Thực tiễn áp dụng chế định phòng vệ chính đáng và một số vấn đề đặt ra

 

Chế định phòng vệ chính đáng cho đến nay vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau nên đã dẫn đến những quyết định khác nhau trong các trường hợp cụ thể. Trước khi có BLHS năm 1985 TANDTC có ban hành Chỉ thị số 07 ngày 22/12/1983. Trong đó phần I quy định về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Sau khi BLHS năm 1985 ra đời, qua việc tổng kết kinh nghiệm xét xử Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 02 ngày 05/01/1986, trong đó tại phần II có đề cập đến phòng vệ chính đáng. Hai văn bản này tuy chỉ là văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nhưng qua thực tiễn xét xử hiện nay thì có thể được xem là văn bản giải thích chính thức của Cơ quan có thẩm quyền về chế định phòng vệ chính đáng, tinh thần của văn bản hướng dẫn vẫn còn phù hợp với quy định tại Điều 15 của BLHS hiện hành. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy còn có nhiều vấn đề đặt ra mà những văn bản trên chưa giải thích được một cách đầy đủ, chính xác và cần có sự ban hành một văn bản mới thay thế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1. Về căn cứ để xác định hành vi chống trả của người phòng vệ thế nào gọi là cần thiết

- Quy định tại Điều 15 BLHS đã thể hiện rõ “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Do đó, trong mọi trường hợp nếu thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì người có hành vi chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các quyền, lợi ích của mình hoặc người khác thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, chỉ có hai trường hợp:

a. Không có tội phạm xảy ra.

b. Có tội phạm xảy ra. Vậy, tội phạm xảy ra là do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (dấu hiệu định tội hoặc định khung) hay phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 BLHS để áp dụng cho một số tội như: Điều 93, 104 BLHS.

Ví dụ 1: A là thanh niên to con thường bắt nạt B khi đi học ngang nhà. A hù doạ “nếu mày đi ngang nhà tao sẽ đánh mày”, nghe A nói vậy nên B mang theo con dao để phòng thân khi bị A bắt nạt, khi B đi ngang nhà thì A chạy ra chặn đường bất ngờ B rút dao ra đâm A trúng ngực và chết. B bị xét xử về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS.

Ví dụ 2: Chiều tối 31/8/2012, H cùng nhóm bạn trong đó có  Tr và Th đều ở xã X, huyện P rủ nhau ra cầu S chơi và ăn mừng việc thi đỗ đại học của H và Th. Khi đi, Tr mang theo 2 quả bưởi và một con dao nhọn dùng để gọt hoa quả. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, trong lúc cả nhóm của H đang ngồi chơi thì Th (tức Q SN 1991) cùng 10 thanh niên khác ở xã X đi 5 xe máy ngang qua. Nhóm thanh niên này dừng xe, Th bật đèn pin điện thoại soi vào mặt Tr và nói “xem em xinh hay xấu”…Bị nhóm thanh niên này trêu đùa thái quá nên Tr lấy xe đạp ra về. Đi được một đoạn, Th đuổi theo chặn đường và có hành vi sàm sỡ Tr. Thấy vậy, H chạy đến ngăn cản và chở Tr về nhà, khi hai người đi được một đoạn, Th tiếp tục đuổi theo chặn lại và đấm thẳng vào mặt H, do hoảng sợ, H đã lấy con dao gọt hoa quả để trong giỏ xe phòng vệ, đồng thời bỏ chạy vào một ngõ cụt gần đó để né tránh. Mặc dù vậy, Th cùng nhóm thanh niên đi cùng vẫn không buông tha, chúng tiếp tục đuổi theo, đối tượng S túm áo khống chế H để Th cùng một số người khác xông vào đánh hội đồng. Trong lúc bị đánh, H vung dao chống cự và đâm trúng ngực Th, cú đâm trúng tim nên Th chết ngay tại chỗ. H bị TAND xét xử về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại Điều 96 BLHS.

Qua hai ví dụ trên, thấy rằng hành vi phạm tội của B và H là dùng dao đâm chết người. Tuy nhiên, hành vi của B và H là hoàn toàn khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau. Đối với hành vi của B: Do sợ bị đánh, vì thường xuyên bị bắt nạt, bị hù dọa đánh nên chuẩn bị dao để phòng thân, khi thấy A chạy ra chặn đường nghĩ rằng bị đánh nên rút dao đâm chết A, đây có thể xem là phòng vệ tưởng tượng hay phòng vệ quá sớm vì, A chưa xâm phạm hay có hành vi tấn công mà B đã có hành vi phòng vệ. Như vậy, hành vi của B là giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS và không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 BLHS. Đối với hành vi của H: Đám thanh niên trêu đùa Tr, gây sự với nhóm bạn H, đấm vào mặt H, tiếp tục đuổi theo H khi H đã chạy vào ngõ cụt và cầm theo con dao để phòng vệ, đám thanh niên vẫn tiếp tục đánh hội đồng H nên Hcầm dao đâm chết Th. Như vậy, việc đám thanh niên đã xâm phạm, tấn công H và H đã phòng vệ cho bản thân, tuy nhiên tính chất và mức độ nguy hiểm của sự xâm hại, tấn công của đám thanh niên chưa đến mức cần thiết mà H phải dùng dao đâm chết Th. Vì vậy, TAND xét xử H tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 96 BLHS. Đây là hai ví dụ có thể thấy rõ về quyền sử dụng quyền “phòng vệ chính đáng” của mỗi người ở từng thời điểm, hoàn cảnh khác nhau thì xảy ra những kết quả khác nhau về việc chịu trách nhiệm đối với hậu quả xảy ra.

Tuy nhiên, trong ví dụ 2 có thể thấy rằng việc TAND xét xử H tội “Giết người do vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại Điều 96 BLHS là chưa chính xác theo như quy định tại khoản 1 Điều 15 BLHS và hướng dẫn của Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân tối cao. Vì:

Theo quy định tại Điều 15 BLHS quy định, hành vi chống trả phải là biện pháp “cần thiết” để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi tấn công. Điều này có nghĩa, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tấn công và những yếu tố khác để quyết định biện pháp chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại đến các khách thể được Luật Hình sự bảo vệ. Việc dùng cụm từ cần thiết” thay cho tương xứng(Bộ luật hình sự 1985) là phù hợp. Cụm từ “tương xứng” dẫn đến cách hiểu không đúng, máy móc rằng kẻ phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện gì, cách tấn công như thế nào, gây hậu quả thế nào thì người chống trả phải sử dụng tương tự như vậy hoặc thiệt hại mà người phòng vệ gây ra phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại mà người tấn công gây ra hay đe doạ gây ra. Mặt khác, việc sử dụng cụm từ này chỉ thể hiện sự đánh giá hình thức của người thứ ba chứ không phải là của người trong cuộc. Thực tế cho thấy, tâm lý phổ biến của người dân là bàng quan, thờ ơ trước những hành vi phạm tội, ngại phiền toái, liên lụy mà không khéo lại có thể bị đánh giá là “không tương xứng” (phạm tội) khi chống trả lại một hành vi xâm hại. Việc đánh giá tính tương xứng trong thực tế rõ ràng rất khó khăn, nhất là trong trường hợp người bị tấn công bất ngờ, không thể có điều kiện bình tĩnh lựa chọn một cách xử sự hợp lý. Cụm từ cần thiết cho phép hành vi chống trả có thể không tương xứng với hành vi tấn công, gây thiệt hại với điều kiện hành vi chống trả phải là cần thiết nhằm loại trừ nguồn gốc sinh ra nguy hiểm cho xã hội. Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

Đối với trường hợp H trong ví dụ 2 đã thấy rõ rằng, H hoàn toàn rơi vào hoàn cảnh bản thân bị tấn công, không ai ứng cứu, bị nhiều người liên tục tấn công cùng một lúc, bỏ chạy để thoát thân và đặc biệt bị dồn vào con hẻm cụt không lối thoát. Với tình huống này H chỉ còn cách dùng dao đã cầm theo sẵn đâm loạn xạ để phòng vệ bản thân, làm cho nhóm đối tượng tấn công rút lui nhưng vẫn bị tấn công và một đối tượng đã bị H đâm chết. Như vậy, hành vi trên của H thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 BLHS.

