Khi giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc định tội danh, quyết định hình phạt (gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung), một trong những vấn đề cũng vô cùng quan trọng đó là việc xem xét, giải quyết về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng. Do quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự về các vấn đề này chưa đầy đủ và một số quy định về biện pháp tư pháp liên quan đến trách nhiệm bồi thường có sự tương đồng với quy định về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và việc áp dụng biện pháp tư pháp về xử lý tài sản trong vụ án hình sự còn có nhiều điểm tương đồng với quy định về xử lý vật chứng nên chưa có áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Để có cách hiểu thống nhất về việc áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, bài viết này sẽ lần lượt tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng; nêu lên một vài vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
1. Quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp tư pháp, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và xử lý vật chứng
Hiện nay, biện pháp tư pháp về xử lý tài sản, bồi thường thiệt hại được quy định tại các Điều 41, 42 Bộ luật Hình sự (sau đây được viết tắt là BLHS); xử lý vật chứng được quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (sau đây được viết tắt là BLTTHS) và vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 28 BLTTHS (chỉ mang tính nguyên tắc), Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự (sau đây được viết tắt là Công văn số 121/2003). Trong đó, một vài quy định về biện pháp tư pháp liên quan đến trách nhiệm bồi thường có sự tương đồng với quy định về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và việc áp dụng biện pháp tư pháp về xử lý tài sản trong vụ án hình sự còn có nhiều điểm tương đồng với quy định về xử lý vật chứng. Sự tương đồng này được thể hiện qua 02 bảng so sánh sau:
Bảng so sánh về tài sản được áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm theo Điều 41 BLHS với tài sản được xử lý bằng xử lý vật chứng theo khoản 2 Điều 76 BLTTHS
Điều 41 Bộ luật Hình sự |
Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự |
- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội; - Vật chứng là vật cấm lưu hành |
- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; - Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành |
- Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt; - Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội - Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước; |
- Vật, tiền của người khác bị bị người phạm tội chiếm đoạt; - Vật, tiền của người khác bị người phạm tội sử dụng trái phép;
- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; |
- Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; - Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ. |
|
Qua bảng so sánh bên trên, ta thấy có nhiều điểm tương đồng giữa tài sản được xử lý bằng biện pháp xử lý vật chứng với tài sản được xử lý bằng biện pháp tư pháp. Đó là việc xem xét xử lý (1) công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội (của người phạm tội); (2) vật cấm lưu hành; (3) tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt; (4) tài sản do phạm tội mà có.
Bên cạnh đó, đối với một vài loại tài sản, mặc dù Điều 41 BLHS và khoản 2 Điều 76 BLTTHS sử dụng thuật ngữ khác nhau nhưng theo chúng tôi, chúng chỉ cùng đối tượng. Đó là việc xử lý vật chứng là vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội với việc áp dụng biện pháp tư pháp đối với vật, tiền bị người phạm tội sử dụng trái phép.
Tuy nhiên, đối với việc bán hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản theo quy định của pháp luật; việc tịch thu và tiêu huỷ vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 76 để xử lý. Đối với vật hoặc tiền do mua bán, đổi chác những tài sản do phạm tội mà có thì chì được áp dụng Điều 41 BLHS để xử lý.
Bảng so sánh quy định về áp dụng biện pháp tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi tại Điều 42 BLHS với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo Điều 28 BLTTHS và Công văn số 121/2003
Điều 42 Bộ luật Hình sự |
Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự Công văn số 121/2003 |
- Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; |
- Đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt;
|
- Người phạm tội phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra (tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín). - Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. |
- Đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; - Buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; Đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; - Đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. |
Qua bảng so sánh bên trên, ta thấy, mặc dù có cách quy định khác nhau nhưng giữa việc áp dụng biện pháp tư pháp với việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại có nhiều điểm tương đồng như: (1) trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; (2) sửa chữa lại tài sản bị hư hỏng; (3) bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gây ra (như: bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng); (4) bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm do hành vi phạm tội gây ra. Tuy nhiên, quy định về biện pháp tư pháp tại điều 42 BLHS là chưa bao hàm các trường hợp liên quan đến sửa chữa, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự và dùng các thuật ngữ gây khó khăn cho việc áp dụng như: hiểu thế nào là “sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất”; thế nào là “gây thiệt hại về tinh thần” và vì sao “Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án lại buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất”. Chúng tôi cho rằng, biện pháp tư pháp về sửa chữa, bồi thường thiệt hại tại Điều 42 BLHS tương đồng với các trường hợp giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà Công văn số 121/2003 đã liệt kê. Cho nên, để có sự hiểu, áp dụng thống nhất cần sửa đổi, bổ sung Điều 42 BLHS về sửa chữa, bồi thường thiệt hại tương đồng với liệt kê về các vấn đề được xem là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Nhìn chung, quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng liên quan các vấn đề cần phải xử lý trong vụ án hình sự bên cạnh việc định tội danh, quyết định hình phạt. Tuy nhiên, do có sự tương đồng giữa xử lý vật chứng với biện pháp tư pháp, giữa biện pháp tư pháp với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà việc áp dụng trong thưc tiễn thiếu thống nhất. Đó là, khi xử lý tài sản, buộc bồi thường liên quan đến 02 chế định khác nhau thì có được áp dụng cả 02 chế định để giải quyết? Việc áp dụng chế định này có loại trừ việc áp dụng chế định khác? Có sự ưu tiên đối với chế định nào trước? Thẩm quyền áp dụng từng chế định, điều kiện để áp dụng? Căn cứ để áp dụng từng chế định. Để giải quyết các vấn đề này cần phải có cách hiểu thống nhất về từng chế định.
