Những cảnh báo liên quan đến giả mạo trong hoạt động công chứng

 

1.Các hình thức giả mạo thường gặp trong hoạt động công chứng.

Hiện nay việc giả mạo chủ thể và giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng, không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn mà theo phản ánh của các phương tiện truyền thông thì hầu hết các Tỉnh khắp cả nước cũng đều gặp phải. Riêng TP.HCM, có thể nói, không tổ chức hành nghề công chứng nào hoặc CCV nào mà không “dính” ít, nhiều đến việc giả mạo trong hoạt động công chứng. Thực trạng đó đã gây nên tâm lý “phẫn nộ” “ bất an” cho những người tham gia giao dịch và trở thành “vấn nạn” “ám ảnh” CCV, đúng như báo chí đã rất nhiều lần đề cập.

1.2. Giả mạo chủ thể tham gia giao dịch

Giả mạo chủ thể( chủ yếu là giả mạo bên bán, còn bên mua cũng có, nhưng ít gặp hơn). Việc giả mạo, có thể giả mạo 01 người( vợ hoặc chồng bên bán), giả mạo hai người hoặc nhiều người.

Giả mạo vợ hoặc chồng bên bán: Năm 2013, Phòng công chứng số 4 TP.HCM có tiếp nhận 1 trường hợp, bên bán là ông N.V.D và bên mua là bà B.T.N.O bán nhà, đất địa chỉ 84/1Y, Xuân Thới Thượng, Hóc Môn. CCV nghi ngờ là giả mạo, báo Công an P4 Q.TB. Công an tới làm việc, mời các bên về Phường, sau đó “ thả” các bên ra và họ đã tới VPCC N.R (Quận 12) để công chứng chuyển nhượng. Sau này, Báo Thanh Niên đăng và được biết: Vợ chồng ông D ly dị cuối năm 2012, nhưng tài sản chưa chia, giấy tờ đất bản chính ông D giữ. Ông D đã làm giả giấy tờ tùy thân của bà G – là vợ của ông và thuê người “đóng vai để qua mặt” công chứng.

Hoặc một trường hợp khác, ở Hà Nội, theo Báo Công an nhân dân: năm 2008, bà N có nhu cầu vay vốn nên đến gặp bà H – Giám đốc Cty tư vấn và môi giới dịch vụ vay vốn ngân hàng ở phố Nguyễn Trường Tộ. Bà H đã nhờ ông K và ông K đã nhờ T, trú tại khu Trung Tự “đóng thế” chồng bà N, để ký hợp đồng ủy quyền tại Phòng công chứng ở Hà Nội (HN).

Giả mạo người thân trong gia đình: Phòng công chứng số 4, số 6 TPHCM cũng đã từng phát hiện trường hợp hai chị em, khi xem ảnh trên CMND thì giống hệt nhau, nhưng sau khi “soi” dấu vân tay thì khác, hỏi thêm mới biết là chị em ruột (vụ việc này Báo Pháp luật TPHCM đã đăng).

Giả mạo cả vợ/chồng và các chủ thể khác: Báo Đầu tư chứng khoán điện tử, Báo An ninh Thủ đô đã có bài đăng: 01 trường hợp Văn thư kiêm Thủ quỹ Phòng TNMT Thị xã S (HN); 01 cán bộ Phòng TNMT huyện G (HN); 01 cán bộ Phòng TNMT xã P (Vĩnh Phúc) trộm nhiều phôi thật, sau “chế” thành chủ quyền nhà đất, thuê người đóng giả vợ, chồng bên bán, bên thế chấp để lừa đảo chiếm đọat tài sản của nhiều người và nhiều ngân hàng.

Giả mạo bên mua: Phòng công chứng số 4 TP.HCM đã gặp trường hợp giả người khi ký hợp đồng mua bán xe ô tô, nhưng không phát hiện được (vì thường bên mua, rất ít khi CCV kiểm tra hoặc chú ý) chỉ khi hai bên lên hủy hợp đồng mua bán, CCV mới biết bên mua là giả (và họ cũng thừa nhận, hợp đồng mua bán trước họ cũng ký, nay họ tiếp tục ký hủy để bán cho người khác).

