Theo quy định tại khoản 1 Điều 468[1] BLDS năm 2015 về lãi suất, mức lãi suất vay tiền cũng theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm). Như vậy, từ năm 2017, trần lãi suất cho vay được nới thêm tới 6,5% (từ 13,5% lên 20%/năm). Tuy nhiên, vẫn chưa rõ, các tổ chức tín dụng (TCTD) thì có được cho vay vượt mức lãi suất 20%/năm hay không với quy định mở rộng “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ chịu sự điều chỉnh của BLDS năm 2015 hay Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010?
Có thể thấy, hợp đồng vay tài sản nói chung, hợp đồng tín dụng nói riêng là một loại giao dịch dân sự. Do đó, việc điều chỉnh quan hệ này phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và các nguyên tắc về giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định trong BLDS. Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là một trong những điển hình của việc cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền dân sự, theo đó các bên trong hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn luật định. Việc quy định trần lãi suất giúp Nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế - xã hội, định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi. Nhưng để bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với các quan hệ vay tài sản đa dạng, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 cũng đã quy định mang tính linh hoạt theo hai cơ chế, đó là: i) Căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lãi suất theo đề nghị của Chính phủ; ii) Luật khác có liên quan quy định mức lãi suất riêng cho các quan hệ cho vay đặc thù. Như vậy, trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác có liên quan. Quy định này còn được hiểu không chỉ dành riêng cho quan hệ tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn có thể áp dụng cho loại vay đặc thù vay khác như vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển, vay vàng, ngoại tệ... nếu Nhà nước xét thấy cần điều chỉnh các quan hệ vay này bằng cơ chế lãi suất riêng.
Điều đó có nghĩa, nếu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có cơ chế lãi suất trần riêng cho các hợp đồng tín dụng thì các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, thực tiễn cho thấy chưa thực sự áp dụng một cơ chế lãi suất riêng cho các hợp đồng tín dụng, mặc dù xét về mục đích chính sách pháp luật thì quy định này là mong muốn của nhà làm luật. Nhưng xét về mặt kỹ thuật lập pháp quy định này đã và đang dẫn đến những cách hiểu khác nhau, kể cả trong công tác xét xử của Tòa án và điều đó không có lợi cho các chủ thể trong hợp đồng tín dụng trước những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong thi hành pháp luật.
BLDS năm 2015 không quy định rõ việc các TCTD được áp dụng một mức lãi suất cho vay khác cao hơn 20%/năm. Khoản 2 Điều 91[2] Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, chỉ quy định:“Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”. Vì điều luật này không quy định rõ việc áp dụng một mức lãi suất khác cao hơn, nên chưa đủ cơ sở pháp lý chắc chắn để khẳng định rằng, TCTD được phép cho vay vượt quá 20%/năm khác với quy định của BLDS năm 2015.
Mơ hồ về đối tượng chịu sự điều chỉnh bởi quy định này, một số ý kiến cho rằng, mức trần lãi suất cho vay sẽ được áp dụng đối với mọi chủ thể từ ngân hàng, tổ chức tín dụng vi mô, hợp tác xã… tài chính tiêu dùng cho tới các khoản vay dân sự bên ngoài. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, giới chuyên gia lại khẳng định: Quy định nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu chỉ quy định cho các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Nếu trần lãi suất áp dụng chung cho cả đối tượng là các TCTD thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính, nhất là đối với các công ty cho vay tiêu dùng, bởi lãi suất của họ phải ở mức cao hơn hệ thống ngân hàng thương mại, như vậy mới đủ bù đắp rủi ro. Vì vậy, quy định trần lãi suất tại Điều 468 BLDS năm 2015 chỉ áp dụng đối với các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống các TCTD.
Mức trần lãi suất 20% sẽ áp dụng chung cho cả hệ thống TCTD lẫn quan hệ vay mượn trong dân. Tuy nhiên trên thực tế lại không phải như vậy. Với điều khoản loại trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. BLDS năm 2015 đã cởi mở cho TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành.
Trên thực tế, theo Thông tư hướng dẫn của NHNN, TCTD gồm, ngân hàng và các CTTC được áp dụng lãi suất thoả thuận. Đến nay, NHNN chỉ quy định trần lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên cho vay: Nông nghiệp; nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, NHNN có quyền quy định cơ chế các định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD.
