kết quả đến khi hết thời hạn đó mà không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì lúc đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Về cách thức niêm yết thông báo tìm kiếm, BLTTHS không quy định nên có thể áp dụng các quy định tương tự trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, việc tìm kiếm có thể áp dụng qua các hình thức niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thu giữ vật chứng, trụ sở cơ quan đang thụ lý hồ sơ hay thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do Luật không quy định cụ thể nên tùy giá trị từng loại tài sản mà ta có sự vận dụng linh hoạt. Chẳng hạn, nếu tài sản có giá trị lớn thì ta áp dụng thông báo tìm kiếm trên các báo, đài; còn trường hợp tài sản có giá trị nhỏ thì chỉ cần niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện tài sản và tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong việc xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự cần đưa quy định này vào BLTTHS hay có văn bản hướng dẫn chính thống về chúng.
Thứ sáu, trường hợp xử lý tài liệu, đồ vật được xác định là vật chứng của hai vụ án độc lập. Như phân tích, các quy định về xử lý vật chứng trong Điều 76 BLTTHS chỉ áp dụng đối với vật được xác định là vật chứng của một vụ án. Đối với vật được xác định là vật chứng của hai vụ án độc lập thì chưa có quy định nên xảy ra vướng mắc. Chẳng hạn, con dao vừa là công cụ phạm tội trong vụ án giết người, vừa là công cụ phạm tội trong vụ án cố ý gây thương tích. Vụ án giết người được đưa ra xét xử trước. Theo quy định khi xét xử vụ án giết người, do con dao là vật chứng nên phải áp dụng điểm a khoản 2 Điều 76 BLTTHS để tiêu hủy. Tuy nhiên, con dao này lại là vật chứng trong vụ án cố ý gây thương tích và vụ án này chưa được xét xử. Vậy nếu ta tiêu hủy thì trong vụ án cố ý gây thương tích được xét xử sau đó sẽ không có vật chứng để xem xét nên bản an được tuyên sẽ không có tính thuyết phục cao. Có ý kiến cho rằng, cách giải quyết phù hợp nhất là vẫn tạm giữ con dao để phục vụ cho việc giải quyết vụ án sau[25]. Ý kiến này là hợp lý nhưng luật không quy định hình thức xử lý này. Do đó, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất cần bổ sung quy định: “Nếu vật được xác định là vật chứng của hai vụ án thì vụ án đầu vẫn áp dụng các hình thức xử lý như BLTTHS quy định nhưng phải tạm giữ vật chứng chờ vụ án có liên quan giải quyết xong thì mới thi hành việc xử lý vật chứng” vào Điều 76 BLTTHS.
Thứ bảy, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội nhưng trước đó vật chứng đó đã được thế chấp bảo đảm khoản vay đúng theo quy định của pháp luật. Vướng mắc này được thể hiện qua vụ án Nguyễn Thị A cùng các đồng phạm khác phạm tội “phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Nguyễn Thị A là chủ sở hữu ba tàu đánh cá và đã dùng ba tàu này thế chấp cho một Ngân hàng có chi nhánh ở Bà Rịa – Vũng Tàu để đảm bảo cho khoản vay. Các hợp đồng thế chấp đều được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định. Trong tháng 4/2007, A cùng bốn đồng phạm khác dùng ba tàu trên đi biển để cắt cáp viễn thông. Khi bị khởi tố hình sự, Cơ quan điều tra đã kê biên và giao 3 tàu cá cho gia đình A quản lý. Tại bản án sơ thẩm số 83/2008/HS-ST ngày 04/04/2008, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên A và các đồng phạm khác phạm tội và xử phạt tù các bị cáo. Trong phần xử lý vật chứng, bản án đã giao cho Ngân hàng cùng Thi hành án và gia đình bà A thanh lý trước hạn các hợp đồng, xử lý bán ba tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, phần giá trị còn lại (nếu có) tịch thu sung quỹ nhà nước. Do có kháng nghị, kháng cáo, ngày 19/9/2008, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác các kháng cáo và chấp nhận kháng nghị của về việc xử lý tịch thu ba tàu cá là vật chứng, với nhận định: mặc dù 3 tàu cá được thế chấp hợp lệ nhưng việc thế chấp không làm mất đi quyền sở hữu nên vẫn đủ điều kiện tịch thu[26].
