Vài kiến nghị về xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi

 

Ngày 09/10/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (viết tắt Nghị định 119/2013/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2013, thay thế cho các Nghị định số 08/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thức ăn chăn nuôi; Nghị định số 47/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi; Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Để triển khai thi hành một số nội dung có liên quan đến Nghị định 119/2013/NĐ-CP, ngày 04/9/2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT về việc ban hành Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2014, thay thế Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số loại kháng sinh, hóa chất trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Từ khi triển khai thi hành Nghị định 119/2013/NĐ-CP cho đến nay, thông qua công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức đến mọi người dân, mọi đối tượng trong xã hội, nhìn chung đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn trong chăn nuôi; cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hộ gia đình, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là nhận thức rõ tác hại nguy hiểm đến sức khỏe con người nếu ăn phải thịt heo có chất tạo nạc cho heo bị cấm sử dụng thuộc nhóm beta-agonist giúp giảm lượng mỡ của cơ thể heo, đồng thời kích thích sự phát triển cơ (tạo nạc) còn bị tồn dư. Các chất này có thể gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch của người sử dụng thịt heo có chất cấm. Tuy nhiên, gần đây dư luận xã hội quá bức xúc việc rất nhiều chủ các trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn bị phát hiện có sử dụng chất cấm ở huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai; quận Bình Tân (TP. HCM); nhiều lò giết mỗ vì lợi nhuận đã bơm nước bẩn vào cơ thể trâu, bò trước khi giết mỗ bị phát hiện ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, TP. HCM,... bất chấp mọi quy định cấm của pháp luật, xem thường sức khỏe người tiêu dùng. Hành vi vi phạm đó phải được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh thì mới có thể mong ngăn chặn sự tái diễn rất nguy hiểm đó. Qua phân tích có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến cho người vi phạm vẫn cố tình vi phạm đó là quy định xử phạt hành chính về hành vi này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe và phòng ngừa. Cụ thể, theo quy định tại Điều 13, Điều 36 Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định với mức phạt tiền từ 5.000.000 đến 6.000.0000 đồng đối với hành vi cố ý bơm nước vào động vật trước khi giết mổ; mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với hộ gia đình; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi quy mô trang trại. Với mức quy định xử phạt vi phạm như vậy rõ ràng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên người vi phạm vẫn cố tình vi phạm vì lợi nhuận mà họ thu được cao hơn gấp nhiều lần so với số tiền họ phải bỏ ra để nộp phạt. Đây là một nghịch lý mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu nhằm bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật và đồng thời lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước khi mà chúng ta đang thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Có thể thấy, thời gian trước đây các cơ quan thú ý địa phương qua kiểm tra chỉ phát hiện những trường hợp sử dụng chất cấm thường rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng heo trong chuồng không đáng kể,  nhưng thời gian gần đây lại phát hiện nhiều trang trại sử dụng chất cấm kích nạc đàn heo. Sở dĩ có tình trạng trên, do người dân hám lợi nhuận cao và một phần do một số đối tượng thương lái ép họ phải làm như vậy, bởi vì, nếu heo có sử dụng chất kích nạc lớn nhanh hơn, ít mỡ, nhiều nạc và màu sắc thịt tươi nên được người sử dụng và các công ty chế biến thực phẩm ưa dùng. Do đó, nếu người chăn nuôi không sử dụng chất này thì thương lái sẽ không mua heo của họ. Thông thường, người chăn nuôi chỉ bán heo ở mức trọng lượng 100-110 kg/con vì trên mức đó tỉ lệ tạo mỡ rất cao. Thế nhưng bằng việc sử dụng chất kích nạc nhóm beta-agonist, heo có thể đạt đến trọng lượng 130 - 140 kg/con mà mỡ rất ít. Do vậy, giữa người chăn nuôi và thương lái có sự thỏa thuận “ngầm” với nhau, mà theo đó các thương lái chính là đầu mối phân phát tới các hộ chăn nuôi với số lượng heo lớn, các trang trại liên kết làm ăn với họ và trả thêm từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg heo hơi nếu “ăn thuốc” so với heo thường. Trong khi đó, Nghị định 119/2013/NĐ-CP lại không có quy định nào để xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán chất cấm trong chăn nuôi của các thương lái. Đây là kẻ hở của pháp luật mà các cơ quan chức năng cần kịp thời nghiên cứu bổ sung.

