Thực trạng và phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm nông nghiệp

I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) cùng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (Nghị định, Quyết định và Thông tư) đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển, điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, bảo hiểm nông nghiệp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, việc xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí và triển khai kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chủ động thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người cả hiện tại và tương lai mà không ngành nào có thể thay thế được. Tuy nhiên, nông nghiệp lại là lĩnh vực có rất nhiều rủi ro mang tính khách quan thường dẫn đến thiệt hại có tính hệ thống và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh của khí hậu, thời tiết, môi trường, thiên tai, dịch bệnh và hàng năm đều chịu thiệt hại lớn từ các yếu tố này đặc biệt là các hộ nông dân nghèo, cận nghèo là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, phát triển bảo hiểm nông nghiệp là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế của mọi quốc gia, đặc biệt đối với những quốc gia có ưu thế về phát triển nông nghiệp như Việt Nam. Thực hiện cơ chế bảo hiểm nông nghiệp, các rủi ro đã được chuyển giao từ người sản xuất nông nghiệp sang khu vực tư nhân (các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm). Cơ chế này đã góp phần san sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trường hợp xảy ra thiệt hại. Trong giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, các rủi ro này đã được san sẻ ra thị trường quốc tế thông qua các công ty tái bảo hiểm quốc tế. Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hiểm liên quan đến quản lý, giám sát rủi ro được bảo hiểm (thiên tai, dịch bệnh) kể từ trước khi ký kết cho đến cả quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quá trình này sẽ từng bước góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, giám sát rủi ro cho các hộ nông dân.
Bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết, mang lại lợi ích cho người dân, tuy nhiên cách thức triển khai thí điểm như thời gian vừa qua còn mang tính bao cấp của Nhà nước. Việc thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp mục đích chính là hình thành các sản phẩm để triển khai về sau. Sau giai đoạn thí điểm cần kết thúc để thực hiện theo cơ chế thị trường, tự nguyện giữa người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tự cân đối tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, Nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích thực trạng triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, từ đó đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm nông nghiệp.
II. THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
1. Kết quả triển khai thực hiện quy định pháp luật về bảo hiểm nông nghiệp
1.1. Kết quả triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện, không có sự hỗ trợ của Nhà nước
Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện được các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động triển khai theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và pháp luật khác có liên quan, không có chính sách, cơ chế đặc thù nào từ phía Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp. Tính đến nay có 7 doanh nghiệp bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, GIC, PTI, BIC, ABIC và Groupama) trên thị trường triển khai bảo hiểm nông nghiệp với đối tượng bảo hiểm chủ yếu là cây trồng và vật nuôi. Trong đó cây trồng chủ yếu là cây công nghiệp (cao su, cà phê), vật nuôi chủ yếu là bò sữa của các doanh nghiệp sản xuất sữa như Vinamilk, TH true milk,... Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện đã hình thành sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường, giúp người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp có thêm công cụ tài chính nhằm chuyển giao rủi ro, khắc phục một phần thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả, tỷ lệ bồi thường trên doanh thu cao, nếu tính các chi phí khác của doanh nghiệp bảo hiểm như chi quản lý, chi bán hàng, trích lập dự phòng nghiệp vụ thì kết quả triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp bị lỗ. Bên cạnh đó, đối tượng bảo hiểm nông nghiệp chủ yếu là cây trồng (cây công nghiệp) và vật nuôi (bò sữa), người mua bảo hiểm chủ yếu là các doanh nghiệp nuôi trồng, địa bàn triển khai hẹp, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh miền Trung Tây nguyên, miền Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên số lượng doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất ít (7/29 doanh nghiệp bảo hiểm). Doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp hàng năm thấp, tỷ trọng doanh thu rất nhỏ so với phí bảo hiểm của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ chế tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được chi thù lao cho cá nhân tham gia trực tiếp triển khai bảo hiểm nông nghiệp, địa bàn sản xuất nông nghiệp phân bố rất rộng, số lượng cán bộ doanh nghiệp ít, trình độ hạn chế (yêu cầu phải rất hiểu biết về cây trồng vật nuôi cũng như kiến thức về bảo hiểm), rất cần có sự tham gia của một số cá nhân tại địa phương, cán bộ làm công tác nông nghiệp,... Đồng thời, quy định mức chi đề phòng hạn chế tổn thất hiện nay ở mức 2% doanh thu phí bảo hiểm chưa khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, giáo dục; tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng hạn chế rủi ro; hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm; thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất.  Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ chi phí cho nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, nhân là hộ nông dân nghèo, cận nghèo. Chưa có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước; các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm; các tổ chức tín dụng, tài chính và người nông dân để cung cấp đồng bộ các dịch vụ bảo hiểm và tín dụng để thúc đẩy, xúc tiến bảo hiểm nông nghiệp.