1.2.Giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng

Trong lĩnh vực giả mạo, thì đây là trường hợp xảy ra khá phổ biến, rất thường xuyên, chiếm khoảng 80% vụ giả mạo công chứng. Việc giả mạo rất đa dạng, như báo chí cũng từng đề cập là “ muôn hình vạn trạng” “ 1001 mánh khóe”…có khi thô thiển, đơn giản, có khi tinh vi, cao siêu CCV rất khó để có thể phát hiện. Chính vì vậy, có Báo đã viết bài “ Đi công chứng như đi trên… dây” “ mua bán nhà đất coi chừng …như Đười ươi giữ ống”…

Việc giả mạo giấy tờ, có khi chỉ là giả giấy tờ về tài sản được giao dịch( chủ quyền nhà đất; xe ô tô…); có khi là giả từ A-Z ( chủ quyền, CMND, Hộ khẩu, kết hôn, giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân…). Đối tượng làm giả, không chỉ là cá nhân, mà có khi cả tổ chức như Sàn giao dịch bất động sản; Các công ty thứ cấp làm giả hồ sơ (ví dụ, Cty X ở Hà Nội đã lừa bán đất trên giấy cho nhiều người tại dự án Thanh Hà, Hà Nội). Đối tượng bị “ lừa” “qua mặt” không chỉ là bên mua, các CCV, các ngân hàng( Báo VOV có bài “ Ngân hàng đổi ngàn tỷ lấy đống giấy tờ giả”), mà có khi kể cả Thi hành án, Đấu giá (ví dụ, gần đây, các Báo có đăng: căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng, phường 11, quận Bình Thạnh, bán theo bản án của Tòa, giấy tờ nhà được Ngân hàng nhận thế chấp bàn giao, đấu giá thành, nhưng khi đăng ký mới phát hiện giấy tờ giả, được làm theo phương pháp in lưới).

Giả mạo đơn giản: như: sửa chữa, tẩy xóa, thêm, bớt diện tích, thay tên, đổi họ chủ sở hữu, sử dụng…nhằm làm sai lệch nội dung giấy tờ chủ quyền nhà, đất; photocopy màu; scan màu chủ quyền nhà đất và các giấy tờ liên quan…những trường hợp này, đa phần CCV, nếu chú ý bằng “mắt thường” cũng có thể phát hiện được.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp, tuy giả mạo đơn giản, nhưng cũng rất khó phát hiện, như: dùng chủ quyền cũ đã hết giá trị( vì nhà, đất đó đã được cấp chủ quyền mới, ví dụ báo mất chẳng hạn) để mua bán, thế chấp; hoặc giấy tờ giả, nhưng “ lỗi” ở một số chi tiết (như số CMND đen hoặc đỏ; Chủ quyền nhà đất kèm Tờ khai lệ phí trước bạ hay Thông báo nộp lệ phí trước bạ; thẩm quyền người ký, cơ quan cấp, thời điểm cấp Giấy đỏ, Giấy hồngvv.. những trường hợp này CCV bên cạnh phải có chuyên môn thì phải có sự cập nhật, theo dõi hỗ trợ của công nghệ thông tin, mới có thể phát hiện được).

Giả mạo tinh vi, cao siêu: Tôi dám chắc rằng, không có 01 CCV nào có thể mạnh dạn khảng định rằng mình “thừa sức” “đủ khả năng” để phân biệt được hết đâu là giấy tờ thật và đâu là giấy tờ giả. Chẳng vậy, mà Báo chí ở TP.HCM từng đăng, khi tập huấn về kỷ năng nhận biết dấu vân tay và nhận diện giấy tờ giả, Giám định viên Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã đưa một số giấy tờ giả và giấy tờ thật, nhưng hầu hết các CCV có mặt tại buổi tập huấn, cũng không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Hoặc Báo Thanh Niên, Báo Tuổi trẻ, Báo Pháp luật, Báo Công an TP.HCM cũng đã từng đăng, căn nhà 63/19 Phó Đức Chính, quận 1, L đã dùng giấy tờ giả để tiến hành ủy quyền, thế chấp, bán và đã “ qua mặt” 05 tổ chức hành nghề công chứng khác nhau tại TPHCM; Hoặc căn nhà 15 Phan Đình Phùng, phường 17, quận Phú Nhuận, người thừa kế là ông D, đã dùng giấy tờ giả để thực hiện giao dịch cho thuê, thế chấp tại 01 VPCC, 01 Phòng công chứng và đã thực hiện trót lọt; Ông B, ngụ ở Tân Uyên, Bình Dương đã dùng giấy tờ giả, tự mình hoặc thuê người đóng thế vai để thực hiện mua bán, thế chấp lừa đảo trót lọt hàng chục lần, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, sau khi “ qua mặt” nhiều lần các CCV của các tổ chức hành nghề công chứng ở huyện Tân Uyên và tỉnh Bình Dương.