Như vậy, cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. 

2. Vấn đề xác định thế nào là Phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

- Việc đánh giá một hành vi chống trả lại sự xâm hại là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là rất phức tạp trong các vụ án cụ thể vì không có một công thức nào đúng cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, để giúp cho những người áp dụng pháp luật vận dụng một cách chính xác các quy định về phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế những trường hợp oan sai cũng như để tránh việc bỏ lọt tội phạm. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn thế nào là hành vi phòng vệ có mức độ cần thiết, để phân biệt giữa phòng vệ chính đáng với vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Khi vận dụng các nguyên tắc theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao và qua thực tiễn áp dụng pháp luật về phòng vệ chính đáng ở Việt Nam trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với các trường hợp phòng vệ bằng cách gây thiệt hại cho tính mạng và sức khỏe của người có hành vi xâm hại mà chúng ta thường gặp nhất.

Nếu so sánh về khách thể của hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ, tính chất mức độ mãnh liệt của hai hành vi, hậu quả tác hại gây ra mà rõ ràng hành vi phòng vệ chỉ ngang bằng hoặc nhỏ hơn so với hành vi xâm hại thì trong mọi trường hợp hành vi phòng vệ được coi là chính đáng.

Ví dụ: A cầm dao tấn công nhằm tướt đoạt sinh mạng của B, B đã dùng tay không chống trả lại và đã gây thương tích cho A. Hoặc là A cầm dao tấn công nhằm tước đoạt sinh mạng của B, tới đường cùng B đã dùng một cây gậy nhặt được bên đường để chống trả và đánh vào đầu làm A chết. Các trường hợp tương đối rõ ràng như vậy thì trong thực tiễn áp dụng pháp luật nhìn chung các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý khá chính xác.

Trái lại, nếu hành vi tấn công mang tính nhỏ nhặt, sự tấn công không quyết liệt, tương quan lực lượng nghiêng về phía người phòng vệ nhưng hành vi phòng vệ lại mang tính chất rất mạnh mẽ, sự chênh lệch giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công quá rõ ràng thì hành vi chống trả lại trong trường hợp này không được coi là phòng vệ chính đáng, thậm chí không được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà bị coi là trường hợp phạm tội thông thường.

Ví dụ: Khoảng 23 giờ ngày 24/12/2005 Q chở L cùng nhóm bạn đến quán nhậu tại NT tỉnh Đ.N, khi dừng xe Q nhặt được 01 con dao bấm tại quán nhậu rồi cất vào túi áo. Tại quán nhậu còn có nhóm của Ng, trong khi nhậu L có qua bàn của Nghi nói chuyện vì Ng và L quen nhau từ trước, lúc này Q ngồi bên bàn phía bên kia lấy dao ra bấm thụt ra thụt vào rồi cất vào túi. Khoảng 01 giờ ngày 25/12/2005 Q đứng dậy ra về, khi đi ngang qua bàn Ng, thì Ng đập bàn văng nước mắm vào người, Q chửi và nói “Thằng nào đập bàn văng nước mắm vào người tao?” nhưng được mọi người giải thích, can ngăn. Sau đó Q đi ra ngoài quán, Ng đứng dậy đi theo sau, Q nghĩ rằng Ng đi theo để đánh mình nên khi ra đến sát đường nhựa bất ngờ Q rút dao bấm trong túi áo ra quay lại cùng lúc đó Ng đi đến sát và đối diện Q, Q đâm thẳng dao vào bụng làm Ng chết sau đó. Hành vi này của Q không phải là hành động phòng vệ chính đáng mà đây là hành vi phạm tội thông thường và bị Toà án xét xử về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS.