2. Một số vấn đề lý luận về biện pháp tư pháp liên quan đến xử lý tài sản, bồi thường, xử lý vật chứng và vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
2.1. Về xử lý vật chứng:
Pháp luật tố tụng hình sự không quy định thế nào là xử lý vật chứng. Tuy nhiên, theo Từ điển tiếng Việt, xử lý là “áp dụng vào cái gì đó những thao tác nhất định để nghiên cứu, sử dụng”[1]. Trong tố tụng hình sự, vật chứng là những vật gắn liền với tội phạm, cho nên trong quá trình giải quyết vụ án, bên cạnh việc xử lý tội phạm, cơ quan, người tiến hành tố tụng còn phải xử lý cả những vật, tài sản mà liên quan đến vụ án đã xảy ra nhằm xóa bỏ điều kiện hỗ trợ cho hành vi phạm tội, khôi phục quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp không có lỗi, … Cho nên, xử lý vật chứng được hiểu “là việc cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng các hình thức xử lý phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại vật chứng nhằm xóa bỏ hay khôi phục quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với vật chứng của vụ án”.[2]
Dựa vào các quy định của BLTTHS về vật chứng, thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng và thực tiễn áp dụng việc xử lý vật chứng trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, việc xử lý vật chứng có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, tài sản bị xử lý phải được thu thập, bảo quản theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Điều này có nghĩa, những tài sản có liên quan đến vụ án hình sự, tội phạm được thực hiện mà không được thu thập, không thể thu thập thì không áp dụng quy định về xử lý vật chứng để xử lý tài sản đó.
Thứ hai, việc xử lý vật chứng chỉ do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trong các giai đoạn tố tụng, cơ quan, tổ chức khác không được áp dụng quy định xử lý vật chứng để xử lý tài sản được xác định là vật chứng của vụ án. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, một số tài sản có liên quan đến vụ án không được Cơ quan điều tra thu thập mà được Công an cấp xã, cán bộ trinh sát trong các cơ quan chuyên môn của lực lượng vũ trang thu thập. Tuy nhiên, do thấy rằng, các tình tiết của vụ án đã rõ nên các cơ quan này đã trả lại tài sản cho người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Việc trả lại tài sản này không đúng quy định pháp luật và không được xem là xử lý vật chứng. Trong trường hợp này, Công an cấp xã, các cơ quan chuyên môn của lực lượng vũ trang phải tiến hành giao tài sản có liên quan cho Cơ quan điều tra theo quy định của BLTTHS để kiểm tra, đánh giá, sử dụng rồi mới xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Thứ ba, về thời điểm, hình thức xử lý vật chứng, vật chứng không những được xử lý khi vụ án đang trong quá trình giải quyết (đang thực hiện các hoạt động trong các giai đoạn tố tụng có thể là điều tra, truy tố hay xét xử) mà còn được xử lý khi vụ án kết thúc (có thể là vụ án bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử hoặc vụ án được xét xử xong và bản án có hiệu lực pháp luật). Khi vụ án bị đình chỉ (trong giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử), cơ quan, người tiến hành tố tụng phải ra quyết định khi xử lý vật chứng và khi thi hành quyết định này phải lập văn bản thể hiện và được đưa vào hồ sơ vụ án. Đối với trường hợp vật chứng được xử lý khi vụ án đang được tiến hành, BLTTHS không quy định hình thức xử lý cũng như có lập văn bản khi thi hành án hay không. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án, cơ quan, người tiến hành tố tụng thường ra quyết định giao trả lại vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; đồng thời, biên bản giao trả vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án. Đối với trường hợp vật chứng được xử lý khi vụ án được xét xử thì việc xử lý vật chứng sẽ là nội dung không thể thiếu trong phần quyết định của bản án hình sự. Việc thi hành quyết định xử lý vật chứng sẽ do cơ quan thi hành án thực hiện khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Thứ tư, xử lý vật chứng là hoạt động tố tụng được quy định trong BLTTHS và văn bản hướng dẫn nên chúng có giá trị bắt buộc áp dụng đối với cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì chúng sẽ bị cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn sau xem xét có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không. Cho nên, khi tài sản được xác định là vật chứng của vụ án thì chúng phải được cơ quan tiến hành tố tụng xử lý trong các giai đoạn tố tụng. Đây là quy định bắt buộc. Cơ quan tiến hành tố tụng không thể cho rằng đã áp dụng biện pháp tư pháp để không áp dụng biện pháp xử lý vật chứng.
Thứ năm, về biện pháp xử lý, theo khoản 2 Điều 76 BLTTHS, việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng tùy theo đặc điểm của từng loại vật chứng cần xử lý. Theo đó, vật chứng được xử lý bằng các biện pháp sau: tịch thu tiêu hủy, tịch thu sung quỹ nhà nước, trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng hoặc bán theo quy định pháp luật. Vật chứng được xử lý bằng hình thức tịch thu tiêu hủy khi chúng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành, vật không có giá trị hoặc không sử dụng được; vật chứng được xử lý bằng hình thức tịch thu sung công quỹ nếu chúng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội mà không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành nếu còn giá trị sử dụng; vật chứng được xử lý bằng hình thức trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội mà xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp vật chứng đó; vật chứng được xử lý bằng hình thức bán theo quy định pháp luật nếu chúng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản.
Thứ sáu, do việc xử lý vật chứng có vai trò nhằm xóa bỏ hay khôi phục quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với vật chứng của vụ án cũng như khắc phục, xóa bỏ điều kiện phạm tội nên việc xử lý vật chứng do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá, không phụ thuộc vào việc người có quyền lợi liên quan đến vật chứng cần xử lý có yêu cầu hay không.
2.2. Về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự:
Khi tội phạm xảy ra, trong những trường hợp nhất định, khi xâm hại đến những quan hệ xã hội do pháp luật hình sự bảo vệ cũng là lúc hành vi phạm tội gây thiệt hại cho các quan hệ dân sự. Vì vậy, khi tội phạm xảy ra, có hai loại trách nhiệm được đặt ra khi giải quyết vụ án hình sự là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Theo Điều 28 BLTTHS, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hiện nay, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết dựa vào hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn 121/2003. Theo đó, phần dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: (1) đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; (2) đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; (3) buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; (4) đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; (5) đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Xuất phát từ bản chất là vấn đề dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự nên vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, cũng như vụ án dân sự, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng chịu sự điều chỉnh của nguyên tắc quyền tự định đoạt trong quan hệ dân sự nên việc giải quyết vụ án dân sự trong vụ án hình sự phải có yêu cầu của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, người bị thiệt hại.
Thứ hai, mặc dù là vấn đề dân sự nhưng do được giải quyết trong cùng vụ án hình sự nên trình tự, thủ tục tiến hành để giải quyết vấn đề dân sự phải áp dụng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật tố tụng dân sự không trái quy định của pháp luật tố tụng hình sự cũng được áp dụng để giải quyết.
