Quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016 ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5/2016 và thay thế Thông tư số 12/2010/TT-BGDĐT ngày 29/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ (sau đây gọi là đề tài cấp bộ) đáp ứng các yêu cầu như: Có tầm quan trọng đối với sự phát triển của ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý; Kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Đề tài cấp bộ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn ngoài ngân sách và được giao thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp. Mỗi đề tài cấp bộ do một cán bộ khoa học làm chủ nhiệm đề tài, có các thành viên tham gia nghiên cứu và một thành viên là thư ký khoa học, không có đồng chủ nhiệm và phó chủ nhiệm đề tài. Thời gian thực hiện đề tài cấp bộ không quá 24 tháng tính từ khi được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Trường hợp đặc biệt có thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài cấp bộ
Các cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ phải có các tiêu chuẩn sau: 1- Là giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài; 2- Có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực gần với đề tài, hoặc là chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu thuộc lĩnh vực nghiên cứu trong thời hạn 5 năm gần đây; 3- Tại thời điểm tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp không là chủ nhiệm đề tài hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc đang bị xử lý theo Khoản 1 Điều 38 của quy định này.
Tiêu chí xác định đề tài cấp bộ
Thông tư quy định các tiêu chí xác định đề tài cấp bộ bao gồm: Tính cấp thiết của đề tài; Định hướng mục tiêu nghiên cứu của đề tài; Nội dung nghiên cứu chính của đề tài; Khả năng không trùng lắp với các đề tài khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ; Dự kiến sản phẩm, địa chỉ ứng dụng, hiệu quả của đề tài; Dự kiến kinh phí thực hiện đề tài.
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài cấp bộ
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài cấp bộ (sau đây gọi tắt là hồ sơ đăng ký tuyển chọn) bao gồm: Thuyết minh đề tài (Mẫu 6 Phụ lục I); Tiềm lực khoa học của tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài cấp bộ (Mẫu 7 Phụ lục I) và Xác nhận của tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện đề tài.
Hồ sơ đăng ký tuyển chọn phải được niêm phong và ghi rõ bên ngoài: tên đề tài; tên, địa chỉ của tổ chức chủ trì đề tài; họ và tên của chủ nhiệm đề tài, danh mục tài liệu có trong hồ sơ.