Tiêu chí xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hòa giải tranh chấp đất đai

 

Hòa giải tranh chấp đất đai trước đây được quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2003, nay là Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và tại Điều 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 nay là Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 (viết tắt nghị định 43/2014/NĐ-CP), mà theo đó, Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có thể tóm lượt thành thứ tự các bước sau:

Thứ nhất, về thời hạn hòa giải, Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn hòa giải; theo đó, thời hạn hòa giải không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Thứ hai, bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND cấp xã) trong việc thực hiện hòa giải, theo đó, khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: i) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất; ii) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; iii) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ 2 thì được coi là việc hòa giải không thành.

Vấn đề đặt ra, dựa vào tiêu chí nào để xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ? Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang được đề cập ở đây có giống như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4[1] Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) không? về quyền, nghĩa vụ của họ có giống như quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự quy định tại Điều 61[2] BLTTDS không? Do chưa có quy định cụ thể, nên trong thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở rất nhiều trường hợp họ chỉ là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc tranh chấp thì lại được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và ngược lại, lẽ ra phải xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ kiện thì lại xác định người làm chứng, dẫn đến việc thụ lý đơn kiện của TAND cấp có thẩm quyền (do hòa giải không thành) gặp nhiều khó khăn, gây phiền hà hơn cả là vụ kiện bị kéo dài thời gian, gây bức xúc cho người dân.

Trong phạm vi bài viết này, xin được trao đổi cùng Quí bạn đọc một số vấn đề xoay quanh việc cần xác định rõ tiêu chí thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phiên hòa giải tranh chấp đất đai cũng nhưng những tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải thông qua hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn.

Trường hợp thứ nhất: Thửa đất số 152, tờ bản đồ số 33, thuộc ấp 12, xã Thành Thới B, huyện Châu Hưng, tỉnh T do bố mẹ đẻ của ông Lê Phúc Lâm khai phá từ năm 1944, sau đó bố mẹ ông Lâm chết, ông Lâm cùng vợ con tiếp tục sử dụng. Ông Lâm có 09 người con, sau khi lập gia đình đều ra ở riêng, chỉ có anh Lê Phúc Xuân kết hôn với chị Trần Thị Cúc ở cùng vợ chồng ông Lâm. Đến năm 1997, vợ chồng anh Xuân làm nhà ở riêng trên cùng thửa đất. Sau đó, anh Xuân đã kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất (viết tắt QSDĐ) toàn bộ diện tích thửa đất này. Năm 2012, bà Mạc Thị Quyến (vợ ông Lâm) chết, ông Lâm và vợ chồng anh Xuân tiếp tục sử dụng thửa đất trên. Do giữa ông Lâm và anh Xuân phát sinh mâu thuẫn, nên ngày 21/10/2012  ông Lâm đã làm đơn yêu cầu giải quyết việc đòi lại quyền sử dụng một nửa thửa đất (trên thực tế ông Lâm vẫn đang sử dụng một phần diện tích đất, tuy nhiên về mặt pháp lý, toàn bộ thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho anh Lê Phúc Xuân). UBND xã Thành Thới B tiếp nhận đơn và lập biên bản hòa giải về việc tranh chấp đất giữa ông Lâm với vợ chồng anh Xuân. Do việc hòa giải không thành nên ông Lâm đã làm đơn khởi kiện anh Xuân, chị Cúc tại TAND huyện Châu Hưng. Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện Châu Hưng đã đưa 08 người con còn lại của ông Lê Phúc Lâm là Lê Phúc Hồng, Lê Thị Phúc Hạnh, Lê Phúc Thành, Lê Phúc Thắng, Lê Thị Phúc Nguyên, Lê Thị Phúc Phúc, Lê Phúc Đạt, Lê Thị Phúc Tâm vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong vụ án này đã có quan điểm khác nhau về việc xác định thời điểm nào thì đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia giải quyết vụ việc.