Thứ ba, theo quy định hiện hành, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Cho nên, cũng như trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự bằng pháp luật tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng thuộc về Tòa án. Các cơ quan tiến hành tố tụng khác (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) có thể tiến hành các hoạt động tố tụng để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhưng các cơ quan này không có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết. Trong các giai đoạn điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể tổ chức để các bên có liên quan thương lượng việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhưng việc quyết định do các bên có liên quan trực tiếp quyết định xuất phát từ quyền tự định đoạt của họ. Sự thương lượng giải quyết này không mang tính quyết định mà họ có thể thay đổi ý kiến để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thứ tư, về áp dụng pháp luật nội dung giải quyết, do BLTTHS và Công văn số 121/2003 chỉ quy định mang tính nguyên tắc, khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án vẫn phải áp dụng các quy định của pháp luật dân sự có liên quan. Đó là quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường ngoài hợp đồng, giao dich dân sự vô hiệu; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thứ năm, không như xử lý vật chứng, áp dụng biện pháp tư pháp[3], khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, Tòa án phải buộc người chịu trách nhiệm dân sự phải chịu án phí dân sự theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
2.3. Về biện pháp tư pháp:
Biện pháp tư pháp được hiểu “là biện pháp hình sự được BLHS quy định, do các cơ quan tư pháp áp dụng đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có tác dụng hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt”[4]. Các biện pháp tư pháp đươc quy định tại các Điều 41, 42, 43 BLHS gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; Bắt buộc chữa bệnh và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên được quy định tại Điều 70 BLHS gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng.
Trong đó, các biện pháp tư pháp liên quan đến bồi thường, tài sản được quy định tại Điều 41, Điều 42 BLHS có giá trị hỗ trợ cho hình phạt. Theo Từ điển tiếng Việt, hỗ trợ được hiểu “giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào”[5]. Cho nên, biện pháp tư pháp có vai trò góp phần nâng cao hiệu quả của việc xử lý tội phạm.
Dựa vào quy định của pháp luật hình sự, thực tiễn áp dụng, biện pháp tư pháp liên quan đến xử lý tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, không như hình phạt (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), do chỉ hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt nên việc áp dụng biện pháp tư pháp khi giải quyết các vụ án hình sự không bắt buộc điều luật quy định từng tội phạm cụ thể có quy định từng biện pháp tư pháp thì mới được áp dụng.
Thứ hai, do được BLHS (luật nội dung) quy định và có ý nghĩa thay thế hoặc hỗ trợ hình phạt, ngoại trừ biện pháp bắt buộc chữa bệnh[6], các biện pháp tư pháp đều gắn liền với việc quyết định hình phạt. Đồng thời, theo Điều 45 BLHS, việc quyết định hình phạt do Tòa án tiến hành. Cho nên, về nguyên tắc, các biện pháp tư pháp phải do Tòa án thực hiện. Điều này, có nghĩa, nếu vụ án hình sự kết thúc ở giai đoạn điều tra, truy tố hoặc bị đình chỉ giải quyết ở giai đoạn xét xử thì biện pháp tư pháp không đặt ra để xử lý tài sản liên quan đến vụ án, buộc bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, xuất phát từ ý nghĩa của biện pháp tư pháp là hỗ trợ, thay thế hình phạt nên việc áp dụng biện pháp tư pháp do Tòa án tiến hành không phụ thuộc vào việc người có quyền lợi liên quan đến biện pháp tư pháp cần áp dụng có yêu cầu hay không mà việc áp dụng biện pháp tư pháp phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại tài sản có liên quan đến vụ án cũng như thiệt hại cần phải bồi thường trong vụ án.
Như vậy, mặc dù, giữa biện pháp tư pháp với xử lý vật chứng liên quan đến tài sản cần xử lý và giữa biện pháp tư pháp về trả lại tài sản, bồi thường với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có nhiều điểm tương đồng nhưng mỗi chế định có những đặc điểm riêng nên việc áp dụng chúng khi giải quyết vụ án hình sự cũng có nhiều điểm khác nhau. Sự khác nhau này được thể hiện qua các bảng so sánh sau:
Bảng so sánh giữa xử lý vật chứng với áp dụng biện pháp tư pháp liên quan đến xử lý tài sản:
Nội dung so sánh |
Biện pháp tư pháp |
Xử lý vật chứng |
Bản chất pháp lý |
- Hỗ trợ hình phạt; - Không những loại bỏ điều kiện vật chất của tội phạm mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, ổn định và đảm bảo trật tự xã hội.[7] |
Xóa bỏ hay khôi phục quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với vật chứng của vụ án; hạn chế, xóa bỏ điều kiện dẫn đến tội phạm xảy ra |
Thẩm quyền áp dụng |
Tòa án (Hội đồng xét xử) |
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (Chánh án hoặc Hội đồng xét xử) |
Giai đoạn tố tụng áp dụng |
Xét xử (tại phiên tòa) |
Điều tra, truy tố, xét xử |
Căn cứ pháp lý và biện pháp áp dụng |
Điều 41 BLHS |
Khoản 2 Điều 76 BLTTHS |
Thứ tự ưu tiên |
Có thể áp dụng hoặc không |
Bắt buộc áp dụng |
Điều kiện áp dụng |
Tài sản bị xử lý có thể thu thập được hoặc không thu thập được |
Tài sản bị xử lý phải được thu thập, bảo quản theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định |
Hình thức áp dụng |
Bản án của Tòa án tuyên người phạm tội có tội và áp dụng hình phạt |
Bản án của Tòa án (có thể tuyên người phạm tội có tội hoặc không); Quyết định xử lý vật chứng, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. |
Hậu quả pháp lý |
Không chịu án phí dân sự (do vấn đề này gắn liền với việc xử lý trách nhiệm hình sự) |
Không chịu án phí dân sự (do vấn đề này gắn liền với việc xử lý trách nhiệm hình sự) |
Qua bảng so sánh trên, chúng ta thấy, bản chất, điều kiện áp dụng, hình thức áp dụng… giữa biện pháp tư pháp với xử lý vật chứng liên quan đến tài sản cần xử lý là khác nhau. Trong đó, với vai trò là biện pháp hỗ trợ hình phạt, việc xem xét áp dụng biện pháp tư pháp tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng và đối tượng bị xử lý có thể được xác định là vật chứng của vụ án cũng có thể không phải là vật chứng của vụ án. Trong khi đó, điều tiên quyết khi áp dụng các quy định về xử lý vật chứng thì tài sản bị xử lý phải là vật chứng của vụ án. Cho nên khi đã xác định một vật là vật chứng thì bắt buộc phải áp dụng các quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS để xử lý. Việc cơ quan tiến hành tố tụng có áp dụng thêm quy định tại Điều 41 BLHS hay không tùy theo đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này cũng phù hợp với một vài hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử các vụ án hình sự có vật chứng[8]. Theo đó, khi có vật chứng được thu thập thì bản án phải thể hiện việc xử lý. Do đó, không thể chấp nhận ý kiến cho rằng, Hội đồng xét xử không được áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS để trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp mà phải áp dụng Điều 41 BLHS để xử lý[9].
