Chế tài pháp lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại

Quảng cáo là một hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp và là một công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Do tính chất nhạy cảm của mình, hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo thương mại cũng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh rất cao. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực quảng cáo thương mại, tuy nhiên việc áp dụng các chế tài pháp lý đối với các hành vi này vẫn còn có nhiều bất cập.

Chế tài đối với hành vi Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh là những hình thức trách nhiệm pháp lý được Nhà nước áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh, buộc các chủ thể đó phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do đã có hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh và các chủ thể khác.
Theo pháp luật hiện hành, các hình thức chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại bao gồm:
* Chế tài hành chính
Theo quy định của khoản 2 điều 56 Luật cạnh tranh năm 2004, “Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Các hình thức xử lý vi phạm hành chính về cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định chi tiết tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính Phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014, quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP đã quy định hình thức xử phạt đối với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh:
“1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sau đây:
a) So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;
b) Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.”
3. Ngoài việc bị phạt tiền quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 28 của Nghị định 71/2014/NĐ-CP :
“a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
b) Buộc cải chính công khai.”
* Chế tài dân sự
Theo pháp luật Việt Nam, vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được áp dụng theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chế định bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại chương XXI của Bộ luật Dân sự năm 2005, góp phần điều chỉnh các hành vi vi phạm về cạnh tranh, bảo về quyền lợi chính đáng cho các chủ thể bị xâm hại.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại là một quyền mặc định được pháp luật thừa nhận nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh vì vậy chế tài bồi thường thiệt hại có thể áp dụng đồng thời với các chế tài khác.
* Chế tài hình sự
Nếu hành vi cạnh tranh không lành mạnh có dấu hiệu cấu thành tội phạm được qui định tại Bộ luật Hình sự thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà định tội danh và áp dụng chế tài hình sự thích hợp.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại được quy định tại Chương XVI “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, biểu hiện dưới  tội danh : Tội quảng cáo gian dối (Điều 168):
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Các chế tài pháp lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tương đối chi tiết trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng các chế tài này vẫn còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, Các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật cạnh tranh Việt Nam còn rất khái quát, chưa cụ thể hóa đối với từng hành vi vi phạm, viện dẫn quá nhiều văn bản dưới luật hoặc văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Do đó vẫn còn tồn tại sự không thống nhất mức phạt giữa các quy định pháp luật đối với cùng hành vi vi phạm.
Ví dụ, liên quan đến hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật về chất lượng hàng hóa đã đăng kí nhằm cạnh tranh không lành mạnh có 2 văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính với chủ thể có hành vi vi phạm: Hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng bị xử lý theo Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP với mức phạt tiền 80.000.000 đến 140.000.000 đồng. Hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị xử phạt theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng. Sự khác biệt về mức tiền phạt có thể tạo nên sự thiếu công bằng khi áp dụng các văn bản pháp luật khác nhau để xử lý cùng một hành vi có mức độ như nhau, do đó cần phải có được sự thống nhất giữa các lĩnh vực pháp luật khác nhau khi xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 
Thứ hai, Chế tài phạt tiền là chế tài cơ bản và quan trọng nhất áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, chế tài này vẫn còn lỏng lẻo, mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn thấp.
Trước đây theo Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 09 năm 2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, mức phạt tiền cao nhất đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng chỉ là 100 triệu đồng. Theo Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính Phủ, mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, hoặc khắc phục hậu quả đối với doanh nghiệp vi phạm. Mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức....
Cụ thể đối với hành vi quảng cáo so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác, bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng. Phạt tiền đến 140 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, xuất xứ hàng hóa..... Tuy nhiên, nếu so sánh giữa mức tiền phạt mà doanh nghiệp phải chịu so với những thiệt hại mà doanh nghiệp đó gây ra cho doanh nghiệp khác, cho người tiêu dùng và xã hội thì vẫn chưa thỏa đáng.
Thứ ba, Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn nặng về quản lý hành chính.