1.2. Kết quả triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg
Ngày 01/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 (Quyết định số 315/QĐ-TTg). Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong giai đoạn thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố, do 02 doanh nghiệp bảo hiểm (Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo Minh) và 01 doanh nghiệp tái bảo hiểm (Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam) thực hiện, người tham gia bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần phí bảo hiểm; quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp do Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là hết sức đúng đắn, đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đã tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản. Đồng thời, hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp như hướng dẫn về các loại thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm, tiêu chí, tiêu chuẩn trồng lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản khi tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; cơ chế tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, quy định hồ sơ, thủ tục và quy trình hỗ trợ thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và hoàn chỉnh bộ quy tắc, biểu phí về các sản phẩm bảo hiểm. Đã hình thành 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản, theo đó cây lúa được bảo hiểm trên cơ sở chỉ số năng suất; vật nuôi được bảo hiểm trên cơ sở giá trị vật nuôi, thủy sản (tôm, cá) được bảo hiểm theo chi phí nuôi trồng. Qua thực tiễn cho thấy cách thức xây dựng các sản phẩm nói trên là có căn cứ, phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi.
2. Khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
2.1. Khó khăn, vướng mắc
Qua thực tế triển khai thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể như sau:
Thứ nhất, một số quy định trong quy trình chăn nuôi, nuôi thủy sản mang tính khoa học, kỹ thuật cao, tuy nhiên thực tế không đáp ứng được. Quy trình này thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng nhiều địa phương có ý kiến đánh giá là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, vì vậy trong quá trình thực hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh theo hướng giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình phù hợp., ví dụ:
- Đối với thủy sản: Quy trình nuôi trồng yêu cầu phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, đảm bảo chắc chắn không rò rỉ; khử trùng nước trước khi thả con giống; bổ sung vi sinh có lợi và gây màu nước; kiểm tra độ kiềm, PH, độ mặn, nhiệt độ thích hợp; hàm lượng oxy hòa tan và các chỉ tiêu của nguồn nước đạt tiêu chuẩn... Trong thực tế khó khăn nhất là tất cả các đìa nuôi tôm, cá đều chung một đường nước vào, ra.
- Đối với chăn nuôi: Quy trình chăn nuôi yêu cầu phải có chuồng trại cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa; diện tích chuồng phải đảm bảo vật nuôi ăn, ngủ và vận động tốt; đảm bảo nhiệt độ nuôi phù hợp với từng tuần tuổi (nuôi gà, vịt). Trong thực tế chủ yếu chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình, vì vậy đa phần các quy định trên đều không đáp ứng được.
Thứ hai, việc công bố bệnh dịch và xác nhận bệnh dịch làm căn cứ để bồi thường cũng có khó khăn. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố bệnh dịch theo quy định của pháp luật nhưng nhiều địa phương quy mô bệnh dịch chưa đến mức phải công bố; mặt khác các địa phương đều e ngại công bố bệnh dịch, vì vậy chủ yếu là xác nhận bệnh dịch. Việc xác định bệnh dịch gặp khó khăn do có một số bệnh dịch mới, chỉ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng để công bố, không phải xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Thứ ba, việc kiểm soát quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp bảo hiểm là khó khăn, một mặt nhiều quy định nuôi trồng thủy sản phức tạp, mặt khác doanh nghiệp bảo hiểm do mới thực hiện nên không có chuyên môn, đặc biệt là việc kiểm soát mật độ nuôi thả đối với tôm, cá và các yếu tố kỹ thuật nuôi trồng.