- Trong thực tiễn xét xử, các trường hợp có nhiều khó khăn trong việc phân biệt, đánh giá giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là những trường hợp mà hành vi phòng vệ lớn hơn hành vi xâm hại nhưng mức chênh lệch giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công không thuộc loại quá rõ rệt và hơn nữa, pháp luật quy định tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do hành vi phòng vệ gây ra phải nhỏ hơn hoặc bằng thiệt hại do hành vi xâm hại gây ra hoặc đe dọa gây ra. Đây là các trường hợp:

+ Bên xâm hại có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tài sản, còn bên phòng vệ có hành vi giết người, làm chết người hoặc gây thương tích nặng cho người có hành vi xâm hại;

+ Bên xâm hại có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm còn bên phòng vệ có hành vi giết người, làm chết người hoặc gây thương tích nặng cho người có hành vi xâm hại.

Trong thực tiễn xét xử, đối với những trường hợp mà bên xâm hại có hành vi xâm hại đến tài sản (trộm cắp thông thường) thì hành vi của người phòng vệ đánh bị thương kẻ tấn công được coi là tương xứng. Trên thực tế, nếu bắt gặp tên trộm đang vào trong nhà để ăn trộm thì việc đánh bị thương tên trộm là việc mà mọi người cho là bình thường. Tuy nhiên, đối với các trường hợp phạm tội trộm cắp thông thường, nếu người phòng vệ lại có hành vi giết chết hoặc gây thương tích nặng cho kẻ xâm hại thì trong thực tiễn xét xử, hành vi phòng vệ đó bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trừ một số trường hợp mà hành vi trộm cắp mang tính chất nguy hiểm như: Hành vi lẻn vào lấy cắp ở một nơi được bảo vệ đặc biệt.

Những cách vận dụng trên đây được áp dụng chung cho việc bảo vệ tài sản Nhà nước cũng như trong việc bảo vệ tài sản riêng của công dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, đối với các vụ án xâm phạm đến tài sản của Nhà nước thì tính chất phòng vệ chính đáng thường được chấp nhận dễ dàng hơn so với trường hợp tài sản bị xâm hại là tài sản riêng của công dân.

3. Vấn đề về vượt quá giới hạn Phòng vệ chính đáng với các trường hợp phạm tội trong khi thi hành công vụ

- Một vấn đề mà thực tiễn áp dụng pháp luật về phòng vệ chính đáng đang đặt ra, đó là việc phân biệt giữa phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với các trường hợp phạm tội trong khi thi hành công vụ nếu người có hành vi gây thiệt hại cho người có hành vi nguy hiểm cho xã hội là những người được giao vũ khí để thi hành nhiệm vụ của mình.

Trong thực tế, những trường hợp sử dụng vũ khí công tác gây án mạng hoặc gây thương tích nặng trong khi thi hành nhiệm vụ xảy ra khá nhiều, chủ yếu là những trường hợp gây chết người hoặc gây thương tích nằm ngoài sự mong muốn của những người này, tuy nhiên cũng có một số trường hợp có thái độ cố ý trực tiếp. Những sự việc xảy ra trong khi họ thi hành lệnh bắt người, dẫn giải tội phạm… Tính nguy hiểm của hành vi cũng ở những mức độ khác nhau: Có khi là hết sức nguy hiểm (ví dụ như xả súng bắn hàng loạt vào một nhóm tội phạm ma tuý, bị truy nã đang chạy chốn) nhưng có những trường hợp ở mức độ bình thường như là bắn cảnh cáo về phía người vi phạm nhưng không may đã làm chết người hoặc gây thương tích. Ở các trường hợp khác nhau, người sử dụng vũ khí công tác gây án mạng hoặc gây thương tích thì lý do gây tai nạn cũng rất khác nhau: Có trường hợp người thực thi nhiệm vụ nổ súng để bảo vệ mình hoặc bảo vệ người khác trước hành vi tấn công của người phạm tội, một số trường hợp khác, người thực thi nhiệm vụ nổ súng vào người đang phạm pháp (ví dụ: đang lấy trộm, cướp giật…), có những trường hợp việc gây tai nạn là để đối phó với việc nạn nhân chạy trốn hoặc kháng cự, không tuân theo lệnh của người thực thi nhiệm vụ dẫn giải, có khi là để đối phó với việc nạn nhân vừa phạm pháp, vừa chạy trốn, hoặc chạy trốn để hoàn thành việc phạm pháp (ví dụ: vừa cướp vừa chạy trốn). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người thực thi nhiệm vụ sử dụng vũ khí vì quá cẩu thả, không suy nghĩ tới hậu quả nghiêm trọng do hành vi của mình gây ra hoặc đơn giản là khi người này say rượu. Phần lớn các trường hợp, động cơ của người thực thi nhiệm vụ là muốn thi hành tốt nhiệm vụ, muốn người phạm pháp không thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp người thực thi nhiệm vụ có động cơ cá nhân như muốn thỏa mãn sự bực tức vì một thái độ nào đó của nạn nhân không làm mình vừa lòng hoặc đơn giản chỉ là muốn tỏ ra mình có một uy quyền nhất định đối với nạn nhân.

Về mặt lý luận, phần lớn các trường hợp người thực thi nhiệm vụ sử dụng vũ khí trái phép gây chết người hoặc gây thương tích đều thỏa mãn các dấu hiệu của làm chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, trong những trường hợp như vậy, người thực thi nhiệm vụ sử dụng vũ khí nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại hành vi nguy hiểm cho xã hội của nạn nhân được thể hiện dưới dạng này hay dạng khác. Có thể là hành vi của người thực thi nhiệm vụ là để ngăn chặn nạn nhân có thái độ chống cự bằng cách tấn công lại, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người thực thi nhiệm vụ hay của người khác; hành vi gây thương tích hoặc chết người của người thực thi nhiệm vụ cũng có thể nhằm ngăn chặn kẻ xâm hại không tiếp tục được hành vi phạm tội của mình như: Khi thấy kẻ cướp đang tấn công người khác hoặc nhìn thấy kẻ trộm đang lấy trộm tài sản thì người thực thi nhiệm vụ đã nổ súng về phía tên cướp, tên trộm và cũng có thể hành vi gây thiệt hại nhằm ngăn chặn thái độ trốn tránh, không chịu tuân theo lệnh bắt…Chúng ta thấy rằng, nếu xét về tính chất thì loại hành vi cần ngăn chặn thứ ba này khác với hai loại hành vi thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, hành vi không tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền yêu cầu cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội vì lợi ích của xã hội, trật tự của xã hội đòi hỏi nạn nhân phải tuân theo mệnh lệnh của người thực thi nhiệm vụ mà không được trốn tránh hay kháng cự. Khi người thực thi nhiệm vụ có hành vi nổ súng để ngăn chặn một hành vi nguy hiểm cho xã hội từ phía nạn nhân, nếu xét thấy hành vi nổ súng gây chết người hoặc gây thương tích đó là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nguy hiểm mà nạn nhân thực hiện thì trong trường hợp này, hành vi gây chết người hoặc gây thương tích của người thực thi nhiệm vụ không bị coi là tội phạm. Ví dụ: Nếu nạn nhân tấn công đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của người đang thi hành công vụ hay của người khác hoặc nạn nhân là kẻ phạm tội nguy hiểm đang bị giam giữ mà bỏ trốn thì hành vi bắn bị thương thậm chí bắn chết đối tượng này cũng không bị coi là phạm tội.

Khi nghiên cứu việc định tội, trường hợp nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và trường hợp nào là phạm tội trong khi thi hành công vụ, có nghĩa là chúng ta nghiên cứu những trường hợp hành vi của nạn nhân không có mức độ nguy hiểm cao nên hành vi nổ súng bắn bị thương hoặc chết người bị coi là tội phạm vì nó vượt quá giới hạn cần thiết. Theo quy định của BLHS, bên cạnh các tội: Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96 BLHS), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106 BLHS), chúng ta còn quy định thêm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97 BLHS) và tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107 BLHS). Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải phân biệt để định tội danh cho đúng loại trường hợp nào là phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn trường hợp nào là phạm tội trong khi thi hành công vụ. Cũng cần phải khẳng định ở đây, nếu nạn nhân có hành vi vi phạm mang tính chất nhỏ nhặt, nạn nhân tuân thủ mệnh lệnh của người có thẩm quyền nhưng do hống hách, có thái độ coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác mà người có thẩm quyền lại có hành vi gây thương tích hoặc làm chết nạn nhân thì trường hợp này đương nhiên không được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng cũng như phạm tội trong khi thi hành công vụ mà phải bị coi là trường hợp phạm tội thông thường.

