Một số quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm sở hữu

Tài sản và quyền sở hữu tài sản là một nội dung quan trọng được quy định trong pháp luật của bất kỳ một quốc gia. Kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời cho tới Bộ luật hình sự năm 1999, tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân được bảo vệ một cách hữu hiệu bằng các quy định của pháp luật hình sự.

Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999, luật hình sự Việt Nam quy định hai nhóm tội xâm phạm sở hữu là nhóm tội xâm phạm sở hữu XHCN và nhóm tội xâm phạm sở hữu của công dân. Hai nhóm tội này được quy định tại Chương IV và Chương V Phần tội phạm của Bộ luật hình sự năm 1985. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, hai nhóm tội này đã được nhập thành một nhóm tội chung là nhóm tội xâm phạm sở hữu, việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế, đồng thời giảm bớt phức tạp trong áp dụng pháp luật cũng như kỹ thuật lập pháp.
Bộ luật hình sự năm 1999 quy định 13 tội thuộc nhóm tội này. Việc quy định này, ngoài việc nhập hai nhóm tội, còn có các điểm mới so với Bộ luật hình sự năm 1985 như sau:
Thứ nhất, trong 13 tội danh có 12 tội danh chung không phân biệt đối tượng bị xâm phạm thuộc sở hữu nào và chỉ có một tội danh đòi hỏi tài sản bị xâm phạm thuộc sở hữu nhà nước.
Thứ hai, tội tham ô tài sản không được quy định trong chương này mà được quy định trong chương các tội phạm về chức vụ vì đây là một trong các tội danh đặc trưng của nhóm tội tham nhũng thuộc chương các tội phạm về chức vụ,
Thứ ba, đối với các tội mà mức độ hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội, nhà làm luật đã lượng hóa cụ thể mức độ hậu quả này.
Thứ tư, có sự phân hóa trách nhiệm hình sự cao hơn qua việc xây dựng nhiều khung hình phạt với nhiều tình tiết tăng nặng khung cụ thể hơn.
BLHS năm 2015 ra đời, trên cơ sở chuyển hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Nhà nước và của công dân, kế thừa những quy định của BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu theo hướng bãi bỏ hình phạt tử hình (đối với tội Cướp tài sản); bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; tăng mức phạt tiền bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu; đồng thời, cụ thể hóa hành vi phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với các tội phạm thuộc nhóm này, nhất là cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu 02 triệu đồng nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo (khoản 1 Điều 173)…
* Một số sửa đổi, bổ sung cụ thể:
1. Tội cướp tài sản (Điều 168)
Điều luật này có một số sửa đổi, bổ sung sau đây:
- Các dấu hiệu định tính “gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4) được quy định cụ thể trong từng khoản.
- Khoản 3 Điều luật không quy định hậu quả rất nghiêm trọng vì các tình tiết tăng nặng khác như chiếm đoạt tài sản giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (điểm a); gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% vẫn là tình tiết định khung được kế thừa. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 133 BLHS năm 1999 cũng được thay bằng tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”, khoản 4 Điều luật này đã bỏ tình tiết định khung “Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
- Khoản 4 bổ sung tình tiết “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể cảu mỗi người 31% trở lên”.
- Bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm này: Để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cũng như quán triệt tinh thần Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội danh còn giữ lại hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng để tòa án cân nhắc, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể; mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm hạn chế việc thi hành án tử hình trên thực tế.
- Bổ sung quy định tại Khoản 5 “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. (Khoản 3 Điều 14 BLHS năm 2015).
2. Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170)
- Thay tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” bằng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (điểm đ khoản 2).
- Thay tình tiết “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” bằng tình tiết “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” (Điều b Khoản 3).
- Thay tình tiết “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” bằng tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp” (Điểm b Khoản 4).
3. Tội cướp giật tài sản (Điều 171)
- Bổ sung các tình tiết tăng nặng tại khoản 2
“g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”;
- Bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 Điều 136 BLHS năm 1999.
- Bỏ tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 136 BLHS năm 1999.
- Bổ sung tình tiết “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên” (điểm b khoản 4 Điều này); Tách tình tiết “làm chết người” thành tình tiết riêng, quy định tại điểm c khoản 4 “làm chết người”.
- Bỏ tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại điểm c khoản 4 Điều 136 BLHS năm 1999 thay bằng tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp” (điểm d khoản 4 Điều này).
4. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172)
- Điều luật được sửa đổi bổ sung cơ bản trong Cấu thành tội phạm:
“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 170, 171, 173,174,175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”.
- Khoản 2 bổ sung một số tình tiết định khung:
“d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ”
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nhưng thuộc trong một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a,b,c và d Khoản 1 Điều này”.
- Bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 137 BLHS năm 1999.
- Khoản 3 bổ sung tình tiết:
“b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a,b,c và d Khoản 1 Điều này
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”
- Bỏ tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 137 BLHS năm 1999.
- Khoản 4 bổ sung tình tiết:
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đến 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c và d Khoản 1 Điều này.
c)  Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Bỏ tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 137 BLHS năm 1999.
5. Tội trộm cắp tài sản (Điều 173)
Cấu thành cơ bản của tội phạm này được sửa tương tự như Điều 172 chỉ khác là ở điểm b “Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168,169,170,171,172…” tức là không có Điều 173 mà thay bằng Điều 172.
- Khoản 2 của Điều này bổ sung điểm c, Khoản 3 bổ sung điểm b và khoản 4 bổ sung điểm b quy định trường hợp giá trị tài sản tại các khoản này, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c và khoản 1 Điều này.
- Các tình tiết tăng nặng khác tại Khoản 3 và khoản 4 của Điều luật được bổ sung tương tự như Điều 172. “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.
- Bỏ các dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Điều 138 BLHS năm 1999.
6. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)
Cách thiết kế điều luật, các dấu hiệu bổ sung trong cấu thành cơ bản, các tình tiết tăng nặng tại các khung hình phạt tương tự như Điều 172 và 173. Chỉ khác là dấu hiệu cấu thành của tội này là “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản…”
7. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175)
Điều 175 quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168,169,170,171,172,173,174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thị bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tàu sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Dấu hiệu định tội danh này đã được sửa tại Cấu thành cơ bản:
- Bổ sung trường hợp chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng nhưng tài sản đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
- Sửa đổi dấu hiệu bỏ trốn bằng dấu hiệu “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”
- Nâng mức hình phạt tối thiểu của Khoản 1 từ 03 tháng lên 06 tháng tù.
Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác sau khi đã thực hiện các giao dịch dân sự ngay thẳng chỉ cấu thành tội phạm khi có một trong các dấu hiệu sau đây:
- Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đã nhận. Tài sản bị chiếm đoạt có thể là một phần hay toàn bộ. Hành vi gian dối có thể là nói dối là bị mất tài sản, đánh tráo tài sản, rút bớt tài sản.
- Đến thời hạn trả lại tài sản theo thỏa thuận, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả lại tài sản.
- Sử dụng tài sản đã vay, mượn, thuê hoặc nhận được của người khác vào mục đích bất hợp pháp dẫn tới không có khả năng trả nợ. Hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là hành vi sử dụng tài sản không đúng cam kết, thỏa thuận. Ví dụ như mượn xe ô tô, xe máy sau đó đem bán để đánh bạc và do thua bạc nên không có khả năng trả lại tài sản.
- Khoản 2 của Điều này bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khoản 3 của Điều này bỏ tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng và thay bằng tình tiết quy định tại điểm b Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Khoản 4 của Điều luật này bỏ tình tiết Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và chỉ quy định “Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”.
8. Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176)
Điều luật này được kế thừa quy định của Điều 142 BLHS năm 1999 cả về thiết kế, nội dung của điều luật. Có hai sửa đổi là:
Thứ nhất, giảm mức hình phạt cải tạo không giam giữ ở Khoản 1 từ 03 năm xuống 02 năm
Thứ hai, thay các dấu hiệu “cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt” quy định ở Khoản 2 Điều 142 năm 1999 bằng “bảo vật quốc gia”
9. Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177)
Điều luật này có một số sửa đổi, bổ sung như sau:
- Khoản 1 của điều luật nâng trị giá tài sản trong cấu thành cơ bản lên từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (thay vì từ 50.000.000 đồng trở lên); nâng mức hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (thay vì từ 5000.000 đồng đến 50.000.000 đồng). Như vậy, điều luật đã phi hình sự đối với các hành vi sử dụng trái phép tài sản dưới 100.000.000 đồng
- Bổ sung hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong chế tài của khoản 2 và giảm mức hình phạt từ tối thiểu của khoản này “từ 01 năm đến 05 năm” (thay vì từ 02 năm đến 05 năm)
- Bỏ tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản 2 và thay bằng tình tiết quy định tại điều b “tài sản là bảo vật quốc gia”
- Khoản 3 của điều luật này bỏ tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và thay bằng “phạm tội sử dụng trái phép tài sản có trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ 03 năm đến 07 năm.
10. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178)
- Khoản 1 của điều luật này được thiết kế lại và bổ sung một số dấu hiệu của tội phạm:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
- Khoản 2 của điều luật sửa “dùng chất cháy” thành “dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ”. Việc sửa này thành tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng “chất cháy” đối với trường hợp dùng xăng, dầu để đốt tài sản (đốt nhà, đốt xe máy, ô tô…). Xăng, dầu không phải là chất cháy nên áp dụng tình tiết tăng nặng định khung là không chính xác. Chất cháy là chất trong điều kiện tự nhiên tự cháy mà không cần phải có tác động nào của con người. Do đó, điều luật quy định “dùng chất nguy hiểm về cháy” được hiểu là các chất gây nguy hiểm khi cháy như xăng, dầu. 
- Bổ sung điểm c “gây thiệt hại là bảo vật quốc gia”, điểm g “gây thiệt hại cho tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này”
- Khoản 3 của điều luật bổ sung điểm b “gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, và d Khoản 1 Điều này”.
- Khoản 4 của điều luật bổ sung điểm b “gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này”.
Khoản 4 của điều luật bỏ hình phạt tù chung thân. Mức hình phạt tối đa là 20 năm tù.
11. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179)
- Mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Do vậy, đây là một tội ghép của 04 tội:
+ Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
+ Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan.
+ Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức.
+Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp.
- Nâng mức thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong cấu thành cơ bản (thay vì quy định từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng quy định tại cấu thành cơ bản của Điều 144 BLHS năm 1999). Có nghĩa là điều luật đã phi hình sự đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản dưới 100.000.000 đồng và hành vi phạm tội gây thiệt hại tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng quy định tại Khoản 2 Điều 144 BLHS năm 1999 cũng chỉ bị xử lý ở Khoản 1 Điều này.
-  Khoản 1 của Điều này đã bỏ hình phạt tù và chỉ quy định hình phạt cảnh cáo và hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
-  Các trị giá tài sản bị thiệt hại quy định tại Khoản 2 được nâng lên từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng và Khoản 3 được nâng lên 2.000.000.000 đồng trở lên.
-  Hình phạt tù quy định ở Khoản 2 được giảm xuống từ 01 năm đến 05 năm (thay vì từ 02 năm đến 07 năm) và hình phạt tù quy định ở Khoản 3 cũng được giảm xuống từ 05 năm đến 10 năm (thay vì từ 07 năm đến 12 năm).
-  Hình phạt bổ sung quy định tại Khoản 4 cũng được sửa cho phù hợp với 04 tội danh này.
“4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
(Điều luật trước đây quy định cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước)
12. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180)
- Điều luật này đã bỏ hình phạt tù tại Khoản 1 và giữ lại hình phạt cảnh cáo và hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
- Giảm hình phạt tù quy định tại Khoản 2 từ 03 tháng đến 02 năm (thay vì quy định từ 01 năm đến 03 năm của Khoản 2 Điều 145 BLHS năm 1999).
                           Hồ Nguyễn Quân - Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4