Miễn gọi nhập ngũ đối với công dân trong thời chiến và chế độ, chính sách đối với binh sĩ dự bị hạng hai

Ngày 15/3/2016, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 14/2016/NĐ-CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai.

Theo Nghị định, miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với các trường hợp sau: 1- Công dân đang làm việc trong tổ chức, chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp; 2- Công dân đang làm việc trong các cơ quan nhà nước như Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức vụ tương đương thuộc Bộ, ngành; Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc Hội...; 3- Công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tại các địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được xác định đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...; 4- Công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ khác như học sinh đạt giải ba trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; học sinh, sinh viên đạt huy trương hoặc danh hiệu trong các kỳ thi quốc tế, hội thi tay nghề thế giới, ASEAN, đạt giải ba trở lên trong hội thi tay nghề quốc gia được miễn gọi nhập ngũ đến khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học,một con của liệt sĩ; một con của thương binh hạng một, người nhiễm chất độc màu da cam phải có người nuôi dưỡng.
Binh sĩ dự bị hạng hai được tuyển chọn, gọi tập trung huấn luyện thành binh sĩ dự bị hạng một gồm: Nam binh sĩ dự bị hạng hai đến hết 35 tuổi; nữ binh sỹ dự bị hạng hai đến hết 30 tuổi có phẩm chất chính trị, sức khoẻ, văn hóa thực hiện theo tiêu chuẩn trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm do Bộ Quốc phòng quy định. Thời gian huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai là 6 tháng….
Chế độ, chính sách trong thời gian tập trung huấn luyện
Nghị định quy định, trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (thời gian tập trung huấn luyện), binh sĩ dự bị hạng hai được hưởng nhiều chế độ, chính sách.
Cụ thể, binh sĩ dự bị hạng hai đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian tập trung huấn luyện được cơ quan, tổ chức nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công chức, viên chức đi công tác.
Binh sĩ dự bị hạng hai thuộc các đối tượng khác được đơn vị quân đội tổ chức huấn luyện chi trả một khoản phụ cấp bằng mức phụ cấp quân hàm hai năm đầu của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm, đối với binh sĩ dự bị hạng hai chưa có cấp bậc quân hàm thì được hưởng phụ cấp quân hàm theo cấp bậc binh nhì. Thời gian tính hưởng phụ cấp như sau: Nếu thời gian tập trung từ 5 ngày đến 15 ngày thì được hưởng 1/2 tháng phụ cấp, nếu thời gian tập trung từ 16 ngày đến 31 ngày thì được hưởng một tháng phụ cấp, nếu thời gian tập trung trên 31 ngày thì mức phụ cấp tiếp tục được hưởng như quy định từ đầu; được cấp tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Nghị định cũng quy định, binh sĩ dự bị hạng hai đang hưởng tiền lương, tiền công của cơ quan, tổ chức, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gia đình sẽ được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,025 so với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm tập trung huấn luyện. Còn binh sĩ dự bị hạng hai không hưởng tiền lương, tiền công của cơ quan, tổ chức, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với mức lương cơ sở tại thời điểm tập trung huấn luyện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 05 năm 2016./.

Minh Loan