Để phân biệt trong các trường hợp cụ thể, chúng ta sẽ xem xét một vài vụ án cụ thể để từ đó có thể rút ra những kết luận chung nhằm đảm bảo cho việc định tội danh cho chính xác.

Ví dụ 1: Th uống rượu say rồi có nhiều hành vi như: gặp một số thanh niên ngồi đàn hát, Th đòi vào hát với họ, nhưng lại chê người đánh đàn là đệm đàn không hay và chửi thề. Đám thanh niên phản đối thì Th rút dây lưng da, vụt đánh lung tung. Có người đi báo với hai công an viên được giao nhiệm vụ giữ trật tự trị an trong thôn là Bùi Văn B và L. B đến bảo Th say rượu thì nên về nhà đi ngủ, Th liền chửi B và xông và đòi đánh B. B giơ súng ra bảo đứng lại thì Th chạy tới chụp nòng súng đè xuống đất và dùng một tay đánh đánh mạnh vào mang tai B, B bóp cò súng bắn Th bị thương nặng sau hai giờ thì chết. Tòa án đã xét xử Bùi Văn B về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ví dụ 2: Nguyễn Văn T là nhân viên thủ kho thuộc nhà máy Đ. Nhà máy này đã nhiều lần bị kẻ gian vào lấy trộm. Một đêm, có người phát hiện thấy chỗ hút bụi của kho nhà máy có dấu vết gạch bị đập vỡ, nghi có kẻ trộm đã vào chỗ đó. Nguyễn Văn T cùng một người khác lên kế hoạch rình bắt kẻ trộm, T dùng một khẩu súng carbine ra ngồi rình tại nhà kho, được một lúc, T thấy có người đến rút các viên gạch ở lỗ hút bụi ra rồi thò đầu vào. Thấy vậy, T liền giơ súng bắn một phát vào lỗ thoát bụi. Nạn nhân là Nguyễn Ngọc Tr, bị trúng đạn chết tại chỗ. Tr là một phần tử hay trộm cắp, tối hôm đó định chui vào kho nhà máy với ý đồ trộm cắp, nhưng chưa thực hiện được thì đã bị bắn chết. Trong vụ án này, T đã bị xử về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ví dụ 3: Nguyễn Văn H là tổ trưởng bảo vệ Hợp tác xã, đồng thời là công an xã. Vào một buổi tối, khoảng 19 giờ, H cùng một số người nữa đi tuần tra, đến một sườn núi thấy có đám đánh bạc trên núi. Nghe động, các con bạc tắt đèn bỏ chạy tán loạn, H hô: “Đứng lại!” và bắn hai phát chỉ thiên nhưng các con bạc vẫn chạy, H đến chỗ đánh bạc thu được một số tang vật vứt bừa bãi như chiếu, đèn, đĩa, quân bài… Ngay lúc ấy, H phát hiện có thấy một bóng đen đi lom khom ở sườn núi, H đã bắn theo một phát, thấy bóng đen ngã xuống, H chạy đến và nhận ra bà T là một con bạc. Bà T bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nhưng đã chết sau khoảng vài giờ. Trong vụ án này, Nguyễn Văn H đã bị xử về tội giết người trong khi thi hành công vụ.

Ví dụ 4: Nguyễn Văn N là đội phó du kích xã. Một đêm khoảng 23 giờ, N cùng một số anh em du kích đi tuần tra gặp Nguyễn Văn T và Trần Văn L đang xô xát trên đường. N mời hai người về trụ sở ấp để giải quyết. L đi, còn T không chịu đi. N dọa trói để đưa về trụ sở nhưng T không nghe, còn thách thức tục tằng, N tức giận đã bắn chết T. Tòa án nhân dân tỉnh B đã xử N về tội giết người trong khi thi hành công vụ.

Qua bốn ví dụ cụ thể vừa nêu, mặc dù đối tượng gây án đều là những người đang thi hành công vụ nhưng với những tình tiết khác nhau của từng vụ án mà bị cáo bị truy tố về các tội danh khác nhau.

