Điều 71 BLTTHS năm 2015, quy định về trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cụ thể:
“1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản.”
Theo tinh thần quy định của Điều luật này, quyền được trợ giúp pháp lý của các đối tượng quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý là xuyên suốt, mà không giới hạn chỉ ở giai đoạn nào của quá trình tiến hành tố tụng, do vậy, cứ mỗi giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý vụ án đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vụ án đó có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý và việc giải thích đó được ghi vào biên bản. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đến trợ giúp pháp lý, như: Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT- BTP-BCA-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp- Bộ Công an – Bộ Tài chính – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, thay thế cho Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT/BTP-BCA-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, bộc lộ “xung đột” từ quy định của pháp luật liên quan đến trợ giúp pháp lý cho những đối tượng theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, cụ thể:
Tại khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, có quy định một trong những đối tượng được trợ giúp pháp lý là người tàn tật và trẻ em không có nơi nương tựa. Nghĩa là họ sống độc thân, không còn người thân thích để trông nom, không có nguồn thu nhập nào để sinh sống.
Tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, mà theo đó, có quy định: “Người tàn tật được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa.”
Như vậy, nếu hiểu theo nội dung quy định của hai văn bản quy phạm pháp luật vừa nêu, nếu là người tàn tật thì phải là người đó không có nơi nương tựa mới là đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý và phải có đủ căn cứ pháp lý để xác định họ là người tàn tật không có nơi nương tựa. Tuy nhiên, như quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP giải thích người tàn tật được trợ giúp pháp lý cũng chưa được rõ ràng, chính vì vậy, thực tiễn áp dụng chưa có sự thống nhất về nhận thức, nên quyền được trợ giúp pháp lý nhiều khi chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm thực thi có hiệu quả trên thực tế, ví dụ: anh A bị gù lưng, gù ngực, không thể thực hiện động tác nằm ngửa hoặc nằm úp; đã ngoài 25 tuổi nhưng chiều cao 1m40, cân nặng 19 kg; hiện sống chung với người chị gái bị liệt 02 chi dưới từ khi lên 10 tuổi; họ là đối tượng thường xuyên được trợ cấp hàng tháng từ các tổ chức từ thiện. Trong trường hợp này, anh A khi phạm tội có được coi là đối tượng được trợ giúp pháp lý không?
Tuy nhiên, theo quy định khoản 1 Điều 4 Luật Người khuyết tật năm 2010, mà theo đó, tại điểm d khoản 1 Điều này có quy định, người khuyết tật:“Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;”. Mặt khác, tại Điều 3 Luật Người khuyết tật, quy định:
“1. Dạng tật bao gồm:
a) Khuyết tật vận động;
b) Khuyết tật nghe, nói;
c) Khuyết tật nhìn;
d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần;
đ) Khuyết tật trí tuệ;
e) Khuyết tật khác.
2. Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
b) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
3. Chính phủ quy định chi tiết về dạng tật và mức độ khuyết tật quy định tại Điều này.”
Ngày 10/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, nhưng rất tiếc không có quy định nào đề cập đến dạng khuyết tật nào, mức độ khuyết tật cụ thể bao nhiêu được hưởng quyền trợ giúp pháp lý theo quy định của luật. Chính vì lẽ đó, các quy định của pháp luật liên quan đến người khuyết tật trong lĩnh vực tố tụng hình sự dù rất mang tính nhân văn, nhưng thời gian qua vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi một cách có hiệu quả trong thực tế.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 71 BLTTHS năm 2015, mà theo đó, có quy định rõ người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, nghĩa là nhà làm luật đã lược bỏ quy định người khuyết tật được trợ giúp pháp lý phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật (điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Người khuyết tật năm 2010). Như vậy, đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý nếu là người tàn tật thì họ phải là người không có nơi nương tựa.
Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý, là quy định rất tiến bộ thể hiện tính nhân văn, tính ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa, nhà làm luật “kiến tạo” môi trường pháp lí theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của những người khuyết tật, họ vốn đã không may mắn như những người bình thường khác, dù thực tế họ đang bị buộc tội về tội phạm nào đi chăng thì quyền đó họ vẫn được hưởng, bởi họ là con người – người khuyết tật. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thường không biết đọc, không biết viết, hoàn toàn mù chữ, thì việc có Trợ giúp viên pháp lý ở bên cạnh họ trong suốt quá trình tham gia tố tụng, vừa giúp họ ổn định về mặt tâm lí, tự tin hơn khi lăn tay, điểm chỉ vào các văn tự trong quá trình làm việc với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đồng thời cũng là sự bảo đảm tính khách quan trong hoạt động tiến hành tố tụng, hoàn toàn không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong vụ án, nên là điều rất cần thiết.
Từ suy nghĩ đó, theo quan điểm của tác giả, số lượng người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng hiện đang còn hiện diện trong xã hội là không nhiều, nhất là người khuyết tật là di chứng do chịu ảnh hưởng chất độc da cam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đối tượng này có lẽ xã hội cần quan tâm nhiều hơn, còn lại số ít do bẩm sinh, xuất phát từ tính nhân đạo nên chăng khi sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý sắp tới, cần xem xét bổ sung đối tượng người khuyết tật tuy có nơi nương tựa nhưng vì lý do nào đó họ không thể nhờ luật sư bào chữa hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi vướng vào vòng tố tụng và bản thân họ là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng! Tại sao không đưa họ vào diện được trợ giúp pháp lý khi họ là người bị buộc tội hoặc người bị hại trong vụ án hình sự? Hơn nữa, xu hướng các tổ chức hành nghề luật sư ở nước ta hiện nay và trong những năm tới là rất phát triển, họ sẵn sàng giúp đỡ về mặt pháp lý đối với những người kém may mắn về số phận nói chung, người khuyết tật nói riêng; việc được sẻ chia, giúp đỡ người khuyết tật về pháp lý vừa là cơ hội, vừa thể hiện tấm lòng tri ân đối với các thế hệ lớp người đi trước, họ là ông, bà, cha, mẹ của người khuyết tật. Như vậy, khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý, sau khi được sửa đổi, bổ sung được viết lại như sau: “Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.”
Trên đây là ý kiến của tác giả xoay quanh quy định được trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều 71 BLTTHS năm 2015, rất mong nhận được quan tâm trao đổi cùng Quý bạn đọc./.