Không chỉ làm giả chủ quyền nhà, mà còn làm giả cả văn bản công chứng( hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, ủy quyền). Trang mạng Điện tử Địa ốc TTO có đăng phát biểu của CCV Trần Anh Tuấn( lúc còn Trưởng phòng công chứng số 3 TP.HCM) “có lần cơ quan điều tra đem đến cho ông xem 03 bản hợp đồng công chứng mua bán nhà đất, đều có chữ ký của ông và hỏi ông đâu là chữ ký của ông? Sau một lúc săm soi, ông lựa được 01 hợp đồng có chữ ký của ông và nghĩ đó là thật. Tuy nhiên, cán bộ điều tra, khẳng định tất cả chữ ký trong 03 hợp đồng trên đều là giả, khiến ông bất ngờ, sững sờ”.

Nói chung, các hình thức, thủ đoạn giả mạo trong họat động công chứng rất đa dạng, có rất nhiều trường hợp đã được CCV phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhưng cũng có khá nhiều trường hợp với thủ đoạn tinh vi, “ đã lọt lưới CCV” “ Công chứng viên bị qua mặt như …trong phim”( theo báo cáo của Sở Tư pháp TP.HCM, ví dụ, năm 2011-2012, tại TP phát hiện 64 trường hợp giả mạo, trong đó đã có 10 vụ “lọt lưới” công chứng).

2.Một số biện pháp phát hiện, phòng ngừa để hạn chế việc giả mạo trong hoạt động công chứng

2.1.Phải kiểm tra thật kỹ giấy tờ được xuất trình -“ kỹ năng xét giấy”:

- Một số CCV đã từng chia sẽ kinh nghiệm “bắt ma”, đề phòng “ sập bẫy”, “lọt lưới” giấy tờ giả chủ quyền qua công chứng trên Báo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp luật TP.HCM…như sau:

*CCV Phan Văn Cheo, Trưởng VPCC Sài Gòn đã nêu: “ Bình thường những dòng chữ in sẵn trên mẫu giấy đỏ, giấy hồng của cơ quan nhà nước phát hành không sai lỗi chính tả và được in đậm nét. Do đó, nếu giấy chứng nhận có lỗi chính tả thì cần đặc biệt nghi ngờ. Bên cạnh đó, cần xem kỹ số giấy để nhận ra điều bất thường. Giả sử giấy mới cấp đầu năm mà số cả ngàn hoặc mười mấy ngàn…thì y rằng giấy giả”.

*CCV Hòang Mạnh Thắng, Trưởng phòng công chứng số 7 TP.HCM cũng khuyến cáo: “ Việc xem độ cũ, mới của các lọai giấy tờ cũng không nên bỏ qua, nếu giấy được cấp đã khá lâu mà các nét mực còn mới tinh thì cũng cần phải xem lại” khi công chứng nhà đất ở quận 6, Phòng công chứng 7 phát hiện giả mạo.

* CCV Phòng công chứng số 4, khi công chứng chuyển nhượng đất ở Hóc Môn, phát hiện ra giấy tờ giả, vì : “ chất liệu giấy quá dày, nặng hơn bình thường, các chi tiết in trên giấy hơi xấu, có khi sai lỗi chính tả, có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết, các dấu mộc chìm, nổi đều có điểm sai”  .

