Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, thay thế Luật hôn nhân và gia đình số 22/2000/QH10 (viết tắc Luật HN&GĐ năm 2014). Mà theo đó, tại các điều 59[1], 61[2] và 103[3] của Luật HN&GĐ năm 2014 có đề cập đến cụm từ “công sức đóng góp” hoặc “đóng góp công sức”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng, Luật HN&GĐ năm 2014 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như Luật HN&GĐ 2000; Luật HN&GĐ 1986 trước đây đều không giải thích rõ nội hàm của những cụm từ này. Theo Từ điển Tiếng Việt, Công sức (d) sức con người bỏ ra, thường là nhiều, để làm việc gì. Tài sản do công sức của nhân dân làm ra; Đóng góp (đg) góp phần vào công việc chung. Đóng góp tiền của cứu giúp dân bị nạn. NXB Đà Nẵng, 1998, tr 203, 321. Như vậy có thể hiểu “công sức đóng góp”; “đóng góp công sức” là công lao, sức lực của một ai đó đã được kết tinh vào bên trong nhằm thực hiện công việc nào đó. Ông, bà ta xưa có câu: “Một người tính bằng chín người làm”, hàm ý của câu nói này có nghĩa, cũng là để thực hiện công việc đó, đối với người biết tính toán thì chỉ cần một người làm là xong, ngược lại, với những người không giỏi tính toán thì phải cần đến chín người mới có thể thực hiện xong. Hay nói cách khác, cùng một công việc giống nhau nhưng người này làm thì ít tốn công sức, còn người kia làm phải tốn nhiều sức lực hơn.
Theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014, khi đề cập đến công sức đóng góp có thể hiểu theo đối tượng thành viên đóng góp công sức và đối tượng công sức tác động. Thành viên trong gia đình đóng góp công sức là công sức đóng góp của vợ, chồng; công sức đóng góp của các con; công sức đóng góp của bố, mẹ vợ (nếu vợ chồng sống chung với gia đình bố, mẹ vợ) hoặc công sức đóng góp của bố, mẹ chồng (nếu vợ chồng sống chung với gia đình bố, mẹ chồng); Nếu dựa vào đối tượng mà công sức tác động đến, có công sức đóng góp đối với tài sản; công sức đóng góp chăm sóc sức khỏe con người.
Thực tiễn cho thấy công sức đóng góp đối với tài sản có nhiều loại: 1) công sức tạo lập tài sản, phát triển tài sản; 2) công sức giữ gìn tài sản, bảo quản tài sản, tôn tạo tài sản; 3) công sức làm tăng giá trị của tài sản; … Muốn tính công sức thì trước hết phải xem xét có công sức hay không. Đặc biệt cần phải phân biệt giữa công sức và các chi phí. Chi phí là khoản tiền đã bỏ ra (để nuôi dưỡng người để lại di sản như: Tiền thức ăn, tiền thuốc uống, tiền thuê người giúp việc…; để sửa lại nhà như: Trát lại tường, lăn lại sơn, lát sân nhà…). Các khoản tiền đã chi phí đều tính được và ai có yêu cầu thì phải có nghĩa vụ chứng minh (có thể bằng hóa đơn mua hàng, xác nhận của người bán hàng, người vận chuyển, người làm công…). Còn công sức là sức lực, là thời gian… mà con người bỏ ra để ra chăm sóc, nuôi dưỡng thành viên trong gia đình; để giữ gìn, bảo quản, duy trì tài sản nên tài sản không bị hư hỏng, mất mát hoặc để làm tăng giá trị tài sản bằng việc tôn tạo, tu bổ tài sản. Công sức không thể xác định được thông qua các hóa đơn…
Luật Hôn nhân và gia đình có những điều luật quy định về việc tính công sức khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Đối với việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, thì tại điểm a khoản 2 Điều 95 Luật HNGĐ năm 2000 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập’’. Đối với việc chia tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật, thì tại khoản 3 Điều 17 Luật HNGĐ năm 2000 quy định: “Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ’’.
Khoản 2 Điều 16 Luật HNGĐ năm 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Khoản 2 Điều 59 Luật HNGĐ năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập…”.
Khoản 1 Điều 61 Luật HNGĐ năm 2014 quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình: “Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào Đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy, đối với việc chia tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật hay chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn thì đều có xem xét công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản. Về nguyên tắc thì trong thời gian chung sống, nếu không có chứng cứ gì khác thì về nguyên tắc tài sản phát triển đều được chia đôi (công việc nội trợ và công việc khác liên quan đến đời sống chung cũng được coi như lao động có thu nhập). Tuy nhiên khi phân chia cũng cần xem xét đến người đã tạo ra nguồn tiền để phát triển tài sản, từ đó phân chia cho phù hợp.
Vậy, việc tính công sức dựa trên các tiêu chí nào? Trường hợp nào thì tính công sức? Trường hợp nào thì không tính công sức? Trên thực tế còn có những ý kiến khác nhau và chưa có sự hướng dẫn, nhưng tựu chung lại thì việc tính công sức có thể được hiểu như sau:
+Công sức tạo lập, phát triển tài sản: Đây là công sức để có tài sản mới. Tài sản này có thể có được do vợ chồng tiết kiệm trong chi tiêu, tiền lãi trong kinh doanh,…mua được hoặc từ bán tài sản cũ (tài sản mà vợ chồng đã mua sắm, được tặng cho trước đó hoặc là tài sản riêng của vợ hoặc chồng). Theo quy định của pháp luật, tài sản có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Nếu người vợ hoặc người chồng cho rằng tài sản đó là của riêng mình thì phải đưa ra chứng cứ chứng minh. Lẽ thường, không phải mọi trường hợp khối tài sản chung của vợ chồng, họ đều có công sức đóng góp trong việc tạo lập, phát triển như nhau, mà có thể người vợ giỏi giang trong công việc kinh doanh, từ buôn bán nhỏ mặt hàng quần áo may sẵn thị trường nội địa, rồi chuyển sang mở công ty thuê hàng chục, hàng trăm lao động may gia công hàng xuất khẩu, tài sản chủ yếu do nguồi vợ tạo lập nên, trong khi người chồng là lao động chính nhưng chỉ làm công việc vặt gia đình, quản lý con cái. Trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như ngày nay, những trường hợp như trên không phải là ít, nghĩa là người vợ có công sức đóng góp nhiều hơn so với người chồng trong việc tạo lập khối tài sản chung đó. Tuy nhiên khi Tòa án giải quyết chia tài sản, không ít bản án quá nhấn mạnh đến công sức của bên giữa vai trò chính trong việc tạo dựng khối tài sản chung, mà chưa thật sự làm quan tâm đến vai trò của bên là điểm tựa “âm thầm” đóng góp công sức cũng không hề nhỏ, nghĩa là nếu không có người chồng trong trường hợp trên, thì người vợ cũng không thể có điều kiện tập trung mọi nguồn lực, toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh của mình. Ngược lại cũng có nhiều bản án quá đề cao vai trò của người đảm nhiệm công tác “hậu phương”, nên việc xác định công sức tạo lập, phát triển tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tồn tại chưa thật sự thỏa đáng. Nghĩa là cả hai xu hướng trên đều không tạo được sự đồng tình, không thuyết phục được cả hai phía nên dẫn việc giải quyết vụ án bị kéo dài do có kháng cáo, thậm chí cấp có thẩm quyền phải hủy để xét xử lại. Từ thực tế đó theo tác giả, để giải quyết vụ án liên quan đến công sức tạo lập, phát triển tài sản của vợ chồng, cần phải làm rõ những câu hỏi sau: Nguồn gốc tài sản được hình thành từ đâu? Nếu là tài sản được tạo lập, phát triển một phần từ tài sản cũ, thì tài sản cũ đó có công sức của ai nhiều hơn? Ai là người có thu nhập chính trong việc tạo lập khối tài sản đó? Nếu không có người vợ hoặc người chồng thì có điều kiện để tạo lập, phát triển khối tài sản đó không?
+ Công sức giữ gìn, bảo quản, duy trì, cải tạo... tài sản được xác định trong những trường hợp sau đây: Nếu không có sự quản lý (bảo quản, giữ gìn…) thì tài sản có thể sẽ không còn hoặc bị giảm giá trị (do bị mất mát, hư hỏng theo tự nhiên hoặc bị chủ thể khác xác lập quyền sở hữu, sử dụng một phần hoặc toàn bộ theo quy định của pháp luật) và do có sự quản lý nên tài sản vẫn còn và giữ được giá trị (một phần hoặc toàn bộ) hoặc làm tăng giá trị của tài sản (giá trị tài sản có thể được tăng theo tự nhiên, do trượt giá hoặc do người quản lý có công cải tạo làm giá trị tài sản tăng giá trị). Xoay quanh vấn đề này có những quan điểm khác nhau sau:
Quan điểm thứ nhất: Đối với trường hợp người vợ hoặc chồng trực tiếp quản lý tài sản chung hoặc riêng của một người đã sử dụng, khai thác lợi ích, hoa lợi và có thu nhập từ việc quản lý, sử dụng tài sản đó thì không nên tính công sức gìn giữ, quản lý tài sản cho họ vì họ đã được hưởng lợi từ tài sản mà họ được quản lý, điển hình nhất là những trường hợp quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, trồng cây lương thực,… hoặc cho thuê nhà, đất để kinh doanh, nên nếu tính công sức duy trì cho họ thì họ sẽ được hưởng lợi nhiều lần.
Quan điểm thứ hai: Đối với trường hợp người trực tiếp quản lý tài sản, dù có hay không khai thác lợi ích của tài sản thì dù có thoả thuận hay không có thoả thuận về tính công sức thì đều phải tính giá trị công sức cho họ “tương xứng” với công sức mà họ đã bỏ ra.
Quan điểm thứ ba: Trong mọi trường hợp đều phải tính công sức cho người trực tiếp quản lý tài sản có tranh chấp.
Còn việc tính công sức như thế nào (định lượng công sức) thì cũng có ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất, cho rằng việc tính công sức phụ thuộc vào giá trị tài sản tranh chấp, mà theo đó, giá trị tài sản tranh chấp càng cao thì số tiền tính công sức càng lớn. Những người theo ý kiến này định lượng công sức theo % giá trị của tài sản; Ý kiến thứ hai, tính công sức không phụ thuộc vào giá trị tài sản. Ý kiến thứ ba, việc tính công sức phải căn cứ vào việc nếu không có công sức của người quản lý, giữ gìn tài sản… thì tài sản đó có tồn tại hay không? Ví dụ, xe ôtô mà không bảo quản có mái che, không bảo dưỡng định kỳ… thì chỉ một thời gian giá trị sử dụng sẽ giảm nhiều.
Người viết cho rằng, việc tính công sức giữ gìn, bảo quản tài sản cho vợ, chồng đối với tài sản riêng của người kia hoặc là tài sản chung mà giữa họ đã tạo dựng trước đó, là một vấn đề không đơn giản trong thực tế hiện nay, khi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng vấn đề nay làm căn cứ xem xét giải quyết khi phát sinh tranh chấp. Từ thực tiễn cho thấy, cách giải quyết của nhiều Tòa án thời gian qua về vấn đề này được coi là hợp lý, hợp tình khi bám chắc vào mấy “tiêu chí” sau: Nếu không có sự giữ gìn, bảo quản thì tài sản đó có thể bị giảm giá trị không? Nếu không có sự giữ gìn, bảo quản thì tài sản đó có thể bị người khác xác lập quyền sở hữu không? Trong trường hợp người quản lý tài sản được hưởng hoa lợi, lợi tức… từ việc quản lý tài sản thì phải xem xét thu nhập đó giá trị bao nhiêu? Có tương xứng với công sức mà người quản lý tài sản bỏ ra hay không? Nếu thu nhập từ việc quản lý tài sản của người quản lý tài sản tương xứng hoặc cao hơn công sức mà người đó đã bỏ ra thì vấn đề công sức không đặt ra; còn nếu thu nhập từ tài sản của người quản lý tài sản thấp hơn công sức mà người quản lý tài sản đã bỏ ra thì nên xem xét cho họ.
+ Công sức chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình: Đây là công sức của người vợ hoặc người chồng nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình, như: Chăm sóc con chung, chăm sóc bố mẹ,… Thực tế cho thấy công sức này mà người vợ hoặc người chồng phải bỏ ra không phải là quá nặng nhọc, nhưng hầu như đã chiếm toàn bộ thời gian của họ, từ việc giặt giũ quần áo, đưa đón con đi học, đến lo từng bửa ăn cho gia đình, kể cả khi thành viên trong gia đình ốm đau,…Thời gian trong ngày của họ là thời gian họ giải quyết rất nhiều công việc liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình, nên họ không thể tham gia làm công việc khác để có thu nhập. Như vậy, khi ly hôn Tòa án cần xem xét thấu đáo công sức này của người vợ hoặc người chồng để giải quyết việc chia tài sản tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra, mặc dù công việc mà họ đã làm thực tế không đem lại khoản thu nhập. Theo quan điểm của người viết, khi xem xét công sức chăm sóc, nuôi dưỡng Tòa án cần xem xét: Công việc gọi là chăm sóc, nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình hàng ngày phải làm là gì? Thời gian phải giải quyết toàn bộ những công việc đó ra sao? Có thật sự nặng nhọc lắm không? Nếu phải chăm sóc bố, mẹ là người già hoặc bị bệnh thì công sức đó có đòi hỏi như một điều dưỡng, y tá?... Điều này liên quan đến việc tính công sức lao động phổ thông với lao động có tay nghề.
+ Công sức đối với khoản tiền tham gia bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Trường hợp người vợ hoặc người chồng là cán bộ công chức nhà nước, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, hàng tháng khoản tiền này bị trừ vào lương, còn người kia làm việc nội trợ, cũng không tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí theo loại hình tư nguyện. Mặc dù không xác định số tiền đã đóng bảo hiểm là tài sản chung của vợ chồng, vì thực tế nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội chưa nhận được khoản tiền, do chưa đến tuổi nghỉ hưu mà họ phải ly hôn nhau thì căn cứ vào đâu để Tòa án xác định và phân chia số tiền cụ thể đó tài sản chung? Mà phải coi đó là công sức của một bên tham gia việc đóng bảo hiểm xã hội của người vợ hoặc người chồng, vì khoản tiền này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đang tồn tại. Do vậy, Tòa án cũng cần xem xét vấn đề này thật sự khách quan để bảo đảm quyền lợi cho bên kia, bởi thực tế sau này người tham gia bảo hiểm xã hội mới là người thụ hưởng trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm mà họ đã tham gia.
Về các tiêu chí để tính công sức: Đây là vấn đề khá phức tạp và hiện còn có những ý kiến khác nhau, cụ thể:
Một là, trước hết phải xem xét về tầm quan trọng của việc quản lý tài sản đó và quan hệ liên quan đến việc quản lý tài sản. Nếu không có công sức của người quản lý, giữ gìn tài sản… thì tài sản đó có tồn tại hay không ? Có bị giảm giá trị hay không?...
Hai là, giá trị của tài sản cũng là một tiêu chí để xem xét công sức cho người quản lý tài sản: Tài sản càng có giá trị cao thì trách nhiệm của người quản lý tài sản càng lớn. Công sức quản lý tài sản có giá trị cao phải cao hơn công sức quản lý tài sản có giá trị thấp (nếu cùng phải chi phí thời gian, sức lực…).
Ba là, quản lý tài sản yêu cầu trình độ chuyên môn cao, chi phí thời gian nhiều… phải được xem xét công sức cao hơn quản lý tài sản không yêu cầu trình độ chuyên môn hoặc tốn ít thời gian…
Để xem xét công sức đóng góp trong mỗi bên trong việc tạo lập, phát triển, giữ gìn, bảo quản,… tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cần phải xem xét thật khách quan, toàn diện từ nguồn gốc hình thành tài sản; Giá trị của tài sản để ra công sức quản lý, giữ gìn; Sự cần thiết và hiệu quả của công sức đã bỏ ra. Tài sản có giá trị càng cao thì trách nhiệm và công sức của người quản lý, giữ gìn, chăm sóc tài sản đó càng lớn. Công sức, quản lý tài sản yêu cầu có trình độ chuyên môn, nhiều thời gian hơn khác với trường hợp chỉ yêu cầu lao động phổ thông, ít thời gian hơn.
Trên đây là một số vấn đề còn có quan điểm khác nhau về xác định công sức đóng góp của vợ, chồng trong vụ án ly hôn, từ quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.
Phạm Thị Hồng Đào
[1] Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.
[2] Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình
1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
[3] Điều 103. Quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình
1. Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.
2. Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình.
3. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để các thế hệ trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong xã hội cùng tham gia vào việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.