Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắt Luật Xử lý VPHC), quy định: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82[1] của Luật này.”.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (viết tắt Nghị định 171/2013/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014, tại điểm d khoản 6 Điều 16 quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, mà theo đó: “Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều này bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng.”. Cụ thể điểm b và điểm c khoản 5 Điều 16 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: “Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng)”;“Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông)”
Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 171/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, mà theo đó, tại điểm d khoản 5 của Điều này quy định: “Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng.”. Mà theo đó, điểm b khoản 4 Điều 17 Nghị định này, quy định: “Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.”
Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), quy định việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, mà theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều này quy định việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;”
Việc xử lý vật chứng vụ án, được quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt BLTTHS), mà theo đó, tại điểm a khoản 2 của Điều này quy định:“Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;”. Với quy định này, chủ thể có thẩm quyền áp dụng là Tòa án, chính xác hơn là Hội đồng xét xử vụ án đó.
Tịch thu phương tiện phạm tội là một trong những hình thức tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm áp dụng đối với người có hành vi phạm tội và đối với những người khác. Sự cần thiết của biện pháp này thể hiện ở chỗ, khi được Tòa án áp dụng, nó có khả năng tác động, hỗ trợ hình phạt đối với người phạm tội hoặc trong trường hợp nhất định chúng có khả năng tác động lên người có hành vi nguy hiểm cho xã hội một cách tích cực, mà không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ. Việc tịch thu này không chỉ do Tòa án, mà cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát đều có thẩm quyền áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.”. Điều này có thể hiểu, vụ án được kết thức ở giai đoạn nào, thì cơ quan tiến hành tố tụng tương ứng có thẩm quyền áp dụng quy định này ở giai đoạn đó. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tư pháp này chỉ được dựa trên cơ sở tội phạm đã được chứng minh.
Về ý nghĩa, biện pháp tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội mang tính hỗ trợ cho hình phạt trong những trường hợp cần thiết nhằm loại bỏ điều kiện vật chất của tội phạm, ngăn ngừa khả năng người phạm tội tiếp tục sử dụng điều kiện vật chất đó để phạm tội, là tăng thêm tác dụng giáo dục, cải tạo và phòng ngừa chung của hình phạt.
Về bản chất, biện pháp tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội được thực hiện khi một vật, tài sản đó được sử dụng như công cụ, phương tiện để phạm tội, thì bản thân vật đó, tài sản đó đang bị khai thác giá trị sử dụng một cách bất hợp pháp, nên chính nó chứ không phải vật thay thế nó hoặc tài sản có giá trị tương đương với nó chứa đựng yếu tố bất hợp pháp. Do đó, vấn đề tịch thu sung quỹ nhà nước công cụ, phương tiện phạm tội chỉ có thể đặt ra đối với chính tài sản đó. Cho nên, chỉ có thể tịch thu vật, tài sản dùng vào việc phạm tội khi chính nó đang tồn tại trên thực tế, nhưng phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội hoặc không thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý hợp pháp của người không liên quan đến tội phạm mà cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định được. Công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm được hiểu:
Một là, công cụ, phương tiện đó là tài sản của người phạm tội, tức là tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội và được người này sử dụng làm phương tiện hay công cụ để thực hiện hành vi phạm tội, như: các loại hung khí có tính gây sát thương (dao, búa, thanh sắt, kiềm,…); tiền các loại, giấy tờ giả (tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ (kể cả tiền giả), giấy đăng ký xe mô tô, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở, giấy chứng minh nhân dân,…tất cả đều là giả); các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường thủy (xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô, xuồng máy,…), những vật, tiền này đều phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc bị tiêu hủy nếu không còn giá trị sử dụng.
Hai là, công cụ, phương tiện đó là tài sản thuộc sở hữu của nhà nước, tổ chức cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội mà người đó có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội. Nếu chủ tài sản có lỗi cố ý để cho người phạm tội sử dụng tài sản của mình vào việc phạm tội và đủ các điều kiện của đồng phạm, thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã được thực hiện và số tài sản đó bị tịch thu sung quỹ nhà nước với tư cách là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Nếu người có tài sản có lỗi vô ý để người phạm tội sử dụng tài sản của mình để thực hiện tội phạm, thì tài sản đó có thể bị tịch thu hoặc không bị tịch thu tùy theo trách nhiệm quản lý tài sản được quy định đối với người có tài sản. Còn nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp công cụ, phương tiện phạm tội thì sung quỹ nhà nước.
Thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, việc đánh giá một vật có phải là công cụ, phương tiện phạm tội hay không nói chung là không khó, thông qua mối liên hệ giữa người phạm tội với đối tượng tác động, cũng như phương pháp thực hiện hành vi phạm tội là có thể nhận biết được một vật có phải là công cụ, phương tiện phạm tội không. Tuy nhiên, việc xử lý vật chứng là phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) còn nhiều bất cập và hầu như trở thành một quy định “bất thành văn” mà hiện các Tòa án đang “ngầm” áp dụng, đó là, hầu như không tuyên tịch thu bất kỳ phương tiện phạm tội nào trong vụ án để sung quỹ nhà nước. Mặc dù, trong các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, phương tiện giao thông mà người phạm tội điều khiển là phương tiện phạm tội, nhiều trường hợp phương tiện đó quá niên hạn sử dụng, không được cơ quan chức năng kiểm định cho phép lưu hành nhưng vẫn không bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.
Điều 260 BLHS năm 2015 thay thế cho Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), quy định:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Nghiên cứu quy định này, người viết có mấy ý kiến sau:
Thứ nhất, tên của điều luật“Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” Điều 260 BLHS năm 2015 có sự thay đổi theo hướng ngắn gọn hơn nhưng đầy đủ ý nghĩa hơn và bao quát hơn, so với “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Thứ hai, về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Nếu như theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể của tội phạm này là người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ, thì với Điều 260 BLHS năm 2015, chủ thể bao gồm cả người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nhưng đang tham gia giao thông đường bộ, điều này cho thấy nhà làm luật đã dẫn chiếu đến khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đó là: “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.”
Thứ ba, về cấu thành cơ bản của tội phạm, nếu trước đây tội phạm được quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ cần có hành vi gây tai nạn làm thiệt hại đến tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Và thiệt hại nghiêm trọng được đề cập ở đây là những thiệt hại mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn tại Tiêu mục 4.1[2], Mục 4, Phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS, thì hiện nay theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015, nhà làm luật đã “lượng hóa” cụ thể luôn ngay tại cấu thành cơ bản của tội phạm này và nâng mức độ thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe từ mức tỷ lệ thương tật 31% lên mức 61%; mức độ thiệt hại nghiêm trọng về tài sản từ mức 50 triệu đồng lên mức 100 triệu đồng.
Như vậy, với những quy định mới như trên, một mặt nhà làm luật quy định rõ hơn dấu hiệu định tội của tội phạm này, nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng hơn và thống nhất hơn trong áp dụng pháp luật. Mặt khác, cũng thu hẹp phạm vi bị xử lý trách nhiệm hình sự đối với người tham gia giao thông gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người khác như tình hình thời gian qua. Vấn đề đặt ra, đó là, với trường hợp người phạm tội điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn thì phương tiện giao thông đó chính là phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm, về nguyên tắc, khi áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu phương tiện phạm tội, cơ quan Tòa án cần xác định rõ phương tiện giao thông đó có thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội không? Nếu thuộc quyền quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội thì phải bị tịch thu, sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội, không xác định được ai là chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp phương tiện đó thì cũng sung quỹ nhà nước. Trường hợp, nếu phương tiện phạm tội thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác và người đó có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì phương tiện đó cũng bị tịch thu, sung quỹ nhà nước. Ngược lại, nếu phương tiện giao thông trong vụ án mà thuộc tài sản của người khác và họ hoàn toàn không có lỗi trong việc để người phạm tội gây án, thì phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tội phạm quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như trên đề cập, hầu hết các vật chứng là phương tiện gây án đều không bị tịch thu, sung quỹ nhà nước kể cả phương tiện giao thông trong vụ án thuộc diện cấm lưu hành, như, quá niên hạn sử dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, xe tự chế hoặc tự hoán cải từ ô tô chở khách thành ô tô chở hàng đều được Tòa án tuyên trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp phương tiện đó (kể cả chủ sở hữu là người phạm tội). Lý giải cho điều này, bởi hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là do lỗi vô ý. Lỗi là trạng thái tâm lý xác định mong muốn và nhận thức của chủ thể. Lỗi thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội, cần được răn đe, ngăn chặn. Trong khoa học pháp lý ở nước ta, lỗi được chia thành lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong các vụ án giao thông nói chung, tội phạm quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi , bổ sung năm 2009) và Điều 260 BLHS năm 2015 người thực hiện hành vi phạm tội có thể do vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả. Lỗi vô ý vì quá tự tin: Chủ thể vi phạm nhận thấy hành vi của mình có thể nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra nhưng tin tưởng là hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Suy cho cùng, lỗi của chủ thể là đã không đánh giá đúng tình hình thực tế, tin tưởng hoàn toàn vào một điều mà điều đó có khả năng xảy ra theo chiều hướng khác. Lỗi vô ý vì quá cẩu thả: Chủ thể vi phạm đã không nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, không thấy trước hậu quả xảy ra mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thấy trước điều đó. Lỗi ở đây là sự tắc trách, thiếu cẩn trọng nên đã không kịp suy xét các tình huống có thể xảy ra. Việc không thấy trước hậu quả xảy ra có thể là do trình độ nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ non kém,...
