Quy định về tội phạm có tổ chức, tổ chức phạm tội, phạm tội có tổ chức và kiến nghị hoàn thiện

“Tội phạm có tổ chức”, “tổ chức phạm tội” và “phạm tội có tổ chức” là những khái niệm phức tạp, có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau. Việc làm sáng tỏ ba khái niệm này có ý nghĩa to lớn không những về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong hoàn thiện pháp luật hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Trước hết, cần khẳng định, “tổ chức tội phạm”, “phạm tội có tổ chức” là hai khái niệm của luật hình sự, còn “tội phạm có tổ chức” là một khái niệm của tội phạm học, nhưng ba khái niệm này đều có một điểm chung, đó là đều có thuật ngữ “tổ chức”, mà thuật ngữ này thể hiện tính chất của một sự vật, hiện tượng được tập hợp một cách thống nhất; các yếu tố cấu thành tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, những người tham gia tổ chức tội phạm, thực hiện tội phạm bằng phương thức phạm tội có tổ chức hoặc thực hiện các tội phạm có tổ chức đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, mặc dù chưa đưa ra khái niệm “tổ chức tội phạm”, nhưng Phần các tội phạm cụ thể của BLHS cũng đã đề cập đến nhiều hành vi phạm tội mà “tổ chức” là yếu tố, dấu hiệu cấu thành của tội phạm đó, chẳng hạn: Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120), hay trường hợp Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 BLHS năm 1999; Điều 109 BLHS năm 2015). Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đặt ra vấn đề về “tổ chức tội phạm” mà lý luận khoa học hình sự cần nghiên cứu, giải quyết. Theo quan điểm nghiên cứu của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật hình sự, việc quy định “tổ chức tội phạm” trong BLHS sự cần tránh cả hai khuynh hướng sau:
Thứ nhất, quy định “tổ chức tội phạm” với phạm vi quá rộng, dẫn tới xử lý tràn lan, tạo nên hình ảnh không đúng về một xã hội có quá nhiều tổ chức tội phạm.
Thứ hai, ngược lại, không cần thiết phải quy định “tổ chức tội phạm” trong BLHS, vì đã có quy định về “phạm tội có tổ chức”. Khuynh hướng này suy cho cùng không hợp lý ở chỗ “tổ chức tội phạm” là một tổ chức bất hợp pháp được thành lập với mục đích để thực hiện tội phạm; sự hiện hữu của tổ chức này đã gây nguy hiểm cho xã hội, bất kể tổ chức này đã thực hiện tội phạm hay chưa thực hiện tội phạm; thực hiện tội phạm một lần hay nhiều lần; thực hiện một tội phạm hay nhiều tội phạm; thực hiện tội phạm theo đúng với ý đồ hay chưa đúng với ý đồ của những tên cầm đầu tổ chức. Chính vì vậy, BLHS cần bổ sung quy định về khái niệm “tổ chức tội phạm”. Mà theo đó, “tổ chức tội phạm” được hiểu: Tổ chức tội phạm là một tập hợp người có sự liên kết, phân công, phối hợp hoạt động với nhau do một hoặc một số cá nhân thành lập, điều khiển một cách có kế hoạch nhằm thực hiện một hoặc nhiều tội phạm.
Từ khái niệm trên cho thấy, trong tổ chức tội phạm bao giờ cũng có sự phân công vai trò rõ ràng giữa các thành viên như trong tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu, đã có sự phân công, phối hợp giữa các thành viên: Có người chuyên trách hối lộ cán bộ Công an cấp quận, có người chuyên trách hối lộ cán bộ Công an cấp thành phố... Ngoài ra, “tổ chức tội phạm” bao giờ cũng có người chủ mưu, cầm đầu như trong tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam cầm đầu, còn có những tên chỉ huy khác như Hiệp “phò mã”, Thuyết “chăn voi”...
