Đối tượng trực tiếp là trẻ em từ 6 tuổi trở lên và được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quyết định 1235/QĐ-TTg đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2020 sẽ đạt được như:
- 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em;
- 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em;
- 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em;
- 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ít nhất 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Bên cạnh đó, Quyết định còn chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình, bao gồm:
- Nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
- Các cơ quan nhà nước khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em bằng các hình thức phù hợp.
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để thực hiện Chương trình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Mở rộng hợp tác quốc tế về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế. Chủ động tham gia và đăng cai tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế về quyền tham gia của trẻ em như diễn đàn trẻ em, liên hoan gặp mặt trẻ em.
Quyết định số 1235/QĐ-TTg được coi là bước tiến mới trong việc nâng cao quyền của trẻ em tại nước ta, đặc biệt là trong việc tham gia, xây dựng các chính sách pháp luật, tôn trọng quyền làm chủ, quyền được bày tỏ quan điểm, ý kiến của trẻ em.