Bán hàng đa cấp bất chính, là quy định cấm tại Điều 48 Luật Cạnh tranh năm 2004. Mà theo đó, cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
“1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
2. Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
3. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
4. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.”
Để cụ thể hóa quy định trên và hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, ngày 14/5/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (viết tắt Nghị định 42/2014/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Mà theo đó, tại Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP có quy định về Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, như sau:
“1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp.
2. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
b) Họ và tên, hộ khẩu thường trú (hoặc đăng ký lưu trú đối với người nước ngoài), nơi đăng ký tạm trú, số chứng minh nhân dân (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người tham gia bán hàng đa cấp; số giấy phép lao động trong trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp là người nước ngoài;
c) Tên, công dụng, cách thức sử dụng, giá bán, các điều kiện và phạm vi bảo hành (nếu có), chính sách đổi, mua lại hàng hóa;
d) Cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng nhận được từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng;
đ) Trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp;
e) Các trường hợp chấm dứt, gia hạn và thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
g) Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng.”
Như vậy, căn cứ vào quy định như trích dẫn, văn bản hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải được ký kết giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp và nội dung của văn bản hợp đồng đó phải chứa đựng đầy đủ các thông tin được liệt kê từ điểm a đến điểm g của khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Cùng với đó, Điều 34 Nghị định 42/2014/NĐ-CP có quy định việc xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp, cụ thể:
“1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định của Nghị định này gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”
Vấn đề đặt ra, nếu doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm những điều cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp, được quy định tại Điều 5 của Nghị định 42/2014/NĐ-CP, đó là:
“1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;
d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;
đ) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
e) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
g) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác;
h) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo;
i) Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này;
k) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó;
l) Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 21 Nghị định này dưới bất kỳ hình thức nào;
m) Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;
n) Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;
o) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
p) Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;
q) Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp;
r) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp;
s) Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
b) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
c) Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
d) Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.”
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và thiệt hại xảy ra mà có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính theo quy định tại Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, thay thế Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; khoản 36 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hay tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 226b BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); …
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy còn có nhiều kẻ hở của pháp luật, mà phía doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính triệt để lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, mà pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể cũng như hướng xử lý vi phạm đó. Chẳng hạn:
Thứ nhất: Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, bản Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, phải có nội dung: “Tên, công dụng, cách thức sử dụng, giá bán, các điều kiện và phạm vi bảo hành (nếu có), chính sách đổi, mua lại hàng hóa;”, nhưng nghiên cứu rất nhiều văn bản Hợp đồng nhà phân phối, cụ thể của Công ty Cổ phần Eerrichs – VietPlus, mà theo đó, tại Điều 6 về sản phẩm, chỉ ghi rất chung chung và gần như là “ma trận” về thông tin, mà lẽ ra phải được thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu, cụ thể: “Tên gọi, nguồn gốc, chủng loại, chất lượng, giá cả, công dụng và cách thức sử dụng, chính sách bảo hành, đổi và mua lại sản phẩm được nêu tại Bảng Danh mục sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp và Bảng công dụng, cách thức sử dụng, chính sách bảo hành, trả lại, mua lại sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp cùng các tài liệu kèm theo đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.”, nhưng rất tiếc, người tham gia bán hàng đa cấp (nhà phân phối) chỉ được nhận bản Hợp đồng nhà phân phối có nội dung trên, mà hoàn toàn không có bất kỳ bảng Danh mục sản phẩm, bảng công dụng, cách thức sử dụng sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp và những tài liệu kèm theo được coi là đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, để nhà phân phối (người tham gia bán hàng đa cấp) làm cơ sở đối chiếu, ngoài quyển Sổ tay khởi nghiệp do Công ty Cổ phần Errichs – VietPlus phát hành, trong đó có giới thiệu sơ lược về Công ty; các loại sản phẩm Theo Max (cacao – nhân sâm – linh chi), Prodi Gold (bột cân bằng dinh dưỡng), Brids Nest Plus -tổ Yến chưng (Đông trùng hạ thảo – Nấm vân chi);…nhưng hoàn toàn không thông tin nào về giá cả của mỗi đơn vị sản phẩm trên, cũng như thông tin về nhà xuất bản, giấy phép xuất bản, người chịu trách nhiệm xuất bản quyển Sổ tay khởi nghiệp này!. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã không thực hiện đúng quy định về nội dung cơ bản phải thể hiện trong Hợp đồng bán hàng đa cấp với đối tác của mình theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Vậy, liệu hành vi cố tình “lờ đi” việc phải thực hiện quy định trên của pháp luật, có coi là hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp không? Nếu có, phải chịu hình thức xử lý nào từ phía cơ quan có thẩm quyền quản lý? Bởi chính sự không rõ ràng này, là “cầu nối” tạo ra hậu “cơn lốc” bán hàng đa cấp mà hàng chục ngàn người dân lao động ở vùng nông thôn nghèo khó, vốn ít học, thiếu kiến thức về pháp luật đã bị “sập bẫy” mà không biết phải kêu ai để cầu cứu!?