Trong ví dụ 1, 2 rõ ràng hành vi gây thiệt hại của bị cáo nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại trực tiếp của nạn nhân, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc của người khác hay hành vi trái pháp luật xâm hại tới một lợi ích nào đó của xã hội và hành vi xâm hại này còn đang xảy ra, đang tiếp tục hoặc chưa chấm dứt. Tuy nhiên, nếu hành vi của người thực thi nhiệm vụ là cần thiết với hành vi xâm hại thì người thực thi nhiệm vụ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng ở đây, hành vi gây thiệt hại cho nạn nhân của người đang thi hành công vụ rõ ràng là quá đáng. Ở ví dụ 1, Bùi Văn B chưa cần phải nổ súng vẫn có thể đẩy lùi được sự tấn công của Th vì lúc đó anh ta có hai người, bên cạnh đó lại có rất nhiều thanh niên có thái độ không đồng tình với Th và hơn nữa, Th chỉ có tay không và đang say rượu. Trong ví dụ thứ 2, khi Nguyễn Ngọc Tr mới thò đầu vào lỗ thoát bụi thì Nguyễn Văn T đã bắn ngay. Muốn chống trộm, Nguyễn Văn T có thể dùng biện pháp khác như hô hào mọi người để bắt Tr. Chính vì vậy, Bùi Văn B và Nguyễn Văn T đều bị xử về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tại ví dụ 3, 4 thì Tòa án lại định tội các bị cáo là giết người trong khi thi hành công vụ vì cả hai trường hợp này có cùng một dấu hiệu đặc trưng là người thực thi nhiệm vụ sử dụng vũ khí gây chết người không phải để nhằm ngăn chặn sự tấn công của người bị hại và cũng không phải để ngăn chặn một tội phạm, một hành vi nguy hiểm cho xã hội đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra ngay tức khắc mà để ngăn chặn một người có hành vi trốn tránh pháp luật được thể hiện dưới dạng bỏ chạy hoặc kháng cự không chịu tuân theo mệnh lệnh bắt giữ nhưng không có hành động tấn công gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ hay người khác. Tuy nhiên, do trường hợp phạm tội trong khi thi hành công vụ chỉ xảy ra khi người thực thi nhiệm vụ sử dụng vũ khí để đối phó với việc người phạm pháp hoặc bị tình nghi phạm pháp trốn tránh hoặc kháng cự lại không tuân theo mệnh lệnh của người thực thi nhiệm vụ, do đó phải có mệnh lệnh nào đó mà người phạm pháp không chịu nghe theo trước khi sử dụng vũ khí. Vì vậy, phải có hai điều kiện:

- Có mệnh lệnh của người thực thi nhiệm vụ;

- Có biểu hiện trốn tránh hoặc kháng cự không tuân theo lệnh của người phạm pháp hoặc tình nghi là phạm pháp.

Nếu thiếu một trong hai điều kiện này thì không được coi là phạm tội trong khi thi hành công vụ.

Qua 4 ví dụ trên, có thể rút ra kết luận để phân biệt giữa phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phạm tội trong khi thi hành công vụ trong trường hợp bị cáo là người đang thi hành công vụ. Cụ thể là:

- Nếu hành vi gây thiệt hại cho nạn nhân là nhằm ngăn chặn sự tấn công của nạn nhân gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thi hành công vụ hay người khác hoặc việc gây thiệt hại đó nhằm ngăn chặn nạn nhân có một hành vi xâm hại cho một lợi ích nào đó của xã hội, trường hợp này nếu không cần thiết thì là phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

- Nếu hành vi gây thiệt hại là nhằm ngăn chặn một người phạm pháp trốn tránh pháp luật như : Bỏ chạy, kháng cự không tuân theo (không có sự tấn công gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sức khỏe của người thực thi nhiệm vụ hay người khác), trong trường hợp này nếu không cần thiết thì là phạm tội trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, nếu người thực thi nhiệm vụ sử dụng vũ khí và đã gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của những người trốn tránh chưa chấm dứt tội phạm thì vấn đề trở nên phức tạp nhiều. Ví dụ: Hành vi của một người công an gặp một kẻ đang móc túi người khác, người công an đã hô đứng lại và bắn chỉ thiên nhưng tên trộm vẫn cầm cả ví tiền hòng chạy trốn cho nên người công an đã bắn chết tên trộm. Hành vi của người công an trong trường hợp này mang tính chất phòng vệ hay thi hành công vụ? Chính vì vậy, về vấn đề này cần có sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất.

