Nhiều địa phương không sửa văn bản trái luật

Quá thời hạn tới nửa tháng, nhưng đến hôm nay mới có 24 trong tổng số 33 tỉnh thành thông báo kết quả xử lý 42/86 văn bản trái luật trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 1/3 tới, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng về việc này.

 

Theo Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), 9 tỉnh thành chưa thông báo kết quả xử lý văn bản trái luật gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đăk Lăk. Trong đó 6 địa phương (trừ Sơn La, Bắc Ninh, Quảng Nam) gửi thông báo dự kiến phương án xử lý, chưa có quyết định cuối cùng.

Cố tình giữ nguyên văn bản trái luật

Nhiều địa phương chỉ tiếp thu, sửa đổi hoặc thay thế một phần nội dung văn bản trái luật, còn lại kiên quyết không xử lý. Đơn cử Đà Nẵng, thành phố có số quyết định trái luật nhiều nhất (13), nhưng dự kiến chỉ hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần đối với 6 văn bản theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trong 7 văn bản còn lại, UBND thành phố dự kiến giữ nguyên quyết định 156 về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; quyết định 146 về tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh niên xung kích; quyết định 79 về xử phạt vi phạm hành chính của thanh niên xung kích.

Bãi giữ xe vi phạm quy định của Hà Nội luôn đầy xe. Ảnh: Đ.L.

TP HCM, địa phương có tới 8 văn bản trái luật, chỉ dự kiến bãi bỏ công văn số 7696 về tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và quyết định số 106 về áp dụng một số biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Thành phố kiến nghị được giữ nguyên 3 văn bản gồm: quyết định 104 về quản lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; quyết định 210 quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; và quyết định 240 về bổ sung hành vi vi phạm hành chính áp dụng xử phạt theo quyết định 210.

Giải thích việc cố giữ quyết định 210 và 240, lãnh đạo thành phố cho rằng văn bản này chỉ quy định biện pháp thu thập chứng cứ để xử phạt, không quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, do đó không trái với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Riêng về quyết định 104, thành phố đã viện dẫn nghị quyết số 20 của Bộ Chính trị cho phép được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra, nhưng chưa có quy định hay quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp. Hơn nữa, qua gần 2 năm thực hiện quyết định 104, người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng đã giảm đáng kể, góp phần cải thiện mỹ quan đô thị.

Văn bản sửa rồi vẫn sai

Thành phố Hà Nội có 3 văn bản được Bộ Tư pháp yêu cầu hủy bỏ một số điểm sai trái. Đó là quyết định 26 của UBND quy định hoạt động của các phương tiện giao thông; quyết định 167 về việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung của quyết định 26; quyết định 02 ban hành quy định về việc thực hiện các biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, thay vì hủy bỏ một số điểm sai trái như quy định về tạm giữ 15-60 ngày đối với xe máy, môtô, ôtô; tịch thu xe thô sơ... thì thành phố lại ban hành văn bản thay thế, đó là quyết định số 240 và 241.

Theo Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp, cả hai văn bản thay thế này tiếp tục sai vì vẫn quy định hành vi và mức xử phạt hành chính. Cụ thể, tại khoản 3, điều 4 của quyết định 240 quy định: Đối với xe thô sơ phạt tiền từ 20.000 đến 40.000 đồng... Trong thông báo gửi UBND Hà Nội, Cục trưởng Lê Hồng Sơn nêu rõ: theo luật chỉ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành văn bản quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm. Các văn bản do chính quyền địa phương ban hành nhằm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chứ không được quy định hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt hành chính.

Do đó, việc UBND Hà Nội ban hành văn bản thay thế số 240 và 241 quy định về hành vi vi phạm, mức phạt vi phạm hành chính (kể cả trường hợp sao chép lại mức phạt) là không đúng với thẩm quyền.

Xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể ra văn bản sai

Theo quy định của pháp luật, kể từ khi nhận được văn bản của trung ương yêu cầu xử lý văn bản trái luật thì trong vòng 30 ngày (tức đến 10/2) địa phương phải thông báo kết quả xử lý. "Tuy nhiên, đã qua 14 ngày vẫn còn 9 tỉnh chưa gửi báo cáo, viện lý do cần thảo luận, cân nhắc. Về nguyên tắc, ban hành văn bản sai thì phải sửa, nếu đã yêu cầu mà không sửa là không được. Điều này thể hiện kỷ cương hành chính không được thực hiện nghiêm túc", Cục trưởng Sơn nói.

Ông Sơn cho biết, ngày 1/3, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý văn bản trái luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. "Chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng ra quyết định hủy bỏ văn bản trái luật, đồng thời đề nghị xem xét trách nhiệm của những cá nhân và tập thể liên quan. Trong trường hợp này là trách nhiệm của tập thể UBND tỉnh thành ra văn bản sai, người ký ban hành, các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra văn bản", ông nói.

Như Trang