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tính cộng đồng và đạo đức xã hội không cho phép các cá nhân được tự do ý chí tuyệt đối để biến các hợp đồng dân sự thành phương tiện bóc lột. Chính vì vậy, nguyên tắc các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng được đặt ra. Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ dân sự. Quy luật giá trị đòi hỏi các bên khi thiết lập các quan hệ trao đổi phải bình đẳng với nhau. Không một ai được lấy lí do khác biệt về thành phần xã hội, dân tộc, giới tính, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế v.v. để làm biến dạng các quan hệ dân sự. Mặt khác, chỉ khi nào các bên bình đẳng với nhau về mọi phương diện trong giao kết hợp đồng thì ý chí tự nguyện của các bên mới thật sự được bảo đảm. Vì vậy, theo nguyên tắc trên, những hợp đồng được giao kết thiếu bình đẳng và không có sự tự nguyện của các bên sẽ không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, đánh giá một hợp đồng có phải là ý chí tự nguyện của các bên hay không là một công việc tương đối phức tạp và khó khăn trong thực tế. Bởi một điểm chung nhất được rút ra từ hơn 60.000 người là nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam do Lê Xuân Giang cầm đầu hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy, hầu hết nạn nhân hoàn toàn thiếu thông tin về doanh nghiệp đó hoặc thông tin mà họ tiếp nhận được sai sự thật, đã bị thổi phồng, bóp méo… và do hám lợi đã huy động tiền bạc của bạn bè, người thân để tham gia vào Công ty Liên kết Việt hoặc các chi nhánh để hưởng tiền hoa hồng [1]
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Vì thế, muốn xem xét các chủ thể có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không, cần phải dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù: Ý chí và sự bảy tỏ ý chí. Ý chí là mong muốn chủ quan bên trong của mỗi một chủ thể. Nó phải được bày tỏ ra bên ngoài thông qua một hình thức nhất định. Ý chí và sự bày tỏ ý chí là hai mặt của một vấn đề, chúng luôn có quan hệ mật thiết, gắn bó khăng khít với nhau.
Ý chí tự nguyện chính là sự thống nhất giữa ý muốn chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý chí đó ra bên ngoài. Vì vậy, để xác định một hợp đồng dân sự có tuân theo nguyên tắc tự nguyện hay không cần phải dựa vào sự thống nhất ý chí của người giao kết hợp đồng và sự thể hiện (bày tỏ) ý chí đó trong nội dung của hợp đồng mà người đó đã giao kết. Chỉ khi nào hợp đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của các bên giao kết thì việc giao kết đó mới được coi là tự nguyện. Như vậy, tất cả các hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc đe dọa đều là những hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết. Và vì thế, nó sẽ bị coi là vô hiệu. Do vậy, các hợp đồng bán hàng đa cấp xảy ra trong thời gian qua hoặc sắp xảy ra trong tương lai gần đây thôi, theo người viết, cơ quan chức năng cũng nên coi là hợp đồng vô hiệu, để bảo vệ quyền lợi của số đông người dân do quá nhẹ dạ, cả tin đã trở thành nạn nhân bị mất hết tài sản do tham gia hoạt động bán hàng đa cấp.