Quan điểm thứ nhất: Khi UBND xã Thành Thới B tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai giữa ông Lâm với anh Xuân, chị Cúc, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Lê Phúc Hồng, Lê Thị Phúc Hạnh, Lê Phúc Thành, Lê Phúc Thắng, Lê Thị Phúc Nguyên, Lê Thị Phúc Phúc, Lê Phúc Đạt, Lê Thị Phúc Tâm không được tham gia hòa giải là vi phạm luật.

Quan điểm thứ hai: Không bắt buộc phải đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Lê Phúc Hồng, Lê Thị Phúc Hạnh, Lê Phúc Thành, Lê Phúc Thắng, Lê Thị Phúc Nguyên, Lê Thị Phúc Phúc, Lê Phúc Đạt, Lê Thị Phúc Tâm vào tham gia hòa giải tại UBND xã Thành Thới B, khi TAND huyện Châu Hưng thụ lý và giải quyết vụ án thì phải đưa họ vào tham gia tố tụng.

Trong nhiều trường hợp tranh chấp, mà nhất là tranh chấp về thừa kế QSDĐ; tranh chấp chuyển đổi, chuyển nhượng QSDĐ,... việc hòa giải ở cơ sở là thủ tục bắt buộc trước khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, nếu kết quả hòa giải không thành.Theo quy định tại Điều 135 LĐĐ năm 2003 và Điều 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành LĐĐ năm 2003 (viết tắt Nghị định 181/2004/NĐ-CP), thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chất đất đai phải chủ động gặp gỡ tự hòa giải với nhau hoặc thông qua hòa giải cơ sở. Nếu các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết thông qua hòa giải. LĐD năm 2003 cũng quy định kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì:  “Đối với trường hợp hoà giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn gửi biên bản hoà giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Theo quy định này, sau khi UBND cấp có thẩm quyền căn cứ vào biên bản hòa giải thành của UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt UBND cấp xã) ra quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ…, như vậy việc có mặt của những người tuy không tranh chấp, không bị tranh chấp nhưng có thể họ sẽ cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác hòa giải “thấu lý đạt tình” giúp cho việc thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư là điều nên làm. Nói về phiên hòa giải tại UBND cấp xã không giống như phiên hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1999 (nay là Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013), cũng không giống như hòa giải tại tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để thực hiện quy định tại Điều 202 LĐĐ năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, mà theo đó, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã cũng chưa thật đầy đủ và rõ ràng, nên trong thực tiễn tiến hành công tác này, cán bộ cơ sở chưa có sự thống nhất chung về nhận thức là điều không thể tránh khỏi, giả sử, để mời những người con của cụ Lâm (ngoại trừ ông Xuân) đến tham gia phiên hòa giải, UBND xã Thành Thời B có phải xác định tư cách của họ không? Nếu có thì là gì? “Đương sự” hay “người làm chứng” hoặc “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” hay chỉ ghi chung chung mời ông (bà)…Bởi chỉ là việc hòa giải do UBND cấp xã tiến hành trong những trường hợp liên quan đến tranh chấp về thừa kế QSDĐ, tranh chấp việc chuyển nhượng QSDĐ,…mà pháp luật về đất đai quy định, nên không có căn cứ để cho rằng sẽ vi phạm pháp luật, nếu tại phiên hòa giải do UBND xã Thành Thới B tổ chức mà không có mặt các ông, bà Lê Phúc Hồng, Lê Thị Phúc Hạnh, Lê Phúc Thành, Lê Phúc Thắng, Lê Thị Phúc Nguyên, Lê Thị Phúc Phúc, Lê Phúc Đạt, Lê Thị Phúc Tâm. Như đã phân tích, việc có mặt các ông, bà này sẽ là điều kiện thuận lợi hơn cho việc hòa giải, vì tranh chấp QSDĐ xuất phát từ nội bộ gia đình, mà hơn ai hết những thành viên trong hộ gia đình, trong họ hàng thân tộc biết rất rõ về nguồn gốc đất đai, nguồn gốc về QSDĐ được chuyển giao qua nhiều thế hệ trước đó. Mặt khác, loại tranh chấp này ngày một nhiều và rất phức tạp, vì vậy, việc có mặt của các đương sự tham gia buổi hòa giải không chỉ có thêm thông tin cần thiết để UBND xã Thành Thới B tham khảo trên cơ sở đó tiến hành hoà giải vừa đúng với quy định của pháp luật vừa tăng cường đoàn kết nội bộ nhân dân, giảm nhẹ một phần công việc của tòa án, hơn nữa, theo quy định của BLTTDS thì đương sự có nghĩa vụ chứng minh, do đó, thông qua hòa giải còn là cơ hội để đương sự chuẩn bị chứng cứ chứng minh ra tòa án nếu hòa giải không thành, từ đó có thể thấy rằng, sự có mặt của các ông, bà Lê Phúc Hồng, Lê Thị Phúc Hạnh, Lê Phúc Thành, Lê Phúc Thắng, Lê Thị Phúc Nguyên, Lê Thị Phúc Phúc, Lê Phúc Đạt, Lê Thị Phúc Tâm, tại phiên hòa giải là điều thật sự cần thiết. Vì vậy, nếu cho rằng chỉ khi TAND huyện Châu Hưng thụ lý và giải quyết vụ án thì phải đưa họ vào tham gia tố tụng, còn tại phiên hòa giải tại UBND xã Thành Thới B không bắt buộc phải đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Lê Phúc Hồng, Lê Thị Phúc Hạnh, Lê Phúc Thành, Lê Phúc Thắng, Lê Thị Phúc Nguyên, Lê Thị Phúc Phúc, Lê Phúc Đạt, Lê Thị Phúc Tâm vào tham gia, là cách hiểu quá “máy móc”.

Trường hợp thứ hai, ngày 11/01/1993 chị Nguyễn Thị Huỳnh Thuy và anh Mã Giăng Vũ kết hôn và đăng ký tại UBND xã Châu Thuận, huyện Tân Hương, tỉnh C. Năm 1998 chị Thuy và anh Vũ nhận chuyển nhượng 450m2 đất thổ cư tại thửa số 96, tờ bản đồ số 18 khu phố Mỹ An, phường 1, thành phố M, tỉnh T của hộ ông Lý Văn Tình với số tiền 102.000.000 đồng. Năm 2006 hai vợ chồng anh Vũ xây dựng căn nhà cấp 4 để ở và một số công trình phụ khác trên đất, cũng trong năm 2006 cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở trên diện tích đất nói trên. Ngày 24/10/2011 anh Vũ, chị Thuy được TAND thành phố M, tỉnh T giải quyết cho ly hôn. Riêng về tài sản chung, ngày 21/10/2011 (trước 03 ngày khi HĐXX tuyên án) chị Thuy viết giấy thỏa thuận mà theo đó,anh Vũ được toàn quyền sử dụng nhà, đất tọa lạc tại địa chỉ trên, đổi lại chị Thuy được quyền sở hữu chiếc xe ô tô  9 chỗ ngồi hiệu FORTUNE mà anh chị đã bỏ tiền ra mua để làm phương tiện đi lại trong thời gian sống chung, anh Vũ đồng ý, nghĩa là về tài sản chung hai người tự thỏa thuận chia nhau. Tháng 6/2012, anh Vũ kết hôn với chị Phạm Thị Thanh H và cùng chung sống tại ngôi nhà này. Tháng 7/2012, chị V làm đơn khởi kiện, yêu cầu TAND thành phố M giải quyết chia tài sản chung của chị và anh Vũ là nhà, đất mà hiện anh Vũ và chị H đang ở. Trong vụ án này, khi TAND thành phố M thụ lý giải quyết đã có quan điểm khác nhau về điều kiện thụ lý và việc xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quan điểm thứ nhất, việc chị Thuy và anh Vũ xin ly hôn nhưng có liên quan đến tài sản là QSDĐ, mà UBND xã Châu Thuận không tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 135 LĐĐ là thiếu về mặt thủ tục. Việc TAND thành phố M khi giải quyết vụ án không đưa chị H vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng, vì toàn bộ khối tài sản tranh chấp giữa anh Vũ và chị Thuy đã tạo lập trước thời kỳ anh Vũ và chị H kết hôn.