Theo các chuyên gia về y tế, ngộ độc thức ăn có chứa Clenbuterol rất nguy hiểm đối với bệnh nhân tim mạch, đặc biệt những bệnh nhân bị rối loạn nhịp, suy tim và bệnh mạch vành. Clenbuterol cũng tích lũy nhiều trong nội tạng của động vật, đặc biệt gan. Clenbuterol không bị hủy khi đun nấu nhiệt độ cao.Tác hại của chất kích nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi đã được thế giới nghiên cứu từ rất lâu. Ở nước ta, các chất tạo nạc gốc beta-agonist như  ractopamine, clenbuterol và salbutamol đã bị cấm từ năm 2002, nhưng đã 13 năm qua rồi mà tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn thường xuyên diễn ra, thời gian gần đây còn phức tạp và trên quy mô lớn hơn cho thấy các biện pháp quản lý và xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thật hiệu quả. Vì vậy, trước thực trạng sử dụng chất cấm vẫn diễn ra và có dấu hiệu “nhờn luật” có ý kiến đề biện pháp xử lý hình sự đối với các chủ trang trại có hành vi mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vì chỉ có thể xử lý hình sự mới đảm bảo sản phẩm chăn nuôi có chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng  và đủ sức răn đe những ai hám lợi mà coi thường sức khỏe của cộng đồng. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam, về mặt khoa học thì những chất được dùng để kích nạc đã được các chủ trang trại, hộ chăn nuôi thời gian qua sử dụng là Clenbuterol và Salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm Beta - Agonists, là nhóm các hoóc môn tự nhiên, có nguồn gốc từ các Catecholamines (Adrenaline, Noradrenaline và Dopamine), có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose... Hai chất Clenbuterol và Salbutamol là những chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của WHO (Tổ chức y tế thế giới) và FAO (Tổ chức nông lương thế giới). Tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists cũng đều bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Đó là các chất như Terbutaline, Formoterol, Salmeterol, Budesonide, Fluticasone, Inratropium...Cũng đừng nhầm lẫn các chất kích nạc với các loại thức ăn bổ sung trong chăn nuôi như các Premix (chứa vitamin và các nguyên tố vi lượng, enzim…) hay các sản phẩm Probiotic (các vi sinh vật có ích ở dạng sống).

Một bất cập khác trong công tác quản lý chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi vẫn còn tồn tại, đó là, chất salbutamol trong lĩnh vực nông nghiệp xem là chất cấm sử dụng, nhưng ngành y tế lại sử dụng vào việc chữa bệnh cho người nên thị trường vẫn còn lưu hành, nên việc kiểm soát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Một thông tin khác mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, đó là hiện đang có tranh cãi khác nhau ở các quốc gia trong việc sử dụng chất kích nạc trong chăn nuôi.Ví dụ, trong ba chất phổ biến gốc beta-agonist mà pháp luật Việt Nam cấm sử dụng trong chăn nuôi là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol thì ở Mỹ lại cho sử dụng chất Ractopamine trong chăn nuôi, với điều kiện trước 07 (bảy) ngày xuất chuồng phải tuyệt đối hoàn toàn ngưng việc sử dụng. Điều đó cho thấy, họ cho phép được sử dụng chất Ractopamine kích nạc trong chăn nuôi, nhưng đặt dưới sự kiểm soát nghiệm ngặt. Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, trong đó có cho phép nhập khẩu thịt heo và không kiểm soát chất này trong thịt nhập khẩu. Như vậy ngành chăn nuôi của nước ta đang trong thế khó khi phải cạnh tranh với nền nông nghiệp phát triển của Mỹ và người chăn nuôi của nước Mỹ được sử dụng chất kích nạc trong khi Việt Nam lại cấm sử dụng ngay cả chất Ractopamine. Từ đó, đề nghị Nhà nước cho phép người chăn nuôi được sử dụng chất Ractopamine để tạo nạc và thay thế các chất Clenbuterol và Salbutamol như hiện nay.