Khái niệm về “tổ chức tội phạm” có mối quan hệ hữu cơ với khái niệm “tội phạm có tổ chức”. Nếu như tổ chức tội phạm là một khái niệm của luật hình sự, thì tội phạm có tổ chức (TPCTC) là một khái niệm của tội phạm học. Xung quanh khái niệm TPCTC vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thực tế, cũng có sự nhầm lẫn giữa “tổ chức tội phạm” như đã trình bày ở trên với TPCTC. Cụ thể, khái niệm tội phạm có tổ chức đã được đưa ra trong Hội thảo quốc tế của Liên hợp quốc về đấu tranh chống tội phạm, tổ chức ở Xuzơđan: “Tội phạm có tổ chức được hiểu là nhóm những cộng đồng tội phạm bền vững, hoạt động phạm tội như một nghề nghiệp, hình thành hệ thống bảo vệ chống sự kiểm soát của xã hội với việc sử dụng các phương tiện bất hợp pháp như bạo lực, đe dọa, tham nhũng và trộm cắp ở phạm vi rộng lớn”[1]
Theo quan điểm của các luật gia Mỹ: TPCTC là hoạt động phạm tội (Criminal activity) của các tổ chức chính quy, rất phát triển và hướng mọi nỗ lực để đạt được lợi nhuận thông qua những phương tiện bất hợp pháp[2]. Quan điểm này có hạt nhân hợp lý ở chỗ không nhầm lẫn giữa “tổ chức tội phạm” với TPCTC.
Theo Tiến sĩ Trần Quang Tiệp, TPCTC là một khái niệm của tội phạm học và có mối quan hệ hữu cơ với khái niệm tình hình tội phạm. Là khái niệm cơ bản đầu tiên của tội phạm học, tình hình tội phạm được hiểu là “một hiện tượng xã hội pháp lý tiêu cực, được thay đổi về mặt lịch sử, mang tính giai cấp, bao gồm tổng thể thống nhất (hệ thống) các tội phạm thực hiện trong một xã hội (quốc gia) nhất định và khoảng thời gian nhất định.[3]. Có thể nhận xét, mối quan hệ giữa tình hình tội phạm với tội phạm có tổ chức là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.
TPCTC có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn những tội phạm do những người phạm tội đơn lẻ thực hiện bởi lẽ: Những loại tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao thường do các tổ chức tội phạm thực hiện. Những tội phạm do tổ chức tội phạm thực hiện thường có sự tập trung sức lực, trí tuệ, sự phối hợp, tương trợ lẫn nhau giữa những kẻ phạm tội, điều đó tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm không chỉ thực hiện tội phạm một cách dễ dàng hơn mà trong nhiều trường hợp có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn, dễ dàng che giấu dấu vết của tội phạm để chống lại sự điều tra, khám phá của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Về mặt tâm lý, những thành viên trong tổ chức tội phạm do dựa dẫm vào nhau nên quyết tâm phạm tội thường là cao hơn so với các trường hợp phạm tội riêng lẻ.
Đương nhiên, các tội phạm do tổ chức tội phạm thực hiện đều bằng phương thức phạm tội có tổ chức. Từ đây, xuất hiện mối quan hệ hữu cơ giữa “tổ chức tội phạm”, TPCTC và “phạm tội có tổ chức”.