*CCV Hoàng Thị Kim Tuyến, CCV Phòng công chứng số 4 TPHCM - người đã phát hiện hàng chục trường hợp giả mạo, qua trường hợp của bà L, ngụ ở Hóc Môn, chuyển nhượng 03 tài sản( trong đó có một trường hợp đã công chứng tại Phòng công chứng khác) khi tiếp tục công chứng tại Phòng công chứng số 4, CCV phát hiện tất cả là giả. Vì “ 02 giấy chứng nhận QSDĐ và 01 giấy chứng nhận QSHN có vẻ tươi hơn giấy thật; chữ ký không liền nét (do sử dụng máy scan); số sê ri trên sổ đỏ sử dụng in mà không phải đóng dấu chìm như giấy thật. Đặc biệt, trong trang bổ sung của sổ đỏ, giấy được sử dụng mỏng hơn, tờ trước bạ ngả màu cam…”

Những chia sẽ qua trải nghiệm thực tế của các CCV nói trên rất quý báu. Ngoài ra, khi tiếp nhận kiểm tra giấy tờ, các Anh/Chị cũng cần lưu ý một số thủ đoạn sau:

Việc tẩy xóa trên giấy tờ (bằng hóa chất hoặc bằng cơ học): Nếu bằng cơ học thì thường “lộ” nhược điểm tại nơi tẩy xóa mất độ bóng láng cần thiết, do có nhiều vết trầy xước; giấy ở chỗ tẩy xóa sẽ mỏng hơn bình thường; nền in ở vị trí tẩy, bao gồm cả dòng kẻ, bị phá hủy; chữ viết chỗ tẩy xóa có khi bị nhòe, độ đậm, nhạt của chữ cũng khác. Nếu là tẩy bằng cơ học thì độ trơn bóng của giấy không tự nhiên, có khi nhợt nhạt, thay đổi màu sắc tại chỗ tẩy xóa; các nét chữ xung quanh vùng tẩy có thể bị mất hoặc thay đổi màu; các nét viết, in sau khi tẩy xóa thường to, đậm, nhòe; trong một số trường hợp, giấy bị co lại, mặt giấy có nhiều nếp nhăn; giấy bị xốp và giòn hơn

Xem xét chữ ký và con dấu: Chữ ký giả thường không tự nhiên, lưu loát, đường nét run, gãy, không có mối liên kết các nét, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn…Đối với con dấu, nếu dấu giả khoảng cách giữa các vành thường không đều; đường nét không liên tục, tự nhiên; nét chữ không thẳng; kiểu chữ không đúng quy cách; bố cục các dòng chữ, hình vẻ không cân đối; các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu khó thể hiện đầy đủ nên thường hay đọng mực, mờ nhòe…

Bên cạnh đó, khi tiếp nhận giấy tờ, CCV cũng nên sờ xem phần in nổi của giấy tờ; chao nghiêng trước ánh sáng để xem có nổi dấu chìm hay không; quan sát kỹ chữ ký xem có dấu vết của lực tỳ ấn mạnh khi ký hay không…Và vấn đề quan trọng khác, mỗi CCV cũng phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định để có cơ sở nhận biết: Thời điểm từ năm nào đến năm nào thì Giấy hồng, cấp theo NĐ 60, còn sau đó là giấy hồng mới; Thời điểm nào thì kèm theo chủ quyền không còn tờ khai lệ phí trước bạ; Thời điểm nào thì Giấy hồng do UBND cấp Tỉnh ký, và lúc nào thì được ủy quyền, phân cấp cho Sở TNMT hoặc UBND quận huyện ký; Trong Giấy hồng, nội dung nào quy định phải màu mực in, phần nào được viết bằng mực bút thường; Kiểu “ số đóng” kiểu “ số in”; Mã số của giấy chứng nhận cũng có kiểu số to-nhỏ khác nhau, đậm-nhạt khác nhau, tùy theo thời điểm; Hình con dấu, người có thẩm quyền ký ở từng giai đọan của một số cơ quan cấp giấy; Thời điểm số CMND được in màu đen, thời điểm số CMND được in màu đỏvv…

Việc giấy giả đã khó như vậy, còn loại giấy “nửa giả, nửa thật”( tức nội dung giả được in trên phôi thật) lại càng khó khăn hơn nhiều. Trong trường hợp “nửa giả, nửa thật” như trên, bọn lừa đảo thường dùng thủ đoạn: “ lấy sổ đỏ thật cho lên máy scan để lấy bản mẫu. Khi đã có phôi, chúng đưa lên máy tính, chèn các nội dung cần thiết rồi sao chép hình dấu và chữ ký nơi cấp sổ đỏ…với thủ thuật trên, việc phát hiện và phân biệt thật giả không dễ dàng”( ý kiến của Thượng tá, Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng phòng kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội, phát biểu trên báo CAND online).