Qua nghiên cứu người viết thấy rằng:

- Các chất Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol nằm trong danh mục hóa chất, khánh sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là những chất bị coi là cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chứ không phải là loại hàng cấm lưu hành tại nước ta, nên không thể áp dụng quy định tại Điều 155 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm”. Mặt khác, BLHS hiện hành cũng không có điều khoản nào quy định về hành vi mua, bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội phạm, nên cũng không thể xử lý TNHS đối với người vi phạm, vì các điều 157, 158 BLHS chỉ quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.”;  tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” mà thôi. Hơn nữa, theo quan điểm của tác giả với thực trạng sử dụng chất cấm kích nạc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở một số địa phương vừa qua, tuy gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến những người nông dân làm ăn chân chính, nhưng chưa phải là hành vi phổ biến gây nguy hại cho xã hội thuộc phạm vi rộng đáng phải xử lý bằng pháp luật hình sự, mà có thể dùng các chế tài xử phạt hành chính cũng có thể ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả.

- Trong điều kiện khả năng quản lý, kiểm soát của các cơ quan, lực lượng chức năng ngành thú ý của ta chưa “phủ sóng” hết đến mọi hộ chăn nuôi nhỏ lẽ, kể cả các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì không nên cho phép sử dụng chất Ractopamine để kích nạc trong chăn nuôi, như đề xuất của một số Hiệp hội chăn nuôi ở các địa phương. Bởi nếu cho phép, thực trạng đang khó khăn thì càng khó khăn hơn trong công tác kiểm tra, giám sát người chăn nuôi khi sử dụng chất kích nạc và như vậy là trái với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sự nguy hại cho sức khỏe con người về các chất cấm trong chăn nuôi nói trên gây ra.

- Về một số quy định có liên quan để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP người viết đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng:

+ Quy định mức xử phạt tiền tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định 119/2013/NĐ-CP đối với hành vi cố tình đưa nước hoặc các chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ, theo hướng  mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm với hành vi này tương ứng với giá trị trên thị trường nhân với trọng lượng của động vật khi đã được bơm nước vào trong cơ thể. Ví dụ: Qua kiểm tra của lực lượng chức năng phát hiện cơ sở giết mổ A có hành vi bơm nước vào trong cơ thể của 02 cá thể động vật là trâu, bò đang chờ giết mổ. Tổng trọng lượng của 02 cá thể đó tại thời điểm phát hiện cân nặng 650 kg, giá thị trường dao động từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg hơi. Vậy mức phạt tiền được ấn định là: [(55.000 + 60.000):2] x 650 = 37.375.000 đồng.

+ Quy định tăng mức xử phạt tiền lên nhiều lần hơn nữa so với quy định hiện hành (điểm a, b, c khoản 1 Điều 36 Nghị định 119/2013/NĐ-CP) đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mức xử phạt tiền tương ứng giá trị trên thị trường 1 kg hơi nhân với tổng trọng lượng của số lượng gia súc, gia cầm mà hộ chăn nuôi, chủ trang trại có sử dụng chất cấm kích nạc, mức phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

+ Quy định bổ sung hành vi mua bán, trao đổi chất cấm trong chăn nuôi theo Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mức phạt tiền được ấn định tùy theo trọng lượng chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với chất cấm kích nạc ở thể rắn có trọng lượng từ 0,5gam đến đến dưới 10 gam; chất kích nạc ở thể lỏng từ 50 mililit đến dưới 100 mililit;

- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với chất cấm kích nạc ở thể rắn có trọng lượng từ 10 gam đến đến dưới 20 gam; chất kích nạc ở thể lỏng từ 100 mililit đến dưới 200 mililit;

- Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với chất cấm kích nạc ở thể rắn có trọng lượng từ 20 gam đến đến dưới 30 gam; chất kích nạc ở thể lỏng từ 200 mililit đến dưới 300 mililit;

- Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với chất cấm kích nạc ở thể rắn có trọng lượng từ trên 30 gam; chất kích nạc ở thể lỏng từ 300 mililit trở lên.

Trên đây là một số vấn đề qua nghiên cứu quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Hy vọng với những đề xuất trên được sự quan tâm xem xét của các cơ quan chức năng, nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý có hiệu quả hơn đối với hành vi vi phạm quy định trong giết mổ; sử dụng chất cấm kích nạc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm xảy ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dự luận, gây hoang mang tâm lý người tiêu dùng trong thời gian qua, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và vì sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nước ta trong quá trình hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

 

 Th.S Lê Văn Sua