TPCTC đang gia tăng về số lượng và tính chất nguy hiểm; đấu tranh phòng chống TPCTC là vấn đề được quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện nay ở nhiều nước đã và đang nghiên cứu, bổ sung pháp luật, thành lập các cơ quan nghiên cứu và cơ quan chuyên trách tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này. Ngày 15 tháng 12 năm 2000 tại Palecmo (Italia), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cùng các Nghị định thư có liên quan đã được thông qua. Theo Công ước, các thành viên sẽ có trách nhiệm mới trong việc chống rửa tiền, chống tham nhũng và chống những “bàn tay đen” lèo lái công lý. Cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia thường bị cản trở do luật pháp các nước mâu thuẫn nhau. Nhưng với việc ký kết, các nước sẽ cam kết bãi bỏ các yêu cầu về bí mật ngân hàng, tạo điều kiện để điều tra các hoạt động rửa tiền, coi các tài khoản vô danh hoặc tài khoản mang tên giả là bất hợp pháp. Các đơn vị đặc nhiệm về tài chính cũng được thành lập với nhiệm vụ thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin về bọn tội phạm rửa tiền và tội phạm tài chính khác. Công ước cho phép các chính phủ trưng thu, phong tỏa tài sản của bọn tội phạm. Các nước đang phát triển sẽ được trợ giúp bằng một quỹ lập ra từ tài sản tịch thu của bọn mafia để giúp hệ thống pháp lý của các nước này theo kịp tiêu chuẩn quốc tế. Lần đầu tiên, các công ty kinh doanh cũng có trách nhiệm tham gia hoặc có lợi từ việc chống tội phạm có tổ chức. Ngoài ra, các nghị định thư về chống buôn bán con người sẽ yêu cầu các nước tăng cường hợp tác để ngăn chặn và trừng phạt bọn tội phạm, bảo vệ các nạn nhân. Việt Nam cũng là nước tham gia ký công nhận Công ước; tiếp theo đó là hàng loạt các hội nghị, hội thảo triển khai ở các nước, các khu vực để nghiên cứu và triển khai các văn bản pháp lý quan trọng này.
Tuy nhiên, Công ước chỉ quy định những vấn đề chung nhất về TPCTC xuyên quốc gia. Trong khi đó ở mỗi quốc gia với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau, TPCTC ngoài những nét chung còn có những đặc thù riêng, TPCTC gây ảnh hưởng tới từng quốc gia cũng khác nhau. Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu, các quy định trong phòng chống TPCTC phải căn cứ vào đặc điểm riêng cũng như quy mô tổ chức, thủ đoạn hoạt động, tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này ở mỗi quốc gia.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và không ngừng phát triển. Các lĩnh vực hành chính, văn hoá… đã từng bước được cải cách, đổi mới, đời sống xã hội không ngừng được cải thiện, thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng ngày càng bộc lộ và tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, làm cho tình hình an ninh, chính trị có những diễn biến phức tạp. Tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của loại tội phạm có tổ chức với phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự, kỷ cương xã hội, đến tư tưởng và niềm tin của quần chúng nhân dân với đường lối chính sách của Đảng. TPCTC đang có chiều hướng gia tăng, có những dấu hiệu chuyển hoá từ những vấn đề tội phạm hình sự, kinh tế thông thường ảnh hưởng đến an ninh chính trị. 
Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mau lẹ, sự thâm nhập đa dạng vào các mặt kinh tế, văn hoá, sắc tộc của TPCTC trên toàn thế giới. Xu hướng nguy hiểm này xuất hiện do những mặt trái của toàn cầu hoá về kinh tế và nhất thể hóa khu vực với những thành tựu đáng kể trong việc phát triển công nghệ, thông tin và sự mở rộng chưa từng có của các hoạt động kinh tế quốc tế. Quá trình toàn cầu hoá về kinh tế cũng đồng thời kéo theo quá trình quốc tế hoá của TPCTC và sự xâm nhập của các yếu tố TPCTC trong các công ty độc quyền xuyên quốc gia, các hoạt động khủng bố quốc tế. Toàn cầu hoá kinh tế và nhất thể hoá khu vực đã làm thay đổi căn bản bối cảnh quốc tế, đã phá bỏ các rào chắn của chiến tranh lạnh đối với các hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời cũng bỏ rào ngăn đối với các hoạt động tội phạm, tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức chiếm lĩnh thị trường mới và mở rộng tầm hoạt động. Các hệ thống thị trường và tài chính quốc tế ngày càng phát triển đã làm tăng quy mô và cường độ số người, hàng hoá và tiền tệ qua lại biên giới các nước và hoạt động rửa tiền. Việc lập ra khu vực mậu dịch tự do tiếp tục giảm bớt sự kiểm soát thuế quan và xuất nhập cảnh ở châu Âu, ASEAN và các khu vực khác cũng tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia dưới các hình thức kinh doanh hợp pháp. Có thể nói, bên cạnh lợi ích to lớn của các thay đổi nền kinh tế toàn cầu thì TPCTC đang tăng lên về quy mô hoạt động, phạm vi lãnh thổ hoạt động và hậu quả tác hại, đang đe doạ sự ổn định trong khu vực và trật tự quốc tế một cách lâu dài. Hiện nay, không có một nước nào trên thế giới là không có TPCTC và nước nào cũng có các nhóm TPCTC mang đặc thù của nước đó và có sự đồng hoá với các nhóm TPCTC khác trên thế giới.
Trên thực tế, nhiều nhóm tội phạm có tổ chức tuy nhỏ bé, hệ thống tổ chức lỏng lẻo nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả vô cùng lớn. Những băng nhóm tội phạm mới hoạt động theo phương thức linh hoạt, năng động hơn. Xu hướng hoạt động xuyên quốc gia nhưng lại phân tán nhỏ và chuyên môn hoá; chuyển dần từ các hoạt động bất hợp pháp sang hợp pháp hoá thông qua cách thức hợp pháp hoá tiền và tài sản do phạm tội mà có và tăng cường tài trợ nhân đạo, hỗ trợ các hoạt động tôn giáo, dân tộc thiểu số, đặc biệt là xâm nhập trực tiếp vào nền kinh tế hợp pháp, vì vậy đòi hỏi các cơ quan làm luật và thực thi pháp luật phải có cơ chế giám sát và chiến lược phòng ngừa phù hợp.
 Theo Điều 2 của Công ước của Liên hợp quốc về đấu tranh chống TPCTC xuyên quốc gia đã định nghĩa: “Nhóm TPCTC” là một nhóm tổ chức có cơ cấu từ 3 người trở lên, tồn tại trong một thời gian cùng phối hợp thực hiện một hoặc nhiều tội phạm nghiêm trọng hoặc các hành vi phạm tội được quy định trong Công ước này với mục đích trực tiếp hay gián tiếp đạt được các lợi ích về tài chính hay vật chất khác.
Điều 17 BLHS năm 2015 quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Trong đó “phạm tội có tổ chức”, là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Phạm tội có tổ chức là một hình thức cao của đồng phạm, có sự cấu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
“Phạm tội có tổ chức” khác với “tổ chức phạm tội”. BLHS năm 2015 chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và phạm vi truy cứu chỉ với những tội phạm quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, mà không có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một tổ chức nói chung, vì vậy, không có khái niệm hoàn chỉnh về “tổ chức phạm tội” trong luật hình sự Việt Nam, mặc dù trong xã hội vẫn có thể có một tổ chức phạm tội dưới hình thức “Băng, Đảng” do một số người thành lập hoặc có sự cấu kết để hoạt động phạm tội… Tuy nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của các tổ chức này thì chỉ truy cứu từng cá nhân trong tổ chức đó. Chẳng hạn, trong vụ án Trương Văn Cam là một tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” do Trương Văn Cam (Năm Cam) cầm đầu thực hiện nhiều hành vi phạm tội trong một thời gian dài trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự từng cá nhân trong tổ chức phạm tội do Trương Văn Cam cầm đầu, chỉ huy chứ không truy cứu “tổ chức Năm Cam”.
Tuy nhiên, theo quy định BLHS năm 2015 ngoài tội phạm quy định như tại Điều 109 “Tội hoạt đồng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” nhà làm luật đề cập đến việc trừng trị cả hoạt động thành lập và tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Bên cạnh đó, còn có nhiều tội phạm khác liên quan đến cụm từ “tổ chức”, như: Tổ chức tảo hôn (Điều 183); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 255); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322); Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348), nhưng yếu tố tổ chức trong các tội này khác với khái niệm liên kết có tổ chức chặt chẽ chỉ là bởi vì phạm tội có tổ chức nhất thiết phải có hai người trở lên, có sự cấu kết, phân công chặt chẽ, còn các tội phạm nêu trên có thể chỉ có một người đứng ra tổ chức cho nhiều người thực hiện các hành vi phạm tội. Người tổ chức đương nhiên là người thực hiện hành vi phạm tội nhưng những người được tổ chức chưa hẳn đã phạm tội.