Cũng giống như các TCTD khác, các công ty tài chính thường đưa ra một mức lãi suất nhất định đối với các khoản tiền vay. Đây là cách giúp cho các tổ chức này có thể tự đứng vững, ổn định, trở thành nhà cung cấp tài chính trong dài hạn trong khu vực mà các tổ chức này hoạt động. Tuy nhiên, do quản lý nhiều khoản vay nhỏ thường tốn chi phí hơn so với việc quản lý một khoản vay lớn, nên một số tổ chức thường đưa ra mức lãi suất cao hơn so với mức lãi suất thông thường để có thể bù đắp được chi phí quản lý và rủi ro.Vòng quay này đang bị xáo trộn bởi trần lãi suất 20% nêu trong Điều 468 BLDS năm 2015. Còn đối với hệ thống NHTM, trước hết, theo tinh thần của các quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Luật Các tổ chức tín dụng, mặc dù chưa hoàn toàn cụ thể song có thể hiểu rằng, lãi suất trong hoạt động ngân hàng ở điều kiện bình thường sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không theo trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng của TCTD với khách hàng.
Như vậy, nếu trần lãi suất cho vay tại BLDS năm 2015 điều chỉnh đối với cả hoạt động ngân hàng thì luôn luôn có một mức lãi suất trần khống chế với hoạt động kinh doanh của các TCTD. Thực vậy, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… Do vậy, TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng và từng loại khoản vay, nên việc áp cùng một mức trần lãi suất cho vay là thiếu hợp lý.
Riêng về hoạt động vay tiêu dùng tại các CTTC, đây là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản, nên độ rủi ro cao hơn so với các hình thức tín dụng thông thường. Do đó, để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung. Để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Nếu khống chế trần lãi suất sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường. Hơn nữa, lại không phù hợp với xu hướng hội nhập mà Việt Nam đang theo đuổi. Trong điều kiện đặc biệt, nhà quản lý có thể sử dụng công cụ hành chính, tuy nhiên, việc sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hành chính sẽ càng gây khó cho cả hai, cả bên cho vay lẫn người đi vay.
Nhìn chung lãi suất cho vay của các ngân hàng không quá 20%/năm. Tuy nhiên, riêng lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng thì lại phổ biến trong khoảng 20-35%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở mức 20-40%, có khi lên đến 50-70%. Vì vậy, nếu phải áp dụng trần lãi suất cho vay 20% của BLDS năm 2015, thì sẽ rất phi thực tế và trái ngược với nguyên tắc tự do hóa lãi suất đã được thừa nhận trong ngành ngân hàng và nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là mức lãi suất vay nói chung, sắp tới nếu vượt 100%/năm (135%/năm trước đây), thì có nguy cơ phạm vào tội cho vay nặng lãi và nếu vay vượt 20%/năm (13,5%/năm trước năm 2017), thì bị vô hiệu, bị xử phạt hành chính và không được thừa nhận là chi phí hợp pháp để tính thuế, trong khi lãi suất cho vay của riêng các TCTD thì lại có thể được phép vượt cả mức phạm tội hình sự.
Khoản 5 Điều 466[3] BLDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, mà theo đó, nếu chậm trả nợ gốc thì ngoài việc phải trả nợ gốc, còn phải trả lãi với mức lãi suất “bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng”. Như vậy, theo quy định này, lãi suất chậm trả nợ gốc quá hạn tối đa kể từ năm 2017 sẽ được tăng thêm 1% so với trước kia. Quy định này cũng là bất hợp lý, vì nếu trước đây, cứ chậm trả nợ gốc là đều phải trả một mức lãi suất quá hạn 9%, thì nay sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lãi suất vay. Ví dụ, nếu vay 2%/năm, khi quá hạn thì chỉ phải trả 3% (cộng thêm 1%), còn nếu vay 20%/năm, khi quá hạn thì phải trả tới 30%/năm (20% x 150% = 30%, cộng thêm 10%), sẽ thúc đẩy được trách nhiệm trả nợ của bên vay, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay. Đặc biệt, nếu các TCTD được phép cho vay tới 70%/năm như đã nêu trên, thì lại được phép tính lãi suất chậm trả lên tới 105%/năm. Và riêng mức lãi suất ngất ngưởng này của các TCTD còn được tiếp tục duy trì đến cả sau khi đã có phán quyết của Tòa án theo Án lệ số 08/2016/AL ( Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.)
Mà theo đó, trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng. Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.
