Thứ nhất, vấn đề xác định thời điểm bắt đầu sự sống của con người.
Về thời điểm bắt đầu sự sống của con người, hiện nay trên thế giới còn có nhiều quan điểm khác nhau. Điều 187 Bộ luật hình sự năm 1999 của Bang California - Mỹ, qui định: “Hành vi (cố ý) làm chết bào thai một cách hiểm độc và bất hợp pháp là phạm các tội xâm phạm tính mạng của con người”[1]. Tuy ủng hộ việc bảo vệ bào thai như bảo vệ con người, nhưng ở Anh quan điểm của đa số lại cho rằng khả năng một tế bào trứng thụ tinh dẫn đến việc mang thai và sinh con cao nhất chỉ là 30%. Khả năng này được tăng lên một cách đáng kể bằng sự làm tổ của trứng đã được thụ tinh trong dạ con vì sự làm tổ của trứng trong dạ con chứng tỏ tự nhiên đã thực hiện nhiệm vụ sàng lọc và chỉ giữ lại những mầm thai có khả năng phát triển... Do đó, bào thai chỉ được xem là con người sau 14 ngày, kể từ ngày trứng được thụ tinh và làm tổ trong dạ con[2]. Những người theo quan điểm đối lập, đại diện là các ông Peter Singer (Triết gia – người Úc) lại cho rằng, thời điểm sớm nhất để được coi là con người là thời điểm bào thai được sinh ra[3].
Ở Việt Nam về vấn đề này hiện cũng có các quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu sự sống của con người, như sau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, cuộc sống của một con người được bắt đầu khi người mẹ đang đẻ, vào thời điểm một phần cơ thể của thai nhi được nhìn thấy từ bên ngoài qua âm hộ của người mẹ. Quan điểm thứ hai lại cho rằng, chỉ được coi là con người khi thai nhi đã hoàn toàn được sinh ra khỏi cơ thể người mẹ và tồn tại độc lập trong thế giới khách quan.
Sở dĩ có những quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu sự sống của con người chủ yếu là do cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về thời điểm sinh ra đứa trẻ. Bởi lẽ, việc sinh ra một em bé không phải là một thời khắc ngắn ngủi mà là cả một quá trình, từ khi bắt đầu sinh cho đến khi kết thúc việc sinh. Nếu theo quan điểm thứ nhất, thời điểm bắt đầu sự sống của con người là thời điểm bắt đầu quá trình sinh em bé, còn nếu theo quan điểm thứ hai, thời điểm bắt đầu sự sống của con người lại là thời điểm kết thúc quá trình sinh. Trong hai quan điểm trên, người viết ủng hộ quan điểm thứ nhất. Nếu khi thai nhi đã hoàn toàn được sinh ra khỏi cơ thể người mẹ quyền sống của con người mới được bảo vệ thì sẽ là quá muộn. Hơn nữa, kể từ thời điểm bắt đầu việc sinh tự nhiên của người mẹ, thai nhi trong bào thai đã “tách” khỏi bào thai của cơ thể mẹ. Lúc này, thai nhi chỉ còn dính với cơ thể người mẹ qua nhau thai. Nếu như trong suốt 9 tháng thai kỳ, nhau thai giữ vai trò là nơi trung chuyển các dưỡng chất từ người mẹ truyền sang thai nhi, nó giữ cho máu của mẹ và thai nhi luôn độc lập với nhau, nhau thai sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp oxy và các dưỡng chất, sản xuất hormone thai kỳ để nuôi dưỡng thai nhi phát triển khỏe mạnh, đồng thời ngăn không cho các vi khuẩn xâm nhập và gây hại cho thai nhi, thì đến thời điểm đó, tất cả mạch máu, đường dẫn khí và dinh dưỡng từ mẹ vào con đều đã bị “cắt đứt”. Do đó, có thể coi thời điểm này là thời điểm đứa trẻ đã “tách khỏi cơ thể người mẹ”, chuẩn bị “chui” ra ngoài để trở thành một thực thể tự nhiên độc lập. Bào thai vì chưa có những đặc điểm như đã nêu trên nên chưa được coi là con người. Hơn nữa, hành vi tác động đến bào thai thực chất là tác động đến một phần cơ thể của người mẹ. Vì vậy, không thể định các tội xâm phạm tính mạng của con người mà chỉ có thể định tội liên quan đến hậu quả mà hành vi này đã gây ra hoặc có thể gây ra cho người mẹ.
Để thống nhất trong nhận thức cũng như trong áp dụng pháp luật hình sự, tác giả kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng: Thời điểm bắt đầu sự sống của con người là thời điểm bắt đầu quá trình sinh đứa trẻ, khi một phần cơ thể của thai nhi đã được nhìn thấy từ bên ngoài qua bộ phận sinh dục ngoài (âm hộ) của người mẹ.
Thứ hai, trong những năm gần đây, không ít người sử dụng điện để bẫy chuột bảo vệ hoa màu; chống trộm... Hành vi này đã gây ra hậu quả chết người, vì vậy, người sử dụng điện vào mục đích này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây không phải là vấn đề mới phát sinh, các cơ quan tư pháp Trung ương đã có văn bản hướng dẫn về đường lối xử lý các trường hợp trên cho riêng ngành mình, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với người thực hiện hành vi sử dụng điện bẫy chuột, bảo vệ tài sản gây hậu quả chết người, cụ thể:
+ Tại Thông báo số 228/P4 ngày 26/5/1998 của Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an: Đối với các trường hợp dùng điện để bảo vệ tài sản, nếu bản thân các đối tượng đã có thông báo công khai, treo biển cấm, dặn dò những người xung quanh..., nhưng trong lúc trông coi lại bỏ đi làm việc khác để xảy ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Trường hợp khi mắc điện họ có thông báo cho mọi người biết đồng thời có tổ chức trông coi, đề phòng người qua lại, nhưng không may hậu quả chết người vẫn xảy ra thì có thể khởi tố về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp việc chết người xảy ra sau khi người sử dụng điện trái phép đã ngắt điện, nhưng do tác động của thiên nhiên hoặc do người khác vô tình làm cho hệ thống dây bảo vệ đó bị dẫn điện dẫn đến chết người thì có thể khởi tố về tội vô ý làm chết người.
+ Tại Công văn số 2293/KSĐT-TA ngày 08/11/1999 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn: Đối với hành vi dùng điện diệt chuột... nếu trước, trong và sau khi mắc điện đã có các biện pháp phòng ngừa như: Thông báo về việc mắc điện cho mọi người biết; cử người trông coi cẩn thận; mắc điện vào ban đêm ở những nơi không có người qua lại và có canh gác, phòng ngừa, nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra thì họ sẽ bị xử lí về tội vô ý làm chết người. Nếu hành vi dùng điện để diệt chuột đã được chính quyền nhân dân nhắc nhở hoặc không có các biện pháp phòng ngừa, mắc điện ở những thời điểm hoặc ở những nơi mọi người thường qua lại và đã gây ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Hành vi sử dụng điện để diệt chuột gây chết người không bị xử lí về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Tại Mục 12 Phần I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn:
a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.
b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.
Thực tiễn xét xử cho thấy việc vận dụng hướng dẫn tại Mục 12 Phần I Công văn số 81-2002/TANDTC là khoa học và phù hợp với thực tiễn, được các cơ quan điều tra, truy tố đồng tình. Tuy nhiên, đây chỉ là Công văn mà không phải là văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật, vì vậy cần pháp điển hóa thành Nghị quyết hoặc Thông tư liên tịch để dễ dàng tra cứu và thống nhất nhận thức trong áp dụng. Từ thực tiễn đó, người viết có mấy kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ban hành hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định về hành vi của người sử dụng điện mắc điện… gây hậu quả chết người, như sau:
i) Người nào sử dụng điện mắc điện vừa nhằm bảo vệ tài sản, vừa nhằm ngăn chặn con người (như mắc dây điện để chống trộm...) và đã gây ra hậu quả chết người thì phải bị xử phạt về tội giết người.
ii) Người nào sử dụng điện mắc điện tuy chỉ nhằm bảo vệ tài sản, không nhằm ngăn chặn con người (như mắc dây điện để diệt chuột...), nhưng vì không có ý thức loại trừ loại trừ hậu quả chết người nên hậu quả này xảy ra thì cũng bị xử phạt về tội giết người.
iii) Người nào sử dụng điện mắc điện chỉ nhằm bảo vệ tài sản, không những không nhằm ngăn chặn con người (như mắc dây điện để diệt chuột...) mà còn có ý thức loại trừ hậu quả chết người (cho dù hậu quả chết người xảy ra) thì chỉ bị xử phạt về tội vô ý làm chết người.
