Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho công chức ngoại vụ địa phương

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định 247/QĐ-TTg ngày 16/02/2016.

 

Đến hết năm 2020, 100% công chức địa phương được trang bị kiến thức đối ngoại

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến hết năm 2020, 100% công chức (theo phân công nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan ngoại vụ địa phương) được trang bị kiến thức đối ngoại nâng cao và nâng cao nghiệp vụ ngoại giao chuyên môn như: lãnh sự, lễ tân và tổ chức sự kiện đối ngoại, thông tin báo chí, công tác biên giới lãnh thổ, văn hoá đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các kỹ năng như: đàm phán, soạn thảo văn bản đối ngoại, xúc tiến hợp tác đầu tư nước ngoài. 90% lãnh đạo ngoại vụ có trình độ ngoại ngữ đảm bảo yêu cầu công tác đối ngoại; mỗi tỉnh thành có tối thiểu 2 cán bộ được bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng biên phiên dịch cao cấp tiếng Anh; mỗi tỉnh có ít nhất 3 biên phiên dịch thông thạo ngoại ngữ của nước có chung biên giới là tiếng Campuchia, tiếng Lào và tiếng Trung.

Nội dung chương trình bồi dưỡng

Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại cơ bản và nâng cao trình độ ngoại ngữ chung cho công chức ngoại vụ chưa được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011 – 2015 và công chức mới tuyển dụng; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại nâng cao và chuyên sâu đối với công chức ngoại vụ đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2010 đến 2015; bồi dưỡng và đào tạo biên phiên dịch cao cấp.

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là: Xây dựng tiêu chí đánh giá hợp lý, bảo đảm chất lượng các chương trình bồi dưỡng công chức ngoại vụ; thường xuyên tiến hành kiểm điểm, đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng; bảo đảm tính quy hoạch trong công tác bồi dưỡng công chức ngoại vụ; Đổi mới, cải tiến phương thức, nội dung và chương trình bồi dưỡng theo hướng đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng, tăng cường thực hành; bám sát nhu cầu đối ngoại của các tỉnh, thành trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế; Tập trung xây dựng, tuyển chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm công tác, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Ngoại giao, của Ban Đối ngoại Trung ương và một số Bộ, ban, ngành khác, các giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm từ các cơ quan đối ngoại khác, các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài; Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các cơ sở đào tạo của Bộ Ngoại giao. Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc cử công chức đi bồi dưỡng. Các địa phương lập kế hoạch, quy hoạch bồi dưỡng hàng năm và 5 năm; kết hợp chặt chẽ giữa tuyển dụng, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ.

Đề án quy định cụ thể lộ trình thực hiện Đề án từ năm 2016 đến năm 2020. Trong năm 2016 sẽ cập nhật nội dung và biên soạn mi chương trình, giáo trình và tài liệu quy chuẩn; nâng cấp trang thiết bị cho cơ sở đào tạo bồi dưỡng; tổ chức các chương trình bồi dưỡng.