Bán hàng đa cấp (BHĐC) ra đời ở Mỹ từ những năm 40 của thế kỷ XX. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, đến nay bán hàng đa cấp đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và được ghi nhận là một phương thức phân phối khá tiên tiến và tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Hiệu quả của mô hình bán hàng đa cấp chính là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được đến trực tiếp với người tiêu dùng, do cắt bỏ những chi phí trung gian.
Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh đa cấp cũng phát triển và gặt hái nhiều thành công từ những năm 90 của thế kỷ trước, với sản phẩm dịch vụ chính là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Sau những năm 2000, các sản phẩm được phân phối dưới dạng BHĐC đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam được xem là thị trường đầy hấp dẫn cho mô hình BHĐC. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, tính đến thời điểm ngày 9/12/2015, Cục này đã cấp 62 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó có nhiều công ty được báo giới cũng như người dân biết đến nhiều như: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Aim Star Network Việt Nam, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân; Công ty TNHH Tam Sinh Yotofo Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Sản xuất – Thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt), Công ty TNHH Unicity Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Tri Thức, Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Công ty TNHH Network Hoàng Kim, Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam, Công ty TNHH Homeway Việt Nam, Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam, Công ty TNHH Ogano Gold Việt Nam, Công ty Cổ phần Queenet Quốc Tế,… Số lượng người tham gia vào hoạt động BHĐC khoảng gần 1,4 triệu người, về mặt xã hội, BHĐC đã tạo thêm hàng triệu công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước mỗi năm. Tuy nhiên, không ít người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp lại thiếu kiến thức chuyên môn về sản phẩm, chạy theo lợi nhuận, theo doanh số, thổi phồng công dụng của sản phẩm, đó là chưa kể đến việc bán hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng xấu đến mô hình BHĐC, quyền lợi của người tiêu dùng bị lợi dụng, xâm phạm. Rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hiệu quả bị thổi phồng đã được tung ra thị trường bằng hình thức BHĐC với chiết khấu rất cao 30 – 50% cho người bán hàng. Với siêu lợi nhuận, rất nhiều người đã bất chấp tất cả để dụ dỗ, lôi kéo thúc ép người thân, bạn bè, họ hàng tham gia mạng lưới BHĐC. Đặc biệt, đã có rất nhiều công ty BHĐC vi phạm các quy định của pháp luật, tiến hành các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo những người tham gia. Gần đây nhất, ngày 19/02/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố 7 bị can là lãnh đạo và tổng đại lý của Công ty Liên Kết Việt.
Lần đầu tiên thuật ngữ “bán hàng đa cấp” được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11[1] Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004, bên cạnh Luật Cạnh tranh 2004, BHĐC được điều chỉnh bởi Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (viết tắt Nghị định 110/2005/NĐ-CP), Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005 của Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP và Thông tư số 35/2011/TT-BCT ngày 23/9/2011 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2005/TT-BTM. Mặc dù là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên và cao nhất điều chỉnh đối với hoạt động BHĐC nhưng Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ đưa ra khái niệm về BHĐC và quy định cấm một số hành vi BHĐC bất chính bị cấm mà chưa đưa ra cơ chế quản lý đối với hoạt động này. Nghị định 110/2005/NĐ-CP chính thức thiết lập một cơ chế quản lý đối với hoạt động BHĐC từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của Bộ Công Thương (thông qua Cục Quản lý cạnh tranh) và Ủy ban nhân dân các tỉnh (thông qua các Sở Công Thương). Theo Nghị định 110/2005/NĐ-CP, các doanh nghiệp muốn tổ chức BHĐC thì phải đăng ký với Sở Công Thương và sau đó mở rộng hoạt động ra địa bàn nào thì thông báo với Sở Công Thương tỉnh đó. Một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp được đăng ký hoạt động BHĐC đó là phải ký quỹ tối thiểu 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn một tỷ đồng. Để đảm bảo hiệu quả của cơ chế quản lý tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP, Nghị định 120/2005/NĐ-CP quy định chế tài xử lý đối với hành vi BHĐC bất chính với mức tiền phạt cao nhất là 100 triệu đồng.
Sau gần 10 năm thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý BHĐC đã bộc lộ một số bất cập, hoạt động BHĐC xuất hiện nhiều biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, nhiều chủ thể lợi dụng các khe hở của pháp luật để thực hiện các hành vi bất chính khiến cho hoạt động BHĐC ngày càng trở nên xấu đi trong mắt cộng đồng xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Từ thực tiễn đó, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 (viết tắt Nghị định 42/2014/NĐ-CP). Nghị định này thay thế cho Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Mà theo đó, nhiều nội dung được quy định trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động BHĐC. Song song đó, Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (viết tắt Nghị định 71/2014/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 120/2005/NĐ-CP, mà theo đó, cũng nâng cao mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC lên đến 200 triệu đồng và bổ sung quy định xử lý đối với nhiều hành vi mới được quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185 /2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2016 (viết tắt Nghị định 124/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy mức xử phạt vi phạm của nhiều hành vi vi phạm xoay quanh hoạt động BHĐC của doanh nghiệp và người tham gia BHĐC mà theo quy định của pháp luật còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cho nên các đối tượng sẵn sàng vì lợi nhuận mà chịu phạt để được tồn tại hoặc thiếu những nội dung quy định cụ thể trong hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC của cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền khi tiến hành hoạt động này, nên nhiều bất cập phát sinh cần được khắc phục. Cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về BHĐC, tại Điều 36[2] Nghị định 71/2014/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt đối với doanh nghiệp BHĐC, không quy định việc xử phạt đối với người tham gia BHĐC. Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định này:“Mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.”.Thực tiễn cho thấy, quy định xử phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe phòng ngừa vi phạm. Ví dụ, qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp BHĐC A có những hành vi vi phạm, như:
1.Hoạt động bán hàng đa cấp mà không đảm bảo các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
2. Không thực hiện thủ tục đề nghị thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi;
3. Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp;
4. Thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp;
5. Hoạt động bán hàng đa cấp ở tỉnh nơi doanh nghiệp không có trụ sở chính khi chưa có xác nhận của Sở Công Thương tỉnh
7. Thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo;
8. Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Như vậy, với 8 lỗi sai phạm trên của doanh nghiệp BHĐC A, nếu theo quy định của pháp luật hiện hành thì mức xử phạt tối đa đối với doanh nghiệp BHĐC A cũng không quá 200.000.000 đồng, nên họ sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm, vì sự vi phạm đó hoàn toàn có lợi đối với họ!
Mặt khác, BHĐC là một phương thức kinh doanh phức tạp, dễ phát sinh những biến tướng, vi phạm, gây mất ổn định môi trường kinh doanh và thiệt hại cho người tiêu dùng. Thực tế vẫn còn một bộ phận các doanh nghiệp BHĐC lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc kiểm soát chưa đồng bộ, triệt để của cơ quan chức năng, đã có những hoạt động kinh doanh trái pháp luật, như kinh doanh thương mại điện tử không đúng với bản chất công việc, huy động vốn người tham gia, đầu tư tài chính, đầu tư ảo, nhượng quyền thương mại online, kinh doanh hàng hóa trá hình…Chẳng hạn, Công ty Thế Giới Mới (hoạt động BHĐC) đã tung ra một chiêu thức rất mới, đó là, các nhà phân phối của công ty sẽ được đồng hưởng 2% doanh số bán hàng theo đơn vị phần vốn trên toàn quốc đến khi nào thu hồi đủ vốn tích lũy thì thôi. Để trở thành một nhà phân phối hay nhà đầu tư tại Công ty Thế Giới Mới, ngoài các điều kiện như đủ 18 tuổi, có người giới thiệu… thì người tham gia phải lựa chọn các gói như: Gói khởi động là 5 triệu, gói chuyên nghiệp là 9,6 triệu, gói bạc 192 triệu, gói vàng 480 triệu, gói Kim cương 960 triệu. Trong trường hợp này người tham gia đã đăng ký gói 9,6 triệu đồng để mua hàng. Điều đáng nói ở đây là trong phiếu đặt hàng theo hướng dẫn của Công ty không ghi rõ cụ thể là loại hàng hóa gì, mà chỉ ghi chung chung là “thực phẩm chức năng”, nên người tham gia không biết rõ loại thực phẩm chức năng mà mình đã đăng ký là loại gì về thương hiệu, thành phần, nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất,…. Do vậy, rất có thể là một hình thức đầu tư tài chính trái phép. Khác với các hình thức BHĐC thực phẩm chức năng mà nhiều người được biết từ trước đến nay đó là chia % hoa hồng rất lớn có thể là 30 – 50% cho các nhà phân phối, nhưng với hình thức các nhà phân phối của Công ty Thế Giới Mới sẽ được đồng hưởng 2% doanh số bán hàng theo đơn vị phần vốn trên toàn quốc đến khi nào thu hồi đủ vốn tích lũy thì thôi. Theo quan điểm của tác giả, cách làm của Công ty Thế Giới Mới đã “lách” hoàn toàn các điều cấm tại Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Thực tế, Công ty này không ép người, không dụ dỗ, không lôi kéo người muốn tham gia BHĐC, mà họ hoàn toàn tự nguyện tham gia để được chia lợi nhuận “đồng hưởng 2% doanh số bán hàng trên toàn quốc”. Người bán hàng tức là nhà phân phối cũng không phải dụ dỗ người khác tham gia để được hưởng hoa hồng mà chính người mua hay còn gọi là nhà đầu tư muốn tham gia để được cùng hưởng 2% lợi nhuận nói trên.
Tuy nhiên, sự tinh vi ở đây chính là chính sách phân chia lợi nhuận mà Công ty Thế Giới Mới cho các nhà phân phối được hưởng. Các nhà phân phối, hay nhà đầu tư cứ nghĩ rằng đồng hưởng 2% doanh thu trên toàn quốc là lớn. Nhưng thực chất, Công ty có bán được bao nhiêu sản phẩm đi nữa thì các nhà phân phối cũng chỉ được hưởng không quá 2% giá trị của chính số tiền mà họ đã bỏ ra. Giả sử số tiền họ bỏ ra mua một phần vốn tương đương 9,6 triệu đồng, dù Công ty Thế Giới Mới có bán được sản phẩm hàng nghìn tỷ đồng thì nhà phân phối cũng chỉ được trả 2% của 9,6 triệu đồng mà thôi. Còn phần của Công ty đương nhiên được hưởng đến 98% doanh thu. Đây là bất cập rõ nét nhất cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ quan quản lý nhà nước về BHĐC được quy định tại Chương 6 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, cụ thể:
- Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi cả nước trong các nội dung:
…
+Hướng dẫn, phối hợp với các Sở Công Thương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp;
+Trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp khi cần thiết; xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;
-Sở Công Thương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong các nội dung:
+Thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương;
+Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;
Từ những quy định này, yêu cầu đặt ra là vai trò quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước phải được tăng cường, để ngăn chặn các hành vi phi pháp, giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại cho người dân. Thực tế đã có nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng có lẽ các cơ quan quản lý vẫn chưa thật sự chú ý đến lĩnh vực này, cũng có thể do khả năng về quản lý thị trường của một số cơ quan còn hạn chế, vì thế vẫn cứ xảy ra việc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Trong những vụ việc gây “chấn động” dư luận về BHĐC, vừa xảy ra tại Công ty Liên kết Việt, người chịu thiệt trước tiên thuộc về người dân, người tham gia BHĐC trực tiếp, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, theo quan điểm của tác giả cũng cần phải làm rõ để bổ sung quy định vào pháp luật trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các chương trình tập huấn về công tác quản lý bán hàng đa cấp cho các cơ quan quản lý địa phương chưa được Cục Quản lý cạnh tranh quan tâm thường xuyên. Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, liên lạc giữa các cơ quan chức năng để tăng cường tham vấn, trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn kịp thời các vấn đề thực tiễn trong công tác quản lý BHĐC còn nhiều hạn chế. Nếu thực thi đúng luật, các doanh nghiệp BHĐC nói riêng và hoạt động BHĐC tại Việt Nam nói chung sẽ ngày càng phát triển, người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt, nhưng phải thừa nhận rằng hoạt động kinh doanh hàng đa cấp còn nhiều phức tạp, gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần có thông tin, hiểu bản chất vấn đề thì mới tránh được những hành vi lừa đảo, Nghị định 42/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp BHĐC, trong đó có quy định “cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp”. Đây được xem là hình thức hoạt động BHĐC bất chính phổ biến hiện nay. Theo Hiệp hội BHĐC Việt Nam, để phân biệt mô hình BHĐC chân chính và mô hình kim tự tháp, thông qua sẽ có 7 câu hỏi sau:
1.Chi phí tham gia có cao một cách bất hợp lý?
2.Có phải người tham gia được nhận thưởng chủ yếu nhờ vào việc tuyển dụng những người khác cùng tham gia?
3.Liệu việc nhận thưởng chủ yếu dựa trên doanh số bán hàng và dịch vụ?
4.Sản phẩm và dịch vụ có hợp pháp không?
5.Người tham gia có phải mua sản phẩm nhiều hơn khả năng bán hoặc sử dụng của mình?
6.Mô hình có cho phép trả hàng tồn kho?
7.Có hợp đồng bằng văn bản cung cấp các điều khoản quan trọng và thời gian hủy hợp đồng cụ thể?
Do vậy, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực BHĐC, cần tăng cường:
+ Phổ biến tuyên truyền pháp luật đến người dân và các cơ sở kinh doanh, buôn bán trên địa bàn.
+Nâng cao năng lực kiểm tra kiểm soát thị trường trong lĩnh vực hoạt động BHĐC.
+ Công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh, đảm bảo quyền lời người tiêu dung.
+ Sự phối hợp với các lực lượng chức năng ở các địa phương để gia tăng hoạt động giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHĐC.
Thứ ba, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP:“Người tham gia bán hàng đa cấp là người giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.”. Điều 19 của Nghị định quy định người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:
“1. Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng, các tội về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.
2. Người nước ngoài không có Giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.”
Ngoài ra, người tham gia BHĐC nếu có một trong những hành vi được liệt kê tại Điều 92[3] Nghị định 124/2015/NĐ-CP thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định này. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy việc lập các thủ tục để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với người tham gia BHĐC theo quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 92 Nghị định 124/2015/NĐ-CP là điều rất khó khăn và không đơn giản khi thực hiện, bởi lực lượng thanh tra các chuyên ngành thuộc lĩnh vực: An toàn vệ sinh thực phẩm; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi và Thú y; Thủy sản; Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ;…theo biên chế số lượng hiện tại quá ít, Thanh tra viên thực thi công vụ nói chung, kiểm tra hoạt động BHĐC nói riêng không nhiều và không thường xuyên do địa bàn phụ trách quá rộng, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh BHĐC trên địa bàn ngày càng lớn. Do vậy, dù thực tế hành vi vi phạm của người tham gia BHĐC xảy ra khá nhiều, với thời gian tương đối dài, nhưng việc phát hiện xử lý chưa kịp thời, chưa triệt để, như hành vi bán hàng đa cấp khi chưa được cấp thẻ thành viên; Thông tin không trung thực hoặc không chính xác về hàng hóa được chào bán; lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới BHĐC;…
Mặt khác, với sức mạnh lan truyền thông tin qua các trang mạng xã hội, các đoạn video ngắn mà nội dung giới thiệu hình ảnh, phương thức kinh doanh mang tính kích thích tâm lý “làm giàu nhanh” của nhiều người, nên chỉ trong thời gian ngắn thu hút hàng vạn lượt người ấn nút “like” và nhiều người trong số đó đã rời bỏ công ty BHĐC mà mình đang tham gia để nhanh chống trở thành nhà đầu tư của thương nhân BHĐC – chủ nhân đoạn video trên. Vậy hành vi “chia sẻ” đoạn video đó trên facebook cá nhân của nhà phân phối có phải là hành vi “lôi kéo, dụ dỗ” người khác… theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính tại điểm b khoản 5 Điều 92 Nghị định 124/2015/NĐ-CP không? Theo quan điểm của người viết, đây là hình thức “biến tướng” của hành vi lôi kéo người khác, là vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng để xử lý vi phạm hành vi này rất cần sự quy định cụ thể của pháp luật, như hiều thế thế nào là lôi kéo, dụ dỗ,…
Thứ tư, chỉ với quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về BHĐC, mà thực tế hiện tại có đến hai Nghị định chứa đựng nội dung này đang được áp dụng, đó là, Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185 /2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tìm hiểu quy định pháp luật về lĩnh vực này, cũng như giúp cán bộ thực thi công vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý vụ việc cụ thể, qua đó tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật có liên quan khi người dân thắc mắc, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu ban hành văn bản hợp nhất chứa đựng toàn bộ các quy phạm pháp luật có liên quan đến BHĐC cũng như quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm lĩnh vực này của hai Nghị định trên.
Tóm lại:
Hoạt động BHĐC tuy mới mẻ ở thị trường Việt Nam nhưng tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nó đã có lịch sử khá lâu. Tuy vẫn còn những tranh cãi xung quanh mô hình này nhưng việc nó vẫn được duy trì, phát triển cũng minh chứng đây không phải hoạt động xấu. Nhưng tại Việt Nam để có thể thanh lọc thị trường, trả BHĐC về với bản chất vốn có cần phải có thời gian, sự đồng hành của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có chỉ đạo “Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự…”. Người dân thì cũng phải bình tĩnh hơn với những chiêu thức tinh vi, lách luật của một số người lợi dụng chính sách cởi mở của nhà nước về phát triển kinh doanh. Không bao giờ có chuyện không làm gì mà lại trở nên giàu có. Mỗi đồng tiền được tạo nên từ giá trị lao động, rất vất vả khó nhọc, nếu người dân cứ ảo tưởng không làm gì mà cũng giàu có thì rất dễ bị lừa, nhất là nhưng hình thức đầu tư lợi nhuận cao đều phải thật cẩn trọng, kẻo mắc bẫy.
Th.S Lê Văn Sua
Tòa án quân sự khu vực 1 – QK9