2.2.Phải tăng cường “tìm hiểu” hỏi các bên tham gia giao dịch(“ kỹ năng  xét người”)

Thực tế đã chỉ ra rằng, nếu CCV “chịu khó” tìm hiểu, hỏi các bên tham gia giao dịch thì cũng góp phần đáng kể để phát hiện trong một số trường hợp giả mạo.

-Phòng công chứng số 3 TPHCM đã từng phát hiện bộ hồ sơ giả (chủ quyền, CMND, hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả) khi người dân đi theo cán bộ ngân hàng đến công chứng thế chấp căn nhà tọa lạc tại quận 3. Khi kiểm tra giấy tờ, CCV nghi ngờ hỏi giấy tờ này, giấy tờ kia có điểm này, điểm nọ khác lạ là sao? bọn lừa đảo lúng túng, ú ớ và đã “ nhanh chân bỏ chạy”.

- Phòng công chứng số 4 TP.HCM cũng phát hiện người giả, giấy tờ giả mang tên bà Đỗ Thị Gái, khi CCV tiếp nhận đã hỏi bà Gái về năm sinh của Chồng, các con bà Gái với Chồng, diện tích nhà đất chuyển nhượng, giá cả chuyển nhượng…nhưng bà Gái trả lời không chính xác hoặc trả lời không được.

- VPCC Hoàng Xuân cũng phát hiện trường hợp chủ quyền thật, giả CMND, Hộ khẩu, xác nhận tình trạng hôn nhân để bán nhà ở Đinh Bộ Lĩnh, P26, QBT . Khi tiếp nhận hồ sơ, CCV Hoàng Xuân Ngụ đã hỏi một số chi tiết, nhận thấy đương sự bồn chồn, lo lắng, không trả lời được, nên dọa chuyển Công an, nên họ đã khai thật: Con trai bà N đã làm giả giấy tờ, nhờ người đóng thế bà N để bán nhà của Mẹ mình.

Những trường hợp nêu trên, các Báo in, báo mạng của Thành phố và TW đã có đăng tải.

2.3.Cần trang bị “ công cụ hỗ trợ” cho CCV

-Thực tế đã có trường hợp, CCV dùng kính lúp(phóng đại từ 20 lần trở lên) nên đã phát hiện, nếu là mộc giả khi nhìn vào sẽ thấy chữ in trên mộc có những răng cưa còn thật thì không; hình quốc huy nếu giả thì rất nhạt còn thật thì trông rất nét. Tuy nhiên, cách phân biệt này, nhiều CCV cho rằng cũng mang tính tương đối. Vì trên thực tế có những loại giấy tờ làm giả rất cao siêu, tinh vi phải có những thiết bị máy móc của cơ quan chuyên ngành mới có thể phát hiện được.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình độ cao cho các tổ chức hành nghề công chứng, như sử dụng các máy quét dấu vân tay, máy soi, kính lúp, hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động công chứng như một số nơi đã áp dụng và cũng đã mang đến một số hiệu quả nhất định trong việc phòng ngừa.

2.4.Khuyên bên mua, bên nhận chuyển nhượng đến tận nơi xem kỹ tài sản

Trước khi ký công chứng, CCV nên hỏi bên mua đã đến tận nơi xem kỹ nhà đất mà mình định mua hay chưa? Vì chỉ có tới tận nơi mới thấy được tận mặt tài sản, xác minh được người giao dịch với mình có phải là chủ thật hay không?

CCV Nguyễn Văn Thắng, Hà Nội, trên báo An Ninh Thủ Đô, cũng cho rằng, với cách thức trên, đã giúp bên mua ngăn chặn được một số trường hợp, nhất là việc giả người( giả vợ hoặc chồng để bán tài sản chung).

CCV Phan Văn Cheo, trên Báo Pháp luật TP.HCM cũng từng tâm tư, băn khoăn “ không hiểu sao có người bỏ ra năm, ba tỷ đồng để mua một căn nhà mà lại dễ dãi một cách kỳ lạ. Mỗi khi công chứng hợp đồng, tôi đều hỏi họ đã đi xem kỹ nhà chưa, có cần đi xác minh không… nhiều người lắc đầu, bảo không cần”. Ông Cheo nói thêm, “có lẽ cái thật nhiều hơn cái giả, chẳng hạn 100 tờ giấy thật thì mới có đôi ba tờ giấy giả nên nhiều người chủ quan. Song cẩn trọng vẫn hơn vì biết đâu mình sẽ rơi vào trường hợp xui xẻo”.

