|
Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp (TPHCM) |
Có nghĩa là Ban soạn thảo luật đã làm từ "ngọn" trở xuống, chứ không phải từ "gốc" làm lên! Một dự án luật như vậy, nếu vẫn tiếp tục được trình lên Quốc hội xem xét thông qua thì thật nguy hiểm!
Chúng ta đang đề cao và tôn trọng nguyên tắc giải quyết tranh chấp LĐ phải "nhanh chóng, khách quan, kịp thời". Nhưng khổ nỗi, chính những người "làm luật" đang tạo ra rào cản để nó không thể nhanh chóng được. Dự án luật đang vẽ ra quá nhiều trình tự, thủ tục rườm rà. Tại sao tranh chấp LĐ xảy ra rất nhiều (hàng nghìn cuộc) mà toà án vẫn phải "ngồi chơi xơi nước". Hội đồng trọng tài cấp tỉnh cũng ngồi không, nhưng chẳng có vụ việc nào được đưa đến. Phải chăng đã trót thành lập ra rồi, tốn kém tiền của rồi, giải tán mấy "ông hội đồng" này đi thì "xót" lắm, vẫn biết là để như thế chẳng tích sự gì?
"Kiến leo cành cụt..." 7.100 CN Cty Mabuchi Motor
VN (Đồng Nai) đình công.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng: Tập thể người LĐ lựa chọn đình công khi DN vi phạm quyền lợi của công nhân là có lý của họ. Xây dựng luật pháp là phải tìm cách hướng các cuộc đình công, ngừng việc tự phát của tập thể LĐ vào một quỹ đạo để luật điều chỉnh được. Nhưng nội dung điều chỉnh của Ban soạn thảo dự án luật đưa ra hiện nay là gì? Là người LĐ đang ở "dưới đáy giếng", đang cố sức kêu lên "cứu chúng tôi với", còn dự án luật thì cứ như người đang ở "trên miệng giếng", hô lên rất to "nhảy lên đi", trong khi chẳng động tay, động chân gì cả! Việc sửa luật lần này, mục tiêu chính ít nhất phải là thả "một chiếc dây" để cho người dưới giếng túm lấy. Vậy "chiếc dây" đó ở đâu? Nếu căn cứ nội dung dự án luật mà Ban soạn thảo đưa ra thì không hề có gì cả!
Hiện nay, CĐCS chưa đủ sức để thực hiện việc lãnh đạo một cuộc đình công. Nói đúng hơn là CĐCS chưa đủ điều kiện và khả năng đứng ra đương đầu với giới chủ, mặc dù giới chủ luôn vi phạm Luật LĐ. Còn thanh tra LĐ thì sao? Lực lượng thanh tra quá mỏng, không đủ sức thực hiện hết chức năng của công tác thanh tra LĐ. Đó là chưa kể việc thanh tra LĐ chưa được phép của chính quyền địa phương, thì "đố dám" bước chân vào DN! Như vậy, thực tế người LĐ không thể "bấu víu" vào CĐCS, cũng không thể "nhờ cậy" thanh tra LĐ thì cùng bất đắc dĩ phải sử dụng vũ khí cuối cùng của họ là "ngừng việc tập thể" (mà chúng ta quen gọi là đình công không đúng luật). Dự án luật còn "gán" vào một quy định bắt buộc là đình công phải do CĐCS tổ chức và lãnh đạo. Nếu vậy, muôn thuở không bao giờ có một cuộc đình công được gọi là đúng luật! Vô hình trung, nguyên tắc các nhà làm luật đề ra "không khuyến khích nhưng cũng không hạn chế đình công" vẫn chỉ là lý thuyết.
Ý kiến tại hội nghị
Ông Phạm Văn Oanh - Trưởng ban CSKTXH - LĐLĐ TP.Hải Phòng: Bộ luật LĐ ban hành đã hàng chục năm nhưng đến nay giới chủ chưa thực hiện nổi 50% quy định của luật. Chẳng hạn: Đóng BHXH, BHYT chưa đạt được 33%; ký HĐLĐ dưới 50%; thành lập CĐCS mới được 45%... Giới chủ vi phạm luật như vậy, nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng không đem lại hiệu quả (nếu không muốn nói thẳng ra là đang đứng ngoài cuộc)! Tình trạng đó mà không cho người LĐ được đình công về quyền thì họ biết dựa vào ai để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình? Nếu không cho đình công về quyền, thì ít nhất phải quy định cho NLĐ được phép ngừng việc tập thể.
Ông Vũ Xuân Hùng - Chủ tịch CĐ Cty liên doanh Sunway (Hà Tây): CĐCS chúng tôi trước đây đã tổ chức, lãnh đạo một cuộc đình công. Kết quả là tập thể người LĐ thắng lợi, nhưng chủ tịch CĐ sau đó bị chủ DN o ép quá nhiều, nên buộc phải chuyển đi nơi khác. Tính khả thi của dự thảo luật về đình công mà Ban soạn thảo đưa ra hầu hết đều không đạt yêu cầu. Dự thảo xác định CĐCS là người tổ chức và lãnh đạo đình công, song lại không đi kèm các chế định về bảo vệ cán bộ CĐ. Cứ như dự thảo thì ai dám đứng ra tổ chức đình công đây?
Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng ban CSKTXH - LĐLĐ TP.Đà Nẵng: Tôi đã từng "cãi tay đôi" với chủ DN có công nhân đình công. Chủ DN nói rằng, CN đình công trái luật thì phải xử lý người LĐ! Tôi trả lời: Ông có quyền khiếu kiện ra toà và chỉ có toà án LĐ mới có quyền tuyên bố đình công hợp pháp hay không. DN đâu có dám khiếu kiện! Vi phạm pháp luật LĐ rành rành ra rồi, làm sao dám đi kiện! CN thì làm việc từ tháng 3 đến tháng 10 (suốt 8 tháng) không một ngày được nghỉ, làm quần quật 12 tiếng mỗi ngày, lương chỉ từ 600-700 nghìn đồng/người/tháng. Vắt kiệt sức LĐ như vậy thì ai chịu đựng nổi mà không dẫn đến đình công!
Bà Nguyễn Thị Hoá - Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội: Tranh chấp LĐ thường diễn ra âm ỉ rất lâu rồi mới dẫn đến đình công. Để tiến hành tuần tự các thủ tục đình công theo luật thì mất rất nhiều thời gian. Không có bất kỳ một người LĐ nào lại có thể chờ đợi sau bao nhiêu thủ tục phiền toái và tốn thời gian, để mà đình công một cách hợp pháp. Thêm nữa, những người tổ chức cuộc đình công sẽ nhận được hậu quả là bị DN tìm mọi cách loại bỏ ra khỏi Cty. Đình công rõ ràng cần phải có sự hỗ trợ của CĐ cấp trên CS. Vì vậy, chủ thể lãnh đạo đình công trong dự luật này phải là cả CĐCS và CĐ cấp trên CS. Chính - Tiến ghi