Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên

 

1. Khái niệm người chưa thành niên

- Người chưa thành niên là những người chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách (thể chất và tinh thần), chưa có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân.

Pháp luật ở mỗi quốc gia quy định độ tuổi cụ thể của người chưa thành niên:

Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 có ghi: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến pháp (mới đây nhất là Hiến pháp năm 2013), Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với người chưa thành niên trong từng lĩnh vực cụ thể.

- Khái niệm người chưa thành niên khác với khái niệm trẻ em. Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”.

Tóm lại, khái niệm người chưa thành niên được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người và được cụ thể hoá bằng giới hạn độ tuổi trong các văn bản pháp luật của từng quốc gia. Theo đó, người ta quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của người chưa thành niên.

Như vậy, về khái niệm: Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên.

Ở Việt Nam, tuổi kết nạp Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là từ 10 đến 15 tuổi, tuổi kết nạp Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là từ 15 đến 30 tuổi. Trong tuổi Đoàn gọi là thanh niên, trong tuổi Đội là thiếu niên, dưới tuổi Đội gọi là nhi đồng. Ở mỗi lứa tuổi, người chưa thành niên được Nhà nước và xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục để phát triển tốt nhất về thể chất và nhân cách, trở thành người khỏe mạnh, có ích cho xã hội.

2. Khái niệm tội phạm do người chưa thành niên gây ra

Điều 12 Bộ luật hình sự quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Như vậy, người chưa thành niên phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự có thể là:

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Nguời từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Như vậy, tội phạm do người chưa thành niên gây ra chỉ xuất hiện (phát sinh) khi có đầy đủ 3 điều kiện sau đây:

Một là, có hành vi phạm tội do người chưa thành niên thực hiện.

Hai là, người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với loại tội phạm và lỗi gây ra tội phạm.

Ba là, người đó thực tế phải chịu trách nhiệm hình sự sau khi các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc tính cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà không thể áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp khác để quản lý, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Những điều kiện trên cũng cho thấy tầm quan trọng trong việc xác định tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Tội phạm do người chưa thành niên gây ra bao giờ cũng gắn liền với một người chưa thành niên có hành vi phạm tội cụ thể nhưng không phải mọi trường hợp một người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội đều trở thành tội phạm.

Tội phạm do người chưa thành niên gây ra có những đặc điểm riêng so với tội phạm do người đã thành niên gây ra. Tội phạm do người đã thành niên gây ra là những hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ dấu hiệu tội phạm và đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tội phạm do người chưa thành niên gây ra ngoài những dấu hiệu và yếu tố pháp lý còn được xác định bằng sự nhận định, cân nhắc cụ thể của cơ quan có thẩm quyền khi quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Theo một số nghiên cứu khoa học, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội được xem là “cần thiết” khi hội đủ 3 điều kiện sau đây:

- Người chưa thành niên phạm tội có nhân thân xấu.

- Tội phạm đã được thực hiện có tính chất nghiêm trọng.

- Những biện pháp giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng không có hiệu quả để cải tạo người chưa thành niên phạm tội mà cần áp dụng hình phạt đối với họ.

Từ những phân tích trên thấy: Tội phạm do người chưa thành niên gây ra là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bởi người dưới 18 tuổi và người đó phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi và lỗi của mình theo phán xét của cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc điều tra, truy tố, xét xử người chưa thành niên phạm tội phải thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định tại Chương X của Bộ luật hình sự: Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội.

3. Số liệu người chưa thành niên phạm tội:

Kết quả thống kê, nghiên cứu về người chưa thành niên phạm tội khiến cho chúng ta không khỏi giật mình. Trung bình hàng năm xảy ra gần 10.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự với gần 15.000 đối tượng là người chưa thành niên thực hiện. Bình quân mỗi ngày xảy ra trên 30 vụ án với gần 40 đối tượng. Con số này cũng tương đương với số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm và hàng ngày. Hầu hết các vụ phạm pháp hình sự liên quan tới người chưa thành niên xảy ra ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Hà Nội, Hải Phòng…

Từ năm 2007 đến tháng 6/2014, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ, bằng 6,72% so với 6 năm trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%.