Bảng so sánh giữa vấn đề dân sự trong vụ án hình sự với áp dụng biện pháp tư pháp liên quan đến trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại:
Nội dung so sánh |
Biện pháp tư pháp |
Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự |
Bản chất pháp lý |
- Hỗ trợ hình phạt; - Nhằm khôi phục lại tình trạng sở hữu như trước khi tội phạm xảy ra;[10] |
Khắc phục kịp thời thiệt hại, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra trên cơ sở yêu cầu của người bị thiệt hại |
Thẩm quyền áp dụng |
Tòa án (Hội đồng xét xử) |
Tòa án (Hội đồng xét xử) |
Giai đoạn tố tụng áp dụng |
Xét xử |
Xét xử |
Căn cứ pháp lý |
- Điều 42 BLHS; - Pháp luật tố tụng hình sự. |
- Điều 28 BLTTHS; - Quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu; - Pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tố tụng dân sự; |
Thứ tự ưu tiên |
Có thể áp dụng hoặc không |
Phải giải quyết trừ trường hợp phải tách để giải quyết bằng vụ án dân sự. |
Điều kiện áp dụng |
Có thể thu thập được hoặc không thu thập được |
Phải có yêu cầu của người bị thiệt hại; |
Hình thức |
Bản án của Tòa án tuyên người phạm tội có tội và áp dụng hình phạt |
Bản án của Tòa án (có thể tuyên người phạm tội có tội hay không) |
Hậu quả pháp lý |
Không chịu án phí dân sự (do vấn đề này gắn liền với việc xử lý trách nhiệm hình sự) |
Phải chịu án phí dân sự |
Qua bảng so sánh trên chúng ta thấy rằng, bản chất của biện pháp tư pháp về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại với vụ án dân sự trong vụ án hình sự là khác nhau. Điều này quyết định nhiều vấn đề có liên quan. Đó là, việc áp dụng biện pháp tư pháp do Tòa án quyết định khi tuyên hình phạt đối với người phạm tội; còn việc áp dụng vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải trên cơ sở yêu cầu của người bị thiệt hại. Đồng thời, khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, người phải chịu trách nhiệm dân sự còn phải chịu án phí dân sự.
3. Thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp về xử lý tài sản, hoàn trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và xử lý vật chứng:
Nhìn chung, việc áp dụng biện pháp tư pháp, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, xử lý vật chứng khi giải quyết vụ án hình sự trong thời gian qua đúng quy định, phát huy ý nghĩa, vai trò của từng chế định; góp phần hỗ trợ hình phạt, xử lý nghiêm hành vi phạm tội; hạn chế, khắc phục tội phạm tiếp tục xảy ra; khắc phục kịp thời hậu quả do tội phạm gây ra; đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, do chưa nắm bắt được bản chất của từng chế định và quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự về việc áp dụng từng chế định chưa đẩy đủ, nên dẫn đến nhiều sai sót, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng.
Thứ nhất, chưa có sự áp dụng thống nhất giữa việc áp dụng biện pháp tư pháp với xử lý vật chứng, vấn đề dân sự trong vụ án dân sự liên quan đến xử lý tài sản, trách nhiệm bồi thường trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự
Hiện nay, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa và nội dung bản án của Tòa án chưa có sự thống nhất khi việc xử lý tài sản trong vụ án, giải quyết vấn đề bồi thường liên quan đến 02 chế định khác nhau. Về đề nghị xử lý của Kiểm sát viên, đối với tài sản liên quan đến tội phạm cần xử lý không thu hồi được nhưng Kiểm sát viên vẫn đề nghị áp dụng quy định về xử lý vật chứng tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS để xử lý; ngược lại, trong trường hợp tài sản liên quan đến vụ án được thu thập, bảo quản theo đúng trình tự do BLTTHS quy định nhưng khi xử lý, Kiểm sát viên lại đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp tại Điều 41, Điều 42 BLHS. Về giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, sửa chữa lại tài sản, có trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường, trả lại tài sản nhưng Kiểm sát viên lại đề nghị áp dụng Điều 42 BLHS để giải quyết mà không áp dụng vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết. Đối với trường hợp tài sản cần xử lý có thể áp dụng cả quy định về biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng nhưng Kiểm sát viên chỉ đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp hoặc chỉ đề nghị áp dụng quy định về xử lý vật chứng…
Về cách thể hiện trong bản án, các Tòa án cũng áp dụng không thống nhất nhau đối với quy định về xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự khi tài sản cần xử lý, vấn đề bồi thường, sửa chữa thiệt hại chịu sự điều chỉnh của 02 chế định như sự thiếu thống nhất trong đề nghị của Kiểm sát viên được trình bày bên trên. Thông thường, trong nhiều bản án hình sự, khi xử lý tài sản liên quan đến vụ án, Tòa án thường áp dụng cả quy định về biện pháp tư pháp (Điều 41 BLHS), xử lý vật chứng (khoản 2 Điều 76 BLTTHS); khi giải quyết vấn đề bồi thường, áp dụng cả quy định vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Điều 28 BLTTHS, quy định có liên quan do Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành quy định), biện pháp tư pháp (Điều 42 BLHS) khi tuyên trả tài sản, buộc bồi thường mà không có sự phân biệt giữa từng chế định. Có những trường hợp, bản án chỉ áp dụng biện pháp tư pháp mà không áp dụng quy định về xử lý vật chứng hoặc ngược lại; có trường hợp chỉ áp dụng biện pháp tư pháp, không giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự hoặc ngược lại mặc dù có căn cứ áp dụng cả 02 chế định có liên quan.