Từ lập luận này nên việc tịch thu phương tiện gây án là không cần thiết dù phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên theo quan điểm của người viết, lập luận này không dựa trên cơ sở pháp lý nào, bởi khi rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, kể cả các văn bản hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không đề cập đến việc “miễn” tịch thu, sung quỹ nhà nước đối với phương tiện gây án là phương tiện giao thông đường bộ, đáng nói hơn đó là những phương tiện không được phép lưu hành do quá niên hạn sử dụng; chủ sở hữu tự hoán cải từ ô tô chở khách thành ô tô chở hàng hóa hoặc tự lắp ráp. Trong khi đó, theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 16 và điểm d khoản 5 Điều 17 Nghị định 171/2013/NĐ-CP các loại phương tiện này đều bị tịch thu.
Đó là chưa kể đến những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự, mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc nồng độ cồn vượt quá mức cho phép tùy theo loại phương tiện theo quy định của Luật GTĐB, mà theo đó, tại khoản 7 và khoản 8 Điều 8 của Luật này có quy định:“Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.”;“Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”. Rõ ràng với những trường hợp này, họ đã có lỗi cố ý vì đã tự đặt mình vào trong tình trạng say rượu, bia; say chất kích thích khác. Họ thừa biết rằng, các phương tiện giao thông đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ, nếu tinh thần không đủ tĩnh táo thì rất dễ xảy ra tai nạn, nhất là trong tình hình mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường ngày một gia tăng mạnh như hiện nay. Rượu, bia có chứa cồn, tên hoá học là ethanol (C2H5OH) là một chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Tác động tức thì của rượu, bia làm chậm quá trình chuyển tải thông tin từ não đến toàn bộ cơ thể, điều này khiến cho người sử dụng rượu, bia cảm thấy thư thái, sảng khoái; có những lời nói và hành động khác thường; quay cuồng, khó giữ thăng bằng; khó khăn trong việc kiểm soát và phối hợp các cử động của cơ thể. Mặt khác, trong nhiều năm qua thực trạng lái xe nhất là lái xe đường dài sử dụng chất ma túy, coi đó như là thuốc “an thần” để giữ tỉnh táo khi làm việc, nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy, sử dụng rượu, bia quá mức nên đã không làm chủ được tay lái, dẫn đến nhiều người và rất nhiều người là nạn nhân trong các vụ xe ô tô lao xuống vực thẳm hoặc đâm vào vách núi hay gây tai nạn kinh hoàng với phương tiện giao thông ngược chiều, vô cớ tước đi sinh mạng của bao con người, nhưng khi xét xử Tòa án cũng không quyết định tịch thu phương tiện gây án, điều đó có nghĩa mọi trường hợp gây tai nạn giao thông mà phải bị xử lý hình sự, đều là lỗi vô ý cho dù lỗi đó có thể do thiếu quan sát, xử lý tình huống kém hay uống rượu, bia say kể cả “phê” chất ma túy, là không công bằng, thể thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật trong một bộ phận giới trẻ.
Cũng không thể cho rằng, do xem xét yếu tố lỗi (vô ý) nên khi xét xử Tòa án không tịch thu phương tiện gây án theo điểm a khoản 1 Điều 41 khi xét xử tội phạm theo Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), điều này lại tạo ra sự “mâu thuẫn” trong việc áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng, nghĩa là cùng với lỗi vô ý, nhưng nếu người thực hiện hành vi phạm tội với các tội danh khác, như: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109), đều là lỗi vô ý, vật chứng của vụ án là công cụ, phương tiện phạm tội (nếu có) thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội, khi xét xử đều bị tịch thu, mà không được xem xét trả lại cho người phạm tội.
Kiến nghị
Tịch thu phương tiện phạm tội với ý nghĩa là biện pháp tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 không phải là quy định mang tính “tùy nghi” để Tòa án có thể lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng, mà đây rõ ràng là quy định có tính bắt buộc, nên về mặt lý thuyết phương tiện phạm tội là phương tiện mà người điều khiển tham gia giao thông gây tai nạn theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Điều 260 BLHS năm 2015 đều phải bị tịch thu, sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, việc tịch thu phương tiện phạm tội là xe gắn máy, mô tô, ô tô các loại,… trong điều kiện kinh tế xã hội hiện tại của một bộ phận tầng lớp bên dưới là điều cần cân nhắc, bởi đó không chỉ đơn thuần là phương tiện đi lại của người dân mà nhiều trường hợp còn là phương tiện mưu sinh của bao gia đình. Do vậy, để vừa bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa, người viết đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn quy định này theo hướng: Áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện phạm tội đối với trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở mà gây tai nạn với hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 2; khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015 và kể cả phương tiện tham gia giao thông quá niên hạn sử dụng (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng); xe tự chế, lắp ráp không được phép lưu hành. Ngoại trừ các trường hợp sau:
- Phương tiện gây tai nạn thuộc quyền quản lý hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang mà họ hoàn toàn không có lỗi.
- Là phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình và người phạm tội thuộc đối tượng diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng