Một số quy định của Luật luật sư cần được hướng dẫn thống nhất với quy định của pháp luật TTHS

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, tại Điều 27 có quy định về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, như sau:

“1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật này.

3. Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối hoặc yêu cầu thay đổi luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ luật sư;

b) Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.

4. Luật sư chỉ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư;

…”.

Trước hết, để được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, tùy từng tư cách tham gia cụ thể trong vụ án đó, mà luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư. Tuy nhiên hiện nay việc hiểu quy định về “xuất trình” chưa có sự thống nhất nên nhiều trường hợp luật sư tham gia tố tụng trong vụ án được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo từng giai đoạn “ứng xử” cũng khác nhau, nếu không muốn nói là luật sư vướng nhiều trở ngại. Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, của nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học ấn hành năm 1998, tại trang 1120 có giải thích thuật ngữ xuất trình là “Đưa giấy tờ chứng thực ra trình với cơ quan hay người có trách nhiệm kiểm tra”, mà tập thể tác giả của quyền từ điển này không giải thích theo hướng đưa giấy tờ đã được chứng thực ra trình... Như vậy, với giải thích trên có thể hiểu, như: Khi vào cổng Doanh trại Quân đội nhân dân người đó phải xuất trình giấy chứng minh thư hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức; hành khách xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân khi qua cửa kiểm tra an ninh tại các sân bay; lái xe xuất trình giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định,…theo yêu cầu của lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông, nghĩa là các giấy tờ phải xuất trình để người có thẩm quyền kiểm tra là bản gốc mà không phải là bản phô tô có chứng thực. Tuy nhiên thực tế hiện nay, để được cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý hồ sơ vụ án cấp giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư phải trực tiếp đến cơ quan đó nộp đầy đủ các bản sao, gồm: i) Thẻ luật sư; ii) Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (nếu đang bị tạm giữ, tạm giam phải có xác nhận của người có trách nhiệm quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam) hoặc nếu là giấy yêu cầu luật sư của người thân thích của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (cha, mẹ, anh, chị, người đỡ đầu,…) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi họ cư trú; iii) Giấy giới thiệu của Đoàn Luật sư nơi luật sư đăng ký tham gia hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi luật sư đó hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý, mà các cơ quan tiến hành tố tụng không tiếp nhận các giấy tờ này qua đường bưu điện hoặc bất kỳ hình thức chuyển qua trung gian nào khác. Quy định bất thành văn này đối với các luật sư không thể không thực hiện.Thiết nghĩ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt giấy tờ không cần thiết. Còn nếu như các giấy tờ mà luật sư phải xuất trình bắt buộc phải là bản sao để lưu trữ vào hồ sơ vụ án, thì cũng nên “thông thoáng” hơn về thực hiện quy định này, bởi có nhiều trường hợp do cách trở về địa lý như luật sư ở thành phố Hà Nội phải vào tận huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau chỉ làm mỗi thủ tục nộp các giấy tờ theo quy định để được Viện kiểm sát nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận người bào chữa, như thế rõ là rất phiền hà vừa mất thời gian chỉ do thủ tục vừa phải bỏ ra những chi phí không cần thiết, bởi suy cho cùng việc luật sư trực tiếp mang những giấy tờ theo quy định để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa trọng vụ án đó, với trường hợp những giấy tờ luật sư cần nộp được chuyển đến qua đường bưu điện, kết quả là cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án đều nhận được toàn bộ cho dù khác nhau về hình thức chuyển (trực tiếp hoặc gián tiếp) nhưng nội dung các giấy tờ đó đều được bảo đảm tính xác thực như nhau.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư: “…Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối hoặc yêu cầu thay đổi luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”.Quy định này có thể hiểu, nếu Giấy chứng nhận người bào chữa đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp thì không những có giá trị ở giai đoạn điều tra, mà còn xuyên suốt trong các giai đoạn tố tụng kế tiếp là giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử vụ án đó và nếu một khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối luật sư bào chữa ở giai đoạn nào thì ở giai đoạn tố tụng đó giấy chứng nhận người bào chữa không còn giá trị. Vậy, với trường hợp ở giai đoạn điều tra giấy chứng nhận người bào chữa được cấp cho luật sư Y, bào chữa cho bị can X, sang giai đoạn truy tố bị can X có văn bản yêu cầu từ chối luật sư Y và yêu cầu này được Viện kiểm sát chấp nhận, đến giai đoạn xét xử bị cáo X lại có yêu cầu nhờ chính luật sư Y - người mà bị cáo đã tư chối ở giai đoạn truy tố để bào chữa cho mình, thì luật sư Y có được sử dụng giấy chứng nhận người bào chữa mà trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra đã cấp hay phải nộp lại đầy đủ các giấy tờ theo quy định cho tòa án để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa?