Khác với khái niệm “tổ chức tội phạm”, khái niệm TPCTC chưa được chính thức ghi nhận về mặt pháp lý. Khái niệm “phạm tội có tổ chức” được quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS năm 1985; khoản 3 Điều 20 BLHS năm 1999 và khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Tình tiết phạm tội có tổ chức không những được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 39 BLHS năm 1985, Điều 48 BLHS năm 1999 và Điều 52 BLHS năm 2015 mà còn được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại nhiều điều luật trong BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015. Từ khái niệm phạm tội có tổ chức nói trên cho thấy, đây là phương thức phạm tội đặc biệt để phân biệt với phương thức phạm tội riêng lẻ hoặc với các phương thức phạm tội dưới các hình thức đồng phạm khác.
 “Phạm tội có tổ chức” khác với người tổ chức trong vụ án có đồng phạm, vì người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm, nói lên vai trò, nhiệm vụ của một người trong một vụ án có đồng phạm, còn phạm tội có tổ chức lại nói lên quy mô của tính chất, mức độ nguy hiểm mà tội phạm đó đã xảy ra. Tất nhiên “phạm tội có tổ chức” bao giờ cũng có người tổ chức (người cầm đầu), nhưng không phải chỉ có người tổ chức mới bị áp dụng tình tiết tăng nặng này mà tất cả những người tham gia đều bị coi là “phạm tội có tổ chức”[4].
“Phạm tội có tổ chức” cũng khác với hành vi tổ chức trong một số tội phạm như: Tổ chức tảo hôn (Điều 183); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 255); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322);... Đối với các hành vi phạm tội này có thể có trường hợp phạm tội có tổ chức, nhưng không phải tất cả các hành vi phạm tội trên đều bị coi là phạm tội có tổ chức. Ví dụ: Phạm Văn T. rủ rê, lôi kéo một số con nghiện đến nhà mình để sử dụng trái phép chất ma tuý thì bị bắt quả tang. Hành vi của T. chỉ là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, chứ không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức vì chỉ có một mình T. thực hiện, không có sự cấu kết chặt chẽ, không có sự phân công vai trò của từng người đồng phạm và trong trường hợp này cũng không phải là trường hợp phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có đồng phạm. Tuy nhiên, nếu T. và một số người khác cùng thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, có sự cấu kết chặt chẽ, có sự phân công vai trò của từng người dưới sự điều hành của T. như: T. phân công Lê Trung N. chịu trách nhiệm mua ma túy đá; Văn Đức Q. bố trí địa điểm và người canh gác; Trần Tú Kh. chi xuất tài chính từ các nguồn thu mà nhóm của T. “bảo kê” các nhà hàng, khách sạn, massage, quán karaoke,… để đưa chất ma tuý vào cơ thể các con nghiện thì hành vi phạm tội của T. và đồng phạm là trường hợp “phạm tội có tổ chức”. Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo Toà án vẫn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo, mặc dù các bị cáo bị xét xử về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Không thể đánh đồng, lẫn lộn giữa “tội phạm có tổ chức” với “phạm tội có tổ chức”. Theo điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999, điểm a khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 “phạm tội có tổ chức” được coi là tình tiết tăng nặng. Điều đó cũng có nghĩa là “phạm tội có tổ chức” được hiểu như trạng thái, hình thức thực hiện hành vi làm cho hành vi càng trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội. Trong BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 nhà lập pháp đã thể hiện tình tiết tăng nặng này rõ hơn bằng việc chỉ ghi “có tổ chức” mà bỏ bớt cụm từ “phạm tội”, ví dụ như quy định các điều 141, 142, 149,… Nhưng bên cạnh đó, tại các điều 146, 147 BLHS năm 2015, hiện nhà làm luật vẫn quy định “phạm tội có tổ chức” là tình tiết tăng nặng định khung các tội này. Như vậy là chưa có sự thống nhất trong sử dụng thuật ngữ nói trên. Đồng ý rằng, một tội phạm có tổ chức thì không thể thiếu yếu tố thực hiện hành vi phạm tội một cách có tổ chức, tức là có “phạm tội có tổ chức”. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa khắc phục được sự nhầm lẫn trong nhận thức và chưa thể hiện rõ ràng, dứt khoát sự khác biệt trong thái độ chính sách hình sự đối với các trường hợp khác nhau. Một bên là đánh giá hành vi A nào đó nguy hiểm cho xã hội trong quá trình thực hiện đã được tiến hành một cách có tổ chức bởi hai hay nhiều người (phạm tội có tổ chức - đồng phạm) và bên khác coi một tội phạm nào đó là loại tội phạm có tổ chức (tội phạm B đã được phát sinh là hệ quả của một quá trình tổ chức của một nhóm người cố kết, hoặc do một tổ chức tội phạm thực hiện). Như vậy, trong B chắc chắn có dấu hiệu A, nhưng A thì chưa chắc đã là B.