Qua vụ án này thấy rằng, ba chiếc tàu cá vừa là phương tiện phạm tội, vừa là tài sản được thế chấp hợp pháp đảm bảo các khoản vay. Trong khi, BLTTHS chỉ quy định việc xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội mà không quy định trường hợp xử lý vật chứng khi chúng được thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ dân sự và được giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp bảo quản. Tuy nhiên, tiểu mục a Mục 5 Phần I Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT ngày 24/10/1998 có hướng dẫn xử lý vật chứng đối với vật chứng được thế chấp bảo đảm nghĩa vụ dân sự mà hợp đồng thế chấp hợp pháp và đã hết hạn mà bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ thì việc xử lý sẽ do các bên thỏa thuận; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận thế chấp, cầm cố có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố để thanh toán nợ và phải lập sổ hạch toán để phục vụ cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, nếu rơi vào quy định này thì số tiền bán đấu giá vật chứng còn lại sau khi thanh toán nợ sẽ được Tòa án xử lý sung quỹ hoặc giao trả cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu trong thời gian giải quyết vụ án hình sự mà thời hạn trong hợp đồng thế chấp chưa hết thì không có quy định hướng dẫn. Cho nên, trong vụ án nêu bên trên, không thể khẳng định cách xử lý vật chứng của Hội đồng xét xử sơ thẩm hay Hội đồng xét xử phúc thẩm đúng. Tuy nhiên, nếu áp dụng tương tự pháp luật thì cách xử lý vật chứng của cấp sơ thẩm là hợp lý hơn vì hợp đồng thế chấp hết hạn hay không hết hạn không ảnh hưởng đến việc xử lý vật chứng và đảm bảo quyền lợi chính đáng của Ngân hàng; đồng thời đảm bảo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự sẽ không trái, mâu thuẫn với các quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất trường hợp này cần bổ sung vào tiểu mục a Mục 5 Phần I Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT hoặc bổ sung vào BLTTHS.
Thứ tám, do BLTTHS quy định việc xử lý vật chứng dựa theo nhiều cách phân loại dẫn đến một vật chứng bị xử lý ở 02 điểm khác nhau của khoản 2 Điều 76 BLTTHS. Các biện pháp xử lý vật chứng được nêu trong Điều 76 BLTTHS dựa trên sự phân loại vật chứng. Tùy theo tiêu chí khác nhau mà vật chứng được phân loại khác nhau. Nếu dựa theo khái niệm thì vật chứng được phân thành: vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm; vật là đối tượng của tội phạm; tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Còn nếu dựa vào giá trị thì vật chứng được phân thành vật có giá trị sử dụng, vật không có giá trị sử dụng hoặc vật không sử dụng được, … Trên cơ sở phân loại vật chứng mà điều luật đưa ra các biên pháp xử lý khác nhau có thể là tịch thu sung công, tịch thu tiêu hủy, bán theo quy định của pháp luật, giao trả lại cho chủ sở hữu, … Tuy nhiên, điều luật lại không áp dụng một cách phân loại vật chứng mà lại áp dụng nhiều cách phân loại để đề ra các biện pháp xử lý vật chứng. Điều này có thể dẫn đến 01 vật chứng được xử lý bằng các biện pháp khác nhau khi chúng vừa thỏa mãn quy định tại điểm này nhưng lại thỏa mãn quy định tại điểm khác vì trong điều luật không có quy định loại trừ. Đây có thể là kẻ hở dẫn đến việc xử lý vật chứng không thống nhất và có thể bị lợi dụng khi XLVC vì động cơ cá nhân.