Thứ tư, thiên tai, bệnh dịch đối với thủy sản là khá lớn, kết quả các doanh nghiệp bảo hiểm bị thua lỗ. Phần lớn các hợp đồng bảo hiểm đã được tái bảo hiểm cho nhà tái bảo hiểm nước ngoài (SwissRe) và nhà tái bảo hiểm cũng bị lỗ. Với cơ chế như hiện tại, các nhà tái bảo hiểm sẽ khó có thể tiếp tục nhận tái bảo hiểm. Trường hợp họ nhận tái bảo hiểm thì phải điều chỉnh mức phí bảo hiểm rất cao, điều này sẽ làm tăng chi phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước và tăng chi phí đối với hộ dân (hộ thường).
Thứ năm, số lượng hộ dân tham gia bảo hiểm chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 76,8%), số hộ thường tham gia còn ít. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, do Nhà nước hỗ trợ 90-100% phí bảo hiểm nên họ tham gia (vì họ không mất chi phí mà vẫn được hưởng lợi từ chương trình) nhưng đối với hộ thường, tỷ lệ tham gia còn ít vì đây là sản phẩm còn mới đối với Việt Nam.
Thứ sáu, phạm vi bảo hiểm mỗi tỉnh 3 huyện, mỗi huyện 3 xã do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn, với phạm vi này chưa đảm bảo số đông bù số ít.
2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân khách quan là do bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm; địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất rộng, trải dài trên 20 tỉnh, thành phố. Rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong thời gian thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp xảy ra nhiều, đa dạng, mỗi địa phương mỗi khác, diễn biến bất thường, trong khi đó, đối tượng bảo hiểm đặc biệt là thủy sản chịu tác động mạnh của yếu tố thiên nhiên như khí hậu, thời tiết, môi trường nên dễ mắc bệnh. Kỹ thuật nuôi trồng, đặc biệt là thủy sản không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật được quy định, nhất là nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm, gây phát sinh bệnh dịch.
Nguyên nhân chủ quan là do cơ chế chính sách còn chưa hoàn chỉnh như quy định và kỹ thuật nuôi trồng; công bố, xác nhận bệnh dịch; quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm; quy trình thực hiện. Mặc dù đã có điều chỉnh kịp thời của các Bộ ngành, tuy nhiên do đây là các sản phẩm bảo hiểm mới nên cũng gặp nhiều khó khăn. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan ở các địa phương chưa chặt chẽ, đặc biệt trong công tác giám sát các hộ dân tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng. Doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư tuyển dụng nguồn nhân lực để làm công tác bảo hiểm nông nghiệp, tuy nhiên, lực lượng còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực chuyên môn để giám sát các hộ dân tuân thủ đầy đủ quy trình, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
2.3. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, mục đích chính của thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp là hình thành các sản phẩm để triển khai về sau. Sau giai đoạn thí điểm cần kết thúc để thực hiện theo cơ chế thị trường, tự nguyện giữa người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm tự cân đối tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, Nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ hai, cách thức triển khai thí điểm như thời gian vừa qua còn mang tính bao cấp của Nhà nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người được bảo hiểm là hộ nghèo nhưng không nên hỗ trợ 100% để tránh tâm lý ỷ lại, người được bảo hiểm phải đóng góp một phần phí bảo hiểm để tăng trách nhiệm kiểm soát rủi ro khi tham gia bảo hiểm.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước quản lý, giám sát chặt chẽ việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và giám sát việc thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quy trình công bố thiên tai, dịch bệnh và xác nhận dịch bệnh.
- Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiệp vụ bảo hiểm và kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm.
III. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP
1. Quan điểm, mục tiêu
1.1. Quan điểm
- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn triển khai của Quyết định số 315/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp và hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
- Đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.
1.2. Mục tiêu
- Tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm nông nghiệp; góp phần hiện thực hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
- Hỗ trợ phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo là các đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đa dạng hóa các giải pháp tài chính để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
- Góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm và người dân.
