Ranh giới phân biệt giữa XLVPHC với XLHS đối với hành vi sử dụng, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo nổ?

Dù việc đốt pháo không phải là truyền thống riêng của Việt Nam, cũng không phải của châu Á mà qua nghiên cứu thấy rằng, đó là truyền thống của rất nhiều cộng đồng cư dân thế giới. Truyền thống này bắt đầu từ những quan niệm về tâm linh, đời sống; từ mối liên tưởng giữa sức mạnh của thiên nhiên, như tiếng sấm, được phản ánh vào tâm thức của con người. Mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa có biểu hiện khác nhau và trong xã hội truyền thống đó là một phần của đời sống, không chỉ thể hiện trong dịp lễ tết mà còn thấy trong nhiều nghi thức, lễ hội.

Nguyên liệu chính để làm pháo nổ là thuốc nổ có thành phần chủ yếu là lưu huỳnh, bột than, muối nitrat (kali nitrat) hoặc kali clorat,…Tùy theo từng loại pháo, khi đốt thuốc nổ cháy sẽ sinh ra lượng lớn khí lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit, cacbon đioxit, cacbon monoxit là những khí và bụi của các oxit kim loại có hại cho sức khoẻ con người. Trong đó lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit là những chất có tính ăn mòn, tính axit và tính oxy hoá - khử rất mạnh. Chính các chất khí này khi hoà tan vào nước mưa sẽ tạo nên các đám mưa axit. Ngoài ra, còn kích thích mạnh đường hô hấp khiến con người bị ho, viêm phế quản. Khi sản xuất, vận chuyển hoặc đốt pháo có thể xảy ra những sơ suất làm nổ một lượng lớn thuốc pháo hoặc pháo thành phẩm hậu quả thương vong, thiệt hại về vật chất là điều không thể tránh khỏi. Ở nước ta, trước đây nhiều tai nạn xảy ra trong những ngày lễ, tết, đặc biệt vào dịp tết Nguyên do sản xuất, vận chuyển và đốt pháo nổ với hậu quả thật đáng tiếc, trong đó không ít trường hợp thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng (chết người, gây thương tích, hỏa hoạn,…). Ngoài tiếng nổ đinh tai, nhất là đốt pháo ném ra đường bất ngờ có thể làm cho trẻ em, người tham gia giao thông bằng xe máy, khách bộ hành kinh hoàng, gây tác động xấu đến trật tự công cộng…. Mặt khác về kinh tế, mỗi năm riêng việc đốt pháo ở nước ta trong những ngày lễ, hội, tết, mừng khánh thành,… đã tiêu tốn nhiều chục tỷ đồng, đó là chưa tính đến việc bắn pháo hoa công cộng. Trong khi đó, đời sống của rất nhiều người dân ở các vùng sâu vùng xa, vùng núi cao; con em của một bộ phận đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn về cái ăn cái mặc rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chia xẻ của cộng đồng.

Chính vì các tác hại nghiêm trọng nêu trên, Nhà nước đã có quy định cấm việc sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ và được tuyệt đại đa số người dân ủng hộ và tự giác chấp hành. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009, về quản lý, sử dụng pháo. Mà theo đó, tại Điều 4, Nghị định này có quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

“1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.

4. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.”

Ngày 12/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (viết tắt Nghị định 167/2013/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự hiện hành cũng có những tội danh quy định về các hành vi bị coi là tội phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng các quy định từ những văn bản quy phạm pháp luật đã nêu nhằm đấu tranh ngăn chặn và xử phạt hành vi vi phạm vẫn còn nhiều bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Cụ thể:

Thứ nhất, tại điểm b, khoản 2; điểm d khoản 4; điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định:“Sử dụng các loại pháo mà không được phép” bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểmbị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; “Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm” thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Nghiên cứu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, thấy rằng mức quy định xử phạt vi phạm hành chính như trên là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Hành vi đốt pháo nổ trái phép về bản chất là hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng nếu so sánh với hành vi gây rối theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, trong khi đó nếu một người có hành vi đốt pháo nổ, nghĩa là họ thực hiện hành vi gây rối thì mức xử phạt tiền chỉ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mặt khác, nhà làm luật khi thiết kế quy phạm xử phạt này cũng chưa có sự tách bạch giữa hành vi vi phạm với số lượng nhiều với một lần vi phạm với số lượng ít khi bị phát hiện. Điều này có nghĩa là, trường hợp người vi phạm chỉ đốt 01 viên pháo khác về tính chất, mức độ vi phạm với người đốt liên tục nhiều phong (cuộn, dây) pháo ước chừng hơn 0,5 kg pháo nổ thì cũng đều có thể bị xử phạt tiền trong khung giới hạn từ 1.000.000 đồng đến tối đa là 2.000.000 đồng. Từ đó, nên nhiều người dân tại nhiều địa phương nhất là trong đêm giao thừa vẫn cứ mặc nhiên vi phạm quy định cấm đốt pháo nổ, bất chấp việc trước đó chính quyền địa phương tuyên truyền nhắc nhở, thậm chí viết bản đăng ký không đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng tình trạng “nhờn” luật vẫn cứ xảy ra. Mặt khác, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắt Luật Xử lý VPHC), quy trình thủ tục xử phạt vi phạm cũng khá rườm rà, mà theo đó, theo Điều 58 của Luật này quy định, hồ sơ xử phạt bao gồm Biên bản vi phạm hành chính, nhưng việc phải lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi đốt pháo nổ là điều thật sự không đơn giản, vì theo khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý VPHC: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.”. Vấn đề ở chỗ, trong khi địa bàn phụ trách trên phạm vị xã, phường quá rộng, lực lượng công an, dân quân đảm nhiệm công tác tuần tra mỏng, phương tiện trang bị cho lực lượng này thiếu nhiều,… Hơn nữa, người  vi phạm thường  lợi dụng lúc đêm tối, nơi vắng người qua lại để thực hiện hành vi vi phạm, nên cho dù tại hiện trường trước sân nhà, cổng rào xác pháo nổ đỏ rực mà người dân đi đường hoặc người trong gia đình lén lút đốt trái phép rồi ném ra đường, nhưng việc lập biên bản vi phạm hành chính làm cơ sở ra quyết định xử phạt vi phạm là điều không thể, vì không bắt được quả tang! Chính vì lẽ đó, có thể có rất nhiều trường hợp vi phạm quy định cấm này, nhưng kết quả xử phạt vi phạm thường rất ít, chiếm tỉ lệ rất thấp.

Thứ hai, Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định vệ tội gây rối trật tự công cộng, như sau:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

Để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng và thống nhất đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 (viết tắt Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT). Mà theo đó, tại Phần II của Thông tư này có hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ như sau:

1. Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 BLHS:

a) Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

b) Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

c) Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

e) Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 245 BLHS:

a) Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng” theo mục 1 phần II Thông tư này;

b) Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

c) Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);

d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

3. Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật này, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra. Ví dụ: Nếu đốt pháo nổ gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 245 BLHS, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại Điều 104 BLHS.”

Ngoài ra, tại Phần III Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT có hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tang trữ pháo nổ, thuốc pháo như sau:

“1. Về tội danh

a) Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 232[1] BLHS;

b) Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “buôn lậu” quy định tại Điều 153[2] BLHS;

c) Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” quy định tại Điều 154[3] BLHS;

d) Người nào có hành vi mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 155[4] BLHS.

2. Về số lượng vật phạm pháp để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự

2.1. Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 2 kg đến dưới 30 kg; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng từ 1 kg đến dưới 15 kg hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 232 BLHS; nếu vận chuyển, mua bán trái phép qua biên giới thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 232 BLHS.

2.2. Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản 2, 3 và 4 tương ứng của Điều 232 BLHS:

a) Pháo nổ có số lượng từ 30 kg đến dưới 90 kg; thuốc pháo có số lượng từ 15 kg đến dưới 75 kg (khoản 2 Điều 232 BLHS);

b) Pháo nổ có số lượng từ 90 kg đến dưới 300 kg; thuốc pháo có số lượng từ 75 kg đến dưới 200 kg (khoản 3 Điều 232 BLHS);

c) Pháo nổ có số lượng từ 300 kg trở lên; thuốc pháo có số lượng từ 200 kg trở lên (khoản 4 Điều 232 BLHS).

2.3. Người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 10 kg đến dưới 50 kg (được coi là số lượng lớn) hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.

2.4. Người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 50 kg đến dưới 150 kg (được coi là số lượng rất lớn) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.

2.5. Người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 150 kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.

2.6. Một người cùng lúc phạm nhiều tội quy định tại một trong các điều 153, 154, 155 và 232 BLHS hoặc cùng một lúc phạm nhiều tội quy định tại nhiều điều luật khác nhau (ví dụ: vừa phạm tội quy định tại Điều 232, vừa phạm tội quy định tại Điều 153 hoặc phạm cả 4 tội quy định tại các Điều 153, 154, 155 và 232 BLHS), thì phải bị xét xử với mức hình phạt cao của khung hình phạt quy định cho mỗi tội.”

Nghiên cứu nội dung của hướng dẫn vừa nêu, có thể thấy rằng sẽ có vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn, cụ thể:

Một là, theo quy định tại các điểm a, b, c Mục 1 Phần II của Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT thì chỉ cần người thực hiện hành vi vi phạm quy định cấm đốt pháo nổ thì coi như đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 245 BLHS, mà không cần biết họ đã đốt với số lượng pháo nổ là bao nhiêu viên. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “Sử dụng các loại pháo mà không được phép”. Điều này có nghĩa là ranh giới phân biệt để áp dụng quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi vi phạm quy cấm đốt pháo nổ là rất “mỏng manh”, từ đó việc áp dụng pháp luật thực định vào thực tiễn của người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, do vậy, dễ nảy sinh tình trạng hoặc quá lạm dụng “xề xòa” trong xử phạt hoặc quá nghiêm khắc mà lẽ ra không cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự người vi phạm.

Hai là, nói đến nơi công cộng, mọi người đều có thể hiểu đó là nơi tụ tập đông người, như ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác. Như vậy, với trường hợp người có hành vi vi phạm quy định cấm đốt pháo nổ tại sân nhà riêng của họ, với số lượng thỏa mãn theo quy định tại điểm a Mục 1 Phần II của Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến sau:

+Loại ý kiến thứ nhất, vì sân nhà riêng của hộ gia đình là khoảng không gian riêng biệt, nhất là ở vùng nông thôn mà mỗi hộ gia đình ngoài diện tích đất thổ cư ra, còn có đất nông nghiệp; nếu là nhà ở đô thị nhưng không phải là khu chung cư, không vi phạm về lộ giới, không vi phạm quy hoạch sử dụng đất của cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đó khuôn viên nhà ở của họ không phải là nơi công cộng, nên không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm quy định cấm đốt pháp nổ, cho dù số lượng pháo nổ họ đã đốt tại sân nhà riêng của mình lên đến hàng kg.

+Loại ý kiến thứ hai, đối tượng tác động của tội phạm quy định tại Điều 245 BLHS là các quy tắc sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi,… ở những nơi công cộng. Nhưng nếu có hành vi gây rối ở những nơi dù không mang tính công cộng, như đốt pháo nổ tại nhà riêng gây đinh tai nhức óc cho mọi người xung quanh là xâm phạm đến trật tự công cộng thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm được quy định tại Điều 245 BLHS.

Tác giả đồng tình với loại ý kiến này, vì có như thế mới bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật bằng việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người cố ý vi phạm quy định cấm đốt pháo nổ với số lượng lớn tại khu vực nhà riêng của mình, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương, làm cho việc chấp hành pháp luật bị lỏng lẻo.

Ba là, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nghiên cứu quy định này có thể thấy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xây dựng quy phạm này đã thiết kế theo hướng chỉ cần người nào có hành vi mua, bán, vận chuyển trái phép pháo nổ… là coi như đã vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt vi phạm theo quy định trên, mà không cần thiết phải chứng minh tang vật vi phạm là pháo nổ có số lượng là bao nhiêu. Cũng tương tự như vậy, tại điểm b và điểm d Mục 1 Phần III Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT quy định:“ Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “buôn lậu” quy định tại Điều 153 BLHS”; “Người nào có hành vi mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 155 BLHS.”Với quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể định lượng pháo nổ là đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 153, Điều 155 BLHS, cũng sẽ gây lúng túng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi lựa chọn quy phạm pháp luật áp dụng cho thật chính xác. Nghĩa là với số lượng bao nhiêu pháo nổ khi  người vi phạm quy định về mua, bán, vận chuyển trái phép pháo nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể về nội dung này để thống nhất chung về nhận thức khi áp dụng, đồng thời tránh tình trạng hoặc quá lạm dụng “xề xòa” trong xử phạt hành chính hoặc quá nghiêm khắc mà lẽ ra không cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự người vi phạm.

Bốn là, tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm”. Về bản chất, đây là quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm qua biên giới, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm là biên giới chứ không phải là nội địa. Thực tiễn vận dụng quy định này để xử phạt vi phạm của cơ quan chức năng cũng còn có vướng mắc cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm hướng dẫn thống nhất khi áp dụng, đó là: Với đối tượng là pháo nổ, người vi phạm có hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép với số lượng tối thiểu là bao nhiêu viên hay trọng lượng là bao nhiêu kg và nếu như người vi phạm chỉ vận chuyển duy nhất một loại pháo nổ thôi thì có bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP? Quan điểm nghiên cứu của tác giả cho rằng, nhà làm luật sử dụng cụm từ “các loại pháo”, có nghĩa là người vi phạm phải vận chuyển trái phép qua biên giới ít nhất từ hai loại pháo nổ trở lên, như pháo đùng, pháo tép, pháo dây, pháo chuột,... thì mới thỏa mãn quy định trên. Còn về số lượng, căn cứ vào hướng dẫn tại Tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần III Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT, thì trọng lượng pháo nổ từ dưới 10 kg trở xuống thì có thể áp dụng quy định tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính.

 

Phạm Thị Hồng Đào


[1] Điều 232. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ   

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ  một năm đến năm năm.

[2] Điều 153. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm  triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232,  233, 236 và 238 của Bộ luật này;

b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;

c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232,  233, 236 và 238 của Bộ luật này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm  đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn;

e) Thu lợi bất chính lớn;

g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác;

h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

k) Phạm tội nhiều lần;

l)  Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn;

c) Thu lợi bất chính rất  lớn;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù  từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính  đặc biệt  lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

[3] Điều 154. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới

1. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm  triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232,  233, 236 và 238 của Bộ luật này;

b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm;

c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Hàng cấm có số lượng rất lớn;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Phạm tội nhiều lần;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng,  cấm đảm nhiệm chức vụ,  cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

[4] Điều 155. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm

1.  Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán  hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn  hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại  các Điều  193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236  và 238 của Bộ luật này, thì  bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc thu lợi bất chính rất lớn;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3.  Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn  hoặc thu lợi bất chính  đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ  tám năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.