Thứ chín, vướng mắc khi giao trả lại tài liệu, đồ vật không phải là vật chứng của vụ án. Trong quá trình điều tra, ngoài việc thu giữ các đồ vật, tài liệu được xác định là vật chứng và được xử lý bằng các quy định về xử lý vật chứng mà BLTTHS quy định, cq, người tiến hành tố tụng còn thu giữ các tài liệu, đồ vật khác (như giấy tờ tùy thân của người phạm tội trong các vụ tai nạn giao thông) nhưng qua quá trình xét xử thấy rằng tài sản này không liên quan đến việc phạm tội cần trả lại cho bị cáo thì lại không có điều luật nào trong BLTTHS quy định về việc xử lý các tài sản này. Có ý kiến cho rằng, ở giai đoạn xét xử, nếu Tòa án xác định vật, tiền mà Cơ quan điều tra thu giữ không phải là vật chứng của vụ án thì bằng quyết định có trong bản án, Hội đồng xét xử hoàn trả lại vật, tiền … không phải là vật chứng cho Cơ quan điều tra để cơ quan này giải quyết[27]. Ý kiến khác lại cho rằng, “trường hợp tài sản không liên quan đến tội phạm hoặc người phạm tội thì tùy từng trường hợp theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án căn cứ vào kết quả điều tra, truy tố, xét xử quyết định trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 76 BLTTHS”[28]. Tuy nhiên, việc xử lý như hai ý kiến này là không phù hợp. Bởi vì, khoản 3 Điều 76 BLTTHS chỉ quy định “…trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án” chứ không phải "tài sản không liên quan đến tội phạm, người phạm tội" như ý kiến thứ hai.
Bê cạnh đó, Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA quy định: “Đối với tài sản không phải là vật chứng, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được thu giữ, tạm giữ; nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm thi hành án đối với các hình phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định thu giữ, tạm giữ và ra quyết định kê biên đối với tài sản đó”[29]. Như vậy, trong trường hợp này Tòa án phải ra quyết định trả lại có thể bằng quyết định riêng cũng có thể được ghi trong phần quyết định của bản án nên ý kiến thứ nhất cũng không phù hợp. Tuy nhiên quy định này chỉ được thể hiện trong Thông tư liên tịch và đây là vấn đề quan trọng, thường gặp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự nên cần bổ sung quy định này vào BLTTHS để tránh gặp lúng túng khi xử lý các loại tài sản này.
3. Giải pháp khắc phục
3.1. Kiến nghị hoàn thiện quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về xử lý vật chứng
Để khắc phục các vướng mắc trong hoạt động xử lý vật chứng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 76 BLTTHS với các nội dung sau:
“2. Vật chứng được xử lý bằng một trong các cách thức sau đây và không được sử dụng biện pháp tư pháp thay thế các cách thức xử lý vật chứng:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành bao gồm các đồ vật là đối tượng của tội phạm quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 Bộ luật Hình sự thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước nếu chúng còn giá trị sử dụng hoặc tịch thu tiêu huỷ nếu chúng không còn giá trị sử dụng. Đối với vật chứng được xác định là bộ phận tách bạch với phần khác của vật thì chỉ tịch thu phần tách bạch mà không tịch thu toàn bộ vật;
b) Vật chứng là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt; dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; mang dấu vết tội phạm hoặc những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu họ không có lỗi; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước. Thời gian truy tìm chủ sở hữu và hình thức truy tìm được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự;
c) Vật chứng là tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán đấu giá theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ. Việc xác định vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được do cơ quan tài chính quyết định.”