Ngoài tội giết người và tội vô ý làm chết người, người mắc dây điện để bảo vệ tài sản không bị xử lí về bất cứ tội phạm nào khác vì hành vi này chỉ thoả mãn một trong hai cấu thành tội phạm nói trên - tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người.
Mặt khác, từ thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến hành vi sử dụng điện nhằm bảo vệ tài sản, để áp dụng thống nhất những qui định của pháp luật hình sự, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn phân biệt tội giết người với tội vô ý làm chết người trong những trường hợp chủ tài sản áp dụng các biện pháp bất hợp pháp khác nhằm bảo vệ tài sản (như đặt bẫy, nuôi rắn độc, nuôi cá sấu, đào hố chông...), nhưng đã gây ra hậu quả chết người, theo hướng:
a) Định tội giết người trong trường hợp áp dụng các biện pháp bất hợp pháp vừa nhằm bảo vệ tài sản, vừa nhằm ngăn chặn con người;
b) Định tội giết người trong trường hợp áp dụng các biện pháp bất hợp pháp tuy chỉ nhằm bảo vệ tài sản, không nhằm ngăn chặn con người, nhưng vì không có ý thức loại trừ hậu quả chết người nên hậu quả này xảy ra;
c) Định tội vô ý làm chết người trong trường hợp tuy áp dụng các biện pháp bất hợp pháp nhằm bảo vệ tài sản, nhưng đã có ý thức bảo vệ tính mạng con người.
Thứ ba, hành vi giết người mà nạn nhân là ông, bà, cha, mẹ
Xoay quanh tình tiết định khung tăng nặng này, hiện còn có những quan điểm khác nhau, như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Hành vi giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng đều bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình. Bởi lẽ, đã là ông, bà, cha, mẹ thì dù là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng cũng cần phải được kính trọng. Do đó, người nào giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng đều phải bị trừng trị nghiêm khắc. Ngay từ thời phong kiến. Những kẻ mưu giết... ông bà ngoại, chồng và ông bà, cha mẹ chồng, đều phải tội chém... thuộc tội ác nghịch - Điều 416 Bộ luật Hồng Đức[4]. Việc Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bổ sung tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình vào tội giết người là sự kế thừa truyền thống lập pháp của cha ông nhằm giáo dục ý thức kính trọng ông, bà, cha, mẹ bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như nhằm trừng trị nghiêm khắc những người đã giết hại chính ông, bà, cha, mẹ của mình.
- Quan điểm thứ hai: Do điều luật quy định “giết ông, bà, cha, mẹ của mình” mà không có loại trừ, nên mọi trường hợp người thực hiện hành vi giết người mà nạn nhân là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, kể cả ông, bà trong quan hệ là nhà bác, nhà chú, nhà cậu, nhà dì với ông bà nội, ông bà ngoại của người phạm tội; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình hoặc của vợ thì đều phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết ông, bà, cha, mẹ của mình”.
- Quan điểm thứ ba: Chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này trong trường hợp người phạm tội giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của mình, còn giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hay của chồng thì không bị áp dụng tình tiết giết ông, bà, cha, mẹ của mình.
- Quan điểm thứ tư: Chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình trong trường hợp người phạm tội giết ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ của mình, còn giết cha nuôi, mẹ nuôi của mình cũng không bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này.
Qua nghiên cứu và từ thực tiễn xét xử, tác giả ủng hộ quan điểm thứ tư. Vì mấy lý do sau:
Một là, hành vi giết ông, bà, cha, mẹ của mình đã làm tăng đáng kể mức độ lỗi của người phạm tội so với trường hợp giết người thông thường. Người phạm tội trong trường hợp này đã bất chấp đạo lí, vứt bỏ nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm, giết hại chính những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình. Do đó, nếu hiểu giết ông, bà, cha, mẹ của mình quá rộng như quan điểm thứ nhất, bao gồm cả trường hợp giết ông ngoại, bà ngoại của vợ hoặc của chồng sẽ dẫn đến tình trạng xử lý nặng và không bảo đảm tính công bằng.
Hai là, tại điểm đ khoản 1 Điều 93 BLHS hiện hành, có quy định: “Giết ông, bà, cha, mẹ của mình”. Theo tác giả, quy định này phải được hiểu đối tượng bị giết có thể là ông, bà, cha, mẹ nhưng phải có cùng huyết thống với người phạm tội, bởi nhà làm luật đã khéo léo vận dụng thuật ngữ khẳng định tính “sở hữu” để nói lên [5]mối quan hệ huyết thống với nhóm đối tượng được liệt kê mà pháp luật hình sự cần bảo vệ, để có sự phân biệt với ông, bà cha, mẹ chung chung. Để dễ hiểu hơn, ta có thể tham khảo mấy câu hỏi và trả lời sau: Ai giết người? Người phạm tội; Người phạm tội giết ai? Giết ông, bà, cha, mẹ; Ông, bà, cha, mẹ của ai? Của người phạm tội. Do vậy, với trường hợp đối tượng bị giết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc của chồng, thậm chí cả cha mẹ nuôi của người phạm tội, không thể áp dụng tình tiết định khung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 BLHS, vì không cùng huyết thống với người phạm tội. Mặt khác, bên cạnh tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ của mình, cũng tại điểm đ khoản 1 Điều 93 BLHS còn qui định tình tiết giết người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình. Như vậy, nếu người phạm tội giết cha nuôi, mẹ nuôi của mình hay của vợ hoặc của chồng thì sẽ không hợp lý khi áp dụng tình tiết định khung tăng nặng giết ông, bà, cha, mẹ mà chỉ có thể áp dụng tình tiết giết người nuôi dưỡng của mình.
Thứ tư, về quy định giết nhiều người và giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người [6]
1. Giết nhiều người
Từ lí luận và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội giết người có thể thấy rằng, việc áp dụng hoặc không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” phụ thuộc vào lỗi và hậu quả của hành vi phạm tội, Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn có những quan điểm khác nhau về, cụ thể là:
- Quan điểm thứ nhất: Có thể liệt kê các trường hợp sau:
+ Trường hợp thứ nhất, nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người thì dù không có người nào chết (họ) vẫn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” nhưng thuộc trường hợp chưa đạt.
+ Trường hợp thứ hai, nếu người phạm tội cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho nhiều người thì chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” khi hậu quả chết nhiều người xảy ra; nếu hậu quả chết nhiều người chưa xảy ra thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Bởi vì, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn hậu quả chết (nhiều) người xảy ra cho nên hậu quả xảy ra đến đâu thì xử người phạm tội đến đó.
+ Trường hợp thứ ba, nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho một người (A), đồng thời cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho một (B) hoặc nhiều người khác (C) thì có thể vận dụng tình tiết định khung tăng nặng như sau:
i) Áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” khi B hoặc C chết (đây là trường hợp “giết nhiều người”, nhưng chưa đạt), hoặc khi có từ hai người chết trở lên (A - B, A - C, B - C hoặc cả A - B và C);
ii) Không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” khi cả A, B và C đều không chết hoặc khi chỉ có A chết.
- Quan điểm thứ hai: Không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” khi hậu quả chết nhiều người chưa xảy ra. Bởi vì, trong trường hợp chưa gây ra hậu quả chết nhiều người thì hành vi giết nhiều người (cho dù là cố ý trực tiếp) cũng chỉ nguy hiểm như những trường hợp giết người thông thường.
Để việc áp dụng thống nhất tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người”, tác giả kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: Vì tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” là tình tiết mà khi áp dụng phải thỏa mãn hai dấu hiệu, đó là: dấu hiệu lỗi (cố ý) và dấu hiệu hậu quả (chết nhiều người), do vậy, chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này khi thoả mãn hai điều kiện cần và đủ sau:
+ Điều kiện cần: Về mặt chủ quan, người phạm tội với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) với hậu quả chết nhiều người;
+ Điều kiện đủ: Về khách quan, đã có từ hai người chết trở lên. Nếu hậu quả này chưa xảy ra thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người”. Bởi vì, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này tăng không đáng kể so với trường hợp giết người thông thường.
2. Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người
Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng những công cụ, phương tiện hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết từ hai người trở lên như: ném lựu đạn vào chỗ đông người; cho thuốc độc vào bể nước công cộng; bắn súng vào tàu, xe, ca nô khi đang có nhiều người ở trên... Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người không những đe doạ gây ra hậu quả chết nhiều người mà còn thể hiện mức độ tàn ác của hành vi phạm tội. Khi giải quyết các vụ án giết người liên quan đến tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn không ít quan điểm khác nhau, cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất: Có thể tạm phân chia thành các trường hợp sau:
+ Trường hợp thứ nhất, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội cố ý trực tiếp giết nhiều người bằng cách sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn mà trong hoàn cảnh cụ thể việc sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn đó:
i) Đã làm chết nhiều người, nhưng không có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết “giết nhiều người”; không áp dụng tình tiết “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” vì khả năng này đã không còn tồn tại trên thực tế;
ii) Đã làm chết nhiều người và còn có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì phải áp dụng cả hai tình tiết “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”;
iii) Chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người và không có khả năng làm chết (thêm) nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết “giết nhiều người” (chưa đạt);
iv) Chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người, nhưng có khả năng làm chết (thêm) nhiều người khác thì cũng phải áp dụng cả hai tình tiết “giết nhiều người” (chưa đạt) và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.
+Trường hợp thứ hai, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội cố ý gián tiếp giết nhiều người bằng cách sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn mà trong hoàn cảnh cụ thể việc sử dụng công cụ, phương tiện hay thủ đoạn đó:
i) Đã làm chết nhiều người, nhưng không có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết “giết nhiều người”, không áp dụng tình tiết “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” vì khả năng này đã không còn tồn tại trên thực tế;
ii) Đã làm chết nhiều người và còn có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì phải áp dụng cả hai tình tiết “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”;
iii) Chưa làm chết người nào hoặc tuy đã làm chết một người, nhưng không có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì không áp dụng cả hai tình tiết “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” vì cố ý gián tiếp giết nhiều người, hậu quả xảy ra đến đâu thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm đến đó;
iv) Chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người, nhưng có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì chỉ áp dụng tình tiết “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.
- Quan điểm thứ hai: Trong trường hợp chưa gây ra hậu quả chết nhiều người thì hành vi giết nhiều người cũng chỉ nguy hiểm như những trường hợp giết người thông thường. Do đó, nếu chưa làm chết người nào hoặc mới làm chết một người thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người”, nhưng nếu hành vi đó có khả năng làm chết thêm nhiều người khác thì sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” mà thôi.
Qua nghiên cứu cũng như từ thực tiễn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến giết người, tác giả cho rằng những quan điểm đó mới chỉ đề ra hướng giải quyết nhằm giải quyết tình thế, dù phù hợp với qui định hiện hành của BLHS về tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” nhưng rõ ràng không thể hiện mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và cũng không phù hợp với yêu cầu đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa loại hành vi nguy hiểm này. Trường hợp dưới đây sẽ minh chứng cho nhận định này: Trần Minh H. vì muốn trả thù Huỳnh Văn Ph. (người đã đánh H. tại tiệc cưới nhà bạn gái của H.) nên đầu tháng 2/2014 đã mua 01 quả lựu đạn M67 (do Mỹ sản xuất) của một người không quen biết với giá 2.500.000 đồng rồi cất giữ. Khoảng 19 giờ ngày 19/02/2014 tình cờ phát hiện Ph, C, D, T và G đang cùng uống rượu tại sân nhà của Ph. Tại đây, sau khi đã rút chốt an toàn, H. đã ném quả lựu đạn vào nơi nhóm của Ph. đang ngồi. Như vậy, khi đối chiếu với các quan điểm vừa nêu, sẽ có những bất hợp lý sau xảy ra, nếu:
+ Theo quan điểm thứ nhất, khi cả Ph, C, D, T và G đều bị chết thì H. chỉ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” vì trong trường hợp này hành vi của H. không còn có khả năng làm chết thêm bất cứ người nào khác , nhưng giả sử vì lý do nào đó mà quả lựu đạn không nổ, đương nhiên trong nhóm của Ph. không ai bị chết, thì H. lại bị áp dụng cả hai tình tiết “giết nhiều người” (chưa đạt) và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” vì đây là trường hợp với lỗi cố ý (trực tiếp) giết nhiều người- rõ ràng là bất hợp lý.