“Phạm tội có tổ chức” là nói đến quy mô, tính chất của tội phạm, còn khái niệm “tổ chức” nhà làm luật quy định trong các tội phạm cụ thể nêu ở trên là hành vi phạm tội. “Phạm tội có tổ chức”, nhất thiết phải có từ hai người trở lên, là một hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm... còn tổ chức đánh bạc, tổ chức tảo hôn, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý... có thể chỉ có một người cũng có thể thực hiện được hành vi tổ chức. Do đó, đối với hành vi tổ chức trong các tội phạm này không coi là tình tiết tăng nặng và không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015. Vì vậy, tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” vẫn có thể áp dụng đối với các tội như: Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 225); tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); … nếu có đủ dấu hiệu về “phạm tội có tổ chức” 
Phạm tội có tổ chức” là yếu tố định khung hình phạt đối với các tội phạm được quy định trong BLHS năm 2015, như: Tội giết người (điểm o khoản 1 Điều 123);  Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điểm h khoản 1 Điều 134); Tội hiếp hâm (điểm a khoản 2 Điều 141); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 3 Điều 142); Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (điểm a khoản 2 Điều 147); Tội cố ý lây truyền HIV cho người khác (điểm a khoản 2 Điều 149); Tội mua bán người (điểm a khoản 2 Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 3 Điều 151); Tội đánh tráo người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 152); Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 153); Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (điểm a khoản 2 Điều 154); Tội vu khống (điểm a khoản 2 Điều 156); Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm a khoản 2 Điều 157); Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (điểm a khoản 2 Điều 158); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (điểm a khoản 2 Điều 159); Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (điểm a khoản 2 Điều 160); Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (điểm a khoản 2 Điều 161); Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (điểm a khoản 2 Điều 164); Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyên biểu tình của công dân (điểm a khoản 2 Điều 167); Tội cướp tài sản (điểm a khoản 2 Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 2 Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (điểm a khoản 2 Điều 170); Tội cướp giật tài sản (điểm a khoản 2 Điều 171); tội trộm cắp tài sản (điểm a khoản 2 Điều 173); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 2 Điều 174); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 2 Điều 175); Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điểm a khoản 2 Điều 178); Tội buôn lậu (điểm a khoản 2 Điều 188); Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (điểm a khoản 2 Điều 189); Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (điểm a khoản 2 Điều 190); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (điểm a khoản 2 Điều 191); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (điểm a khoản 2 Điều 192); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (điểm a khoản 2 Điều 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (điểm a khoản 2 Điều 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (điểm a khoản 2 Điều 195); Tội đầu cơ (điểm a khoản 2 Điều 196); Tội lừa dối khách hàng (điểm a khoản 2 Điều 198); Tội trốn thuế (điểm a khoản 2 Điều 200); Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả (điểm a khoản 2 Điều 202); Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (điểm a khoản 2 Điều 203); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (điểm a khoản 2 Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (điểm a khoản 2 Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (điểm a khoản 2 Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (điểm c khoản 2 Điều 212); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (điểm a khoản 2 Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (điểm a khoản 2 Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (điểm a khoản 2 Điều 215); Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (điểm a khoản 2 Điều 218); Tội vi phạm quy định vế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (điểm b khoản 2 Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điểm b khoản 2 Điều 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (điểm b khoản 2 Điều 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (điểm b khoản 2 Điều 222); Tội thông đồng, bao che, cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (điểm b khoản 2 Điều 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (điểm b khoản 2 Điều 224); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (điểm a khoản 2 Điều 225); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (điểm a khoản 2 Điều 226); Tội xâm phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (điểm c khoản 2 Điều 227); Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (điểm a khoản 2 Điều 228); Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (điểm a khoản 2 Điều 229); Tội vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (điểm b khoản 2 