Ngoài việc quy định trả nợ gốc trong hạn và quá hạn như trên, BLDS năm 2015 còn có thêm một quy định mới về việc trả nợ lãi tính trên số lãi chậm trả (còn được gọi là lãi nhập gốc để tính lãi tiếp hay lãi mẹ đẻ lãi con). Cụ thể điểm a, khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015 quy định, lãi suất chậm trả đối với số tiền lãi được chốt cứng là 10%/năm. Quy định mới của BLDS năm 2015 đã tăng thêm gánh nặng đối với người vay vốn, khi không có khả năng trả nợ đối với các khoản vay lãi suất cao, thì sẽ phải trả lãi suất quá hạn rất cao, nhất là cả khoản lãi chồng lên lãi. Riêng lãi suất cho vay ngoại tệ của ngân hàng thì BLDS năm 2015 chưa đề cập đến, vì sẽ là bất hợp lý nếu hiểu rằng, mức lãi vay ngoại tệ tối đa 20% và mức lãi chậm trả lãi bằng 10%/năm.
Về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, Điều 357 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo quy định này, BLDS năm 2015 không quy định áp dụng theo lãi suất cơ bản[4] do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, hiện một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn quy định về việc áp dụng theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ví dụ: điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, mà theo đó, quy định phạt tiền đối với hành vi “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Nên đây cũng là vấn đề mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm tiếp cận để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan để phù hợp với quy định BLDS năm 2015 về áp dụng lãi suất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 357[5] BLDS năm 2015 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, thì mức lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận, nhưng không quá 10%/năm.
Còn trọng tài thương mại thường chấp nhận thỏa thuận mức lãi suất chậm trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng thương mại, có thể cao hơn giới hạn 9% hay 10% theo quy định của BLDS, nếu như lãi suất cho vay trung bình ở mức 7%/năm trở lên. Trường hợp này là căn cứ vào quy định bên bị chậm thanh toán có quyền yêu cầu bên kia trả lãi “theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường” theo quy định tại Điều 306[6] Luật Thương mại năm 2005 về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán.
Để giải quyết dứt điểm được quy định về lãi suất trong hạn và quá hạn. Để giải quyết vướng mắc này, có ý kiến cho rằng cần phải có một trong các văn bản quy định hoặc giải thích rõ việc các TCTD được phép áp dụng mức trần lãi suất cao hơn 20%, cụ thể: Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, theo hướng cho phép áp dụng vượt trần lãi suất chung quy định của BLDS năm 2015. Hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo thẩm quyền. Điều đáng ngại là, dù có hợp thức hóa được mức lãi suất cho vay vượt 20%/năm của các TCTD, thì vẫn tiếp tục gây ra tình trạng bất hợp lý giữa các chủ thể cho vay. Vì lãi suất cho vay bên ngoài TCTD, trong đó có lãi suất cho vay cầm đồ, thực tế thường phải cao hơn hoặc ít nhất cũng phải ngang bằng với mức lãi suất cho vay của các TCTD[7]. Như cũng có ý kiến cho rằng, không cần phải sửa luật nào cả, vì Điều 4[8] BLDS năm 2015 đã có những điều chỉnh đáng ghi nhận khi quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng BLDS. Theo đó, trong trường hợp có sự khác nhau giữa BLDS năm 2015 và luật khác thì các quy định của luật khác sẽ được ưu tiên áp dụng, trừ trường hợp các quy định của luật khác vi phạm nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2015. Cụ thể, Điều 468 BLDS năm 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. “Luật khác” ở đây được hiểu là pháp luật chuyên ngành.
Theo quy định tại Điều 12[9] Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và khoản 2, khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.
Như vậy, có thể hiểu, BLDS năm 2015 đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các TCTD, mà theo đó, pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là TCTD và khách hàng được tự thoả thuận.
Quan điểm của tác giả về vấn đề này, dù có sự vênh nhau giữa quy định về lãi suất của BLDS năm 2015 với luật chuyên ngành (khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010), mà theo đó, lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD theo cơ chế thoả thuận nhưng “theo quy định của pháp luật”. Việc ghi thêm cụm từ này khiến các TCTD, khách hàng có quan hệ tín dụng với TCTD và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật thật sự “lúng túng” không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay). Từ đó, người viết kiến nghị, pháp luật chuyên ngành cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này, theo đó, cần thiết phải sửa đổi tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, theo hướng bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật”, sửa đổi này sẽ là “rào chắn” không quy chiếu ngược trở lại với BLDS nhằm tránh xảy ra tình trạng “lòng vòng”, không rõ ràng trong các quy định của pháp luật và như vậy sẽ ổn thỏa hết mọi việc, nhất là phù hợp hơn với các quy định BLDS năm 2015.
Nhằm tạo điều kiện thị trường tài chính hoạt động một cách minh bạch và bền vững, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hướng dẫn việc thực hiện BLDS năm 2015 cụ thể hơn. Trong đó, cần giải thích rõ “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác” nêu tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015, sẽ áp dụng cho những đối tượng cụ thể nào? Có như vậy mới giải tỏa nỗi lo cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường phát triển.