Quan điểm thứ hai, trong các vụ án HN &GĐ tuy có liên quan đến tranh chấp tài sản của vợ chồng là QSDĐ nhưng không phải qua thủ tục hòa giải tại UBND nơi có QSDĐ là tài sản chung. Chị H phải được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì khi tòa án giải quyết tranh chấp giữa chị Thuy và anh Vũ thì chị H cũng đang sử dụng nhà, đất là tài sản chung thời kỳ hôn nhân của chị Thuy và anh Vũ.

Xoay quanh việc hòa giải, nhất là trong các vụ án ly hôn mà có tài sản chung của vợ, chồng là QSDĐ và nhà ở gắn liền với QSDĐ thì có phải hòa giải không? Hiện vẫn còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Điển hình như quan điểm thứ nhất thể hiện, mà theo đó, tất cả các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình (kể cả tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn) mà có liên quan đến đất đai đều phải thông qua hòa giải ở cấp xã, phường, thị trấn. Theo quan điểm của người viết ý kiến này là không chính xác, bởi:

Thứ nhất, căn cứ vào quy định tại các điều 105[3], 106[4] và 113[5] LĐĐ năm 2003 thì QSDĐ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bao gồm hai nhóm sau: Nhóm thứ nhất, đó là các quyền chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 105 LĐĐ năm 2003. Nhóm quyền thứ hai, người sử dụng đất được thực hiện các hành vi dân sự liên quan đến QSDĐ hợp pháp của mình, được quy định tại Điều 106 LĐĐ năm 2003. Khi có tranh chấp về những quyền này thì tranh chấp đó là các tranh chấp về QSDĐ. Theo LĐĐ thì chỉ những trường hợp phát sinh tranh chấp về đất đai mới thuộc đối tượng hòa giải tại UBND cấp xã, phường, thị trấn trước khi khởi kiện tại tòa án, còn với những vụ án HN &GĐ mà vợ, chồng có tài sản là QSDĐ hoặc không có tài sản là QSDĐ thì quan hệ của vụ án là HN &GĐ, không phải là quan hệ đất đai. Mặt khác, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hay nhiều bên trong quan hệ tranh chấp, còn quan hệ HN &GĐ có thể là vợ, chồng có đất đai và yêu cầu tòa án phân chia cho họ trên cơ sở luật HN&GĐ, để xác định ai được chia nhiều quyền lợi hơn, ai được chia ít, chứ không dựa chủ yếu vào LĐĐ và BLDS để xác định quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.

Thứ hai, xét dưới gốc độ lý luận thì các tranh chấp được gọi là tranh chấp đất đai phải qua hòa giải ở cơ sở như quy định tại Điều 135, Điều 136 LĐĐ thì tranh chấp đó phải thỏa mãn các yếu tố sau: Về quan hệ pháp luật, phải là quan hệ đất đai, như tranh chấp đòi lại đất bị lấn chiếm, chiếm dụng hoặc liên quan chặt chẽ đến đất đai như quan hệ thừa kế QSDĐ, quan hệ chuyển đổi QSDĐ, quan hệ chuyển nhượng QSDĐ…; Về đối tượng tranh chấp phải là đất đai; Về pháp luật áp dụng phải là LĐĐ và BLDS; Về khách thể của quan hệ này phải là QSDĐ; Về chủ thể quan hệ đất đai có thể là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,…còn chủ thể trong quan hệ HN&GĐ phải là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Hơn nữa trong vụ án HN&GD có thể chỉ có một quan hệ, nhưng cũng có thể có đến ba quan hệ, nhưng quan hệ tranh chấp chính là quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng còn quan hệ con cái, quan hệ tài sản là quan hệ kèm theo. Do vậy, trong vụ án ly hôn dù vợ chồng có tài sản là QSDĐ thì cũng không bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở theo Điều 136 LĐĐ.