4. Trường hợp vượt quá giới hạn Phòng vệ chính đáng với phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh

Theo tinh thần của Chỉ thị số 07/TANDTC ngày 22/12/1983 và Nghị quyết 02/HĐTP - TANDTC ngày 05/01/1986 thì hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ. Hành vi xâm phạm đã xảy ra là hành vi đã bắt đầu và chưa kết thúc. Trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc thì mọi hành vi chống trả cũng không được coi là phòng vệ. Nhưng nếu trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc của chính người đó xâm phạm đến lợi ích chính đáng cần bảo vệ thì cũng không coi đó là hành vi xâm phạm đã kết thúc và người chống trả vẫn được xem là phòng vệ.

Ví dụ: Tâm đánh Dũng, Dũng tức quá chạy về lấy dao chạy vào nhà chém Tâm nhưng Tâm đỡ được, Dũng tức vì không chém được Tâm lại bị Tâm xô ngã Dũng liền xông tới đánh mẹ của Tâm đang nằm liệt trên dường, Tâm dùng khúc cây đánh mạnh vào đầu Dũng vài hôm sau Dũng chết. Trong trường hợp này mặc dù hành vi xâm phạm của Dũng đối với Tâm đã kết thúc nhưng tiếp sau đó là hành vi cũng của Dũng xâm hại tới sức khỏe của mẹ Tâm, Tâm vì bảo vệ mẹ nên đã lấy khúc cây gần đó chống trả lại hành vi của Dũng, hành vi của Tâm cũng được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Trên thực tế, hành vi này rất dễ bị lầm lẫn với hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 95 và khoản 1 Điều 105 của BLHS. Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với người thân thích của người chống trả, còn phòng vệ chính đáng người phòng vệ chống trả lại sự xâm hại của nạn nhân đối với lợi ích cần bảo vệ, lợi ích bảo vệ có thể là của bản thân hay lợi ích của người khác. Do đó, khi xét hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ thì pháp luật chưa quy định rõ trường hợp phòng vệ như trên.

Tóm lại, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, bởi vì nó phù hợp với đạo đức xã hội và được Nhà nước bảo vệ. Chế định phòng vệ chính đáng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định hành vi phòng vệ của một người có phải là phòng vệ chính đáng hay không đồng thời trên cơ sở đó để xác định có hay không có hành vi phạm tội cũng như TNHS của tội phạm. Trên thực tế hiện nay, không chỉ có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng mà đang nổi lên việc xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản sau đó đi liền với sự xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ đối với người bị xâm phạm. Ví dụ như “Cẩu tặc”, cướp giật, trộm cắp khi bị phát hiện các đối tượng này thường có những hành động nguy hiểm như đánh, chém, bắn bằng súng tự tạo nhằm thoát thân, lấy cho bằng được tài sản. Chính vì lẽ đó, chế định phòng vệ chính đáng cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong việc áp dụng vào thực tiễn để mọi người được hưởng quyền và có trách nhiệm với xã hội, ngược lại sẽ có tác dụng tiêu cực mà thực tế đang diễn ra như: Một số người cho rằng quy định của pháp luật khiến các cơ quan tố tụng thay vì xử lý triệt để cái xấu thì đang có chiều hướng dung túng cái xấu; hoặc mỗi Toà xử một kiểu; hay phạm tội vì chống lại cái xấu. Đối với những nhà chuyên môn thì: Chẳng lẽ khi bị kẻ xấu tấn công, chỉ được khoanh tay chịu đựng? Còn phản ứng lại thì phải ở tù sao? Đây là vấn đề cần thiết phải có lời giải đáp bằng các văn bản pháp lý cụ thể.

 

Hồ Nguyễn Quân - Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4