Về cách thể hiện này, chúng tôi cho rằng, với phân tích bên trên, rõ ràng bản chất, ý nghĩa của biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là khác nhau. Tuy nhiên, chúng không loại trừ nhau mà mỗi chế định được áp dụng có vai trò riêng hướng đến mục tiêu chung là hỗ trợ hiệu quả hình phạt, đảm bảo quyền lợi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Cho nên, trong trường hợp tài sản cần xử lý đều chịu sự điều chỉnh của Điều 41 BLHS, khoản 2 Điều 76 BLTTHS thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền hoàn toàn có thể áp dụng cả 02 chế định để xử lý. Tuy nhiên, việc áp dụng cần đúng thẩm quyền, hình thức áp dụng, hậu quả pháp lý. Đồng thời, như phân tích bên trên, khi xét xử, nếu tài sản cần xử lý được xác định là vật chứng của vụ án thì Hội đồng xét xử phải áp dụng khoản 2 Điều 76 BLTTHS; có thể áp dụng hoặc không áp dụng Điều 41 BLHS.
Tương tự, khi tài sản cần trả lại, yêu cầu bồi thường thuộc sự điều chỉnh của Điều 42 BLHS và vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì Tòa án chỉ áp dụng Điều 42 BLHS để giải quyết nếu không có yêu cầu của người bị thiệt hại và Tòa án không được buộc người có trách nhiệm phải chịu án phí dân sự. Trong trường hợp, có yêu cầu của người bị thiệt hại thì Tòa án phải áp dụng cả quy định về biện pháp tư pháp và giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vì chúng không loại trừ nhau. Đồng thời, khi áp dụng vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì người cò trách nhiệm phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Thứ hai, vướng mắc trong việc áp dung điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS, khoản 2 Điều 41, khoản 1 Điều 42 BLHS và vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp
Với so sánh về việc áp dụng biện pháp tư pháp về xử lý tài sản, áp dụng biện pháp tư pháp về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tại mục 1, chúng ta thấy rằng, cả 04 nội dung này đề có quy định về trả lại tài sản lần lượt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS, khoản 2 Điều 41 BLHS, khoản 1 Điều 42 BLHS và mục 1 Phần I Công văn số 121/2003. Cho nên, khi có yêu cầu trả lại tài sản liên quan đến tài sản bị thu giữ đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp xác định được tài sản bị chiếm đoạt có chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp và theo yêu cầu của họ thì Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS buộc người phạm tội trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Quan điểm thứ hai cho rằng, khi có yêu cầu trả lại tài sản bị thu giữ thì Tòa án phải áp dụng quy định của pháp luật dân sự và vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Đồng thời, buộc người có trách nhiệm trả lại tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Qua các hai ý kiến trên, chúng tôi cho rằng, mặc dù, bản chất của việc xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp, việc áp dụng vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là khác nhau nhưng chúng không loại trừ nhau trong trường hợp tài sản được trả lại đáp ứng các quy định của từng chế định tương ứng. Cho nên, vướng mắc ở đây là việc áp dụng biện pháp tư pháp tại khoản 2 Điều 41 BLHS hay khoản 1 Điều 42 để trả lại tài sản. Đối với biện pháp tư pháp, Điều 41, Điều 42 BLHS đều có quy định về trả lại tài sản nhưng chúng được quy định trong 02 điều luật với mục đích khác nhau. Mục đích của việc áp dụng Điều 41 BLHS là nhằm “không những loại bỏ điều kiện vật chất của tội phạm mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, ổn định và đảm bảo trật tự xã hội”; còn mục đích của việc áp dụng Điều 42 BLHS là “nhằm khôi phục lại tình trạng sở hữu như trước khi tội phạm xảy ra”[11]. Cho nên, việc trả lại tài sản trong Điều 41 và Điều 42 BLHS là hoàn toàn khác nhau. Chủ thể được trả lại tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 41 là người không bị tội phạm tác động đến; còn chủ thể được trả lại tài sản là người bị tội phạm tác động đến. Ví dụ: A đã lén lút chiếm đoạt chiếc xe mô tô của B rồi dùng xe mô tô này làm phương tiện đi cướp giật tài sản của C. Nếu A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản thì khi xử lý xe mô tô, Tòa án phải áp dụng khoản 2 Điều 41 BLHS để trả lại cho B. Nếu A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản thì khi xử lý xe mô tô, Tòa án lại phải áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS để xử lý.
Thứ ba, vướng mắc trong xử lý tài sản khi người bị thiệt hại nhưng người gây thiệt hại và người bị gây thiệt hại đã thỏa thuận bồi thường xong
Vướng mắc này được thể hiện qua nội dung vụ án sau: Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 20/3/2013, T.K.Nh, V.C.T, T.Đ.D, Ng.V.C đến phòng số 6 quán karaoke T.V.2 tại huyện A, tỉnh A để hát và uống bia. Trong lúc uống bia thì C bỏ về trước, còn lại Nh, T, D cùng với 02 tiếp viên của quán. Nh rủ hai tiếp viên là Ng và M đi thành phố L.X, tỉnh A chơi, nếu không đi Nh sẽ đập ti vi, nhưng Ng và M không đồng ý. Đến khoảng 18 giờ 20 phút cùng ngày, T, H, Nh cùng với hai tiếp viên ra về. Khi đi ra được khoảng 20m, Nh quay trở vào phòng số 6, đến kệ để ti vi, dùng tay xô ngã ti vi xuống sàn nhà, làm màn hình ti vi bị rạn nứt, hư hỏng nhiều bộ phận nhưng vẫn còn giá trị sử dụng. Nghe tiếng vỡ trong phòng nên anh T.A.G (nhân viên quản lý) đến Công an xã Đ trình báo sự việc.
Theo kết quả định giá tài sản bị hư hỏng của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, tivi bị hư hỏng bị thiệt hại 5.000.000 đồng; giá trị còn lại 3.000.000 đồng. Nh bị Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1 Điều 143 BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong giai đoạn điều tra, Nh và chủ quán karaoke T.V.2 thỏa thuận Nh bồi thường toàn bộ giá trị tivi bị hư hỏng với số tiền 8.000.000 đồng.
Khi xét xử, Tòa án nhân dân huyện A đã tuyên trả lại tivi bị hư hỏng cho Nh vì Nh đã bồi thường cho chủ sở hữu xong. Việc xử lý của Tòa án nhân dân huyện A đã nảy sinh 02 quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất, thống nhất với cách xử lý của Tòa án vì Nh đã bồi thường xong thì Nh phải được nhận phần giá trị tài sản còn lại. Nếu phải tuyên tịch thu tivi sẽ gây thiệt hại cho Nh. Bởi vì, trong trường hợp Nh chỉ bồi thường 5.000.000 đồng thì Tòa án phải tuyên trả lại tivi bị hư hỏng cho chủ sở hữu.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của chúng tôi) cho rằng, chiếc tivi bị hư hỏng là vật chứng của vụ án. Trong khi đó, việc tự bồi thường giữa chủ sở hữu với Nh là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Như phân tích bên trên, khi tài sản cần xử lý là vật chứng thì bắt buộc phải áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS để xử lý. Do vấn đề dân sự đã được các bên thỏa thuận, giải quyết xong và không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không đề cập giải quyết. Cho nên, Hội đồng xét xử phải áp dụng điểm c khoản 2 Điều 76 BLTTHS để tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước. Việc Tòa án tuyên trả lại tài sản cho Nh là chưa phân biệt rõ giữa vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, biện pháp tư pháp về bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng.
Thứ tư, việc giải quyết yêu cầu thường trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt đã được người phạm tội chuyển nhượng cho người khác hoặc giữa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án với nhau
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, không ít trường hợp tài sản do phạm tội mà có được người phạm tội chuyển nhượng cho người khác. Sau khi biết tài sản do phạm tội mà có người mua đã giao nộp lại tài sản và yêu cầu người phạm tội bồi thường. Hoặc trong trường hợp, người mua đã chuyển nhượng tiếp cho người thứ ba. Khi biết được tài sản do phạm tội mà có người thứ ba đã nộp lại tài sản và yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, đã không có sự thống nhất trong thực tiễn khi giải quyết yêu cầu này. Chúng tôi xin nêu 02 ví dụ sau:
Ví dụ 1: Khoảng 12 giờ ngày 18/7/2014 H.V.Th đến nhà bà V.T.T (huyện TB, tỉnh A) chơi thì thấy em Ng.M.Tr (08 tuổi, cháu nội của chị T) đang sử dụng máy tính xách tay hiệu Samsung (của chị H.T.Ng) nên nảy sinh ý định chiếm đoạt máy tính đem bán lấy tiền mua ma túy sử dụng. Th đưa cho Tr 10.000 đồng nhờ đi mua cà phê cho Th uống. Khi Tr đi, Th liền lấy máy tính đem bán cho ông L.V.H với giá 4.000.000 đồng rồi tiêu xài cá nhân và mua ma tuý sử dụng. Khi quay về, do không thấy Th, Tr đã báo cho bà T, chị Ng biết rồi cùng đi tìm Th. Do không tìm thấy Th nên chị Ng đã báo Công an xã H.T xử lý. Trong giai đoạn điều tra, do biết máy tính mà mình mua là do phạm tội mà có nên ông H đã giao nộp cho Cơ quan điều tra và yêu cầu bị cáo bồi thường 4.000.000 đồng.
Khi xét xử, Tòa án nhân dân huyện TB đã áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS buộc bị cáo bồi thường cho ông H 4.000.000 đồng, không đề cập đến áp phí dân sự sơ thẩm.
Ví dụ 2: Khoảng 23 giờ ngày 26/5/2014, do cần tiền tiêu xài cá nhân, L.H.G đi bộ dọc theo tuyến đường N1, huyện T.T, tỉnh A tìm tài sản chiếm đoạt. Khi đến khu vực ấp H.B, xã V.M, huyện T.T thấy trong trại của ông L.K.Ngh có xe mô tô biển kiểm soát 67AD – 013.92 được khóa chung với xe đạp, G đột nhập vào trong, dùng cưa sắt (mang theo sẵn) cắt dây khóa và rút chui điện xe rồi nổ máy xe chạy về nhà. G mang xe bán cho ông Ng.V.H giá 3.000.000 đồng. Đến ngày 24/6/2014, ông H bán lại xe mô tô này cho ông Tr.H.C với giá 4.000.000 đồng. Trong quá trình điều tra, do biết xe mô tô là do phạm tội mà có nên ông C đã giao nộp xe mô tô và yêu cầu bồi thường. Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, xe mô tô bị chiếm đoạt có 6.000.000 đồng.
Khi xét xử, Tòa án nhân dân huyện T.T đã áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS buộc bị cáo bồi thường cho ông C số tiền 4.000.000 đồng, không đề cập đến áp phí dân sự sơ thẩm.
Qua cách giải quyết của Tòa án trong 02 vụ án trên, đã tồn tại 02 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cách giải quyết của 02 Tòa án là không đúng. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 42 BLHS thì “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Do máy tính xách tay, xe mô tô trong 02 vụ án là tài sản do người phạm tội chiếm đoạt của người khác nên khi đã thu giữ, trao trả cho người bị hại thì người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường cho người phạm tội.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả), việc áp dụng Điều 42 BLHS để giải quyết trong trường hợp trên là chưa hiểu rõ bản chất giữa tài sản bị chiếm đoạt giữa khoản 2 Điều 41 với khoản 1 Điều 42 BLHS, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Như phân tích bên trên, vấn đề bồi thường theo khoản 1 Điều 42 BLHS chỉ áp dụng đối với chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản. Trong 02 vụ án trên, do tài sản được thu giữ đã được trao trả cho chủ sở hữu và chủ sở hữu không yêu cầu bồi thường nên không thể áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS để giải quyết. Trong 02 trường hợp này, quan hệ mua bán giữa Th với ông H trong ví dụ 1 và quan hệ mua bán giữa G với ông H, giữa ông H với ông C trong ví dụ 2 là quan hệ dân sự nên Tòa án phải áp dụng quy định về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết. Cho nên, Tòa án phải xem xét áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về hợp đồng dân sự vô hiệu để xử lý, cụ thể là hợp đồng vô hiệu do vị phạm điều cấm. Theo đó, Hội đồng xét xử phải áp dụng các Điều 128, 137 và 410 Bộ luật Dân sự năm 2005 tuyên bố giao dịch giữa Th với ông H trong ví dụ 1, quan hệ mua bán giữa G với ông H, giữa ông H với ông C trong ví dụ 2 là vộ hiệu. Buộc Th hoàn lại cho ông H số tiền 4.000.000 đồng; buộc ông H trả cho ông C 4.000.000 đồng và buộc G trả cho ông H 3.000.000 đồng. Đồng thời, áp dụng quy định về án phí, lệ phí buộc Th trong ví dụ 1, G, H trong ví dụ 02 phải chịu mỗi người 200.000 đống án phí dân sự sơ thẩm.