Thứ ba, trong vụ án này tính từ thời điểm chị Thuy có đơn khởi kiện đòi chia tài sản chung với anh Vũ là căn nhà cấp 4 được xây cất trên thửa đất mà trong thời kỳ hôn nhân tồn tại hai người đã mua, đến thời điểm chị H kết hôn với anh Vũ là khoảng chừng 01 tháng. Thời gian tuy ngắn, nhưng nếu như khi về sống chung với anh Vũ trong căn nhà đó, chị H đã bỏ ra một khoản tiền để tu bổ, sửa chữa lại, do vậy, khi giải quyết tranh chấp việc chia tài sản chung giữa chị Thuy với anh Vũ, pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của chị H. Bởi theo khoản 4 Điều 56 BLTTDS, trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vậy nên, nếu TAND thành phố M khi giải quyết vụ kiện mà không quan tâm đến quyền lợi của chị H là không thỏa đáng hay nói cách khác sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nếu như không xác định tư cách chị H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trường hợp thứ ba: Cụ Dương Văn Tập và cụ Lâm Kim Hồng (đều đã chết năm 2002) có 09 người con, trong đó có 05 người con thoát ly công tác ở xa; 04 người con là Dương Văn Tùng, Dương Thị Hạnh, Dương Văn Quân và Dương Văn Hoàng ở tại ấpThuận Bình, xã Thuận Tiến, huyện Châu Thành, tỉnh B. Năm 1980, cụ Tập và cụ Hồng có chia cho ông Tùng, bà Hạnh, ông Quân mỗi người một diện tích đất trong tổng diện tích đất mà hai cụ trước đó đã khai phá, riêng ông Dương Văn Hoàng là con út, do bị bệnh tâm thần mãn tính ở cùng với hai cụ nên không chia đất. Khi chia đất cho ông Tùng, bà Hạnh và ông Quân thì tất cả các con trong gia đình đều biết và không ai có ý kiến gì. Năm 1990, khi đo vẽ để lập bản đồ, diện tích đất ông Tùng được chia thể hiện là thửa 101 với 2.500m2; diện tích đất của bà Hạnh được chia thể hiện tại thửa số 102 với 2.200 m2; diện tích đất của ông Quân được chia thể hiện tại thửa số 105 với 3.100m2 (cả 03 thửa đất đều thuộc tờ bản đồ số 21, ấpThuận Bình, xã Thuận Tiến, huyện Châu Thành). Năm 1995 cả ông Tùng, bà Hạnh và ông Quân đều được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và không ai có ý kiến hay khiếu nại gì. Năm 2006, ông Quân chuyển nhượng QSDĐ tại thửa số 105 mà bố mẹ đã chia cho ông, rồi đến thửa đất số 101 mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Dương Thị Hạnh làm nhà tạm để ở. Tháng 10/2011 bà Hạnh làm đơn đề nghị giải quyết việc ông Quân lấn chiếm đất của bà. TAND huyện Châu Thành thụ lý đơn khởi kiện và đưa 06 người con còn lại của cụ Tập và cụ Hồng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án này có quan điểm khác nhau về việc xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, như sau:

Quan điểm thứ nhất, 06 người con của cụ Tập và cụ Hồng (trừ ông Dương Văn Hoàng) chỉ có thể là những người làm chứng trong việc tranh chấp đất đai giữa bà Hạnh với ông Quân, vì thực tế thửa đất số 102 tờ bản đồ số 21, ấpThuận Bình, xã Thuận Tiến, huyện Châu Thành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên bà Dương Thị Hạnh.

Quan điểm thứ hai, xác định tư cách tham gia tố tụng của 06 người con của cụ Tập và cụ Hồng (trừ ông Dương Văn Hoàng) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án là cần thiết, vì thửa đất số 102, tờ bản đồ số 21 đang tranh chấp giữa bà Hạnh và ông Quân có nguồn gốc của bố mẹ bà Hạnh, ông Quân và 06 người này cũng có quyền lợi, nghĩa vụ trong việc được sử dụng thửa đất đang tranh chấp. Do đó, nếu không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Với trường hợp cụ thể này, theo quan điểm của người viết 06 người con của cụ Dương Văn Tập và cụ Lâm Kim Hồng (trừ ông Dương Văn Hoàng do bị bệnh tâm thần mãn tính) chỉ có thể tham gia tố tụng trong vụ án này với tư cách là người làm chứng mà thôi, vì họ không có sự liên quan nào đến nội dung tranh chấp, mặc dù cũng như ông Quân, bà Hạnh họ là con ruột của hai cụ Tập và cụ Hồng.

