Định tội danh là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của một tội phạm nào đó trong số các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS) và được thực hiện ở tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự, từ khi khởi tố vụ án cho tới khi xét xử giám đốc thẩm. Điều 18[1] và Điều 391[2] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án. Định tội cũng là một hoạt động tư duy do người tiến hành tố tụng thực hiện. Đó cũng là hình thức hoạt động thể hiện sự đánh giá về mặt pháp lý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đang được kiểm tra, xác định trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật hình sự. Để định tội cho một hành vi cụ thể, người áp dụng phải căn cứ vào cấu thành tội phạm (CTTP) được rút ra từ những quy định của BLHS. Nếu tình tiết của một hành vi phạm tội phù hợp với các dấu hiệu của một CTTP cụ thể được quy định trong BLHS, thì hành vi đó được xác định theo tội danh của CTTP đó.
Như vậy, CTTP được xem là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội, là mô hình pháp lý có các dấu hiệu cần và đủ để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Bởi vì, một trong những đặc điểm của tội phạm là được quy định trong BLHS. BLHS quy định tội phạm bằng cách mô tả các dấu hiệu của hành vi phạm tội. Từ cơ sở pháp lý đó, các nhà lý luận khái quát thành các dấu hiệu đặc trưng chung gọi là CTTP. Vì thế, chủ thể định tội cần nhận thức đúng bản chất các dấu hiệu CTTP trong quá trình định tội.
Để chủ thể định tội nhận thức đúng các dấu hiệu của CTTP, các dấu hiệu của chúng phải được mô tả chính xác, rõ ràng trong BLHS năm 2015. Sự mô tả các dấu hiệu CTTP của từng tội phạm cụ thể trong BLHS năm 2015 giúp cho chủ thể định tội thực hiện tốt công việc của mình, trong đó có mục đích rất quan trọng là xác định sự khác nhau giữa tội phạm này với tội phạm khác. Vì thế, CTTP phải có tính đặc trưng. Khi mô tả các dấu hiệu của CTTP, nhà làm luật phải hết sức chú ý đến đặc điểm này của CTTP. Qua nghiên cứu thấy rằng, hầu hết các tội phạm trong BLHS năm 2015 được các nhà làm luật mô tả một cách chính xác, rõ ràng, giúp cho chủ thể định tội, các nhà nghiên cứu pháp luật hình sự nhận thức đúng đắn sự khác nhau giữa tội phạm này với tội phạm khác. Tuy nhiên, trong BLHS năm 2015 vẫn còn một số tội phạm mà tính đặc trưng của chúng chưa thật sự rõ, điều này làm cho các chủ thể khi tiến hành định tội gặp không ít khó khăn khi xác định một hành vi là phạm tội này hay phạm tội khác. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới hạn việc liên hệ đến CTTP của hai tội được quy định trong BLHS năm 2015, đó là: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125) và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135). Cả hai CTTP của hai tội đều chứa đựng dấu hiệu chung “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và có thể có hậu quả chết người xảy ra. Vì vậy, khi xác định dấu hiệu đặc trưng CTTP của hai tội này, nếu chỉ dựa vào mặt chủ quan của người phạm tội là việc làm không đơn giản, điều này có lẽ khi mô tả CTTP trong hai tội phạm này trong BLHS, nhà làm luật đã chưa khái quát được sự khác nhau rõ ràng giữa chúng.
Có nhiều quan điểm khác nhau về “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Có quan điểm cho rằng, tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng (tâm lý) không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi của mình[3]. Một quan điểm khác gần giống với quan điểm này cho rằng, trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng ý thức bị hạn chế ở mức độ cao do không chế ngự được tình cảm dẫn đến sự hạn chế đáng kể khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi[4]. Hai quan điểm này đều thừa nhận trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trạng thái mà tâm lý bị ức chế ở mức độ cao dẫn đến nhận thức bị hạn chế làm giảm đáng kể khả năng điều khiển hành vi, nhưng vẫn còn khả năng điều khiển hành vi của mình. Là phù hợp với hướng dẫn tại điểm b Mục 1 Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, mà theo đó: “ Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình.”. Bên cạnh đó, còn có quan điểm thứ ba lại coi trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó, họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí). Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước[5]. Theo quan điểm này, người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dù chưa mất hoàn toàn khả năng nhận thức, nhưng đã mất khả năng tự chủ - khả năng kiềm chế và điều khiển hành vi của mình.
Các quan điểm vừa nêu đều có những nhân tố hợp lý riêng để thuyết phục được người đọc. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ hai có vẻ hợp lý hơn. Bởi, một người phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người dù chịu sự tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý nhưng khả năng nhận thức vẫn còn, nghĩa là khả năng kiềm chế và điều khiển hành vi của họ không hoàn toàn bị triệt tiêu. Khác với trường hợp quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015, nếu một người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác (nguyên nhân khách quan) mà dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi, thì được xem là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Ở đây, người thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có nguyên nhân xuất phát từ phía người bị hại. Như vậy, nếu coi việc họ mất khả năng tự chủ và điều khiển hành vi là nguyên nhân ngoài ý muốn của họ, thì họ sẽ không chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm của mình.
Thực tế, chỉ có thể xảy ra trường hợp một người vẫn còn khả năng nhận thức mà mất khả năng tự kiềm chế và điều khiển hành vi của mình do cơ chế sinh học hoặc một bệnh nào đó làm tổn hại bộ phận điều khiển hành vi của não bộ. Có thể lý giải vì sao trong trường hợp bình thường họ không phạm tội mà trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh họ phạm tội thông qua mức độ nhận thức của họ trong lúc này. Bình thường, họ nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội và nhận thức được điều đó là sai, trái pháp luật, phải gánh lấy trách nhiệm pháp lý nên họ kiềm chế hành vi của mình. Tuy nhiên, dù trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, mức độ nhận thức của họ giảm đi đáng kể, nhưng họ vẫn có thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội ở mức độ nào đó, nhận thức một cách khái quát về hậu quả mà họ không quan tâm đến, đồng thời, việc không quan tâm đến cũng như hạn chế về nhận thức trong hoàn cảnh đó chắc chắn sẽ phải gánh lấy hậu quả pháp lý từ hành vi của mình. Nghĩa là “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là nhân tố chính làm giảm đi đáng kể khả năng tự chủ và điều khiển hành vi của mình (chứ không phải mất hẳn khả năng đó) và kết quả là hành vi phạm tội xảy ra.
Với cách hiểu này, xét ở góc độ chủ quan người phạm tội, có thể phân biệt “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và “trạng thái tinh thần bị kích động” ở mức độ nhận thức của người phạm tội khi thực hiện hành vi. Khi thực hiện hành vi, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể gây ra hậu quả cụ thể nào, bất chấp việc hành vi của mình có trái pháp luật và mình phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không thì có thể coi đây là trường hợp “trạng thái tinh thần bị kích động”. Để làm sáng tỏ điểm này phải căn cứ vào từng đối tượng cụ thể, bởi thực tế có trường hợp đối với đối tượng này, trường hợp này là bị kích động mạnh nhưng đối với đối tượng khác thì không. Chẳng hạn, khi phát hiện vợ mình ngoại tình với người khác tại nhà mình, có người vác dao chém ngay người tình của vợ mình. Nhưng cũng có người sẽ bình tĩnh trong xử lý, yêu cầu họ mặc quần áo vào; gọi điện thoại mời người thân, hàng xóm hoặc cán bộ thôn, ấp đến để nói chuyện nghiêm túc.
Ngoài ra, còn có thể dựa vào nguyên nhân dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động để xác định tinh thần có bị kích động mạnh hay không. Nguyên nhân làm cho “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Trong khi đó, nguyên nhân làm cho “trạng thái tinh thần bị kích động” là hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân là một căn cứ để xem tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không. Khi xem xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, cần đánh giá toàn diện về cả cường độ lẫn số lượng của hành vi. Có trường hợp hành vi có cường độ mạnh nhưng chỉ xảy ra một lần cũng đủ dẫn đến kích động mạnh. Hoặc có trường hợp, hành vi dù cường độ thấp nhưng xảy ra nhiều lần cũng có thể dẫn đến tinh thần bị kích động mạnh. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi phạm tội. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội[6].
Khi phân tích CTTP của hai tội phạm được quy định tại Điều 125 và 135 của BLHS năm 2015, một vấn đề nảy sinh là việc xác định yếu tố chủ quan - lỗi của người phạm tội.
Điều 125 quy định Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó…”.
Đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Điều 135 quy định:“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó…”.
Hầu hết các tài liệu, như: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Trường Đại học Luật Hà Nội – 2001); Bình luận Khoa học BLHS của nhiều tác giả, cũng như một số sách chuyên khảo của chuyên gia đầu ngành, khi phân tích về hai tội phạm này đều thừa nhận lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Quan điểm này xuất phát từ sự phân tích mặt chủ quan của Tội giết người (Điều 93) và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104) của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, qua việc phân tích “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” cho thấy, khi phạm tội, người phạm tội không nhận thức rõ hậu quả nguy hiểm cho xã hội cụ thể nào sẽ xảy ra từ hành vi của mình và do đó, cũng không thể nói họ mong muốn hậu quả cụ thể nào đó xảy ra. Trong khi đó, để xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp thì khi thực hiện hành vi, họ phải nhận thức được hậu quả chết người hoặc gây thương tích, tổn hại sức khoẻ sẽ xảy ra từ hành vi trái pháp luật của mình, mong muốn hậu quả đó xảy ra. Vì vậy, đối với Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, chỉ có thể nói người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp trong khi thực hiện tội phạm. Khẳng định trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét hai tội phạm này có giai đoạn tội phạm chưa hoàn thành hay không. Theo đó, hai tội phạm này sẽ không có giai đoạn chưa hoàn thành. Bởi vì, giai đoạn chưa hoàn thành chỉ xảy ra đối với các tội phạm có dấu hiệu chủ quan là lỗi cố ý trực tiếp[7].
Từ một số nội dung đã phân tích, việc xác định điểm đặc trưng của hai CTTP của hai tội phạm nói trên dựa theo BLHS năm 2015, theo tác giả nảy sinh vướng mắc sau:
Một là, theo quy định hiện hành, căn cứ vào bản chất của “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” giữa hai tội không thể phân biệt được khi dựa vào dấu hiệu chủ quan, nghĩa là dựa vào lỗi của người phạm tội đối với hậu quả. Bởi vì, như đã phân tích người phạm tội không nhận thức rõ hành vi của mình có thể gây ra hậu quả cụ thể nào (chết người hay thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ). Khi thực hiện hành vi, họ chỉ nhận thức một cách khái quát về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả từ hành vi đó gây ra. Thực tế xảy ra hậu quả đến đâu, họ chấp nhận hậu quả đến đó. Do đó, chỉ có thể phân biệt hai CTTP này thông qua dấu hiệu hậu quả. Nếu hậu quả chết người xảy ra có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội, đó là Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Còn nếu hậu quả xảy ra chỉ là thương tích, đó là Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Cũng có quan điểm khác cho rằng, nếu sau khi phạm tội, hậu quả xảy ra ngay hoặc một khoảng thời gian ngắn sau đó (chết trên đường đưa đi đến bệnh viện) thì đó là Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu hậu quả chết người xảy ra sau một thời gian nhất định (trong quá trình điều trị tại bệnh viện), đó là Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Quan điểm phân biệt này rõ ràng thiếu cơ sở khoa học vì trong cả hai trường hợp, người phạm tội không nhận thức được rõ ràng hậu quả của hành vi phạm tội do mình gây ra. Bởi thực tế có không ít trường hợp, nếu ngay từ đầu làm tốt sơ cấp cứu tại chỗ, không để mất máu nhiều; không phải vượt qua nhiều km đường rừng, đèo dốc,…để chuyển nạn nhân đến bệnh viện, thì nạn nhân rõ ràng khó có thể chết.
Như vậy, căn cứ vào bản chất của “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, hậu quả thực tế xảy ra là cơ sở quan trọng nhất để phân biệt hai CTTP của các tội nói trên. Tuy nhiên, theo sự mô tả của Điều 125 và Điều 135 trong BLHS năm 2015, sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt chúng. Vấn đề này xảy ra khi nghiên cứu CTTP cơ bản của Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1, Điều 125) và CTTP tăng nặng của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 2, Điều 135) vì cả hai CTTP đều chứa đựng hậu quả chết người. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội trong cả hai trường hợp đều không nhận thức rõ hành vi của mình có thể gây ra hậu quả cụ thể nào (chết người hay thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ) vì khi đó khả năng nhận thức của họ đã giảm đi đáng kể. Do đó, việc xác định trường hợp nào là cố ý đối với hậu quả chết người (giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh) hay vô ý với hậu quả chết người (cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dẫn đến chết người) là điều không khả thi. Để giải quyết vướng mắc này, theo quan điểm của tác giả, nhà làm luật nên nghiên cứu bỏ dấu hiệu hậu quả “chết người” trong CTTP tăng nặng của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (điểm b, khoản 2, Điều 135 của BLHS năm 2015). Như vậy, điểm b, khoản 2, Điều 135 của BLHS năm 2015 sau khi được sửa đổi, được viết lại như sau: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.
Thiết nghĩ theo sửa đổi vừa nêu, mọi hành vi tấn công người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà có hậu quả chết người sẽ thoả mãn CTTP của Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125). Nếu hành vi tấn công người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ có hậu quả tổn thương tích cơ thể tổn hại sức khoẻ thì thuộc CTTP của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Có như vậy người áp dụng mới không gặp lúng túng khi định tội danh đối với hai tội phạm này.
Hai là, đối với hai điều luật nói trên phát sinh từ việc quy định chế tài. Theo khoản 1 Điều 125 BLHS năm 2015, nếu người thực hiện hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trong khi đó, khoản 2 Điều 135 quy định gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, thì có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu cân nhắc tính nguy hiểm cho xã hội của hai trường hợp này dựa trên dấu hiệu khách quan (hậu quả) được quy định trong hai CTTP có thể thấy trường hợp phạm tội được quy định tại khoản 2 Điều 135 rõ ràng có tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thấp hơn trường hợp phạm tội theo khoản 1 Điều 125. Bởi vì hậu quả được mô tả trong khoản 1 Điều 125 là “chết người”; còn hậu quả tại khoản 2 Điều 135 là tổn thương tích cơ thể 61% trở lên…
Trong khi bản chất nguy hiểm cho xã hội của hai trường hợp phạm tội là thế nhưng hình phạt quy định kèm theo không thể hiện sự tương xứng. Khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 135 nghiêm khắc hơn khung hình phạt tại khoản 1 Điều 125. Điều này không bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt cũng như nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự. Từ những phân tích vừa nêu, tác giả kiến nghị sửa đổi khung hình phạt của tội phạm quy định tại Điều 135 của BLHS năm 2015 theo hướng:
“1… thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2… thì bị phạt tù từ sáu tháng đến hai năm…”.
Sau khi được sửa đổi, Điều 135 BLHS năm 2015 được viết lại như sau:
Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”