3.2. Một số giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử lý vật chứng trong BLTTHS, vấn đề con người thực hiện các hoạt động tố tụng đó cũng cần quan tâm. Nhiều sai phạm trong hoạt động xử lý vật chứng xảy ra không chỉ xuất phát từ sự bất cập của các quy định của pháp mà xuất phát chủ yếu từ nhận thức, năng lực chuyên môn của người tiến hành tố tụng. Để hạn chế các sai sót này, các cơ quan, người tiến hành tố tụng cần phải:
Thứ nhất, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng. Theo quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, Thẩm phán, Điều tra viên, những người trực tiếp giải quyết các vụ án hình sự, về chuyên môn, họ phải có trình độ cử nhân luật và trải qua lớp đào tạo nghiệp vụ tại Học viện tư pháp với thời hạn nhất định (đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên). Đối với Điều tra viên họ có thể tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, Đại học an ninh hoặc Đại học luật và trải qua lớp đào tạo về nghiệp vụ. Xét về kiến thức pháp luật, các chức danh này có thể đã trang bị đầy đủ. Nhưng về thực tiễn họ cần thời gian để chui rèn năng lực của mình qua các vụ án cụ thể. Do đó, cần chú trọng rèn luyện năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho người tiến hành tố tụng bên cạnh các kiến thức pháp luật về xử lý vật chứng một cách thường xuyên và có chủ đích nhằm khắc phục các sai sót. Bên cạnh đó, đội ngũ người tiến hành tố tụng không chỉ trao dồi về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực mình hoạt động mà còn phải biết rõ các quy định về lĩnh vực khác có liên quan đến vụ án mình giải quyết để tránh sai sót không đáng có. Muốn lý luận tốt, người tiến hành tố tụng phải có kiến thức tổng hợp nhiều ngành luật vì trong một vụ án hình sự thường có nhiều mối quan hệ pháp luật khác nhau, do nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh. Chẳng hạn, khi thực hiện công tác điều tra, kiểm sát, xét xử hình sự, ngoài Bộ luật Hình sự, BLTTHS, người tiến hành tố tụng còn phải am hiểu thêm Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng những văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trên thực tế có trường hợp do không nắm được các quy định về quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự mà trong phiên xử sơ thẩm hai bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân một huyện của tỉnh Kiên Giang đề nghị tịch thu hai chiếc xe mà hai bị cáo này dùng làm phương tiện phạm tội. Trong khi đó, hai chiếc xe này các bị cáo mua trả góp, đến ngày xét xử sơ thẩm vẫn chưa được thanh toán xong, nghĩa là các bị cáo chưa có quyền sở hữu đối với hai chiếc xe trên. Việc đề nghị tịch thu xe là không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bán xe trả góp. Sau đó, toà án cấp phúc thẩm đã sửa lại nội dung này của bản án sơ thẩm[30].
Thứ hai, cần thay đổi những nhận thức sai lầm mang tính cá nhân của một số người tiến hành tố tụng và giáo dục tinh thần trách nhiệm cho họ trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến xử lý vật chứng.
Điều 66 BLTTHS quy định khi kiểm tra, đánh giá chứng cứ, trong đó, có chứng cứ do vật chứng cung cấp phải với “đầy đủ tinh thần trách nhiệm”. Sau khi đánh giá, sử dụng chứng cứ để chứng minh một tình tiết hoặc nhiều tình tiết trong vụ án sẽ dẫn đến việc xử lý vật chứng. Tuy nhiên, vấn đề xử lý vật chứng lại không có quy định về “tinh thần trách nhiệm” của người xử lý vật chứng. Do vậy, các tổ chức đào tạo, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có sự tác động để thay đổi nhận thức sai lầm của người tiến hành tố tụng khi họ thực hiện nhiệm vụ xử lý vật chứng. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho người tiến hành tố tụng trong hoạt động xử lý vật chứng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, bản thân người tiến hành tố tụng phải thường xuyên đúc rút kinh nghiệm qua các hoạt động thực tiễn như qua các vụ án thực tiễn, qua kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để tự phát hiện, sửa đổi nhận thức sai lệch của mình và nâng cao tinh thần trách nhiệm, sức chiến đấu trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên tiến hành rà soát lại lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng để có sự phân công công việc, bổ sung cán bộ đủ số lượng để đảm đương nhiệm vụ tránh tình trạng quá tải trong công việc hiện nay. Bên cạnh đó, tiến hành phân loại trình độ chuyên môn, năng lực của các cán bộ từ có có kế hoạch phân phối công việc hợp lý phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của từng người và lên kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, giảm dần cán bộ yếu kém, thiếu năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm thấp và chuyển sang bộ phận khác.
Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với công việc mà các người tiến hành tố tụng thực hiện. Những người tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự phải đối mặt với tội phạm, người phạm tội, phần tử nguy hiểm của xã hội đã bất chấp các chuẩn mực của cuộc sống vì lợi ích riêng của họ có thể là lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần. Do các vụ án hình sự thường gắn với các quyền nhân thân của người phạm tội nên họ thường có xu hướng che dấu có thể bằng các thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tín mạng, sức khỏe cho các cán bộ thực hiện hoạt động tố tụng; hay chúng có thể dùng các lợi ích vật chất để cám dỗ cán bộ thi hành công vụ. Do đó, người tiến hành tố tụng luôn bị đặt trong tình trạng không an toàn cho bản thân và dễ bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất để rổi tha hóa biến chất. Tuy nhiên, mức lương, phụ cấp hiện nay mà những người tiến hành tố tụng được hưởng là thấp so với công sức mà họ bỏ ra và trách nhiệm nặng nề mà công việc đòi hỏi. Do đó, nâng cao tiền lương và các chính sách đãi ngộ khác đối với người tiến hành tố tụng là công việc cấp bách. Khi cán bộ thực hiện nhiệm vụ không phải lo đến cuộc sống hàng ngày thì họ sẽ chuyên tâm cho công việc của mình và do vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn trong đó có các hoạt động liên quan đến vật chứng trong vụ án.
Thứ năm, các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động xử lý vật chứng để góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện hoạt động xử lý vật chứng và giáo dục, răn đe các cán bộ có nhận thức không đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động xử lý vật chứng.
Nhìn chung, trong thời gian qua các cơ quan, người tiến hành tố tụng đã tuân thủ nghiêm các quy định của BLTTHS và các văn bản hương dẫn về xử lý vật chứng, góp phần phát hiện tội phạm nhanh chóng, tìm ra người thực hiện hành vi phạm tội; đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đạt được, thực tiễn cũng đã chứng minh các quy định BLTTHS về xử lý vật chứng còn một số bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Ngoài ra, hoạt động xử lý vật chứng còn thể hiện nhiều sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, làm cho bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại, không mang tính thuyết phục…. Vì vậy, trong thời điểm BLTTHS được sửa đổi toàn diện, việc đề ra các kiến nghị, giải pháp là cần thiết, giúp khắc phục những thiếu sót, chồng chéo trong các quy định của pháp luật; giúp hoạt động của các cơ quan, người tiến hành tố tụng đạt hiệu quả cao hơn.
[1] Xem: Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.1163.
[2] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội (2005), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.249.
[3] Xem: Viện ngôn ngữ học, tlđd, 1, tr.457.
[4] Xem: Mẫu bản án hình sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 và mẫu bản án hình sự phúc thẩm được ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao (2009), Sổ tay viết bản án, Nxb. Thanh Niên, tr.166, tr.171.
[5] Xem: Nguyễn Đức Mai (2005), “Về việc áp dụng các Điều 41, Điều 42 Bộ luật Hình sự và Điều 76 BLTTHS”, Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 8 (số 15), tr.15-17.
[6] Theo báo cáo tham luận về công tác xét xử các vụ án hình sự các năm 2003, 2004, 2005, 2006 của Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tối cao, vấn đề sai sót trong việc xử lý vật chứng hầu như năm nào cũng có.
[7] Xem: “Quyết định Giám đốc thẩm số 08/2005/HĐTP-HS ngày 25/4/2005”- Tòa án nhân dân tối cao (2008), Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2005, Hà Nội, tr.340-44.
[8] Xem: Vũ Văn Tiếu (2009), “Thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm”, Tạp chí Tòa án nhân dân, kỳ I tháng 7 (số 13), tr.29.
[9] Xem: tiểu mục 5.3, mục 5 phần I Báo cáo tham luận về công tác xét xử các vụ án hình sự trong năm 2004 và một số kiến nghị của Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tối cao.
[10] Xem: Nguyễn Văn Trượng (2009), “Một số vướng mắc khi xử lý vật chứng trong vụ án hình sự”, Tạp chí Tòa án nhân dân, kỳ II tháng 11 (số 22), tr.29-30.