Thứ năm, một số vướng mắc qua thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp
Một là, việc áp dụng biện pháp tư pháp trong trường hợp công cụ, phương tiện phạm tội của người phạm tội hoặc của người khác nhưng họ có lỗi trong việc để tài sản của mình làm công cụ, phương tiện phạm tội nhưng tài sản đó đã bị bán, không thu hồi được. Vướng mắc này được thể hiện qua nội dung vụ án sau:
Khoảng 09 giờ ngày 16/9/2013, sau khi bị bà Ng.T.T.L (chủ vựa ốc X.L) cho nghỉ việc, Ng.V.H và H.Ng.Th về nhà của Th (trên địa bàn thị xã C, tỉnh A) uống rượu. Tại đây, H nghĩ rằng nguyên nhân bị đuổi việc là do H.Th.V nói xấu Th và H với bà L nên rủ Th đi đánh V để dằn mặt, Th đồng ý. Để thực hiện, Th lấy 01 cây dao giấu vào lưng quần và 01 cây cưa để dưới yên xe mô tô 93T2- 8737 (thuộc sở hữu của H), rồi kêu H điều khiển xe chở đến vựa ốc X.L. Thấy V ngồi uống nước, H dừng xe và nổ máy xe sẵn để dễ tẩu thoát. Th cầm cây dao, H cầm cây cưa rượt V chạy vào vựa ốc. Th cầm dao chém 01 nhát vào cánh tay phải của V gây thương tích (theo giám định có tỷ lệ thương tật là 45%), rồi cả 02 đến xe mô tô tẩu thoát. Sau đó, cả 02 bị bắt. Tuy nhiên, trong thời gian lẩn trốn, H đã bán xe mô tô cho người khác với số tiền 4.500.000 đồng, không thu hồi được.
Khi xét xử, Tòa án nhân dân thị xã C cho rằng xe mô tô là phương tiện phạm tội không thu hồi được nên không đề cập xử lý. Xung quanh cách giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã C đã tồn tại 02 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, phải tịch thu số tiền đã bán tài sản vì đây là tiền do bán tài sản là phương tiện phạm tội. Nếu thu giữ được tài sản thì Tòa án phải áp dụng quy định về xử lý vật chứng để tịch thu, sung công quỹ xe mô tô. Tuy nhiên, do xe mô tô đã bán nên buộc H giao nộp số tiền đã bán để sung quỹ Nhà nước.
Quan điểm thứ hai cho rằng, thống nhất với cách xử lý của Tòa án. Bởi vì, phương tiện phạm tội không còn và pháp luật không quy định việc tịch thu số tiền do bán tài sản là công cụ, phương tiện phạm tội mà có.
Theo chúng tôi, rõ ràng tài sản không thu hồi được nên không thể áp dụng quy định về xử lý vật chứng để giải quyết. Thực tiễn xét xử đã thể hiện, đối với tài sản bị chiếm đoạt, đã được bán, không thu hồi được thì Tòa án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS buộc người phạm tội phải nộp số tiền đã bán xe vào công quỹ. Theo quy định hiện hành, Điều 41 BLHS chỉ quy định tịch thu, sung quỹ Nhà nước đối với công cụ, phương tiện phạm tội (điểm a khoản 1) mà không quy định tịch thu, sung quỹ tài sản do mua bán, đổi chác công cụ, phương tiện phạm tội mà có. Điều này sẽ tạo kẽ hở cho người phạm tội lợi dụng để tẩu tán công cụ, phương tiện phạm tội. Để khắc phục, trước mắt, Tòa án cần áp dụng tương tự tại điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS buộc người phạm tội nộp số tiền do bán công cụ, phương tiện mà có. Về lâu dài, cần sửa đổi, bổ sung Điều 41 BLHS cho phù hợp với thực tiễn.
Hai là, việc áp dụng biện pháp tư pháp trong trường hợp người chưa thành niên đã tiêu xài hết tài sản do phạm tội mà có hoặc mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có và chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp không yêu cầu bồi thường
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện, có nhiều vụ án, sau khi chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội đã bán tài sản rồi sử dụng tiền thu được tiêu xài cá nhân. Tuy nhiên, đã có sự không thống nhất trong việc áp dụng biện pháp tư pháp đối với số tiền mà người chưa thành niên đã tiêu xài do bán tài sản do phạm tội mà có.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án phải buộc người phạm tội nộp số tiền do phạm tội mà có vào công quỹ Nhà nước. Bởi vì, điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS không phân biệt người phải giao nộp số tiền do phạm tội mà có là người thành niên hay chưa thành niên.
Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù, biện pháp tư pháp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS không phân biệt giữa người chưa thành niên và người thành niên phạm tội. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 69 BLHS, hình phạt bổ sung (trong đó, có hình phạt tiền) không áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; còn theo Điều 72 BLHS, hình phạt tiền (hình phạt chính) chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định. Trong khi đó, biện pháp tư pháp tại Điều 41 BLHS chỉ có vai trò hỗ trợ hình phạt. Vì vậy, tính nghiêm khắc của chúng không thể bằng, nặng hơn hình phạt chính, hình phạt bổ sung. Cho nên, trong trường hợp này không thể áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS buộc người chưa thành niên phạm tội nộp tiền do phạm tội mà có vào công quỹ Nhà nước.
Quan điểm thứ ba cho rằng, cần áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Bộ luật Dân sự quy định và được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006 để giải quyết. Nếu người chưa thành niên phạm tội có tài sản thì buộc họ nộp vào công quỹ; nếu họ không có tài sản thì cha mẹ họ phải nộp thay tương tự trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi vì, biện pháp tư pháp khác hoàn toàn với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nên không thể áp dụng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chỉ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự khi có yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp này, Tòa án phải áp dụng khoản 2 Điều 41 BLHS để giải quyết. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 41 BLHS không loại trừ trường hợp người chưa thành niên phạm tội là chưa thể hiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Để có cách áp dụng thống nhất và phù hợp với chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, kiến nghị bổ sung quy định loại trừ việc áp dụng biện pháp tư pháp tại điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS đối với người chưa thành niên phạm tội.
4. Một vài kiến nghị hoàn thiện:
Để có sự áp dụng thống nhất biện pháp tư pháp, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, xử lý vật chứng và khắc phục các vướng mắc, bất cập gặp phải trong thời gian qua, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, để khắc phục vướng mắc đối với việc xử lý tài sản do mua bán công cụ, phương tiện phạm tội của người phạm tội hoặc của người khác nhưng họ có lỗi trong việc để tài sản của mình làm công cụ, phương tiện phạm tội, kiến nghị bổ sung vào điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS nội dung tịch thu, sung quỹ tài sản do mua bán, đổi chác công cụ, phương tiện phạm tội mà có. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS sẽ có nội dung như sau:
“a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hoặc tài sản do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;”
Hai là, để việc áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu, sung công quỹ nhà nước đối với tiền do mua bán, đổi chác tài sản do phạm tội mà có phù hợp với bản chất của biện pháp tư pháp, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên, kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS nội dung loại trừ việc áp dụng biện pháp tư pháp tại điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS sẽ có nội dung như sau:
“b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; ngoại trừ, người bị áp dụng là người chưa thành niên phạm tội;”
Đồng thời, bổ sung nguyên tắc loại trừ này với nội dung được bổ sung vào điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS bên trên.
Ba là, việc giải quyết vụ án dân sự trong vụ án hình sự được áp dụng thường xuyên khi giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ mới có quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 28 và Công văn số 121/2003 (nhưng văn bản này hướng dẫn BLTTHS năm 1987). Cho nên, cần bổ sung vào Điều 28 BLTTHS khái niệm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và phạm vi vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Về phạm vi vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, ngoài các trường hợp được liệt kê tại Công văn số 121/2003, cần bổ sung thêm việc giải quyết hợp đồng dân sự vô hiệu. Cụ thể như sau:
“Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là những tranh chấp liên quan đến những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có liên quan đến hành vi phạm tội đã thực hiện.
Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng và đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; xử lý hậu quả trong trường hợp hợp đồng vô hiệu.”
Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 42 BLHS để bao hàm đầy đủ các trường hợp sửa chữa, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự; phản ánh đúng bản chất của biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 42 BLHS; đảm bảo tính lôgic và dễ dàng áp dụng. Theo đó, Điều 42 BLHS sẽ có nội dung như sau:
1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
2. Người phạm tội phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; bồi thường thường thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín do hành vi phạm tội gây ra.
3. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín thì người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại.”
Năm là, bên cạnh hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, để việc áp dụng thống nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng cần chú trọng công tác tổng hợp thực tiễn, lồng nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ.
Thông thường, khi giải quyết các vụ án hình sự, cơ quan, người tiến hành tố tụng thường chú ý đến trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội (định tội danh, quyết định hình phạt) mà ít chú tâm đến việc giải quyết cho đúng việc xử lý vật chứng, áp dụng biện pháp tư pháp, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trong trường hợp có áp dụng, thường chỉ chú tâm đến kết quả giải quyết như: có phải tịch thu tiêu hủy, sung công quỹ, trả lại, bồi thường bao nhiêu mà ít chú ý đến phải áp dụng quy định nào cho đúng vì trong nhiều trường hợp mặc dù việc áp dụng pháp luật khác nhau nhưng kết quả như nhau. Bên cạnh đó, trong trường hợp có sai sót khi áp dụng pháp luật không đúng thì cũng chỉ được xem là sai sót nhỏ, rút kinh nghiệm mà không được xem là vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục nên thường không xem xét trách nhiệm của người áp dụng không đúng. Cho nên, để hạn chế sai sót, liên ngành tư pháp trung ương cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, xử lý vật chứng, áp dụng biện pháp tư pháp để phát hiện các sai sót và kịp thời khắc phục. Đồng thời, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng việc áp dụng các quy định liên quan đến các nội dung này trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và có chế tài thích hợp đối với cá nhân, đơn vị thường xuyên áp dụng sai mặc dù đã được nhắc nhở.
Tóm lại, biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là những nội dung thường được áp dụng khi giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, do chưa chú trọng đúng mức và quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến các quy định này chưa chặt chẽ nên chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất. Qua bài viết này, tác giả hy vọng cung cấp cách nhìn bao quát, sự khác nhau trong việc áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và các giải phát được đề xuất sẽ góp phần hạn chế sai sót cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự có liên quan.
ThS. Thái Chí Bình
Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
[1] Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.1163.
[2] Thái Chí Bình, 2010, “Vật chứng trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.52.
[3] Bời vì, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp được xem là nội dung gằn liền với trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nên họ chỉ phải chịu án phí hình sự mà không phải chịu án phí riêng đối với việc xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp.
[4] Trường Đại học luật Hà Nội (2005), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.249.
[5] Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Đà Nẵng, tr.457.
[6] Theo Điều 43 BLHS, Viện kiểm sát và Tòa án đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
[7] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.251.
[8] Mẫu bản án hình sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 và mẫu bản án hình sự phúc thẩm được ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của HĐTP TAND tối cao; TAND tối cao (2009), Sổ tay viết bản án, Nxb. Thanh Niên, tr.166, tr.171.
[9] Nguyễn Đức Mai (2005), “Về việc áp dụng các Điều 41, Điều 42 BLHS và Điều 76 BLTTHS", TAND, tháng 8 (số 15), tr.15-17.
[10] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.251
[11] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.251.