Thứ ba, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 27 thì luật sư chỉ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư. Theo quy định này, cơ quan tiến hành tố tụng được từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong các trường hợp sau: i) Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối luật sư; ii) Người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sự. Trong khi đó, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và BLTTHS hiện hành không có điều luật riêng nào quy định về người đại diện, mà chỉ có BLTTHS đề cập đến người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên (điểm b khoản 1 Điều 56; khoản 1, khoản 2 Điều 57 BLTTHS;…).

Ngoài ra, Điều 305 BLTTHS có quy định về bào chữa đối với người chưa thành niên phạm tội, như sau: “ Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữ cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.

Trong khi đó, tại Điều 73 của BLTTDS năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) có quy định về người đại diện, như sau:

 “1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền.

2. Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.

3. Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”.

Ngoài ra, tại các khoản 4, 5, 6 Điều 57 của BLTTDS cũng có đề cập đến người đại diện hợp pháp của đương sự là người chưa thành niên, người có mất năng lực hành vi dân sự, cụ thể:

4. Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

5. Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

6. Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Toà án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”.

Như vậy, khái niệm về người đại diện và người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không đồng nhất với nhau. Thực tiễn xét xử, thường các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, tòa án nói riêng chỉ thừa nhận người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, người đỡ đầu, anh, chị em ruột và những người theo quy định của pháp luật đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, do vậy, để tránh những trở ngại không cần thiết cho hoạt động của luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đường sự hoặc người bào chữa, cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất chung nhận thức về người đại diện theo quy định tại Điều 27 Luật Luật sư để bảo đảm tính tương thích với những quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Thứ tư, theo quy định tại tại điểm a khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư, thì luật sư chỉ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư.

Từ thực tiễn xét xử không ít trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ chối luật sư, nhưng người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo không từ chối mà vẫn yêu cầu luật sư bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án đó có được quyền từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa không? Hay trường hợp ngược lại, bị can, bị cáo là người chưa thành niên yêu cầu luật sư bào chữa còn người đại diện hợp pháp của họ thì có văn bản từ chối thì giải quyết như thế nào? Nếu căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư, thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án đó sẽ không cấp giấy chứng nhận người bào chữa với trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối luật sư hoặc trường hợp người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư. Trong khi đó, tại điểm d mục 2 Phần II của Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP có quy định: d…. Nếu chỉ có bị cáo từ chối người bào chữa, còn người đại diện hợp pháp của bị cáo không từ chối người bào chữa hoặc chỉ có người đại diện hợp pháp của bị cáo từ chối người bào chữa, còn bị cáo không từ chối người bào chữa, thì tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử”. Như vậy, cùng một vấn đề nhưng nội dung quy định ở hai văn bản luật chưa thống nhất nhau, nên đây sẽ là vướng mắc nếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng dụng quy định điểm a khoản 4 Điều 27 Luật Luật sư.

Ví dụ: Sau khi tòa án thụ lý hồ sơ vụ án cố gây thương tích và cướp tài sản, bị can trong vụ án là người chưa thành niên đã đề nghị bằng văn bản gửi đến tòa việc từ chối luật sư bào chữa mà trước đó trong các giai đoạn điều tra, truy tố luật sư đã tham gia. Nếu chiếu theo quy định như vừa nêu trên, thì đến giai đoạn này giấy chứng nhận người bào chữa mà cơ quan điều tra đã cấp mặc nhiên không còn giá trị. Tuy nhiên theo hướng dẫn tại điểm c, Mục 3, Phần II của Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2003 (gọi tắt Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP) có quy định:

“ Trước khi mở phiên tòa, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì người có yêu cầu phải làm văn bản trong đó cần ghi rõ lý do yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp họ trực tiếp đến Tòa án yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản ghi rõ lý do của yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa và người có yêu cầu phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Văn bản về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Về yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được giải quyết như sau:

c.1)…

c.2) Trường hợp yêu cầu từ chối người bào chữa, thì vẫn tiến hành triệu tập người bào chữa đã được cử tham gia phiên tòa theo thủ tục chung…”. Như vậy, khi bị cáo là người chưa thành niên từ chối bằng văn bản người bào chữa theo chỉ định, thì Tòa án vẫn phải triệu tập người bào chữa đã được cử tham gia phiên tòa, việc triệu tập này có mâu thuẩn gì với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư không? Bởi khi tòa án triệu tập luật sư đó xác định tư cách gì, trong khi giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư đó không còn giá trị.

Ths. Lê Văn Sua