Ủy thác điều tra trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, kiến nghị hoàn thiện

Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bộ luật là một trong những đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Đồng thời, Bộ luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở kế thừa những điểm đã đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có những bổ sung, thay đổi toàn diện, trong đó có bổ sung quan trọng quy định về công tác ủy thác điều tra

Điều 171 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“Ủy thác điều tra
1. Khi cần thiết, Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.
2. Cơ quan điều tra được ủy thác phải thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác trong thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ủy thác điều tra. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác.
3. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.”
 Cơ quan điều tra trong khi tiến hành hoạt động điều tra, xác minh do điều kiện địa lý xa, đi lại khó khăn, địa bàn tiến hành điều tra, xác minh không thông thuộc, do đối tượng cần điều tra, xác minh, áp dụng biện pháp ngăn chặn thuộc diện quản lý đặc biệt (ví dụ: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân đang điều tra xác minh vụ án có đối tượng phạm tội trước nhập ngũ, hiện là quân nhân trong lực lượng Quân đội)...; Xét thấy Cơ quan điều tra khác có thể tiến hành điều tra đạt hiệu quả cao, nhanh chóng, chính xác hơn đồng thời giảm chi phí hoạt động điều tra thì Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động tố tụng. Quy định về ủy thác điều tra giúp phát huy được sức mạnh tổng hợp, mối quan hệ giữa các Cơ quan điều tra với nhau trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh trật tự.
Ủy thác điều tra chỉ được thực hiện giữa các Cơ quan điều tra với nhau, Cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra không được áp dụng biện pháp ủy thác điều tra. Xuất phát từ thẩm quyền điều tra, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình, Cơ quan tiến hành một số hoạt động Điều tra chỉ tiến hành điều tra, xác minh đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền; Còn đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do vậy Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không cho phép Cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra có thể ủy thác điều tra là thực tế, hợp lý.
Quyết định ủy thác phải nêu rõ các nội dung ủy thác và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác. Cơ quan điều tra được ủy thác phải thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác trong thời hạn, nếu không thực hiện được từng phần hay toàn bộ theo thời gian yêu cầu thì phải thông báo ngay bằng văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác. Cơ quan điều tra được ủy thác gửi kết quả thực hiện ủy thác điều tra trực tiếp hay bằng đường công văn, chuyển phát nhanh cho Cơ quan điều tra ủy thác đảm bảo thời gian.
Để thực hành quyền kiểm sát và công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra được toàn diện, liên tục, điều luật quy định rõ Cơ quan điều tra ủy thác phải đồng thời gửi quyết định ủy thác cho Cơ quan điều tra được ủy thác và Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác. Quá trình thực hiện yêu cầu ủy thác, Cơ quan điều tra được ủy thác thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để tiến hành kiểm sát. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
* Bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế
Thứ nhất:
Quy định ủy thác điều tra được tiến hành giữa các Cơ quan điều tra với nhau nhưng chưa quy định rõ Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra cao hơn có được ủy thác cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra thấp hơn không và ngược lại. Do Cơ quan điều tra các cấp khác nhau thì thẩm quyển điều tra các vụ án có mức độ, tính chất khác nhau. Ví dụ như khi Cơ quan điều tra cấp tỉnh tiến hành điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng có thể ủy thác cho Cơ quan điều tra cấp huyện  được không? Trong trường hợp nào thì có thể ủy thác được, trường hợp nào thì không?
Thứ hai:
Hoạt động ủy thác điều tra đã gắn trách nhiệm của Cơ quan điều tra nhưng chưa gắn trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát ủy thác điều tra. Chưa cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong điều tra, xác minh, kiểm sát việc tiến hành các yêu cầu trong ủy thác điều tra.
Thứ ba:
Chưa quy định cụ thể cách tính thời hạn trong thực hiện quyết định ủy thác điều tra dẫn tới có thể xảy ra trường hợp khi hai Cơ quan điều tra ủy thác với nhau ở xa về địa lý, quyết định ủy thác được gửi theo đường bưu điện, quân bưu khi tới Cơ quan điều tra được ủy thác thì thời hạn điều tra theo quyết định ủy thác đã gần hết hoặc hết.
* Biện pháp, phương hướng khắc phục
Xây dựng văn bản hướng dẫn trong đó quy định rõ:
Thứ nhất:
Hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong việc ủy thác điều tra giữa các Cơ quan điều tra với nhau, trong những trường hợp nào Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra cao hơn có thể ủy thác cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra thấp hơn và ngược lại.
Thứ hai:
Viên kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra.
Thứ ba:
Khi nhận được quyết định ủy thác điều tra, trong thời gian nhất định, Cơ quan điều tra được ủy thác phải ra quyết định phân công giải quyết các yêu cầu ủy thác điều tra và gửi quyết định phân công cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đồng thời, trong thời gian nhất định, Viện kiểm sát phải ra quyết định phân công kiểm sát hoạt động điều tra theo yêu cầu ủy thác để cá thể hóa trách nhiệm trong thực hiện yêu cầu ủy thác.
Thứ tư:
Thời hạn thực hiện quyết định ủy thác được tính từ ngày Cơ quan điều tra được ủy thác trực tiếp nhận quyết định ủy thác từ Cơ quan điều tra ủy thác, nếu quyết định gửi theo đường bưu điện hay quân bưu thì thời hạn được tính theo dấu bưu điện nơi nhận.