Tội phạm do người chưa thành niên gây ra chủ yếu là các tội: Trộm cắp tài sản (21.812 vụ/33.010 đối tượng, chiếm 34,30%); Cố ý gây thương tích (5.692 vụ/9.588 đối tượng, chiếm 8,95%); Gây rối trật tự nơi công cộng (4.870 vụ/8.768 đối tượng, chiếm 7,65%); Cướp giật tài sản (3,76%); Cướp tài sản (1,43%); đánh bạc; hiếp dâm, cưỡng dâm; cưỡng đoạt tài sản; giết người và một số tội danh khác.

Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến 96,87% tổng số người vi phạm. Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 - 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 - 18 tuổi chiếm 52%. Điều đặc biệt, gần một nửa số đối tượng phạm tội đều đã bỏ học (chiếm 45%), có học lực yếu, kém (chiếm 60,7%).

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an), từ năm 2002 đến tháng 6/2013, 4 trường giáo dưỡng gồm Trường giáo dưỡng số 2 - Ninh Bình; số 3 - Đà Nẵng; số 4 - Đồng Nai và số 5 - Long An đã tiếp nhận 21.836 người chưa thành niên vi phạm pháp luật; trong đó có 21.335 nam, chiếm 97,93%; nữ có 501 em, chiếm 2,07%. Tính đến hết tháng 6/2013, 4 trường giáo dưỡng nói trên đang quản lý 2.834 học sinh, trong đó có 70 em là nữ. Và cũng không có gì là lạ khi có tới 40,7% các em đã từng bị nhà trường thi hành kỷ luật cảnh cáo hoặc đuổi học, hơn 85% số em nghiện thuốc lá, thuốc lào, gần 60% thích xem phim đồi trụy, phim đen, 33% em thích uống rượu, bia.

Số liệu thống kê cho thấy, 70% đối tượng người chưa thành niên phạm tội sống tại thành phố, thị xã, thị trấn; 24% sống ở nông thôn. Có tới 34,4% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ, trong đó có 4,8% sống với ông bà; 2,4% sống với anh chị; 14,5% sống lang thang…Có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực… thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp, để các em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức. Trong số 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra thì có tới 85% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, đua đòi các thói hư tật xấu của xã hội…

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án chấn động dư luận xã hội mà hung thủ là những người chưa thành niên. Thậm chí, không ít trong số đó phạm một lúc 2 đến 3 hành vi đặc biệt nguy hiểm như cướp của, giết người… Do tại thời điểm phạm tội, các em chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu khung hình phạt cao nhất dành cho tội danh đã phạm, tuy nhiên, cái giá phải trả cho những nông nổi cũng không hề nhỏ.

Theo báo cáo tình hình phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên, từ năm 2008 đến 2013 cả nước phát hiện gần 500 nghìn vụ với gần 76 nghìn em vi phạm pháp luật, tăng hơn 3.000 vụ so với 5 năm trước đó. Trong đó đối tượng nam giới chiếm 73.000 em (96,4%), nữ giới chiếm hơn 2.700 em (3,6%). Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm 20% so với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc. Địa phương xảy ra nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh (hơn 3.300 vụ), Đồng Nai (hơn 2.200 vụ), tiếp đến là các tỉnh Khánh Hoà, Đắk Lắk và Hà Nội... Tình hình phạm tội lứa tuổi chưa thành niên tăng, một số loại án tăng cao là “cướp giật tài sản” chiếm 63,85%; giết người tăng 38,7% về số người vi phạm pháp luật. Trung bình hằng năm xảy ra trên 10.000 vụ vi phạm pháp luật với trên 13.000 đối tượng; trong đó, số trẻ em vi phạm pháp luật ở độ tuổi 16 - 18 chiếm đến 67,1%. Đáng chú ý, đối tượng gây án chủ yếu là những em bỏ học, bỏ nhà sống lang thang (40,9%); số thanh, thiếu niên tụ tập thành băng nhóm, bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Số vụ án do người chưa thành niên phạm tội lần 2 trở lên chiếm tỷ lệ cao (44,8%). Trẻ em nghiện ma tuý, bị nhiễm HIV, mang thai sớm, bỏ học, vi phạm pháp luật khác... vẫn diễn ra nhiều nơi, với diễn biến và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2013, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, trong đó 1.600 vụ học sinh đánh nhau, tăng nhiều lần so với những năm trước kể về số lượng phạm tội lẫn các vụ trọng án.

- Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.

- Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê mới nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng. Trong đó trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.

- Về địa bàn hoạt động, các vụ vi phạm pháp luật và phạm tội do người chưa thành niên thực hiện không chỉ xảy ra ở các thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở các vùng nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn thì tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn.

Theo số liệu gần đây về tội phạm chưa thành niên, năm 2013, trong số 122.277 bị can bị khởi tố có tới 9904 bị can dưới 18 tuổi (chiếm 8,1%, tăng 7,4% so với năm 2012).

4. Một số vấn đề rút ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm và xử lý người chưa thành niên phạm tội

Người chưa thành niên do chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và nhân cách nên việc bảo vệ, chăm sóc người chưa thành niên; việc phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Người chưa thành niên phạm tội xuất phát từ nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tổng hoà sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung, trong đó có các quy định về phòng ngừa chung và những chính sách khác đối với người chưa thành niên. Giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với người chưa thành niên không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho người chưa thành niên.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện rất đầy đủ trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với họ chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù... Thực tế hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm áp dụng rộng rãi các biện pháp tư pháp ngoài hình phạt tù (giáo dục tại xã, phường, thị trấn), chiếu cố lắm mới cho hưởng án treo… Yêu cầu sửa luật để trừng phạt nặng người chưa thành niên phạm tội là chưa nhận thức, áp dụng đầy đủ nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Nếu sửa luật để tăng hình phạt với người chưa thành niên thì có lẽ phải thay đổi luôn cả đường lối xử lý “chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (các Điều 34, 35, 68 - 75) thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử lý về hình sự và bị áp dụng hình phạt hoặc các biện pháp tư pháp mang tính giáo dục, phòng ngừa.

Trình tự, thủ tục xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, (đặc biệt là Chương 32 - Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên), theo đó, quá trình xử lý vụ án hình sự diễn ra qua 4 giai đoạn: khởi tố vụ án hình sự; khỏi tố bị can và tiến hành các hoạt động điều tra (như thẩm vấn, khám xét, khám nghiệm, thu giữ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, v.v..); truy tố; xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội có một số điểm đặc thù đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm tối đa quyền bào chữa của bị can, bị cáo chưa thành niên. Việc tham gia của người bào chữa trong các vụ án người chưa thành niên phạm tội là bắt buộc. Nếu gia đình không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên (như Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên) cử người bào chữa cho các em (Điều 305).

Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 306) quy định việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thanh niên, v.v.. trong các vụ án người chưa thành niên.

Thứ ba, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng yêu cầu cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, đồng thời, thành phần Hội đồng xét xử bắt buộc phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (các điều 302 và 307).

Thứ tư, để bảo đảm bí mật đời tư cho người chưa thành niên, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trong trường hợp cần thiết thì Tòa án có thể xét xử kín vụ án người chưa thành niên phạm tội.

Khi tiến hành phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội chúng ta cần chú ý:

- Xác định đối tượng tác động trong phòng ngừa tội phạm: Trong các kế hoạch phòng ngừa tội phạm phải xác định đối tượng là trẻ em hay người chưa thành niên hay thanh, thiếu niên. Mỗi đối tượng đó rõ ràng khác nhau về độ tuổi, do vậy khác nhau về đặc điểm tâm lý cho nên phương pháp tác động của chúng ta cũng phải khác nhau.