+ Còn theo quan điểm thứ hai, cũng phát sinh bất hợp lý đó là, khi cả Ph, C, D, T và G đều bị chết thì H. chỉ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” vì trong trường hợp này hành vi của H. không còn có khả năng làm chết thêm bất cứ người nào khác, nhưng nếu chỉ có C, G, Ph. trong số năm người Ph, C, D, T và G không chết thì H. lại bị áp dụng cả hai tình tiết “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” vì trong trường hợp này hành vi của H. vừa làm chết nhiều người lại vừa có khả năng làm chết thêm nhiều người khác.
Để khắc phục bất hợp lí trên, theo quan điểm của tác giả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng tình tiết “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, cụ thể:
Một là, tình tiết “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” được hiểu là hành vi giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao, như: ném lựu đạn vào chỗ đông người; cho thuốc độc vào bể nước công cộng; bắn súng vào tàu, xe, ca nô khi đang có nhiều người ở trên; dùng chất nổ, chất cháy giết nạn nhân hoặc giết nạn nhân bằng cách tạt a-xít khi nạn nhân đang ở cạnh người khác... Khi áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này, không đòi hỏi dấu hiệu có khả năng làm chết nhiều người.
Hai là, để thuận tiện cho việc áp dụng, khi hướng dẫn cần có sự phân biệt rạch rồi giữa việc áp dụng tình tiết “giết nhiều người” và “giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao”, mà theo đó:
+ Chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” khi người phạm tội cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra cái chết cho nhiều người và đã có từ hai người chết trở lên, nhưng không sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội có tính nguy hiểm cao;
+ Chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao” khi người phạm tội do cố ý gây ra cái chết cho một hoặc nhiều người vì đã sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội có tính nguy hiểm cao, nhưng hành vi đó chưa gây ra hậu quả chết nhiều người;
+ Phải áp dụng cả hai tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” và “giết người bằng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn có tính nguy hiểm cao” khi người phạm tội do cố ý gây ra cái chết cho nhiều người vì đã sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội có tính nguy hiểm cao và việc sử dụng công cụ, phương tiện hoặc phương pháp, thủ đoạn phạm tội đó đã gây ra hậu quả chết nhiều người.
Thứ năm, hành vi giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác
Đây là tình tiết định khung tăng nặng thuộc về động cơ phạm tội, phản ánh người phạm tội có ác tính cao, rất coi thường tính mạng người khác. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược:
- Quan điểm thứ nhất: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng “giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác”.
- Quan điểm thứ hai: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết định khung tăng nặng “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.
- Quan điểm thứ ba: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác phải bị áp dụng cả hai tình tiết định khung tăng nặng “giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác” và “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Để áp dụng pháp luật hình sự thống nhất và chính xác, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng sau:
Thứ nhất, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác và liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân họ chỉ phạm một tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì không áp dụng tình tiết nào trong hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.
Thứ hai, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác, nhưng liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân họ lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì chỉ áp dụng một tình tiết định khung tăng nặng “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Thứ ba, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân để nhằm thực hiện hoặc để nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân thì chỉ áp dụng một tình tiết định khung tăng nặng “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.
Thứ tư, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân để nhằm thực hiện hoặc để nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân thì cần áp dụng cả hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Bởi vì, trường hợp giết người này không những có mức độ nguy hiểm cao hơn các trường hợp giết người nói trên mà nó còn thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của cả hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Do đó, nếu chỉ áp dụng một trong hai tình tiết sẽ không phản ánh đúng bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này.