2.5.Khuyên hoặc tự đi xác minh ở cơ quan cấp giấy, cơ quan đăng ký

Hiện nay, việc công chứng được thực hiện ở rất nhiều TCHNCC khác nhau( có khi ở trong Thành phố hoặc các Tỉnh khác, ví dụ ủy quyền), nhưng việc đăng ký, cấp giấy thì tập trung, ít đầu mối hơn. Do đó, khi công chứng, CCV nên khuyên, hỏi bên mua xác minh, tìm hiểu tại cơ quan đăng ký, cấp giấy về tình trạng pháp lý nhà đất chuyển nhượng như nhà đất hiện nay do ai là chủ, giấy tờ cấp năm nào, vị trí, diện tích ra sao, quy hoạch thế nào, có hạn chế gì không?

Phóng viên Ái Phương, trên Báo Pháp luật TPHCM cũng có lần nêu: “ Trong thực tế, có nhiều mảnh đất, căn nhà chưa có giấy chứng nhận nhưng chủ nhà “xoay” được một tờ giấy giả…Ngoài ra, cũng có trường hợp người chủ thật sự bị mất giấy chứng nhận và sau đó được cấp giấy chứng nhận mới. Không ngờ giấy chứng nhận cũ rơi vào tay kẻ gian, chúng dùng để rao bán, thế chấp. Nếu hỏi UBND quận nơi phát hành giấy sẽ tránh được những trường hợp trên”.

CCV trong một số trường hợp nghi ngờ, cũng có thể tiến hành xác minh( đã có nhiều trường hợp ở công chứng số 1, 2, 4, 5…xác minh “lòi” ra giấy tờ giả).

2.6.Xác minh ở cơ quan công chứng, nếu giao dịch được thực hiện thông qua ủy quyền

 CCV Nguyễn Minh Hải, VPCC Việt Tín( Hà Nội) đã bức xúc đến độ tự tử, khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện hàng trăm hồ sơ thế chấp, mua bán, chuyển dịch nhà đất trong đó có nhiều trường hợp thông qua ủy quyền giả( giả dấu của VPCC khác ở HN).

Ngoài việc làm giả toàn bộ hợp đồng ủy quyền, thì bọn lừa đảo cũng còn dùng thủ đoạn sử dụng ủy quyền thật nhưng chèn, sửa một số nội dung quan trọng (như định đoạt, thế chấp…) vào trong ủy quyền thật, nên thực tế đã có những trường hợp CCV ở HN, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương “ dính” dạng này.

Vì vậy, khi tiếp nhận các giao dịch thông qua ủy quyền thì CCV nên xác minh tại TCHNCC nơi đã công chứng ủy quyền để biết có ủy quyền hay không, trường hợp nếu có sửa chữa, thêm bớt thì có thể hiện trên hồ sơ lưu hay không?

2.7. Tra cứu thông tin giao dịch, ngăn chặn:

Tại TP.HCM việc tra cứu trên, gần như là thao tác bắt buộc trong tất cả các giao dịch liên quan đến bất động sản tọa lạc tại TP.HCM. Việc tra cứu lịch sử giao dịch, thực tế cũng đã góp phần cho CCV ngăn chặn một số trường hợp giả mạo trong hoạt động công chứng.

Tóm lại, tuy có nhiều cách thức, biện pháp để phát hiện, phòng ngừa việc giả mạo trong hoạt động công chứng, như nêu ở trên. Tuy nhiên, chắc chắn một điều, các “ chiêu, trò”, thủ đoạn của bọn lừa đảo còn đa dạng, phong phú, cao siêu hơn nhiều. Bởi vậy, chúng tôi rất đồng thuận với phát biểu mới đây(tháng 6/2015) của bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc STP TP.HCM: “ Hành vi sử dụng giấy tờ giả hoặc mạo danh chủ thể được thực hiện một cách rất tinh vi, việc phát hiện giấy tờ làm giả chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm cá nhân và…may mắn. Nếu CCV không có chuyên môn và không có phương tiện hỗ trợ thì rất khó phát hiện”. Hoặc như, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM đã có lần nêu trên Báo Người lao động “ Nếu như trước đây giấy tờ giả được in màu, kéo lụa theo phương pháp thủ công, chữ ký thường không đúng, con dấu thường nhòe, không sắc sảo…nên rất dễ nhận biết. Còn hiện nay, giấy hồng được làm với kỹ thuật cao, rất khó phát hiện….”; Trên Báo Việt Nam Net, có bài “ Ngân hàng đổi ngàn tỷ lấy đống giấy tờ giả” có đăng ý kiến đại diện Ngân hàng “ Hình thức lừa đảo chủ yếu của khách hàng cá nhân là làm giả các loại giấy tờ. Chương trình cho vay mua xe ô tô thì có trường hợp làm giả hợp đồng mua bán, thậm chí làm giả giấy hẹn của cảnh sát giao thông nếu mua xe mới, còn nếu mua xe cũ thì làm giả đăng ký. Cho vay mua nhà đất thì làm giả cả sổ hồng, làm khống hợp đồng mua bán công chứng rồi hẹn nhau đi hủy hợp đồng rút tiền ngân hàng…”; “ Nếu ngày xưa chủ yếu làm giả các loại giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập, ví dụ như hợp đồng lao động ký lương cao lên, hoặc các hợp đồng thuê nhà, cho thuê xe với giá cao hơn thực tế…với mục đích để chứng minh nguồn trả nợ cho phù hợp với quy định, thủ tục. Bây giờ xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp làm giả toàn bộ hồ sơ vay vốn, từ các giấy tờ tùy thân, hồ sơ tài sản bảo đảm, hồ sơ chứng minh mục đích….Hiện tượng làm giả bây giờ xuất hiện ở cả khách hàng DN và khách hàng cá nhân với thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện”.

 3. Nhận xét về thực trạng giả mạo và kiến nghị

Việc giả mạo trong hoạt động công chứng rất đáng lo ngại và đã gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội. Đã có những trường hợp một người dùng một hoặc nhiều tài sản( thật hoặc ảo) với giấy tờ giả, thủ đoạn khác nhau đã lừa được hàng chục lần, chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức và đã “qua mặt” được nhiều CCV của các tổ chức hành nghề công chứng khác nhau; Có trường hợp “ được thuê đóng thế vai” không chỉ một lần mà nhiều lần với giá từ 01 triệu, 03 triệu đến 05 triệu đồng; Có rất nhiều trường hợp CCV là nạn nhân không phải chỉ riêng các VPCC mà kể cả CCV của các Phòng công chứng nhà nước, địa bàn không chỉ tập trung ở các đô thị mà các tỉnh cũng đều có. Riêng TP.HCM, theo Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (trả lời trên Báo An Ninh Thế Giới, trong bài “ Công chứng HĐ chuyển nhượng BĐS: Đi công chứng như ….đi trên dây) cho biết mỗi năm Phòng tiếp nhận 700-800 vụ trưng cầu giám định, đã phát hiện rất nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, phổ biến nhất là chủ quyền nhà đất, CMND, giấy đăng ký xe…

Về thiệt hại vật chất, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng qua báo chí, có ngân hàng đã bị lừa cả ngàn tỷ đồng với “ đống giấy tờ giả”, có cá nhân đã bị chiếm đoạt hàng chục, hàng trăm tỷ đồng với hình thức giả mạo giấy tờ hoặc chủ thể “qua mặt” được công chứng.

Xã hội hóa công chứng chưa tới 10 năm, nhưng những CCV làm sai, theo báo chí, ngoài việc làm sai thủ tục, quy định thì đằng sau đó, tất cả đều có “ bóng dáng” của giấy tờ giả, chủ thể dỏm khi thực hiện công chứng.

Bên cạnh việc xử lý hình sự, thì về phần dân sự, hiện nay, riêng ở TP.HCM đang có hàng trăm vụ, việc đang được TAND các cấp đã, đang thụ lý, giải quyết, trong đó có rất nhiều vụ liên quan đến giả mạo, yêu cầu tuyên bố VBCC vô hiệu, và có nguy cơ khả năng tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường, nếu trong quá trình xét xử chứng minh được CCV có lỗi khi chứng nhận.