- Tính thân thiện trong điều tra tội phạm: Điều tra viên trong khi tiến hành điều tra tội phạm do người chưa thành niên gây ra ngoài việc vận dụng đúng các quy định pháp luật, sử dụng linh hoạt nghiệp vụ, cần phải là người có kiến thức sâu sắc về tâm lý, đặc biệt là tâm lý thân thiện với người chưa thành niên. Thái độ của cán bộ công an, lời nói và biện pháp được sử dụng, môi trường và các điều kiện vật chất để tiến hành điều tra luôn luôn gắn với tính từ “thân thiện”. Trong giai đoạn điều tra, cán bộ điều tra phải thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên như việc bắt, tạm giữ, tạm giam; việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bào chữa; việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức. Cũng có nghĩa là, thái độ hà khắc, gay gắt, vô cảm và những biện pháp cứng nhắc, vi phạm tố tụng là điều “cấm kị” đối với cán bộ Cảnh sát nhân dân trong hoạt động điều tra tội phạm do người chưa thành niên gây ra.

- Tính cụ thể, nhân văn trong xử lý người chưa thành niên phạm tội: Không phải tất cả những người chưa thành niên phạm tội đều phải xử lý bằng hình sự. Trong công tác điều tra, cán bộ Cảnh sát nhân dân cần thu thập thông tin, chứng cứ để không chỉ làm rõ tất cả những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự mà còn nhằm xác định rõ những vấn đề khác theo quy định tại Điều 302 Bộ luật Tố tụng hình sự. Phải vận dụng một cách có căn cứ những nguyên tắc quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự. Chúng ta thấu hiểu và đồng tình với quan niệm “Nhà tù là lựa chọn cuối cùng để xử lý người chưa thành niên phạm tội”. Và đương nhiên, khi không phải lựa chọn một biện pháp nào để xử lý người chưa thành niên phạm tội mới là điều tốt lành không chỉ là lý tưởng mà còn là những hành động chiến lược lâu dài và rất cụ thể của tất cả chúng ta.

Từ việc phân tích thực trạng, chúng ta rút ra được những nguyên nhân, điều kiện mà người chưa thành niên phạm tội như sau:

Thứ nhất, những nguyên nhân, điều kiện thuộc về gia đình: Trước hết, những ảnh hưởng tiêu cực từ phía gia đình như: sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, các hành vi đánh đập, chửi bới, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, sa đọa, trụy lạc, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của người chưa thành niên. Từ đó người chưa thành niên tỏ ra bi quan chán nản, mất phương hướng trong cuộc sống dẫn đến việc bỏ nhà đi lang thang, có những hành vi phạm tội.

Một số gia đình chưa có phương pháp giáo dục đúng đắn đối với con cái. Phương pháp đó có thể là quá chiều chuộng hoặc quá khắt khe, cứng nhắc, thô bạo làm cho con cái sợ hãi, xa lánh cha mẹ, trốn nhà, bỏ nhà lang thang.

Một số gia đình thiếu quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con cái do nhiều nguyên nhân khác nhau như: bận rộn với công việc, đi công tác xa, hay phải xoay xở kiếm tiền nên không kiểm tra, quán xuyến hết công việc hàng ngày của con cái. Có cả những gia đình có quan điểm sai trái về bổn phận chăm sóc, giáo dục con cái, cho đó là trách nhiệm của nhà trường, rồi bỏ mặc cho con cái “tự thân vận động”, rồi “trăng đến rằm thì trăng tròn”. Chính những điều này đã làm cho người chưa thành niên dễ sa ngã, dễ bị bọn xấu rủ rê lôi kéo mà gia đình không kịp phát hiện, uốn nắn kịp thời để chúng đi vào con đường phạm tội.

Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: mồ côi bố hoặc mẹ hay bố mẹ li dị, không có người chăm sóc dạy dỗ con cái, thiếu tình cảm, thiếu thốn về kinh tế nên dễ bị ảnh hưởng của những hiện tượng tiêu cực và phạm pháp. Người chưa thành niên phạm tội thuộc các gia đình có hoàn cảnh như vậy chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các vụ án do người chưa thành niên gây ra.

Gia đình có kinh tế khó khăn nên con cái không có điều kiện để học tập và sớm phải bươn chải, xoay xở kiếm sống, sớm va chạm với cuộc sống, tiếp xúc với các tệ nạn, chúng có thể làm mọi việc để kiếm sống, kể cả phạm tội.