Thứ hai: Thực tế mẫu hợp đồng nhà phân phối do bên doanh nghiệp bán hàng đa cấp soạn thảo, mà theo đó, có nhiều nội dung không rõ ràng, bất lợi đối với người tham gia bán hàng đa cấp, nhưng không phải bất kỳ ai trong số những người tham gia ký kết Hợp đồng nhà phân phối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng dễ dàng nhận ra, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho người tham gia ký kết hợp đồng, chẳng hạn, theo mẫu Hợp đồng nhà phân phối của Công ty Cổ phần Eerrichs – VietPlus (viết tắt Bên B) có ghi nhận về thời hạn, gia hạn, chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, cụ thể:
+Tại khoản 3 Điều 6: “Bên B có quyền chấm dứt Hợp đồng này bất cứ lúc nào nếu có bằng chứng cho thấy bên A (nhà phân phối) vi phạm các điều khoản của Hợp đồng này…”;Trong khi đó, điểm 3 khoản 3 Điều 5 của Hợp đồng phân phối có ghi: “Yêu cầu mua lại (hàng hóa) được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bên A nhận hàng”; tại khoản 4 Điều 5 lại quy định: “Nến Bên A không giao hàng cho Bên B, hoặc nếu đồng ý giao hàng cho Bên B nhưng sau đó lại không thực hiện giao trả hàng, Bên B sẽ không giải quyết việc trả hàng.”. Vậy với các trường hợp thực tế đã xảy ra dưới đây sẽ giải quyết như thế nào? Chị Nguyễn Thị Đ.; anh Phạm Văn Ph.; chị Phạm Thị Y,; chị Huỳnh Thị C.; bà Nguyễn Thị T. và anh Huỳnh Văn Tr. (đều ở địa chỉ xã Hòa Tịnh, huyện C, tỉnh T) đều là nhà phân phối của Công ty Cổ phần Eerrichs – VietPlus. Ngay tại buổi Hội thảo tại thành phố H ngày 25/12/2015, họ ký Hợp đồng trở thành nhà phân phối của doanh nghiệp này và đồng thời mỗi người bỏ ra số tiền mua ngay các gói sản phẩm tương ứng là 10.660.000 đồng; 75.200.000 đồng; 105.160.000 đồng. Việc mua các gói sản phẩm này thể hiện qua việc người tham gia bán hàng đa cấp nộp tiền và nhận hàng trên giấy tờ, thông qua các Phiếu thu và Phiếu xuất kho của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên A – Mã số doanh nghiệp: 3603191…có địa chỉ tại Đồng Nai. Còn hàng hóa thực tế, người tham gia bán hàng đa cấp được nhận tại một Chi nhánh B có địa chỉ tại tỉnh T. Tại đây, nhà phân phối có thể nhận hàng đã mua hoặc ký gửi sản phẩm đã mua tại Kho hàng của Chi nhánh này. Trong số 06 nhà phân phối kể trên, chỉ có bà T., nhận hết số hàng hóa mà bà đã đặt mua theo gói sản phẩm trị giá 10.660.000 đồng. Đến ngày 15/01/2016 chị Đ, anh Ph., chị Y. và anh Tr. có yêu cầu Công ty nhận lại hàng mà họ đã mua và đang còn ký gửi tại Kho hàng của Chi nhánh B, do họ không thể sử dụng được những sản phẩm tương tự mà bà T. đã mua và mang về dùng thử. Ngày 23/01/2016, phía Công ty có thông tin phản hồi chấp nhận mua lại toàn bộ sản phẩm như đã cam kết và yêu cầu Bên A phải đưa sản phẩm về Kho hàng của Công ty TNHH Một Thành viên A (Đồng Nai), không quá 30 ngày, kể từ ngày Bên A ký nhận trong Phiếu xuất kho (tức ngày 25/12/2015), điều đó có nghĩa là, những người Bên A chỉ còn 01 ngày để làm thủ tục nhận hàng ký gữi tại Kho hàng của Chi nhánh B (tại tỉnh T), rồi chuyển hàng đến nơi theo yêu cầu của Công ty . Nhưng những người Bên A lại hoàn toàn “mù” thông tin về Công ty TNHH Một thành viên A, về địa chỉ đặt trụ sở, nơi liên hệ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kể cả số điện thoại;…Mãi đến ngày 02/02/2016 cũng không thể liên lạc được với Công ty TNHH Một thành viên A, qua điện thoại từ người “tự xưng” Giám đốc bán hàng phía Công ty Cổ phần Errichs –VietPlus, thông báo, những người này đã đánh mất cơ hội trả hàng và bị “liệt” vào nhóm đối tượng mà Bên B có thể đơn phương chấm dứt Hợp đồng bất cứ lúc nào…(theo khoản 3 Điều 6 của bản Hợp đồng). Xoay quanh vấn đề phát sinh này, hiện có các luồng ý kiến khác nhau:
+Luồng ý kiến thứ nhất, do phía Bên A- những người tham gia bán hàng đa cấp đã không thực hiện đúng các khoản điều đã cam kết trong Hợp đồng phân phối với Công ty Cổ phần Errichs – VietPlus, cụ thể, số lượng hàng hóa mà họ yêu cầu Công ty mua lại đã vượt quá thời hạn 30 ngày theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, nên phía Công ty Cổ phần Errichs – VietPlus từ chối việc mua lại là đúng pháp luật. Còn việc phía Công ty có đơn phương chấm dứt Hợp đồng bất cứ lúc nào…(theo khoản 3 Điều 6 của bản Hợp đồng) hay không, tùy thuộc vào thiện chí của doanh nghiệp, trong việc này Công ty hoàn toàn không có bất kỳ vi phạm pháp luật nào.
+Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 407 BLDS năm 2005, nay là khoản 2 và khoản 3 Điều 405 BLDS năm 2015:
“2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Căn cứ quy định này, phía Công ty Cổ phần Errichs – VietPlus là bên đưa ra Hợp đồng mẫu về nhà phân phối, chính vì vậy, không thể phủ nhận trách nhiệm của mình, việc chậm trễ thời gian so với thỏa thuận trong Hợp đồng (30 ngày) do điều kiện khách quan. Hơn nữa, phía Công ty Cổ phần Errichs-VietPlus là đối tác chính với những người Bên A (điều này được thể hiện trong Hợp đồng nhà phân phối), họ chỉ ký hợp đồng với người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Errichs-VietPlus, nên họ hoàn toàn không có nghĩa vụ phải biết Công ty TNHH Một thành viên A đó có trụ sở ở đâu? còn hoạt động hay sáp nhập hoặc giải thể,… Việc đại diện Công ty đưa ra áp dụng nội dung trong Hợp đồng mẫu trên là hoàn toàn bất lợi cho những người Bên A, là điều không thể chấp nhận.
+Luồng ý kiến thứ ba: tại đoạn cuối của khoản 3 Điều 405 BLDS năm 2015, có ghi: “…trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Thỏa thuận khác ở đây, chính là những thông tin mà phía Công ty Cổ phần Errichs – VietPlus đưa ra tại khoản 3 Điều 5 và khoản 3 Điều 6 của Hợp đồng. Những nhà phân phối (Bên B) cũng đã đọc, hiểu và tự nguyện ký vào bản Hợp đồng, nên việc bên nào vi phạm những nội dung đã cam kết thì chịu sự điều chỉnh bởi những thỏa thuận đó.
Tương tự như vậy, tại khoản 6 Điều 6 của Hợp đồng mà phía Công ty Cổ phần Errichs – VietPlus, ghi: “Hợp đồng này, theo các điều khoản hiện nay và có thể được Bên B hiệu chỉnh sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, tùy từng thời điểm, cấu thành toàn bộ Hợp đồng giữa Bên B và Bên A. Bất cứ hứa hẹn, tuyên bố đề xuất hoặc liên hệ nào khác không được trình bày cụ thể trong hợp đồng này, Quy tắc hoạt động, các phụ lục của Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng và các văn bản điều chỉnh đều không có giá trị và hiệu lực.”. Cũng sẽ được giải thích tương tự, nếu xảy ra điều ngoài sự mong muốn của hai bên.
Tuy cùng là một vấn đề được pháp luật quy định, nhưng hiện còn có nhiều cách hiểu khác nhau, chính sự không thống nhất về nhận thức quy định trên chắc chắn sẽ là cơ sở phát sinh tranh chấp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu ban hành các quy định tương ứng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để tạo sự thống nhât chung trong áp dụng, đồng thời là cơ sở giải quyết tranh chấp su này.
Thứ ba: Thực tế cho thấy, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không đặt ra yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, nghĩa là, họ không vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Cạnh tranh; cũng không vi phạm điều cấm tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Nhưng doanh nghiệp bán hàng đa cấp khéo léo “lách luật” bằng cách ngay sau khi ký hợp đồng với khách hàng tại buổi Hội thảo, thì về mặt pháp lý họ (Bên A) trở thành nhà phân phối của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đó, người tham gia bán hàng đa cấp phải mua ngay một số lượng hàng hóa trong những “gói sản phẩm” mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp đó đặt ra, tương ứng với các gói sản phẩm có thể có giá trị 10.660.000 đồng; 65.200.000 đồng; 105.160.000 đồng;… Nếu như thế, xét về câu chữ rõ ràng doanh nghiệp không hề vi phạm điều cấm của pháp luật về bán hành đa cấp, cụ thể là quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP: “Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;”. Bởi đối tác của doanh nghiệp bán hàng đa cấp lúc bấy giờ là nhà phân phối nhận mua sản phẩm, chứ không phải là người muốn tham gia hoạt động bán hàng đa cấp. Trong khi ranh giới này, tồn tại quá “mong manh” giữa một bên doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã vi phạm điều cấm của pháp luật và một bên hoàn toàn không có căn cứ chứng minh vi phạm nào cả. Tuy nhiên, dù người tham gia bán hàng đa cấp bỏ một khoản tiền không nhỏ so với khả năng thu nhập thực tế của họ để mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp tại trước thời điểm ký hợp đồng hay ngay sau khi họ đặt bút ký kết hợp đồng xong, thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp đó cũng đều đạt được mục tiêu được đặt ra. Và cơ quan chức năng cũng không thể xử lý được, bởi họ không hề vi phạm! Trên thực tế, “kẽ hở” của pháp luật về bán hàng đa cấp tuy nhỏ, nhưng đủ làm tan nát gia đình của hàng chục ngàn người dân nhất là ở các vùng nông thôn xa xôi hẽo lánh.
Để khắc phục tình trạng này, tác giả đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể cụm từ “trong một thời gian hợp lý” được quy định tại khoản 1 Điều 405 BLDS năm 2015, được coi là hợp lý là 05 ngày; 15 ngày hay 20 ngày;..kể từ ngày người muốn trở thành nhà phân phối của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đó. Bởi trên thực tế, rất nhiều và rất nhiều người là nhà phân phối của doanh nghiệp bán hàng đa cấp họ chưa thể đọc hết và thật kỹ lưỡng, nên cũng không thể hiểu hết những nội dung thể hiện trong bản Hợp đồng mẫu, nhưng vì lý do nào đó, họ vẫn đặt bút ký tên vào Hợp đồng, đây là sự rủi ro rất lớn mà họ phải đối mặt, bằng chứng đã có hàng chục nghìn người do phó thác cho số mệnh, khi ký tên vào Hợp đồng mẫu tham gia bán hàng đa cấp, để rồi trở thành con nợ của các tổ chức tín dụng, nguy cơ bị phát mãi nhà ở, ruộng đất hoặc tài sản của gia đình đem thế chấp khác chỉ còn là thời gian… Mặc dù, nhà làm luật đã lường trước tình huống, Hợp đồng mẫu có thể bị doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính tổ chức cho người tham gia bán hàng đa cấp ký kết ngay trong buổi Hội thảo; Hội nghị;.. nào đó.
Thứ tư: Thế nào là kinh doanh theo mô hình kim tự tháp, theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP?
Đầu tiên, mọi chuyện sẽ bắt đầu từ các cuộc nói chuyện. Họ chia sẻ về phương thức kiếm tiền của họ, bán hàng đa cấp sẽ “hiện” lên như một phương thức kinh doanh cực kỳ hiệu quả. Không văn phòng, chỉ đơn giản là quản lý một đội ngũ nhân viên bán hàng tại nhà. Chỉ việc thu thập số điện thoại, tìm kiếm các nhân viên bán hàng tiềm năng cho mình. Tuy nhiên, những người ở dưới cũng đi tìm nhân viên bán hàng cho riêng mình. Cấp trên cứ nhận khoản lời từ cấp dưới, cứ thế lên cao dần thành một mô hình kim tự tháp ảo. Vấn đề ở chỗ trên một hình kim tự tháp, ai cũng muốn mình ở cao hơn để nhận số tiền lời nhiều hơn. Ai cũng dốc sức tìm cho mình những nhân viên dưới quyền. Cứ thế hình kim tự tháp này phình ra. Có vẻ rằng sức hấp dẫn của lợi ích vật chất sẽ càng làm cho nhiều người tìm đến để tham gia hơn. Kết quả tất cả đều là người bán. Vậy ai sẽ là người mua?
Thực tế cho thấy rằng, hình thức kinh doanh này có tên là “hình kim tự tháp ảo”. Đây là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp. Đặc điểm chính của một “hình kim tư tháp ảo” là những người tham gia kiếm tiền bằng cách tuyển dụng thêm thành viên, việc bán sản phẩm không quan trọng mà hoa hồng sẽ phụ thuộc người bán hàng đa cấp ở vị trí nào trên “hình kim tư tháp ảo”. Thực tế cho thấy, “Hình kim tự tháp ảo” có 2 hình thức phổ biến: Dựa trên sản phẩm và không dựa trên sản phẩm.
+Về mô hình không dựa sản phẩm: Một người sẽ tuyển dụng 10 người để đầu tư vào mạng lưới, 10 người này sẽ phải trả 100$, sau đó mỗi người này lại tuyển thêm 10 người khác, nếu tuyển dụng thành công thì người ở vị trí cấp trên sẽ lãi được 900$ từ đầu tư ban đầu là 100$. Cứ như thế dần mọi người sẽ đều tìm nhân viên của mình để tăng cấp độ và số lãi. Trong hình thức kinh doanh này thì tiền sẽ là phương thức làm việc chính. Dự án công việc cũng không có hoặc không rõ ràng. Sẽ có hoa hồng khi có thêm người vào mạng lưới.
+Về mô hình có sản phẩm: Một nhà phân phối tuyển 10 nhân viên bán hàng, mỗi người phải trả 500$ để bắt đầu bán sản phẩm. Nhà phân phối cũng được 10 % mỗi sản phẩm mà các “tân binh” của mình bán, bao gồm cả tiền khởi đầu. Các nhân viên sẽ biết rằng cách nhanh nhất để kiếm tiền không phải là bằng cách bán sản phẩm mà là tuyển dụng người mới để lãi được số tiền khởi đầu. Những người ở phía trên cùng của hình tháp nhận được hoa hồng từ tất cả vị trí bên dưới, gồm nhiều cấp độ trong hình tháp. Vấn đề là những sản phẩm trong hình thức này cũng không thực sự tốt và sẽ có khả năng bán được không cao. Lợi nhuận hầu như phụ thuộc vào việc tuyển dụng. Sau cùng, không còn ai để tuyển nữa và sản phẩm cũng không bán được.