Thứ nhất, cụ Tập và cụ Hồng khi còn sống (năm 1980) đã chia cho ông Tùng, bà Hạnh, ông Quân mỗi người tương ứng với diện tích đất như trên đã nêu để quản lý và sử dụng, đến năm 1995 ông Tùng, bà Hạnh, ông Quân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích đất đo vẽ trên thực tế và không một ai trong số họ có ý kiến phản đối hay tranh chấp gì. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thường được ngôn ngữ bình dân gọi là sổ đỏ hoặc giấy đỏ, là chứng thư có giá trị pháp lý xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất về quyền hạn và nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai, nên việc bà Hạnh khởi kiện ông Quân lấn đất của bà và việc TAND huyện Châu Thành giải quyết vụ kiện hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quyền lợi hay nghĩa vụ của các người con còn lại của cụ Tập và cụ Hồng, nên không thể tùy tiện xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, như quan điểm thứ hai.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 105 LĐĐ năm 2003 có quy định: “Người sử dụng đất có các quyền chung sau đây:

1. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;

5. Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;

6. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”

Đối chiếu với tình tiết vụ kiện, rõ ràng Nhà nước đang thực thi nghĩa vụ bảo hộ khi người sử dụng đất hợp pháp (đã được cấp GCNQSDĐ) bị người khác xâm phạm, thông qua đơn khởi kiện của bà Hạnh về những hành vi mà ông Quân vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, chắc chắn rằng việc giải quyết của Tòa án không liên quan gì đến quyền lợi hay nghĩa vụ của những người khác, ngoại trừ bà Hạnh, ông Quân.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 61 BLTTDS, nếu cho rằng 06 người con cụ Tập và cụ Hồng trong vụ án này họ phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vậy ngoại trừ bên nguyên đơn là bà Hạnh, bên bị đơn là ông Quân, những người con còn lại của cụ Tập và cụ Hồng khi tham gia tố tụng những ai sẽ đứng về bên nguyên đơn, những ai sẽ đứng về phía bị đơn? Họ có yêu cầu độc lập gì trong quan hệ tranh chấp QSDĐ phát sinh giữa bà Hạnh với ông Quân? Trong khi đó, theo quy định tại Điều 65 BLTTDS quy định: Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án có thể được Toà án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.”. Chắc chắn rằng, những thông tin mà phía những người con của cụ Tập và cụ Hồng trình bày một cách đầy đủ, trung thực, khách quan giúp HĐXX có thêm cơ sở xem xét giải quyết vụ án, đó là, nguồn gốc đất mà cụ Tập và cụ Hồng có; thời điểm nào hai cụ chia đất cho ông Tùng, bà Hạnh, ông Quân (trừ những người con thoát ly gia đình công tác xa); diện tích đất được chia cho từng người; xung quanh những thỏa thuận việc bà Hạnh cho ông Quân cất nhà tạm để ở trên phần đất của bà (nếu có); những tranh chấp phát sinh (nếu có) trước khi được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ,…Như vậy, với những thông tin đó rõ là không liên quan gì đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người con của cụ Tập và cụ Hồng đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa ông Quân và bà Hạnh, nên tư cách tham gia tố tụng của những người này phải là người làm chứng, mới phù hợp với Điều 65 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) như đã trích dẫn.

 

 Th.S Lê Văn Sua



[1]  Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[2] 1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 58[2] của Bộ luật này;

b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59[2] của Bộ luật này.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có các quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 60[2] của Bộ luật này.”

 

[3] Người sử dụng đất có các quyền chung sau đây:

1. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;

5. Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;

6. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

 

[4] Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

 

[5] Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này;

2. Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;

3. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp chuyển nhượng có điều kiện theo quy định của Chính phủ;

4. Cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất;

5. Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;

6. Tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này;

7. Thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân để vay vốn sản xuất, kinh doanh;

8. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh.