Thế nào là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh riêng tư

 

Thời gian gần đây, trên một số mặt báo liên tục đề cập đến câu chuyện pháp luật, mà theo đó, ông Triệu Đức Nhật (chủ nhà nghỉ Nhật Linh thuộc thôn Trung Hòa, xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã quay clip cảnh ông Nguyễn Văn B – Thẩm phán TAND huyện này mua dâm rồi sau đó tố cáo đang gây xôn xao dư luận. Từ sự kiện này, nhiều vấn đề pháp lý đã nảy sinh thu hút ý kiến luận bàn của các chuyên gia, đó là, việc bí mật quay clip tại nhà nghỉ, quán karaoke có xâm phạm đến quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân không? Cùng với đơn tố cáo là đoạn clip dài khoảng 35 phút cảnh ông B mua dâm được gửi đến cơ quan chức năng, hành vi đó của ông Nhật có phạm tội hay không? Nếu có là tội gì?

Theo đơn của ông Nhật, tháng 10/2011, vợ ông là Phạm Thị Lán bị bắt quả tang vì đã thực hiện hành vi chứa mại dâm. Do muốn vợ được hưởng án treo, ông đã bán nhà nghỉ Nhật Linh lấy tiền nhờ bà Nguyễn Thị Hằng “chạy án” cho vợ, ông đã đưa tổng cộng hơn 200 triệu đồng cho nhiều người, trong đó có thẩm phán B, nhưng cuối cùng bà Lán  vẫn bị TAND huyện Ea Kar tuyên phạt 05 năm 06 tháng tù giam. Sau đó bà Hằng bị bắt, bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thấy bị mất tiền mà vợ vẫn bị án tù và cho rằng cơ quan chức năng khởi tố bà Hằng về tội trên là chưa đúng người, đúng tội nên ngày 06/12/2012, ông Nhật đã tập hợp hồ sơ, chứng cứ gửi đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu điều tra làm rõ về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Toàn bộ tài liệu, chứng cứ được lập biên bản niêm phong và một bản được đưa vào hồ sơ vụ án Nguyễn Thị Hằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 17/3/2015, người đại diện theo ủy quyền của ông Nhật phát hiện hồ sơ chứng cứ vụ án do ông Nhật cung cấp vẫn được niêm phong nên đã yêu cầu mở hồ sơ chứng cứ ngay tại tòa. Một ngày sau đó (ngày 18/3), HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định hoãn phiên tòa đối với bị cáo Hằng mà trước đó TAND huyện Ea Kar đã xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do phát hiện có chứng cứ mới. Như vậy, từ ngày ông Nhật bàn giao chứng cứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Đắk Lắk (tháng 12/2012), đến khi mở niêm phong tại phiên tòa phúc thẩm (ngày 17/3/2015), chứng cứ quan trọng này đã bị “lãng quên” gần ba năm. Bức xúc trước việc trên, ông Nhật đã làm đơn tố cáo ông B gửi đến các cơ quan chức năng về việc làm sai trái của người cán bộ, đồng thời muốn đòi lại số tiền mà ông B đã nhận trước đây để “chạy án”.

Theo ông Nhật, vợ chồng ông kinh doanh mở nhà nghỉ và quán karaoke từ năm 2000. Do nhà nghỉ có nhiều thiết bị liên tục bị mất trộm, từ năm 2004, ông lắp đặt camera theo dõi dọc các hành lang, sân thượng của nhà nghỉ với mục đích để chống trộm. Khoảng năm 2008 đến năm 2011, quán karaoke và nhà nghỉ của vợ chồng ông có nhiều khách quen là cán bộ của huyện thường xuyên đến, trong đó có cán bộ ngành công an, từ đó, vợ ông đã bí mật lắp đặt một camera tại phòng nghỉ VIP, vì phòng này rất sạch sẽ, thường dùng để cho các cán bộ huyện lui tới, mục đích lắp “camera giấu kín” tại đấy nhằm để kiểm tra xem ngày hôm đó nhà nghỉ có bị mất mát gì không, mặt khác, để lấy chứng cứ các khách tại huyện này đến đây mua dâm với mục đích “bảo vệ mình khi có chuyện”. Trong số các đoạn clip quay được vợ ông phát hiện cảnh mua dâm của ông Nguyễn Văn B và nhiều cán bộ công an của huyện, sau đó vợ ông cất vào tủ và cũng chưa cho ai xem bao giờ.

Người viết thấy rằng, chưa xét đến yếu tố người bị quay lén đó là ai nhưng hành vi tự ý lắp “camera giấu kín” quay lén những hình ảnh rất riêng tư của người khác là vi phạm về bí mật đời tư của công dân quy định tại Điều 38[1] BLDS năm 2005. Việc chủ khách sạn, nhà nghỉ tự ý lắp đặt camera bí mật ghi hình ở những nơi rất riêng trong phòng ngủ, nhà vệ sinh để theo dõi khách là vi phạm pháp luật về bí mật đời tư của công dân, dù mục đích ghi hình của chủ nhà nghỉ, khách sạn chỉ nhằm để chống trộm hay để lấy chứng cứ với mục đích “bảo vệ mình khi có chuyện” hay là bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì việc tự ý lén lút ghi hình của người khách mà chưa được sự đồng ý của cá nhân họ là đã vi phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân, đấy là quyền được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, một khía cạnh pháp lý khác cũng đáng được quan tâm, đó là, hành vi của vợ chồng ông Nhật có vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh cá nhân theo Điều 31[2] BLDS năm 2005? Vấn đề này theo quan điểm của người viết, quy định của pháp luật Việt Nam về quyền riêng tư của cá nhân về hình ảnh được pháp luật bảo hộ, quy định này càng có ý nghĩa hơn trong kỷ nguyên công nghệ số rất phát triển các thiết bị quay phim, chụp ảnh ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay. Với sự trợ giúp của internet, hình ảnh được phát tán rộng với tốc độ lớn. Việc ngăn chặn và truy tìm thủ phạm trở nên khó khăn, và bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm phạm hình ảnh cá nhân mình. Cùng với sự phát triển của xã hội, những phát minh, sáng chế, sáng tác nghệ thuật, nhãn hiệu hàng hóa... kể cả hình ảnh cũng được xem là tài sản vô hình của cá nhân, quyền đối với hình ảnh được xếp vào quyền tác giả, chính vì vậy, các công ty quảng cáo thường cố gắng ký hợp đồng với người nổi tiếng để khai thác hình ảnh của họ phục vụ việc quảng cáo sản phẩm. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba hoặc đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh. Pháp luật các nước đều cho phép đăng hình tội phạm bị truy nã để phục vụ việc truy bắt tội phạm... Tương tự như pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam chỉ bảo vệ hình ảnh mà người trong ảnh có thể bị nhận dạng, không phụ thuộc việc ảnh có khuôn mặt hoặc ghi tên người đó hay không. Trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng (phục vụ cho việc điều tra, truy bắt tội phạm), việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Qua nghiên cứu Điều 31 BLDS năm 2005, thấy rằng:

Thứ nhất, Ðiều 31 BLDS quy định việc "sử dụng" hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Một thực tế đang tồn tại khá phổ biến hiện nay, đó là, bởi quá ái mộ hình ảnh của cô người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh A, nên rất nhiều các chàng trai thường tải hình ảnh của cô này về máy điện thoại cá nhân, thậm chí lưu ảnh của cô ấy trong ví của mình, việc làm này chỉ vì nhu cầu riêng của bản thân, không phát tán cho người thứ ba. Hành vi đó chính là “sử dụng” hình ảnh của cô người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh A, nhưng liệu có người nào đi xin phép người có hình ảnh đó không? Về bản chất, hành vi này không ảnh hưởng tới quan hệ của người có hình ảnh với xã hội, không cản trở người đó hình thành và phát triển nhân cách của mình. Trên thực tế, cũng rất khó phát hiện được các trường hợp này, vì hình ảnh không được phát tán, người có hình ảnh không biết hình ảnh của mình đang bị sử dụng trái phép.

Thứ hai, Ðiều 31 BLDS chỉ đề cập hành vi “sử dụng” chứ không điều chỉnh hành vi “ghi hình”, nghĩa là hành vi “sử dụng” và hành vi “ghi hình” hoàn toàn khác nhau về khái niệm. Theo Từ điển Tiếng Việt của NXB Đà Nẵng, 1998 “sử dụng” đem dùng vào mục đích nào đó. Sử dụng vật liệu để làm nhà; “ghi hình” ghi lại hình ảnh trên đĩa, trên băng, để phát lại. Ghi hình buổi diễn thuyết. Trong điều kiện trang thiết bị ghi hình ngày càng phổ biến, nguy cơ bị chụp ảnh trộm, bị ghi hình trộm là rất lớn. Nếu không thể chứng minh người chụp ảnh trộm, ghi hình trộm phát tán các hình ảnh này thì không thể quy trách nhiệm dân sự theo Ðiều 31 BLDS năm 2005 hay trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” (Ðiều 121BLHS); tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” (Ðiều 226 BLHS).

Từ phân tích trên, tuy hình ảnh của ông B và một số cán bộ của huyện thường lui tới nhà nghỉ của ông Nhật được bà Lán lưu giữ dưới các dạng file hình ảnh, nhưng họ không phán tán, không cho người thứ ba xem, không làm ảnh hưởng đến tới quan hệ của người có hình ảnh với xã hội, không cản trở người đó hình thành và phát triển nhân cách của mình, nên không thể nói quyền của cá nhân đối với hình ảnh của ông Nguyễn Văn B và một số cán bộ khác đã bị vợ ông Nhật xâm phạm, vì thực chất đấy là hành vi “ghi hình” mà không phải là hành vi “sử dụng” như quy định tại Điều 31 BLDS năm 2005 quy định.

Nếu những đoạn clip đó được sử dụng vì mục đích cá nhân, như: Phát tán lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người có hình ảnh hoặc đe dọa để tống tiền, gây áp lực buộc người có hình ảnh trong đoạn clip thực hiện một việc trái với ý muốn của họ nhằm chiếm đoạt tài sản,… thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng được định trong BLHS, như: Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135); Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253). Ở đây, ông Nhật chỉ dùng đoạn clip có cảnh quay nhạy cảm được cho là hình ảnh của ông B, làm chứng cứ để viết đơn tố cáo việc làm sai trái của ông này và đòi lại số tiền mà trước đó ông Nhật đã đưa cho ông B để “chạy án” thì không thể coi đó là hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong tình hình đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước như hiện nay, thực tế cho thấy rất nhiều đơn thư tố cáo cán bộ có hành vi tham nhũng, ăn hối lộ,… nhưng cuối cùng rồi cũng không thể xử lý được do người tố cáo không cung cấp cho cơ quan chức năng bằng chứng xác thực, nghĩa là mọi thứ đều phải có chứng cứ rõ ràng, thì như vậy việc ông Nhật dùng đoạn clip đó làm bằng chứng tố cáo lối sống sa đọa, vi phạm phẩm chất đạo đức của cán bộ B (kèm theo file hình ảnh chứng minh) thì người tố cáo lại bị coi là vi phạm pháp luật sao?. 

 Th.S Lê Văn Sua



[1] Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 [2] Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.