Thứ hai, những nguyên nhân, điều kiện thuộc về nhà trường: Công tác giáo dục công dân trong nhà trường phổ thông còn chưa được chú trọng đúng mức. Giáo viên còn nặng về dạy chữ, học sinh chưa chú trọng học tập các môn đạo đức. Chính sự thiếu giáo dục về đạo đức cùng với thiếu sự kiểm tra, uốn nắn, kịp thời của thầy cô giáo, đặc biệt đối với những em có hoàn cảnh éo le, gặp trắc trở trong cuộc sống, dẫn đến các em có tư tưởng chán học, bỏ giờ lang thang gặp bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo dẫn đến phạm tội.

Nhà trường chưa chú trọng đến sự phối hợp, liên lạc thường xuyên với gia đình học sinh dẫn đến việc quản lý không tốt giờ giấc của các em. Do đó các em làm nhiều việc mà nhà trường và gia đình không nắm bắt được, không có sự điều chỉnh uốn nắn kịp thời.

Các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất hợp lý; đơn cử như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, nhà trường đã từ bỏ trách nhiệm giáo dục và đẩy các em vào môi trường xã hội. Từ việc thất học, không có việc làm, bị bọn xấu lôi kéo. Đây là nguyên nhân quan trọng đẩy người chưa thành niên đến con đường phạm tội.

Thứ ba, những nguyên nhân, điều kiện thuộc về môi trường xã hội: Môi trường xã hội nơi các em sinh sống hiện đang tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn và các hành vi phạm tội, các dịch vụ và các điểm kinh doanh không lành mạnh. Chính những hiện tượng tiêu cực mà người chưa thành niên trực tiếp quan sát được đã hình thành trong chúng những suy nghĩ tiêu cực và dễ bị sa ngã.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn nhiều hạn chế. Đồng thời, việc thực thi còn chưa hiệu quả các quy định của pháp luật đã được ban hành nhất là Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự dẫn đến tình trạng trật tự, kỉ cương xã hội chưa nghiêm.

Các đối tượng phạm tội hình sự hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên vào con đường ăn chơi, hư hỏng, dẫn đến phạm tội. Đặc biệt, chúng lôi kéo con em của những cán bộ có chức quyền làm “lá chắn” cho chúng.

Công tác quản lý xã hội nói chung, quản lý các loại hình dịch vụ nói riêng chưa được hoàn thiện. Sự trôi nổi của các sách báo, băng đĩa lậu có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động, bạo lực có tác động xấu đến nhận thức và hành động của người chưa thành niên. Các em khi tiếp xúc với các nội dung đó lại không nhận thức hết được tính nguy hiểm của chúng, bắt chước các hành động trên phim ảnh từ đó dẫn đến phạm tội.

Thứ tư, nguyên nhân, điều kiện chủ quan về phía người chưa thành niên phạm tội: Do tinh thần tự lực, tự lập của lứa tuổi này quá cao, có khi quá trớn, nhưng lại gặp sự đối xử mang tính gia trưởng hoặc thiếu sự quan tâm của người lớn nên  thường phản ứng lại, gây căng thẳng, xung đột với người lớn. Từ đó tìm đến nguồn an ủi thông cảm từ bạn bè và dễ dàng sa ngã vào con đường phạm tội khi gặp những kẻ xấu lôi kéo.

Do những đòi hỏi vật chất quá cao so với sự đáp ứng của bản thân và gia đình cũng như những nhu cầu ích kỷ về sự hưởng thụ, nên có hành vi phạm tội để thỏa mãn những nhu cầu đó.

Ý thức tổ chức kỷ luật kém, ngại tham gia các hoạt động tập thể, ương bướng với người lớn, bố mẹ hình thành cho người chưa thành niên cách cư xử không đúng mực. Trong cuộc sống coi thường người lớn, ngược lại có tư tưởng nhanh nhạy trong các quan hệ lén lút, giỏi ngụy trang trong các hành vi sai trái.

Phân tích các nguyên nhân và điều kiện của tình hình người chưa thành niên phạm tội nêu trên cho thấy, sự cần thiết và đòi hỏi cấp bách phải khắc phục những sơ hở thiếu sót ấy để tạo một môi trường sống lành mạnh cho người chưa thành niên phát triển. Ngoài ra, phải thấy được rằng phòng ngừa, ngăn chặn người chưa thành niên phạm tội phải huy động được lực lượng đông đảo toàn xã hội tham gia, phải phát động được sức mạnh tổng hợp của các chủ thể, triệt để khai thác và đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Tiến hành phòng ngừa, ngăn chặn người chưa thành niên phạm tội, trong thời gian tới cần làm tốt một số công việc sau:

Một là, nâng cao đời sống kinh tế xã hội, tạo điều kiện vật chất phù hợp đảm bảo nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt của người chưa thành niên. Đây là biện pháp quan trọng nhất, cơ bản nhất làm cơ sở cho việc chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho người chưa thành niên, bố trí cho người chưa thành niên đến độ tuổi lao động vì lý do nào đó không được đến trường có những việc làm thiết thực phù hợp với khả năng của bản thân hạn chế tình trạng học sinh thất học đi ăn xin, đánh giày, bán báo, lang thang kiếm sống nhằm giải quyết nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội.

Như vậy, một mặt phải đẩy mạnh phát triển kinh tế mặt khác phải đáp ứng những điều kiện vật chất phù hợp của lứa tuổi chưa thành niên, đây là nền tảng để giải quyết tốt các vấn đề xã hội từng bước xóa bỏ các tiêu cực và tệ nạn xã hội tạo ra môi trường sống lành mạnh, mở rộng các khu vực vui chơi giải trí để thu hút người chưa thành niên phạm tộiđến tham gia, xóa bỏ các tụ điểm ăn chơi, tụ tập của những thanh thiếu niên hư hỏng tránh cho người chưa thành niên phạm tội không bị ảnh hưởng, tác động và lôi kéo tạo điều kiện cho người chưa thành niên có một cuộc sống lành mạnh, sống và hoạt động theo pháp luật.

Hai là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật của người chưa thành niên. Cụ thể:

Cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân với nội dung thống nhất, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng phù hợp với trình độ nhận thức của họ. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan tổ chức việc xây dựng, soạn thảo tài liệu giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên. Để nội dung tuyên truyền pháp luật đến với mọi người dân nhất là những người chưa thành niên cần phải vận dụng kết hợp các hình thức tuyên truyền khác nhau như thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp trao đổi gặp gỡ, giải đáp thắc mắc nhằm từng bước giúp cho người chưa thành niên nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật và tự giác tham gia vào công tác phòng ngừa tội phạm nói chung.

Các cơ quan chức năng cần kết hợp với các trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn quận tổ chức nói chuyện thời sự, chính trị, pháp luật, những tác hại của tội phạm và tệ nạn xã hội, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội để người chưa thành niên nắm vững và tự giác phòng ngừa tránh bị dụ dỗ, lôi kéo hoạt động vi phạm pháp luật. Có hình thức khen thưởng động viên kịp thời, nhân điển hình đối với những người chưa thành niên tham gia tích cực vào các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh và tố giác tội phạm.

Các ngành đặc biệt là lực lượng Công an đẩy mạnh tiến hành các biện pháp nhằm làm trong sạch địa bàn dân cư tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển nhân cách của người chưa thành niên. Đồng thời, cần làm tốt công tác nắm tình hình phát hiện người chưa thành niên có biểu hiện phạm pháp, có nguy cơ phạm pháp hoặc có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để có biện pháp tác động thích hợp. Đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, xây dựng khu phố văn hóa, gia đình văn hóa nâng cao hơn nữa vai trò của cha mẹ đối với việc quản lý, giáo dục con cái, phát động và nhân các điển hình tiên tiến trong các phong trào “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” để hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội ngày càng có chất lượng.

