Quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 02 năm 2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau: 1- Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là Bên đi vay nước ngoài (sau đây gọi chung là Bên đi vay); 2 - Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ tài khoản liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài tại Việt Nam; 3 - Các tổ chức, cá nhân là bên bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài của Bên đi vay; 4 - Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác cho vay từ Bên ủy thác cho vay là người không cư trú; 5 - Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vay nước ngoài của Bên đi vay và 6 - Các cá nhân, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quản lý và khai thác thông tin trên Trang điện tử.
Nguyên tắc quản lý các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm
Các khoản vay tự vay tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo quy định tại Chương III Thông tư này.
Việc mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài, chuyển tiền trả nợ khoản vay nước ngoài và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm thực hiện theo các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nguyên tắc lựa chọn hình thức khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay tự trả
Bên đi vay có thể lựa chọn thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay tự trả theo một trong các hình thức sau: Hình thức sử dụng Trang điện tử, được gọi là hình thức trực tuyến; Hình thức không sử dụng Trang điện tử, được gọi là hình thức truyền thống.
Bên đi vay có thể thay đổi việc lựa chọn từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến. Trường hợp đã thay đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến, Bên đi vay không được thay đổi lại sang hình thức truyền thống.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến.
Các trường hợp rút vốn, trả nợ không thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài
Thông tư quy định, các trường hợp rút vốn không thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài gồm: Rút vốn từ bên cho vay thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng là người không cư trú cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với người cư trú; Rút vốn dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm từ Bên cho vay; Rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thuê tài chính; Rút vốn thông qua tài khoản của Bên đi vay mở tại nước ngoài trong trường hợp Bên đi vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài; Rút vốn các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua việc thanh toán bù trừ với các nghĩa vụ thanh toán trực tiếp với Bên cho vay.
Các trường hợp trả nợ không thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài gồm: Trả nợ dưới hình thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Bên cho vay; Trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của Bên đi vay phù hợp với quy định của pháp luật; Trả nợ các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua thanh toán bù trừ các khoản phải thu trực tiếp với Bên cho vay; Trả nợ thông qua tài khoản của Bên đi vay mở tại nước ngoài (trong trường hợp Bên đi vay được phép mở tài khoản ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2016 trừ quy định tại Khoản 3 Điều này. Chế độ báo cáo thông qua Trang điện tử đối với các Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến được áp dụng bắt đầu từ kỳ báo cáo Quý II/2016. Trước thời hạn này, các Bên đi vay nói trên thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản theo quy định tại Điều 40 Thông tư này.