Tưởng như đây là một mô hình có lãi, nhưng sự thật là tiền lãi của người này chính là tiền lỗ của người kia. Chỉ có những người ở đỉnh hình tháp mới có cơ may kiếm ra tiền. Có đến hơn 90% số người tham gia mạng lưới bán hành đa cấp bất chính mất tiền khi tham gia “hình kim tự tháp ảo” không sản phẩm. Còn nếu dựa trên sản phẩm thì con số này lên tới 99,88%.
Tuy nhiên, “hình kim tự tháp ảo” không phải là bán hàng đa cấp thực thụ. Hình kim tự tháp ảo là một loại hình kinh doanh bất hợp pháp và có tính chất lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia mạng lưới bán hành đa cấp bất chính. Có những điểm giống như bán hàng đa cấp hợp pháp và có những điểm khác nhất định.
Kinh doanh đa cấp (Multi-level Marketing) hay thường gọi là Bán hàng đa cấp là thuật ngữ chung chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Loại hình kinh doanh này xuất hiện ở Mỹ đầu tiên, các công ty như Amway, Tupperware, Herbalife, Avon, Mary Kay, … là những điển hình cho thành công của phương thức kinh doanh này. Nhìn bên ngoài, kinh doanh đa cấp rất khó phân biệt với “hình kim tự tháp ảo” bởi chúng đều được xây dựng trên một mô hình nhiều cấp độ của các “nhà phân phối và tuyển dụng”. Như đã nói ở trên, nhiều người hoàn toàn đánh đồng chúng với nhau và cũng có trường hợp kinh doanh đa cấp hợp pháp thực chất cũng chỉ là lớp vỏ của “hình kim tự tháp ảo”. Có thể nhận ra một “hình kim tự tháp ảo” thông qua vài đặc điểm sau:
+Chỉ kiếm tiền từ việc tuyển người là chính, thường mang tính bắt ép để có một khoản tiền tham gia.
+ Chính sách không công bằng: Người vào sau luôn nằm ở đáy và không thể thoát ra độc lập.
+ Mua sản phẩm vì được tham gia mạng lưới để có lợi ích kinh tế hay lợi ích khác chứ không có nhu cầu sử dụng. Sản phẩm cũng chỉ có chất lượng bình thường hoặc kém, giá được nâng lên nhiều để chi trả hoa hồng.
+Với kinh doanh chân chính thì sản phẩm sẽ được lưu thông ra cả ngoài mạng lưới nếu có nhu cầu, có cam kết nhận lại sản phẩm và hoàn trả giá trị.“Hình kim tự tháp ảo” thì mọi thứ đều mập mờ và có xu hướng bị trì hoãn.
+ Hãy cảnh giác với bất cứ ai cố gắng thuyết phục tham gia bằng cách phô trương vật chất, kinh doanh thực sự phải có quá trình đào tạo và đạt được hiệu quả chứ không chỉ tham gia là có lãi, không bao giờ bị lỗ như cách ai đó đã thuyết phục.
Từ những phân tích về nội dung trên, người viết đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung vào điểm q khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, cụm từ “dựa trên sản phẩm hoặc không dựa trên sản phẩm”. Sau khi được bổ sung, điểm q khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, có thể viết lại như sau: “q). Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp dựa trên sản phẩm hoặc không dựa trên sản phẩm;”
Thứ năm: Về cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng
Nội dung này được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Đây là quy định bắt buộc phải được thể hiện trong bản Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Qua nghiên cứu Hợp đồng mẫu của nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cho thấy, nội dung thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp được lựa chọn là Trọng tài thương mại. Chẳng hạn, như Hợp đồng nhà phân phối của Công ty Cổ phần Errichs-VietPlus ký kết với người tham gia bán hàng đa cấp cũng không là ngoại lệ. Cụ thể, tại khoản 8 Điều 6 của bản Hợp đồng mẫu có ghi: “…Mọi tranh chấp, bất đồng hoặc khiếu nại liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết thông qua thương lượng. Nếu thương lượng bất thành, tranh chấp đó sẽ được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo quy chế của VIAC. Quyết định của Trọng tài sẽ là chung thẩm và bắt buộc thực hiện đối với các bên. Bên nào thắng kiện có quyền nhận lại từ bên thua kiện các chi phí và phí tổn về trọng tài, kể cả chi phí luật sư và hồ sơ. Thỏa thuận về việc phân xử trọng tài như trình bày ở trên sẽ vẫn duy trì hiệu lực sau khi chấm dứt hoặc hết hạn Hợp đồng này…”
Xoay quanh cơ chế giải quyết tranh chấp mà Hợp đồng mẫu của doanh nghiệp bán hàng đa cấp ghi nhận như đã trích dẫn trên, hiện có các quan điểm sau:
+Quan điểm thứ nhất: Theo nội dung thỏa thuận giữa Công ty Cổ phần Errichs-VietPLus, nếu xảy ra bất đồng hoặc phát sinh tranh chấp mà đôi bên thương lượng bất thành thì nội dung tranh chấp đó được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) để giải quyết bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo quy chế của VIAC. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5; Điều 6; Điều 16; Điều 11 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, mà theo đó, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Cũng theo Điều 18 [2] Luật Trọng tài thương mại năm 2010, đây cũng không thuộc trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Mặt khác, theo quy định tại Theo Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (viết tắt Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP), theo đó, thoả thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được là các trường hợp:
i).Trung tâm trọng tài nơi các bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thoả thuận thay thế;
ii). Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn không thể tham gia giải quyết tranh chấp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; hoặc Toà án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên yêu cầu và các bên không có thoả thuận thay thế;
iii). Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn từ chối hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không có thoả thuận thay thế;
iv). Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác mà điều lệ của Trung tâm trọng tài các bên chọn không cho phép và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
Do vậy, bắt buộc tranh chấp phát sinh giữa Công ty Cổ phần Errichs-Plus với nhà phân phối chỉ phải được giải quyết tại VIAC và nơi mà Công ty Errichs-VietPlus lựa chọn, vì đó là sự thỏa thuận giữa các bên liên quan, được ghi nhận chính thức trong văn bản Hợp đồng một cách công khai, minh bạch.
+Quan điểm thứ hai: Suy cho cùng, nhà phân phối – người tham gia bán hàng đa cấp là người tiêu dùng. Mà người tiêu dùng có quyền chọn Tòa án hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Bởi:
Một là, Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Hai là, theo quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, trong tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng; pháp luật quy định rằng người tiêu dùng có quyền lựa chọn hoặc trọng tài hoặc tòa án để đưa tranh chấp ra giải quyết, dù giữa hai bên đã soạn sẵn thỏa thuận trọng tài. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng sẽ là người ở thế yếu hơn trong tranh chấp và việc khởi kiện ra trọng tài có thể rất tốn kém. Mặt khác, tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, có ghi:“ Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.”
Như vậy, trong trường hợp tuy đã có thỏa thuận trong Hợp đồng, nhưng phía người tham gia bán hàng đa cấp hoàn toàn có thể đưa tranh chấp ra trước Tòa án nơi có trụ sở của bị đơn để giải quyết, điều này hoàn toàn được pháp luật cho phép.
Để tránh kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp pháp sinh quyền và nghĩa vụ các bên tham gia bán hàng đa cấp, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét bổ sung thêm cụm từ “do các bên thỏa thuận, nếu khi phát sinh tranh chấp, người tham gia bán hàng đa cấp vẫn có quyền lựa chọn Trọng tài thương mại hoặc Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.” vào điểm g khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Sau khi được sửa đổi, bổ sung, nội dung này được viết lại như sau: “g). Về cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng do các bên thỏa thuận, nếu khi phát sinh tranh chấp, người tham gia bán hàng đa cấp vẫn có quyền lựa chọn Trọng tài thương mại hoặc Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.”
ThS.LS Lê Văn Sua