[11] Xem: “Quyết định Giám đốc thẩm số 25/2006/HS-GĐT ngày 02/8/2006” – Tòa án nhân dân tối cao (2008), Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao năm 2006, Hà Nội, tr.114-148.
[12] Xem: Xử lý tang vật sau... 7 năm đình chỉ vụ án: Sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng - http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Xu-ly-tang-vat-sau-7-nam-dinh-chi-vu-an-Sai-pham-nghiem-trong-trong-to-tung/70067276/218/ cập nhật 03/11/2006 và Xử lý tang vật sau... 7 năm đình chỉ vụ án! - http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Xu-ly-tang-vat-sau-7-nam-dinh-chi-vu-an/70066833/218/ cập nhật 31/10/2006.
[13] Xem: Dương Thanh Biểu (2008), Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.113-114.
[14] Xem: Đức Trung, Lê Nga - Những chuyện kỳ quặt trong vụ án … khỉ! Nguồn: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Nhung-chuyen-ky-quac-trong-vu-an-khi/65057817/218/, cập nhật 21/9/2009.
[15] Xem: Hữu Danh – Đàn khỉ đuôi dài, nguồn: http://www.baomoi.com/Home/AnNinh/www.phapluattp.vn/Dan -khi-duoi-dai/1682787.epi, cập nhật 02/6/2008; Vụ án khỉ đuôi dài ở Long An: Xử lý hình sự, hành chính đều không xong, nguồn: http://www.thuvienphapluat.vn/default.aspx?CT=NW&NID=4209, cập nhật 13/10/2007.
[16] Xem: Bán tang vật vụ án không qua đấu giá, nguồn: http://vietbao.vn/An-ninh-Phap-luat/Ban-tang-vat-vu-an-khong-qua-dau-gia/40133482/218/, cập nhật ngày 21/9/2010.
[17] Quy định này đã được sửa đổi, bổ sung một phần theo Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006.
[18] Xem: Phụ lục I: Danh mục dịch vụ, hàng hóa cấm kinh doanh Ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ.
[19] Xem: Nguyễn Mai Bộ (2004), Biện pháp ngăn chặn, khám xét và kê biên tài sản trong BLTTHS, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.193-194.
[20] Xem: Nguyễn Văn Trượng (2009), “Một số vướng mắc khi Xử lý vật chứng trong vụ án hình sự”, Tạp chí Tòa án nhân dân, kỳ II tháng 11 (số 22), tr.29-30.
[21] Xem: Quách Thành Vinh (2010), “Một số trường hợp xử lý vật chứng chua có căn cứ việc dẫn”, Tạp chí Tòa án nhân dân , kỳ II, tháng 02 (số 4), tr.35-36.
[22] Xem: mục 1 phần III Thông tư liên tịch số 03.TT.LB ngày 23/4/1984.
[23] Xem: khoản 3 Điều 1 Chương I Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước.
[24] Xem: Điều 239 và Điều 241 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[25] Xem: Nguyễn Văn Hào (2006), “Nên sửa đổi, bổ sung Điều 76 BLTTHS”, Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 6 (số 12), tr.4-5.
[26] Xem: Đỗ Hồng Thái - Vấn đề xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm tiền vay nhìn từ một vụ án, nguồn: http://vnecon.com/showthread.php?t=5440, cập nhật ngày 23/02/2010.
[27] Xem: Nguyễn Mạnh Hà (2005), "Bảo quản và xử lý vật chứng theo quy định của BLTTHS 2003”, Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 1 (số 2), tr.26.
[28] Xem: Nguyễn Văn Trượng (2005), “Quy định của Bộ luật Hình sự và BLTTHS về việc trả lại tài sản cho chủ sở hữu và thực tiễn áp dụng”, Tạp chí Tòa án nhân dân, tháng 6 (số 12), tr.6.
[29] Xem: mục 1 phần I Thông tư số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA ngày 24/10/1998 Hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
[30] Xem: Thụ Hân - Khi Kiểm sát viên chưa nắm hết luật – nguồn: http://tintuc.xalo.vn/00686240315/khi_kiem_sat_vien_chua_nam_het_luat.html, cập nhật ngày 21/01/2010.