Ba là, làm trong sạch và lành mạnh hóa môi trường sống của người chưa thành niên, thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để quản lý, giáo dục người chưa thành niên, tạo thành khâu đồng bộ khép kín tránh để cho người chưa thành niên tiếp xúc và tiêm nhiễm với các hiện tượng tiêu cực của xã hội dẫn đến việc thực hiện các hành vi phạm tội.

Bốn là, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng ngừa tội phạm hình sự do người chưa thành niên thực hiện, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể xã hội. Phát động mạnh mẽ toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội gắn với các đợt sinh hoạt chính trị ở địa phương. Thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm do người chưa thành niên thực hiện để nhân dân nâng cao cảnh giác không để tội phạm xảy ra. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa những người chưa thành niên phạm tội đã trở về tái hóa nhập cộng đồng, xây dựng cơ chế phối hợp trong phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngay tại địa bàn cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, củng cố lực lượng an ninh cơ sở thu hút lực lượng trong nhân dân tham gia phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm trên các địa bàn trọng điểm. Phát triển các nhóm, hộ, tổ dân phố, phường xã tự quản lý theo dõi giám sát các hoạt động của con cái mình, có hình thức khen thưởng, nhân rộng điển hình các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội.

Năm là, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về chuyên môn thu được qua các dự án, chương trình thực tế, sáng kiến về việc phòng ngừa tội phạm và xét xử người chưa thành niên ở cấp độ tỉnh, thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế.

5. Một số đề xuất, kiến nghị:

Trên cơ sở phân tích thực trạng tình hình tội phạm vị thành niên, đối chiếu với một số quy định hiện hành trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự tôi đề xuất một số kiến nghị dưới đây:

   Khắc phục các hạn chế  về mặt kỹ thuật lập pháp liên quan đến Điều 69  nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo hướng quy định việc miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên là bắt buộc nếu thỏa mãn yêu cầu của pháp luật.

Quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện để được áp dụng các biện pháp tư pháp theo Điều 70 Bộ luật hình sự để khắc phục hạn chế về sự tùy nghi, thiếu rõ ràng trong quy định hiện hành (tại khoản 4 Điều 69 BLHS); Trong đó cũng cần chú ý đến tình huống biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tuy không phải là hình phạt nhưng lại hạn chế tự do của người chưa thành niên trong khi các hình phạt cảnh cáo; cải tạo không giam giữ, án treo thì không ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em. Để khắc phục mâu thuẫn này, chúng tôi thấy rằng cũng cần cải cách biện pháp tập trung trong trường giáo dưỡng theo hướng vẫn duy trì quyền được tiếp tục học tập (phổ thông) của người chưa thành niên.

Bổ sung nguyên tắc về hạn chế áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội theo đó hình phạt tù chỉ được áp dụng đối với người thành niên trong những trường hợp thực sự cần thiết (nhưng phải hướng dẫn qui định cụ thể) và là biện pháp cuối cùng, thời hạn tù nên rút ngắn.

Bỏ hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng phạm vi được hưởng án treo hoặc các hình phạt không phải là hình phạt tù đối với trẻ em nếu đáp ứng một số yêu cầu khác.

Người chưa thành niên do chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và nhân cách nên việc bảo vệ, chăm sóc người chưa thành niên; việc phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Ngoài việc điều tra phải đảm bảo các vấn đề nêu trên thì việc xét xử người chưa tành niên cũng phải đặc biệt quan tâm. Cần xây dựng Tòa án chuyên biệt đối với người chưa thành niên theo hướng có thẩm quyền giải quyết tất cả những vụ việc liên quan đến người chưa thành niên đây là đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan tư pháp, trong đó có hệ thống Tòa án cũng như đội ngũ cán bộ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, vì những quy định về thủ tục tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên mang tính đặc thù, nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Mặt khác đề nghị nên đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách tiến hành tố tụng đối với các vụ án người chưa thành niên phạm tội. Tuyển chọn, đào tạo kiến thức chuyên sâu về tâm lý trẻ em, khoa học giáo dục cũng như các kỹ năng làm việc phù hợp với trẻ em cho đội ngũ cán bộ tư pháp là hết sức cần thiết. /.

Lê Minh