Xử lý vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015: cần hướng dẫn áp dụng

So sánh quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), viết tắt là BLHS năm 1999, với quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015, có thể thấy rất nhiều điểm khác biệt cần lưu ý.

Một là, thay đổi tên điều luật từ “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” Điều 202 BLHS năm 1999 thành “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” Điều 260 BLHS năm 2015. Việc thay đổi tên điều luật dẫn đến có sự thay đổi về chủ thể thực hiện tội phạm từ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sang người tham gia giao thông đường bộ (GTĐB).
Cần phân biệt khái niệm người tham gia GTĐB và người điều khiển phương tiện GTĐB. Theo quy định tại các khoản 22, 23 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.”; “Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.”
Như vậy, Luật mới đã có sự thay đổi rõ rệt khi quy định rộng hơn về chủ thể của hành vi gồm tất cả những người tham gia giao thông kể cả những người khi tham gia giao thông là người đi bộ.
Hai là, cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả của hành vi phạm tội tại khoản 1 và khoản 3 Điều luật và bổ sung vào khoản 2 Điều luật, cụ thể là các hành vi sau: Làm chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người hoặc nhiều người với tỷ lệ tổn thương cơ thể cụ thể; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị cụ thể tại từng khoản. Nhà làm luật đã đưa những nội dung quy định có liên quan của Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông để quy định chi tiết các khoản của điều luật này.
Ba là, Quy định thành một khoản riêng về hình phạt đối với hành vi “Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%” tại khoản 4.
Bốn là, thay đổi khung hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 là “từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng” thành “từ 30 triệu đến 100 triệu đồng” và thay đổi mức phạt tù tối thiểu tại khoản 1 là từ “06 tháng” lên “01 năm” so với Điều 202 BLHS 1999. Đồng thời, quy định phạt tiền (từ 10 đến 50 triệu đồng) là hình phạt chính đối với hành vi “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời” tại  khoản 5. Và thay đổi mức phạt tù tối đa tại khoản 5 từ “02 năm” thành “01 năm” so với Điều 202 BLHS 1999.
Bên cạnh những điểm mới có tính cụ thể hơn, chi tiết hơn, dễ dàng áp dụng trong thực tiễn hơn, qua nghiên cứu người viết thấy rằng, Điều 260 và một số điều luật có liên quan của BLHS năm 2015 vẫn còn có vướng mắc sau:
Thứ nhất,  hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về tham gia GTĐB mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, Điều 260 BLHS năm 2015 không có quy định hậu quả xảy ra với những trường hợp sau:
i). Làm chết một người và còn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người hoặc 04 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
ii). Làm chết hai người và còn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người hoặc 04 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
iii). Làm chết ba người và còn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người hoặc 04 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
iv). Làm chết hai người và còn thỏa mãn cả tình tiết định khung tại điểm b hoặc điểm c hay điểm d khoản 1;
v). Vừa thỏa mãn tình tiết quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c hay điểm d khoản 1 (vừa trong tình trạng sử dụng rượu, bia quá mức quy định vừa gây thương tích cho người khác với tỉ lệ 61% trở lên);
vi). Vừa thỏa mãn quy định tại khoản 4 vừa thỏa mãn luôn cả một trong các điểm của khoản 2 hoặc khoản 3;
vii). Vừa thỏa mãn quy định tại điểm b khoản 3 và một trong các tình tiết định khung quy định tại điểm a, d khoản 1 hoặc tại điểm a, b, c, d, đ, h khoản 2.

Bởi với hậu quả thực tế xảy ra nếu thuộc một trong những trường hợp vừa liệt kê thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị truy tố và xét xử theo khoản nào của Điều 260 BLHS? Xin nêu một ví dụ sau: A điều khiển xe ô tô chở vật liệu xây dựng lưu thông trên đường với vận tốc khoảng 65 km/h, thình lình một bé trai chạy sang đường. Trong điều kiện khoảng cách giữa xe và người đi bộ sang đường quá gần, động tác đạp phanh cũng không kịp, nên A vội đánh hết tay lái sang trái để tránh va chạm, tuy không gây thiệt hại gì cho đứa trẻ đó, nhưng do xe đột ngột chuyển hướng quá nhanh nên bị mất thăng bằng, nổ lốp trước bên trái, rồi lao thẳng vào quán nước bên đường. Hậu quả vụ tai nạn làm chết 02 người và 03 người khác bị thương, lần lượt với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 30%, 20% và 10% và thiệt hại tài sản ước tính 50.000.000 đồng. Trường hợp này, rõ ràng việc truy tố và xét xử A về hành vi phạm tội theo khoản nào của Điều 260 BLHS là điều chưa thật thống nhất về quan điểm. Bởi với hậu quả làm chết 02 người, cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ áp dụng điểm đ khoản 2 đối với A, nhưng với hậu quả làm tổn thương cơ thể của 03 người, mà tổng tỉ lệ là 60% không thể áp dụng khoản 4, vì khoản 4 chỉ quy định làm tổn thương cơ thể của 02 người mà tổng tỉ lệ từ 31% đến 60%. Mà nếu cho dù thỏa mãn quy định theo khoản 4 đi chăng nữa (bị thương 02 người mà tổng tỷ lệ thương tổn sức khỏe từ 31 % đến 60%), thì truy tố và xét xử A theo khoản nào? Nếu chỉ truy tố và xét xử theo điểm đ khoản 2 không thôi thì sẽ là bỏ sót lọt hành vi phạm tội; nếu vừa xét xử nhiều khoản trong cùng một điều luật trong cùng một lần xét xử thì lại càng sai lầm trong áp dụng pháp luật nội dung! Nếu thu hút hành vi được coi là thỏa mãn tình tiết định khung ở khoản 4 vào khoản 2 thì lại không có đủ cơ sở pháp lý. Tương tự  như vậy, với hậu quả xảy ra như các trường hợp mà hiện Điều 260 BLHS năm 2015 chưa quy định như trên đã đề cập, theo tác giả sẽ gây lúng túng trong việc áp dụng. Chính sự quy định thiếu chặt chẽ này dẫn đến việc áp dụng pháp luật chắc chắn không thống nhất, đòi hỏi Liên ngành trung ương cần hướng dẫn hoặc kiến nghị Quốc hội bổ sung vào điều luật.
Thứ hai, sẽ không có vấn đề gì nếu trường hợp người tham gia giao thông, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người, với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% và không phạm vào một trong những tình tiết định khung tăng nặng của khoản 2. Khi đó người vi phạm sẽ bị xem xét xử lý theo khoản 4 của điều luật vì có sửa đổi bổ sung thêm một cấu thành giảm nhẹ trong điều luật để xử lý cho trường hợp này với mức án nhẹ hơn khoản 01 của Điều 202 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, với trường hợp người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, nhưng không có giấy phép lái xe theo quy định và hậu quả xảy ra thuộc khoản 4 của Điều 260 BLHS, vậy sẽ áp dụng khoản nào của Điều 260 BLHS để truy tố và xét xử? Vấn đề trở nên càng khó khăn hơn nếu phải áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Nếu theo tuần tự thì phải chuyển khung sang khoản 1, vì quy định nặng hơn liền kề so với khoản 4 của điều luật. Nhưng khoản 1 thì không có các cấu thành tăng nặng ở đó. Vậy chẳng lẽ bỏ qua khoản 1 chuyển tăng nặng thẳng sang khoản 2 của điều luật? Hay Điều 260 BLHS có hai khung cơ bản là khoản 1 và khoản 4? Xoay quanh vấn đề này, hiện có một số quan điểm như sau:
+Quan điểm thứ nhất: Theo quy định của điều luật thì khoản 4 là cấu thành cơ bản của điều luật, vì nó quy định các yếu tố cấu thành cơ bản như tại khoản 1 của điều luật nhưng có hình phạt nhẹ hơn quy định của khoản 1.
+Quan điểm thứ hai: Khoản 1 của  điều luật là cấu thành cơ bản, chỉ khi một người có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản được quy định tại khoản 1 của điều luật mà lại có những tình tiết định khung tăng nặng quy định ở khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật thì sẽ phạm vào khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật. Còn khoản 4 là cấu thành giảm nhẹ, vì không thể từ khoản 4 chuyển khung thẳng sang khoản 2 hoặc khoản 3 mà bỏ qua khoản 1 của điều luật được.
+Quan điểm thứ ba: Với kết cấu và cách hành văn của điều luật, thì khi có đủ các yếu tố định khung cơ bản quy định tại khoản 1 hoặc khoản 4 của điều luật, mà còn có những tình tiết định khung tăng nặng quy định ở khoản 2 hoặc khoản 3 thì sẽ phạm vào khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật (Như vậy theo quan điểm này thì ở điều luật này có tới hai khung cơ bản, hai cấu thành cơ bản).
Ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đã đến gần, hơn nữa nếu so sánh giữa Điều 202 BLHS năm 1999 với Điều 260 BLHS năm 2015 thì Điều 260 có quy định nhẹ hơn. Do đó, theo Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015 thì những quy định có lợi, tình tiết có lợi của luật mới được áp dụng ngay sau khi luật được công bố. Vì vậy, để nhận thức và áp dụng pháp luật được đúng đắn và thống nhất, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, rất mong sớm có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, của liên ngành tư pháp trung ương để việc áp dụng điều luật trên trong thực tiễn được thuận lợi và thống nhất, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. : Vậy, với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội mà bị truy tố, xét xử theo khoản 1 hoặc khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 260 BLHS và nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 như vừa nêu thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng thực tiễn vốn rất đa dạng, nếu trường hợp một người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải bị truy tố và xét xử theo điểm a (làm chết 01 người) và điểm d (gây thiệt hại tài sản tổng trị giá 150.000.000 đồng) theo khoản 1 Điều 260 BLHS; đại diện theo pháp luật của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì họ có được miễn TNHS không? Câu hỏi này hiện có hai loại ý kiến trái chiều nhau, cụ thể:
+Loại ý kiến thứ nhất: Vì ngoài điều kiện tội phạm ít nghiệm trọng hoặc nghiêm trọng mà người phạm tội đã phạm, về hậu quả nhà làm luật chỉ quy định gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, nghĩa là chỉ có thể một trong hai loại hậu quả như vừa trình bày, mà không thể vừa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm vừa gây thiệt hại về tài sản của người khác. Nên trong trường này được coi là không thỏa các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS.
+Loại ý kiến thứ hai: Trường hợp trên đủ điều kiện áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS để có thể miễn TNHS cho người phạm tội. Vì bản chất của quy định này suy cho cùng thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta, tuy tội phạm là nghiêm trọng, nhưng người phạm tội về yếu tố chủ quan hoàn toàn do vô ý (vô ý tự tin hoặc vô ý do cầu thả), hậu quả tuy có thiệt hại về tính mạng và tài sản của người khác, nhưng suy cho cùng vẫn nằm trong phạm vi giới hạn của khoản 1 Điều 260 BLHS (tội phạm nghiêm trọng).
Để pháp luật được hiểu và áp dụng thống nhất trong thực tiễn, bảo đảm sự công bằng, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung này.
                                                Ths. LS Lê Văn Sua - Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang