Kiến nghị hoàn thiện quy định xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

 

Ngày 30/10/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (viết tắc Nghị định 147/2013/NĐ-CP), có hiệu lực từ ngày 15/12/2013, thay thế Nghị định số 60/2010/NĐ-CP ngày 03/6/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (viết tắc Nghị định 60/2010/NĐ-CP). Mà theo đó, một số hành vi vi phạm hành chính sẽ bị áp dụng mức phạt cao hơn so với quy định tại Nghị định 60/2010/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên máy bay khi không được phép sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với mức xử phạt theo Nghị định 60/2010/NĐ-CP mức phạt tối đa đến 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi nuôi, thả chim, gia súc, gia cầm, vật nuôi trong cảng hàng không, sân bay; Đổ vật liệu, phế thải, khoan, đào trái phép trong cảng hàng không, sân bay mức xử phạt cũng tăng lên. Ngoài ra, Nghị định còn quy định chi tiết các hành vi vi phạm, như: Mở cửa thoát hiểm máy bay trái quy định sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng, trộm cắp đồ vật trên máy bay (như áo phao) sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng; Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom mìn, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên máy bay bị phạt 20-30 triệu đồng. Đối với hành khách không tuân thủ theo hướng dẫn về trật tự, an ninh an toàn hàng không, phòng chống dịch bệnh sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Trường hợp hành vi vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền dưới 200.000 đồng thì có thể áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản bằng cách xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản. Đối với trường hợp hành vi vi phạm mà bị phạt tiền trên 200.000 đồng thì áp dụng thủ tục xử phạt theo trình tự lập biên bản vi phạm hành chính sau đó ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 21/11/2014 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Để triển khai thi hành sau khi Luật này có hiệu lực pháp luật, ngày 13/10/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không (gọi tắc Nghị định 92/2015/NĐ-CP), sẽ có hiệu lực từ ngày 27/11/2015, thay thế cho Nghị định 81/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về an ninh hàng không dân dụng, Nghị định 51/2012/NĐ-CP ngày 11/6/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2010/NĐ-CP về an ninh hàng không dân dụng. Mà theo đó, hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay; cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay sẽ bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn từ 3 đến 12 tháng. Trường hợp đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi nêu trên sẽ bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng. Ngoài ra, hình thức xử lý này cũng áp dụng đối với người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quy định tại các điểm đ, e, g và h khoản 2 Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014. Đặc biệt, cấm vận chuyển vĩnh viễn đối với đối tượng như:

i) Đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp bị cấm vận chuyển trên 12 đến 24 tháng;

ii) Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014;

iii) Người chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Ngoài ra, theo khoản 7 Điều 30 Nghị định 92/2015/ND-CP nhân viên an ninh được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thích hợp khi làm nhiệm vụ; chịu sự chỉ huy chung của người chỉ huy tàu bay. Khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp trên chuyến bay, nhân viên an ninh trên không hành động theo Quy tắc do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Đồng thời, ngay khi nhận được thông tin đe dọa liên quan đến an ninh, an toàn của tàu bay, chuyến bay, người khai thác tàu bay phải thông báo kịp thời cho lực lượng khẩn nguy sân bay tại cảng hàng không, sân bay liên quan và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho chuyến bay... Đây là những quy định bổ sung rất cần thiết, theo đó là một số quy định xử lý vi phạm “cứng rắn” hơn nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy trì và bảo đảm an ninh an toàn trong hoạt động hàng không dân dụng tại nước ta.

Tuy nhiên từ thực tiễn áp dụng và nghiên cứu quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong các Nghị định trên, nhất là Nghị định 147/2013/NĐ-CP, người viết thấy rằng, một số quy định tại Nghị định 147/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc khi áp dụng do quy định chưa sát với thực tiễn hoặc thiếu sự giải thích hướng dẫn từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy, rất cần sự sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể, nhằm áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được chính xác hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định 147/2013/NĐ-CP quy định: “Tước quyền sử dụng giấy phép nhân viên hàng không từ 4 tháng đến 24 tháng đối với nhân viên hàng không có hành vi sau đây: a) Sử dụng ma túy hoặc trong cơ thể có chất ma túy khi thực hiện nhiệm vụ; Đối với hành vi sử dụng chất ma túy của nhân viên hàng không và quy định về hình thức xử phạt như trên, tác giả không có ý kiến gì thêm. Tuy nhiên, với quy định “trong cơ thể có chất ma túy trong khi thực hiện nhiệm vụ” nếu bị phát hiện thì bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép nhân viên hàng không từ 4 tháng đến 24 tháng là không thỏa đáng vì không phù hợp với quy định khác có liên quan đến hành vi cất giấu ma túy trong cơ thể của đối tượng vi phạm. Theo Từ điển Tiếng Việt: Trong được hiểu tại những nơi, vị trí thuộc phạm vi được xác định nào đó; trái với ngoài. Ngồi trong nhà. Mời vào trong này nói chuyện (NXH Đà Nẵng, 1998, trang 1003). Theo mô tả của quy định này có thể hiểu, ngoài hành vi sử dụng chất ma túy như: Tiêm, hút, hích thì đối tượng vi phạm có thể có hành vi “cất giấu” chất ma túy trong cơ thể của mình bằng cách: nuốt vào dạ dày, nhét vào vùng “kín”, hậu môn,…trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng an ninh tại sân bay mà không cần biết mục đích của đối tượng thực hiện hành vi “cất giấu” để làm gì. Với hành vi này, đồng nghĩa với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, mà theo đó, pháp luật hiện hành quy định xử phạt rất nặng đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy nói chung, vận chuyển trái phép chất ma túy nói riêng. Ở nước ta, các chất ma túy thường gặp là: Thuốc phiện, heroin, morphine, cần sa, các dạng ma túy tổng hợp (sedusen, dolagang, methamphetamine,…). BLHS hiện hành có quy định một số tội phạm về ma túy, cụ thể: Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; Điều 195. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Riêng Điều 194 BLHS không quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy với số lượng bao nhiêu thì cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 (viết tắt Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT). Mà theo đó, có quy định người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với số lượng sau đây không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy khác thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS, không truy cứu TNHS nhưng phải xử lý hành chính:

-Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;

-Heroin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;

-Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây coca có trọng lượng dưới một kilogram;

-Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilogram;

-Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilogram;

-Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;

-Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ mười mililit trở xuống.

Nhưng để xác định chất mà cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ có phải là chất ma túy không, thì đòi hỏi phải được trưng cầu giám định. Chính vì vậy, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT quy định:“Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định hàm lượng”. Vậy, khi áp dụng quy định tại điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định 147/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm có phải trưng cầu giám định chất được “cất giấu” trong cơ thể của nhân viên hàng không khi bị phát hiện thu giữ được có phải là ma túy không? Nếu phải tiến hành giám định thì chi phí phát sinh ai là người phải chi trả? Hay chỉ dựa vào cảm quan bằng mắt thường mà kết luận? Theo quan điểm của người viết, trong mọi trường hợp dù chỉ là xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử phạt đều phải căn cứ vào cơ sở pháp lý thật vững chắc, điều đó có nghĩa là phải trưng cầu giám định khi phát hiện và thu giữ chất bột màu trắng nghi là ma túy có trọng lượng dưới không phẩy một gam, vì có thể chất đó có chứa một hàm lượng nhất định là chất ma túy, nhưng cũng có thể hoàn toàn là bột mì. Mặt khác, ngày 25/11/2014, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế có Công văn số 20542/QLD-KD nói rõ: Chất ma túy cần được xác định và phân loại khác nhau vì trong Danh mục các chất ma túy do Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế cũng như danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 bao gồm nhiều loại chất ma túy khác nhau, mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mục đích sử dụng khác nhau, từ đó có các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp cũng như xử lý theo các mức độ khác nhau, ví dụ: Điều 194 BLHS quy định tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong một khung hình phạt: Heroin hoặc Cocain có trọng lượng từ 5gam đến dưới 30gam nhưng các chất ma túy khác ở thể rắn khác có trọng lượng từ 20mg đến dưới 100mg…Vì hàm lượng của một chất là lượng của một chất chứa trong một hỗn hợp hoặc trong một chất nào đó. Ví dụ: Trọng lượng vàng có chứa trong khối mỏ quặng sẽ khác với trọng lượng toàn bộ khối mỏ quặng đó. Các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần dùng để chữa bệnh cũng vậy. Hàm lượng của chất gây nghiện có trong thuốc khác với trọng lượng của viên thuốc. Như vậy, việc xác định loại ma túy, hàm lượng và trọng lượng của từng chất ma túy là cần thiết vì như vậy cho phép xác định chính xác số lượng chất gây nghiện, chất hướng tâm thần chứa trong đó. Nghĩa là, không thể xử phạt đối tượng vi phạm mà “trong cơ thể có chất ma túy khi thực hiện nhiệm vụ” quy định tại điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định 147/2013/NĐ-CP theo kiểu “vận chuyển” gói 1kg nghi chất ma túy nhưng thực tế qua giám định chỉ có chứa 01% chất gây nghiện (tương đương 10mg chất gây nghiện) giống như gói 1kg (1.000 gam) chất gây nghiện hàm lượng 100% chất gây nghiện. Đây là một bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp hơn.

Một bất cập khác, theo quy định về hình phạt bổ sung tại khoản 8 Điều 15 Nghị định 147/2013/NĐ-CP, hoàn toàn không đề cập đến biện pháp tịch thu tang vật vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối với trường hợp nhân viên hàng không khi thực hiện nhiệm vụ đã có hành vi “cất giấu” ma túy trong cơ thể của mình, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tang vật vi phạm bị thu giữ theo quy định của pháp luật phải bị tịch thu. Rõ ràng, đây cũng là kẻ hở của pháp luật cần được khắc phục.

Thứ hai,  tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP có quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân có hành vi mang chất lỏng vào khu cách ly, lên tàu bay không đúng quy định.” Người viết thấy rằng việc xây dựng quy phạm này là chưa chặt chẽ, không phù hợp với thực tế. Cụ thể, để vào được bên trong khu cách ly của cảng hàng không, buộc mọi hành khách phải đi qua cửa kiểm soát an ninh. Tại đây, không chỉ là chất lỏng mà cả những vật có thể gây nguy hiểm hoặc đe dọa sự an toàn của chuyến bay, như các vật nhọn bằng kim loại, …nếu hành khách không gửi hành lý mà mang theo người hoặc để trong hành lý xách tay, qua máy soi chiếu mà phát hiện đều được nhân viên kiểm soát an ninh yêu cầu bỏ vào nơi quy định, để lực lượng chức năng tiến hành xử lý. Điều này bảo đảm rằng 100% trường hợp hành khách khi vào được bên trong khu cách ly của cảng hàng không đều không thể mang theo chất lỏng. Tuy nhiên tại khu vực cách ly, hành khách có thể mua được với số lượng tùy thích những chai nước lọc tinh khiết, nước uống có gas,… hoặc sữa tươi tiệt trùng được đóng trong hộp giấy, hành khách có thể dùng tại chỗ hoặc có thể mang lên tàu bay. Vậy với hành vi của hành khách tại khu vực cách ly mà mang theo chất lỏng khi lên tàu bay có bị coi là vi phạm quy định cấm không? – Đây là một thực tế. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP lại quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mang chất lỏng lên tàu bay không đúng quy định. Quy định này vừa khó hiểu vừa thiếu thực tế đối với hành khách đi trên tàu bay, với quy định như vậy có thể hiểu ngược lại theo hướng hành khách được mang lên tàu bay chất lỏng mà pháp luật cho phép. Nhưng chất lỏng nào hành khách được phép mang lên tàu bay? Hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành quy định cụ thể. Trong khi thực tiễn đang diễn ra tại các cảng hàng không cho thấy, hành khách không được mang theo bất kỳ chất lỏng nào khi qua cửa kiểm soát an ninh tại sân bay nhằm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và cơ sở vật chất của cảng cũng như tàu bay (đây là quy định cấm), chính vì vậy lực lượng an ninh tại đây kiểm tra, kiểm soát rất kỹ lưỡng, nhưng lại được mang theo chất lỏng mà hành khách có được tại khu cách ly của nhà ga khi lên tàu bay, mà không bị nhắc nhở hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính! Có ý kiến cho rằng, mọi trường hợp hành khách tự ý mang theo chất lỏng lên tàu bay là vi phạm vào quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP và phải bị xử phạt theo quy định. Ý kiến khác cho rằng, tại khu vực cách ly khi lên tàu bay hành khách có thể mang theo chất lỏng, nếu như chất lỏng đó không là nguồn có thể đe dọa an toàn, an ninh tàu bay. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, hành khách được mang lên tàu bay mọi thứ chất lỏng mà tại khu vực cách ly được phép trưng bày bán cho hành khách. Xuất phát từ thực tế, theo quan điểm của người viết, chỉ cần quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của cá nhân mang chất lỏng vào khu vực cách ly trái với quy định là đủ và chính xác. Do vậy, đề nghị khoản 1 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP được viết lại theo hướng: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân có hành vi mang chất lỏng vào khu cách ly trái phép.

Thứ ba, tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP quy định: “Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay”. Theo Từ điển Tiếng Việt: Trật tự (d) Sự sắp xếp theo một thứ tự, một quy tắc nhất định; Tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỉ luật. Kỉ luật (d) Tổng thể nói chung những điều quy định có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức, để bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức; Kỉ luật nhà trường (NXB Đà Nẵng, 1998, trang 995- 500). Trong khi đó, tên của quy phạm quy định tại Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP là Vi phạm quy định về an ninh hàng không đối với cảng hàng không, sân bay, chuyến bay, quản lý hoạt động bay, nghĩa là gồm những hành vi của con người mà hành vi đó có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng không của cảng hàng không, sân bay, chuyến bay, quản lý hoạt động bay được quy định cụ thể tại Điều này, hay nói khác đi mọi vi phạm trật tự, kỉ luật trong tàu bay được điều chỉnh trong quy định này phải liên quan an ninh hàng không. Như vậy, sẽ có nhiều hành vi khác có thể sẽ làm mất trật tự, kỷ luật trong tàu bay nhưng tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến an ninh hàng không thì cũng không thể áp dụng quy định này để xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: Tiếng nôn, ọe của người say độ cao, tiếng khóc thét của trẻ em khi tàu bay cất, hạ cánh; tiếng cười thỏa thích của nhiều người khi xem đoạn phim hài Saclo phát trên màn hình phía trước mặt mình ;…Tuy hành khách có làm ồn, gây mất trật tự trên chuyến bay nhưng hoàn toàn vô hại vì không ảnh hưởng đến an ninh hàng không, do vậy, không thể áp dụng quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP để xử phạt. Tuy nhiên, những vi phạm cụ thể nào là vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay có ảnh hưởng đến sự an toàn an ninh hàng không? Có ý kiến cho rằng, hành vi bị coi làm mất trật tự, kỉ luật trong tàu bay không chỉ được quy định giới hạn tại các khoản, điểm của Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP, mà người có thẩm quyền trên tàu bay có quyền được coi bất kỳ một hành vi nào đó là vi phạm trật tự, kỉ luật và tiến hành lập biên bản vi phạm. Ý kiến này nghe chừng không hợp lý, nhưng sẽ là “có lý” vì thực tế nhiều hãng hàng không ở nước ta, như Việt Nam Airline, Vietjet Air,…vẫn chưa có ban hành bản quy định chính thức về “Trật tự, kỉ luật trên tàu bay”, mà thường trước khi tàu bay lăn bánh, tất cả các hành khách đi trên chuyến bay đó được các Tiếp viên giới thiệu và minh họa bằng động tác như: Đây là chuyến bay không hút thuốc; cách thắt và mở dây an toàn; không sử dụng máy nhắn tin, điện thoại di động trong suốt chuyến bay; việc hạn chế đi lại; không tự ý mở cửa thoát hiểm, làm phồng áo phao,… và mặc định đó là trật tự, kỉ luật trong tàu bay và vì lý do an ninh hàng không nếu ai có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định. Nghĩa là quy định về trật tự, kỉ luật trong tàu bay chưa được hành khách tiếp nhận thông tin đầy đủ, mà chỉ mang tính chất “đại diện” như tiếp viên của hãng hàng không trên chuyến bay đó đã giới thiệu, mà không cụ thể, rõ ràng như quy định hành vi vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, chở quá số lượng người quy định trên xe mô tô,… như Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Để quyền của công dân được tôn trọng, quyền và lợi ích hợp pháp của hành khách đi trên tàu bay được bảo vệ, thiết nghĩ họ phải được biết khi di chuyển bằng máy bay, theo quy định của pháp luật Việt Nam họ sẽ không được làm những gì khi đang trong tàu bay, vì những việc làm đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng không. Để thuận lợi hơn cho cả hành khách là người Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia giao thông bằng đường không, đồng thời có căn cứ thuyết phục khi áp dụng điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành thống nhất bản quy định về trật tự, kỉ luật trong tàu bay.

Trên đây là một số vấn đề qua nghiên cứu quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng. Từ đó, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những kiến nghị sửa đổi nhằm hoàn thiện hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức, áp dụng trong thực tế. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

Th.S Lê Văn Sua