Một số hạn chế, bất cập
Thứ nhất, theo Luật Đầu tư năm 2014, quy định giãn tiến độ đầu tư chỉ áp dụng “Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) hoặc quyết định chủ trương đầu tư,…”[2] và việc điều chỉnh dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh GCNĐKĐT[3]. Do đó, đối với các dự án đã thực hiện đầu tư thuộc trường hợp không cần phải cấp GCNĐKĐT (theo Khoản 1 Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014, thì Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư được xem như GCNĐKĐT) theo Khoản 2 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2005 (được cấp trước ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) hoặc Khoản 2 Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014, nay nhà đầu tư có yêu cầu giãn tiến độ đầu tư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư thì cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư lại không có cơ sở pháp lý thực hiện.
Bên cạnh đó, quy định về giãn tiến độ đầu tư không được hướng dẫn cụ thể trong Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn; do đó, thời gian qua, việc áp dụng quy định “Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư” theo Khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014 còn vướng mắc, bất cập, không thống nhất. Đó là, nhiều cơ quan quản lý về đầu tư chỉ cho phép nhà đầu tư thực hiện 01 lần giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng; có nơi lại cho phép nhà đầu tư thực hiện 02 đến 03 lần (thậm chí nhiều hơn 3 lần) giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng. Hơn nữa, thời gian giãn tiến độ 24 tháng đối với một dự án đầu tư là tương đối dài, song thực tiễn trong công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng,… của nhiều dự án phải kéo dài đến hơn 24 tháng. Do đó, quy định về giãn tiến độ đầu tư như trên là chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, ảnh hưởng đến công tác quản lý đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giảm hiệu quả dự án đầu tư.
Thứ hai, Khoản 1 Điều 62 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ (Nghị định 118) quy định “Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được cấp trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 33 Nghị định này tại Cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…”. Như vậy, khi được cấp GCNĐKĐT thì “…Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương…” còn giá trị pháp lý hay không? Nếu còn, thì được sử dụng như thế nào? Còn không còn giá trị pháp lý thì có bị thu hồi không? Và cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền thu hồi[4] trong khi hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định hay hướng cụ thể.
Thứ ba, nhiều quy định về đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 không thống nhất, chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai; Luật Bất động sản và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
1. Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì sự không thống nhất này, thời gian qua có hai cách hiểu và áp dụng khác nhau:
Ý kiến thứ nhất, xét về quy định thủ tục hành chính, luật chuyên ngành về đầu tư, thì việc cấp GCNĐKĐT theo Luật Đầu tư năm 2014 tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiệt hại, rủi ro về tài chính cho nhà đầu tư vì nếu thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền thì nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để có báo cáo tác động môi trường, song không phải nhà đầu tư nào cũng nhận được quyết định chủ trương đầu tư (chấp thuận đầu tư). Với ý kiến này, việc yêu cầu phê duyệt báo cáo tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là không hợp lý.
Ý kiến thứ hai, tuy việc bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền vào thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT gây bất lợi cho nhà đầu tư khi dự án không được chấp thuận, song nhiều dự án đầu tư hiện nay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy để lường trước tác động của dự án đầu tư với môi trường cần thiết phải bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền vào thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT và để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Với ý kiến này, Luật Đầu tư năm 2014 không phù hợp, thiếu tính thống nhất với quy định tại Khoản 2 Điều Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
2. Hiện nay, vị trí đặt các dự án hầu hết do nhà đầu tư đề xuất; do vậy, nếu các dự án đặt ở vị trí đúng với vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước đó thì việc chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất phù hợp với Điều 52 Luật Đất đai năm 2013. Song, đối với các dự án đặt ở vị trí không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý về đất đai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư do phải cho điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3. Theo Điều 45 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 37 Nghị định 118 thì đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh (như Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp tỉnh) thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng để điều chỉnh GCNĐKĐT hoặc trình UBND cấp tỉnh đối với trường hợp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo Điều 50, Điều 51 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ thì đối với dự án bất động sản (đô thị mới, phát triển nhà ở), Sở Xây dựng là cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện việc chuyển nhượng. Đây là một bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý về đầu tư.
Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện:
Một là, quy định về giãn tiến độ đầu tư là một quy định mới, việc áp dụng thời gian qua còn nhiều bất cập cần được hướng dẫn cụ thể; do đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về giãn tiến độ đầu tư, trong đó bổ sung các trường hợp không cần cấp GCNĐKĐT vẫn được thực hiện giãn tiến độ; quy định cụ thể số lần giãn tiến độ và tổng thời gian tối đa giãn tiến độ cho phù hợp với từng loại dự án cụ thể. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể cách điều chỉnh dự án đối với các dự án đã thực hiện đầu tư thuộc trường hợp không cần phải cấp GCNĐKĐT.
Hai là, đối với các trường hợp cấp GCNĐKĐT theo Khoản 1 Điều 62 Nghị định 118, khi cấp GCNĐKĐT, cơ quan đăng ký đầu tư cấp cần thu hồi “…Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương…” để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý về đầu tư, trách việc tồn tại nhiều loại giấy tờ trong một dự án đầu tư cùng phát sinh giá trị pháp lý khi giao dịch (chuyển nhượng).
Ba là, rà soát các quy định về đầu tư được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đất đai; Luật Bất động sản và một số văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tránh trường hợp chồng chéo. Đặc biệt, trước hết bổ sung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền vào thành phần hồ sơ cấp GCNĐKĐT (Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014); quy định các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử sụng đất theo pháp luật về đất đai; sửa đổi, bổ sung chủ thể tiếp nhận, thực hiện hoặc tham mưu thực hiện việc cấp GCNĐKĐT, quyết định chủ trương đầu tư tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ phù hợp với Điều 45 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 37 Nghị định 118.
Trước thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế (WTO, TPP,…), các quy định về đầu tư khi áp dụng vào thực tiễn bộc lộ những bất, hạn chế và chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước là điều tất yếu, song việc nghiên cứu, trao đổi các quy định về đầu tư là trách nhiệm của mỗi công dân để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư./.
Phạm Thanh Quang