Điều 230); Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (điểm a khoản 2 Điều 231); Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (điểm h khoản 2 Điều 232); Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (điểm a khoản 2 Điều 233); Tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật động vật hoang dã (điểm a khoản 2 Điều 234); Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại (điểm b khoản 2 Điều 236); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm về bảo vệ bờ, bãi sông (điểm a khoản 2 Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (điểm a khoản 2 Điều 239); Tội hủy hoại rừng (điểm a khoản 2 Điều 243); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (điểm a khoản 2 Điều 244); Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (điểm c khoản 2 Điều 245); Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý (điểm a khoản 2 Điều 247); Tội sản xuất trái phép chất ma tuý (điểm a khoản 2 Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (điểm a khoản 2 Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (điểm a khoản 2 Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (điểm a khoản 2 Điều 250); Tội chiếm đoạt chất ma túy (điểm b khoản 2 Điều 251); Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý (điểm a khoản 2 Điều 253); Tội sản xuất, tang trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào sản xuất hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy (điểm a khoản 2 Điều 254); Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (điểm b khoản 2 Điều 257); Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (điểm a khoản 2 Điều 258); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc , thuốc hướng thần (điểm a khoản 2 Điều 259); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (điểm a khoản 2 Điều 282); Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (điểm a khoản 2 Điều 285); Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (điểm a khoản 2 Điều 286); Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (điểm a khoản 2 Điều 287); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông (điểm a khoản 2 Điều 288); Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (điểm a khoản 2 Điều 289); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 2 Điều 290); Tội thu thập, tang trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (điểm b khoản 2 Điều 291); Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (điểm a khoản 2 Điều 292); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến diện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (điểm b khoản 2 Điều 293); Tội cố ý gây hiễu có hại (điểm b khoản 2 Điều 294); Tội bắt cóc con tin (điểm a khoản 2 Điều 301); Tội cướp biển (điểm a khoản 2 Điều 302); Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (điểm a khoản 2 Điều 304); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (điểm a khoản 2 Điều 305); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (điểm a khoản 2 Điều 230); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tương tự (điểm a khoản 2 Điều 306); Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (điểm a khoản 2 Điều 309); tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, trái phép chất cháy, chất độc (điểm a khoản 3 Điều 311); Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (điểm a khoản 2 Điều 317); Tội gây rối trật tự công cộng (điểm a khoản 2 Điều 318); Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (điểm a khoản 2 Điều 323); Tội rửa tiền (điểm a khoản 2 Điều 324); Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (điểm a khoản 2 Điều 325); Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ (điểm a khoản 2 Điều 326); Tội chứa mại dâm (điểm a khoản 2 Điều 327); Tội môi giới mại dâm (điểm b khoản 2 Điều 328); Tội chống người thi hành công vụ (điểm a khoản 2 Điều 330); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật của Nhà nước (điểm a khoản 3 Điều 337); Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (điểm a khoản 2 Điều 267); tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (điểm a khoản 2 Điều 341); Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (điểm a khoản 2 Điều 342); Tội vi phạm các quy định về xuất bản (điểm a khoản 2 Điều 344); Tội tham ô tài sản (điểm a khoản 2 Điều 353); Tội nhận hối lộ (điểm a khoản 2 Điều 354); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điểm a khoản 2 Điều 355); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điểm a khoản 2 Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (điểm a khoản 2 Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (điểm a khoản 2 Điều 358); Tội giả mạo trong công tác (điểm a khoản 2 Điều 359); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (điểm a khoản 2 Điều 361); Tội đưa hối lộ (điểm a khoản 2 Điều 364); Tội môi giới hối lộ (điểm a khoản 2 Điều 365); Tội ra quyết định trái pháp luật (điểm a khoản 2 Điều 371); Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (điểm a khoản 2 Điều 375); Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (điểm a khoản 2 Điều 382); Tội đánh tháo người bị giam, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, thi hành án phạt tù (điểm a khoản 2 Điều 387). Tội vi phạm quy định về giam giữ (điểm a khoản 2 Điều 388).
Như vậy, đối với các tội phạm vừa liệt kê trên nếu thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức thì người bị buộc tội, pháp nhân thương mại phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết khung hình phạt “có tổ chức” và khi quyết định hình phạt Toà án không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” đối với họ nữa.
Mặc dù khái niệm “phạm tội có tổ chức” được quy định trong BLHS, nhưng về mặt lý luận khoa học, khái niệm về “phạm tội có tổ chức” chưa tuân thủ đầy đủ quy tắc của lôgíc hình thức. Khoản 3 Điều 17 BLHS năm 1985, khoản 3 Điều 20 BLHS năm 1999 và khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015 quy định phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong khi đó, khoa học luật hình sự nước ta thừa nhận đồng phạm được coi là hình thức phạm tội đặc biệt[5]. Sự mâu thuẫn về mặt lôgíc rất dễ dàng nhận thấy, nếu so sánh hai cách giải thích trên, đó là: Đồng phạm là hình thức phạm tội đặc biệt; Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm…giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong hai khẳng định này, khẳng định đồng phạm là hình thức phạm tội đặc biệt là đúng vì nó được thừa nhận rộng rãi ở nước ta và ở nhiều nước khác. Vì vậy, để đảm bảo chính xác và phù hợp, theo tác giả nên sử dụng cụm từ “đồng phạm có tổ chức” thay thế cho cụm từ “phạm tội có tổ chức”. Mà theo đó, thuật ngữ “đồng phạm có tổ chức” được hiểu như sau: Đồng phạm có tổ chức là hình thức phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm.
Từ những phân tích đó, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015, theo hướng thay thế cụm từ “phạm tội có tổ chức” thành cụm từ “đồng phạm có tổ chức”. Sau khi sửa đổi, khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015 được viết lại, như sau:

Điều 17. Đồng phạm

1. ..
2. Đồng phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. ....
Trong mối quan hệ giữa “đồng phạm có tổ chức” với “tổ chức tội phạm”, cần khẳng định các tội phạm do tổ chức tội phạm thực hiện đều bằng phương thức đồng phạm có tổ chức; ngược lại, không phải mọi trường hợp đồng phạm có tổ chức đều do tổ chức tội phạm thực hiện, mà có thể do các nhóm đồng phạm thực hiện, chỉ cần thỏa mãn điều kiện có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Trong mối quan hệ giữa đồng phạm có tổ chức với tội phạm có tổ chức, cần khẳng định mọi tội phạm thuộc phạm trù tội phạm có tổ chức dứt khoát phải được thực hiện bằng phương thức đồng phạm có tổ chức; ngược lại, không phải bất cứ tội phạm nào được thực hiện bằng phương thức đồng phạm có tổ chức đều thuộc phạm trù tội phạm có tổ chức, mà chỉ những tội phạm nào do các tổ chức tội phạm thực hiện mới thuộc phạm trù này.
 
ThS.LS Lê Văn Sua - Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang
 
[1] http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/75
[2] Xem: Jơhn E. Conkhn, Tội phạm học.. Nxb Macmillan, New York, 1989, tr. 46 (tiếng Anh).
[3] Xem: GS. TSKH ĐàoTrí úc (chủ biên) và các tác giả khác, Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hìnnh sự việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 14.
[4] Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999, Phân chung, Nxb TPHCM, 2004, tr. 280, 281.
[5] Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb CAND, tr. 131