Luật Cạnh tranh 2004 định ra hình thức xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trước hết bằng các chế tài hành chính. Điều này dẫn đến một câu hỏi là liệu người có quyền lợi bị thiệt hại có sẵn sàng khởi kiện yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh áp dụng các chế tài hành chính đối với người vi phạm trong khi lợi ích của mình sẽ không được khôi phục hoàn toàn và đầy đủ bằng con đường này? Trên thực tế, việc xử lý hành chính vẫn chưa đủ tác dụng răn đe với các doanh nghiệp. Việc xử lý bằng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh không khuyến khích người tiêu dùng gửi đơn tới Cục Quản lý cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi cho mình. Mặt khác, để khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải trải qua nhiều khâu: khiếu nại, điều tra không chính thức, điều tra chính thức (thực tế tiêu tốn khoảng 5, 6 tháng) sau đó vụ việc mới được đưa ra xử lý. Chính vì vậy người tiêu dùng có tâm lý e ngại việc mất thời gian và chi phí kiện tụng, trong khi không được bù đắp về thiệt hại. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hồ sơ khiếu nại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh rất ít, việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Cục Quản lý cạnh tranh còn hết sức khiêm tốn trong khi thực tế hành vi này diễn ra rất phức tạp trên thị trường .
Thứ tư, pháp luật vẫn còn thiếu các quy định về chế tài xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với các một số hành vi khác.
Điều 39 Luật cạnh tranh liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm:
1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;
2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;
3. Ép buộc trong kinh doanh;
4. Gièm pha doanh nghiệp khác;
5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;
9. Bán hàng đa cấp bất chính;
10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định.
Việc liệt kê các hành vi hạn chế cạnh tranh và thêm điều khoản mở tại khoản 10 Điều 39 Luật cạnh tranh tuy có những ưu điểm nhưng cũng còn những hạn chế trong việc thực thi. Bởi, trên thực tế, khi có hành vi đáp ứng đủ các tiêu chí tại khoản 3 Điều 4 có thể xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng hành vi đó lại chưa được Chính phủ quy định thì việc xử lý lại gặp khó khăn. Trong thực tế, khi phát hiện một dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện trên thị trường, nhưng không thuộc các hành vi đã định danh tại điều 39 luật Cạnh tranh thì việc áp dụng chế tài xử lý sẽ gặp khó khăn.  Bởi vậy, mặc dù có nhiều hành vi quảng cáo rõ ràng nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh nhưng thiếu quy định nên không xử lý được
Ví dụ như các hành vi bán bán phá giá hàng hóa, dịch vụ nhằm cạnh tranh không lành mạnh; hành vi quảng cáo quấy rầy ....cũng có thể được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng còn thiếu các chế tài để xử lý các hành vi này. Do đó, theo cá nhân tác giả, nên bỏ cụm từ “do Chính phủ quy định” để những hành vi cạnh tranh không lành mạnh phát sinh mới trên thực tế pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh thì vẫn bị xử phạt theo quy định của luật cạnh tranh.
* Kiến nghị
- Cần xem xét mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo nói riêng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung. Bởi vì trên thực tế, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể mang lại lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp, nhiều hơn rất nhiều so với số tiền phạt họ phải gánh chịu. Chế tài phạt tiền tuy đã được sửa đổi trong Nghị định 71/2014/NĐ-CP nhưng quy định khung tiền phạt thường nhanh chóng lạc hậu theo thời gian và chưa mang nhiều tính răn đe với các đối tượng vi phạm.
- Cần có cơ chế đảm bảo thi hành để việc áp dụng các chế tài hành chính đạt hiệu quả cao. Trong trường hợp doanh nghiệp không chấp hành cần có các biện pháp cưỡng chế đủ mạnh để răn đe, đồng thời có thể áp dụng cơ chế tăng nặng hình phạt, mức phạt nếu như doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Có như vậy thì việc áp dụng các chế tài hành chính mới đạt hiệu quả cao.
- Trong trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt không chấp hành hình thức xử phạt hành chính cần xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ coi những hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng là tội phạm và áp dụng chế tài hình sự khi hành vi đó có tính chất nguy hiểm cao, gây tổn hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng. Để có thể áp dụng chế tài hình sự cho người vi phạm, buộc phải chứng minh được các yếu tố cấu thành tội phạm, điều đó không hề đơn giản. Trong khi đó các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng phổ biến, tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó pháp luật Việt Nam cần có nhiều quy định hơn nữa các chế tài hình sự đối với các hành vi xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Vấn đề cạnh tranh trên thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, việc áp dụng các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khâu tổ chức thi hành. Do đó, pháp luật cạnh tranh cần hoàn thiện quy định các chế tài pháp lý điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.
               Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa -  Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội