Theo đó, Thông tư áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng kho số; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số; Người sử dụng dịch vụ viễn thông được cấp, sử dụng mã, số.
Trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng kho số
Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; Xây dựng, ban hành, thực hiện quy định quản lý, kế hoạch khai thác mã, số đã được phân bổ; Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác có liên quan đưa mã, số được phân bổ vào khai thác, đồng thời thông báo và hướng dẫn cho người sử dụng dịch vụ viễn thông việc sử dụng mã, số; Cấp, hoàn trả, cho thuê mã, số được phân bổ theo quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số; Kiểm tra và thu hồi mã, số sử dụng không đúng mục đích hoặc sai quy định; Đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để lưu giữ, quản lý số liệu về mã, số được phân bổ. Thực hiện kết nối hệ thống kỹ thuật với Cục Viễn thông khi có yêu cầu để phục vụ công tác quản lý kho số.
Người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm sử dụng số thuê bao được cấp theo đúng hợp đồng sử dụng dịch vụ hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ giao kết với doanh nghiệp viễn thông và quy định quản lý và sử dụng kho số; Hoàn trả lại số thuê bao khi không còn nhu cầu sử dụng.
Thủ tục phân bổ mã, số
Hồ sơ phân bổ mã, số được lập thành 01 bộ, gồm có: Đơn đề nghị phân bổ mã, số theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao giấy phép viễn thông (đối với doanh nghiệp viễn thông); bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư (đối với các doanh nghiệp khác); bản sao có chứng thực quyết định thành lập (đối với cơ quan, tổ chức không phải doanh nghiệp) trong trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu chính; hoặc bản sao giấy phép viễn thông (đối với doanh nghiệp viễn thông); bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư (đối với các doanh nghiệp khác); bản sao quyết định thành lập (đối với cơ quan, tổ chức không phải doanh nghiệp) kèm theo bản gốc các giấy tờ trên để đối chiếu trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Viễn thông.
Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả là Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Cục Viễn thông (địa chỉ cụ thể công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Viễn thông: vnta.gov.vn); Kết quả xử lý hồ sơ được trả tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc qua đường bưu chính.
Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Viễn thông xem xét ra Quyết định phân bố mã, số. Trong trường hợp không đồng ý, Cục Viễn thông có văn bản nêu rõ lý do từ chối.
Nguyên tắc thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông
Doanh nghiệp viễn thông bán dịch vụ viễn thông cho một doanh nghiệp viễn thông khác thì được cho doanh nghiệp đó thuê lại số thuê bao viễn thông mà mình được phân bổ. Doanh nghiệp viễn thông mua dịch vụ viễn thông của một doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại thì được cấp số thuê bao viễn thông mà mình thuê cho thuê bao viễn thông. Không được thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông.
Doanh nghiệp viễn thông cho thuê và doanh nghiệp viễn thông thuê số thuê bao viễn thông đều phải có giấy phép viễn thông cho phép cung cấp cùng loại hình dịch vụ viễn thông.
Thời hạn thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không được vượt quá thời hạn tương ứng các giấy phép viễn thông của doanh nghiệp thuê, doanh nghiệp cho thuê.
Các doanh nghiệp viễn thông tham gia thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông có trách nhiệm thực hiện đúng quy hoạch, quy định quản lý và sử dụng kho số viễn thông; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2015.