Với thực trạng trên, có thể nói, giả mạo trong hoạt động công chứng lộng hành đến mức báo động! Ngoài thiệt hại về vật chất, các hành vi giả mạo còn gây ra hậu quả bất ổn cho xã hội, mất lòng tin, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng và đã trở thành “ nỗi ám ánh” của đa phần các CCV. Việc “tiếp tay”  của CCV trong việc giả mạo, theo báo chí phản ánh, là có, nhưng chiếm số ít, còn việc giả mạo tinh vi, CCV không thể biết được, vô tình tiếp tay cho việc giả mạo chắc chắn chiếm phần lớn trong các vụ việc đã được phát hiện. Như vậy, việc làm như thế nào để hạn chế tình trạng giả mạo, và làm như thế nào để bảo đảm an toàn pháp lý cho các CCV chân chính đang hành nghề là ước vọng lớn nhất của giới công chứng cho đến nay.

Được biết, hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án liên thông giữa Công chứng  –Thuế - Đăng ký. Nếu Đề án này được thực hiện, chắc chắn sẽ góp phần hết sức quan trọng trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo, giả mạo.

Còn theo quy định pháp luật hiện hành: Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự đã có Tội “ Lừa đảo” “ Lạm dụng tín nhiệm” “ Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức”. Về trách nhiệm hành chính, Chính phủ đã có Nghị định 110/2013 năm 2013, Nghị định 67/2015 năm 2015 trong đó có một Mục riêng quy định về các hành vi và hình thức xử phạt trong hoạt động công chứng.

Tuy nhiên, việc xử phạt theo quy định của luật hình sự và hành chính hiện hành có vẻ còn “nương tay hoặc quá nhẹ” không đủ mức phòng ngừa, răn đe, trừng phạt; cách thức xử lý có khi“ mới hớt phần ngọn, chưa triệt tận gốc” nên tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng dù mới “manh nha” chưa tới 10 năm trở lại đây, nhưng càng ngày càng phát triển theo chiều hướng lây lan, bất lợi cho ngành công chứng nói riêng và bất ổn cho xã hội nói chung.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sữa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự. Do đó, nếu có thêm một tội “ Tội giả mạo trong giao dịch dân sự” để xử lý việc giả người, giả giấy tờ trong hoạt động công chứng, thì cũng sẽ góp phần rất lớn trong việc đấu tranh xử lý, răn đe, phòng ngừa tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng.

Bởi thực tế, vi phạm trong hoạt động công chứng, thời gian gần đây, tuy xảy ra khá phổ biến, nhưng việc xử lý hình sự đối với người yêu cầu công chứng vi phạm lại rất ít . Nguyên nhân, vì theo quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng thì chỉ khi nào có đầy đủ căn cứ như bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra mới xử lý được tội “ Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “ Lừa đảo chiếm đoạt” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Giả sử, nếu không đưa được tội danh mới như đề xuất nói trên, thì quan điểm về xử lý việc giả mạo, chiếm đọat trong lĩnh vực công chứng, cần thiết cũng nên có thay đổi. Bởi lẽ, theo quan điểm của chúng tôi, khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, đây là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù hành vi vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhưng đây là hành vi gian dối, lợi dụng sự tin tưởng của người dân vào tính chất pháp lý của hoạt động công chứng để chiếm đoạt tài sản và thông thường giá trị mong muốn chiếm đoạt là lớn. Việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời là nguyên nhân khách quan làm cho việc chiếm đoạt tài sản của đối tượng có hành vi giả mạo không thực hiện được. Ở đây, nên hiểu cấu thành vật chất đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS không phải là hành vi trái pháp luật này phải gây ra hậu quả trên thực tế mà cần thống nhất hiểu là giá trị vật chất cụ thể mà đối tượng hướng tới với mong muốn chiếm đoạt. Điều này không phải là vấn đề khó chứng minh thông qua nội dung hợp đồng, giá trị tài sản mà các bên đã thỏa thuận khi giao dịch.

Với phân tích ở trên, việc xử lý tội “ lừa đảo, chiếm đoạt” hay tội “Làm giả giấy tờ” không cứng nhắc một chiều là đã có hậu quả hay chưa, đã chiếm đoạt được hay không? mới có thể kết tội. Đây nên xem là tình tiết trong việc lượng hình, còn khi đã có hành vi giả mạo được phát hiện thì nên cân nhắc xem xét xử lý để truy tố hành vi vi phạm theo giai đoạn: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành, có lẽ hợp lý hơn.

Nguyễn Trí Hòa