- Góp phần tăng cường năng lực quản lý, giám sát rủi ro của người dân để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
2. Kinh nghiệm thế giới về bảo hiểm nông nghiệp
2.1. Kinh nghiệm của Thái Lan[1]
Hệ thống bảo hiểm nông nghiệp Thái Lan được khởi xướng từ năm 1978 với sự hợp tác giữa Chính phủ và các công ty bảo hiểm tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro bởi lũ lụt và hạn hán cho nông dân. Sau đó, bảo hiểm cho tất cả các rủi ro đối với cây ngô, lúa và đậu tương được thực hiện vào năm 1990. Tuy nhiên, kết quả thu được từ các chương trình bảo hiểm này không được như mong đợi vì phí bảo hiểm thu được ít hơn so với các khoản thanh toán bồi thường. Theo Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) mức bồi thường đã có xu hướng tăng cao hơn số phí bảo hiểm thu được, từ 7,43% (năm 2007) lên 67,88% (năm 2010) và 145,31% (năm 2011) do thiên tai xảy ra gia tăng ở nhiều nơi hơn nên đẩy cao mức phí bồi thường. Thái Lan thực hiện bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho tất cả nông dân. Phạm vi bảo hiểm áp dụng cho cây lương thực, cây lấy dầu, cây trồng thương mại... Mức bồi thường chiếm từ 60% - 90% của sản lượng trung bình. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với hình thức như: tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị…
Hình thức bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan rất đa dạng và được hỗ trợ đầu tư của nhà nước khá công phu, các doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp của Thái Lan được hỗ trợ, được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi ổn định, lâu dài như về thuế, phí... Ngân sách nhà nước Thái Lan đã hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, họ luôn giữ được giá lúa gạo có lợi cho nông dân. Ví dụ: trước tình hình hạn hán nặng nhất trong gần hai thập niên qua (2000-2016), chính phủ Thái Lan đã khuyến khích nông dân chuyển hướng từ trồng lúa sang trồng bắp, đậu. Năm 2015, Chính phủ đã duyệt cấp 320 triệu USD để khuyến khích nông dân trồng các loại cây ít nước, giãn thời gian trả nợ vay. Năm 2016, Chính phủ đầu tư 285 triệu USD để ổn định giá cả và tái đào tạo nông dân, kể cả những người sản xuất gạo jasmine nổi tiếng của Thái. Nông dân được vận động tham gia các khóa học với nội dung đa dạng từ kế toán đến chăn nuôi gia cầm được Chính phủ mở ra nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Năm 2016, chính phủ Thái Lan tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm lúa gạo “được mùa”. Chương trình này nhận bảo hiểm những thất thoát từ lũ lụt, hạn hán, bão, sâu bệnh. Dự báo, năm 2017, chương trình bảo hiểm cho hơn 480.000 ha ruộng lúa của Thái Lan và mức đền bù có thể sẽ còn cao hơn. Đây là sự hỗ trợ mang tính bền vững, có định hướng, tăng tính chủ động từ nông dân.
Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan: (i) Nhà nước vừa hỗ trợ chính sách mở cho doanh nghiệp, vừa đầu tư khoa học - kỹ thuật cho nông dân; đặt doanh nghiệp bảo hiểm ở vị trí trung gian, đứng ra bán dịch vụ cho nông dân. Khi gặp thiên tai, dịch bệnh... dẫn tới thiệt hại thì bảo hiểm chịu một phần theo khả năng trách nhiệm đã đăng ký, còn lại sẽ do Nhà nước đảm nhận; (ii) Nhà nước khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, ưu tiên doanh nghiệp bảo hiểm đặt mũi nhọn vào lĩnh vực nông nghiệp; (iii) Đặt ra một số loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với nông dân; (iv) Đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng để xử lý doanh nghiệp hoặc nông dân khi vi phạm hợp đồng.
2.2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ[2]
Chương trình bảo hiểm cây trồng liên bang từ năm 1938 - là chương trình liên kết giữa chính phủ liên bang và các doanh nghiệp bảo hiểm. Chính phủ Mỹ có một cơ quan riêng biệt đứng ra bảo hiểm cho những khu vực có tính rủi ro cao. Việc thiết kế sản phẩm cũng theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia xây dựng sản phẩm và sau đó là người phân phối trực tiếp sản phẩm này. Để tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh và xé nhỏ thị trường, nước này đã thiết kế một sản phẩm chung dành để các doanh nghiệp cung ứng cho người nông dân. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm không phải cạnh tranh về giá thành cũng như cạnh tranh về nhiều yếu tố khác. Với doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài một số hỗ trợ phụ khác, Chính phủ Mỹ cũng có chính sách hỗ trợ chi phí vận hành đối với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm này. Điều đáng nói hơn cả là nước Mỹ có một chương trình bảo hiểm đặc biệt mà ở đó, người nông dân có thể được bồi thường với giá thành sản phẩm cao hơn trong trường hợp giá nông sản tăng vào cuối vụ mùa. Tại Hoa Kỳ, giá ngô và giá đậu nành thường tăng cao khi có hạn hán xảy ra. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở nước này khá hoàn hảo, tính đến cả yếu tố sản lượng lẫn giá thành. Tuy nhiên, đổi lại người nông dân cũng phải cam kết rằng, nếu họ không tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia thì cũng không được tham gia vào bất kỳ chương trình phòng chống thiên tại có tính thương mại nào khác.
Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ bằng nhiều cách: cung cấp các khoản trợ cấp bảo hiểm (cho cây trồng một tỷ lệ phí khoảng từ 48% đến 67%, tỷ lệ bảo hiểm vật nuôi khoảng 13%). Chính phủ cung cấp miễn phí hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản cho toàn bộ diện tích cây trồng. Mức bồi thường của hợp đồng cơ bản này là phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước năm bị tổn thất và tỷ lệ bồi thường chỉ bằng 60% giá trị thị trường dự tính. Ngoài việc hưởng miễn phí theo hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản nói trên, nông dân có thể mua thêm mức trách nhiệm cao, với mức phí có trợ cấp 38% từ Chính phủ. Tổng cộng (cả phần bảo hiểm miễn phí lẫn phần trợ cấp mua bảo hiểm ở mức trách nhiệm cao hơn) mức hỗ trợ phí bảo hiểm của Chính phủ cho cây trồng trên toàn liên bang lên tới 67%. Ngoài khoản này, Chính phủ Mỹ còn hỗ trợ các khoản sau: Hỗ trợ chi phí quản lý cho các công ty bảo hiểm tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp liên bang – tương đương 22% tổng phí bảo hiểm; chính phủ nhận tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm và chương trình tái bảo hiểm này tiêu tốn khỏan ngân sách tương đương khoảng 14% tổng phí bảo hiểm. Kết quả, tại Mỹ có tới 85% nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp.
Bài học kinh nghiệm từ việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp của Hoa Kỳ: (i) Hỗ trợ của Chính phủ (hàng năm Mỹ tài trợ 5 tỷ USD phí bảo hiểm cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp); (ii) Nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm rất cao.
2.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc[3]
Chính sách “Tam Nông” ra đời năm 2004 nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, cải thiện đời sống kinh tế xã hội cho nông dân ở các vùng nông thôn. Trong số các biện pháp được thực hiện thì bảo hiểm nông nghiệp được xem là một công cụ tài chính quan trọng trong việc ổn định thu nhập của nông dân và cải thiện khả năng phục hồi sản xuất của hộ sau khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Từ năm 2007 đến nay, Nhà nước Trung Quốc đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân. Do vậy thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt từ năm 2007. Tỷ lệ thâm nhập thị trường là 10% trên tổng diện tích cây trồng, và 80% cho lợn nái. Tỷ lệ tổn thất trung bình giai đoạn 2003-2009 là 55%. Từ năm 2007 đến nay, trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của chính phủ Trung Quốc lên tới 30 tỷ NDT (khoảng 4,8 tỷ USD). Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn 16 tỉnh để cung cấp bảo hiểm cho cây trồng. Bảo hiểm cho lợn nái và bò sữa được bảo hiểm trên phạm vi toàn quốc. Năm 2010 tổng trợ cấp tối đa khoảng 55% cho lâm nghiệp, 80% cho lợn nái sinh sản, từ 60%- 65% bảo hiểm cho hầu hết các sản phẩm cây trồng và vật nuôi. Trong một số trường hợp chi phí cho giám định bảo hiểm thiệt hại vật nuôi có thể do chính quyền cấp tỉnh chi trả. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ tài chính cho việc thiết lập mới các công ty bảo hiểm nông nghiệp cấp tỉnh và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp được miễn thuế. Tái bảo hiểm công cộng (trợ cấp hoàn toàn) được cung cấp bởi công ty tái bảo hiểm bổ xung của Trung Quốc chỉ cho các loại cây trồng hay vật nuôi cụ thể, hoặc từ Chính quyền các tỉnh hoặc từ thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm nông nghiệp Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề như khó khăn trong cân đối nguồn tài chính hỗ trợ mua bảo hiểm cho nông dân: Trong thực tế số tiền mà nông dân bỏ ra để mua bảo hiểm nông nghiệp chỉ bằng từ 10-30% tổng phí mua bảo hiểm nông nghiệp, còn lại số tiền trợ cấp chiếm từ 70-90%. Chính quyền cấp tỉnh của nhiều địa phương cũng đã và đang gặp phải khó khăn trong việc cân đối ngân sách để hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp.
Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc: Tinh thần hợp tác tương trợ lẫn nhau ở các địa phương. Bảo hiểm cho nông nghiệp là một công việc kinh doanh đòi hỏi phải có nhiều thông tin. Đặc điểm của nông nghiệp là chịu nhiều rủi ro. Những rủi ro này thường xảy ra trên những vùng rộng lớn. Đôi khi thiệt hại do thiên tai gây ra rất lớn và chỉ một đơn vị riêng lẻ sẽ không thể gánh chịu được. Trong trường hợp có cú sốc khác thường, Chính phủ nên thực hiện trách nhiệm thanh toán các khoản bồi thường. Các mối quan hệ mang tính hệ thống giữa các cấp (mối quan hệ bảo hiểm và tái bảo hiểm) ở các nước trên thế giới cũng có thể là gợi ý tốt đối với Việt Nam.
3. Đề xuất chính sách hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm nông nghiệp
3.1. Chính sách khuyến khích triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện.
Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp đa dạng hóa các giải pháp tài chính, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Pháp luật về bảo hiểm nông nghiệp cần được xây dựng theo hướng khuyến khích triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện với các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thỏa thuận hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm triển khai hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, cần quy định các cơ chế khuyến khích sau: (i) Doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi đề phòng hạn chế tổn thất liên quan đến triển khai bảo hiểm nông nghiệp với mức tối đa lên đến 5% (cao hơn mức quy định chung hiện nay là 2%), tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; tài trợ, hỗ trợ xây dựng các công trình, mua sắm các phương tiện, vật chất để đề phòng hạn chế rủi ro; thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất; (ii) Doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng tối đa 20% doanh thu phí bảo hiểm thu được để chi hoa hồng bảo hiểm và chi thù lao cho những người trực tiếp tham gia triển khai bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với nhà nước, chính sách này tạo ra giải pháp tài chính, góp phần san sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trường hợp xảy ra thiệt hại do các rủi ro đã được chuyển giao từ người sản xuất nông nghiệp sang khu vực tư nhân. Thông qua cơ chế bồi thường cho thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp do thiên tai, dịch bệnh gây ra, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân, giảm nghèo và giảm tái nghèo khu vực nông thôn. Đồng thời, giúp quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm triển khai trên cơ sở pháp luật, không hình thành cơ chế giám sát mới; không vi phạm các nguyên tắc, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; không phát sinh nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị liên quan.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chính sách này tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm có giấy phép triển khai bảo hiểm nông nghiệp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định tại pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành đều có thể tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm còn được hưởng các cơ chế khuyến khích về tài chính liên quan đến chi hoa hồng, thù lao cho những người trực tiếp tham gia triển khai bảo hiểm nông nghiệp và chi đề phòng, hạn chế tổn thất. Tuy nhiên, việc không có các quy định bổ sung về điều kiện triển khai, giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý có thể dẫn đến tính trạng cạnh tranh về phí bảo hiểm, ảnh hưởng tới an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Chính sách này giúp người sản xuất nông nghiệp lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu bảo hiểm và khả năng tài chính. Việc quy định tỷ lệ chi đề phòng hạn chế tổn thất liên quan đến triển khai bảo hiểm nông nghiệp tối đa là 5% tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp được nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp; sử dụng các công trình, phương tiện, vật chất để đề phòng hạn chế rủi ro.
Tóm lại, đây là các giải pháp phù hợp, linh hoạt và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm này trên cơ sở tự nguyện; đồng thời tạo cơ chế cho doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác quản lý rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp - lĩnh vực có nhiều rủi ro liên quan đến thiên tai, dịch bệnh.
3.2. Chính sách ngân sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo và cận nghèo tham gia bảo hiểm
Với mục tiêu tạo điều kiện cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo - các đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thiên tai có cơ hội đa dạng hóa các giải pháp tài chính, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc quản lý và kiểm soát rủi ro. Đảm bảo việc sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu quả, tránh trường hợp một đối tượng cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về phí bảo hiểm nông nghiệp. Chính sách về bảo hiểm nông nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Theo đó, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo và 75% cho hộ nông dân cận nghèo khi giao kết hợp đồng bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai.
Chính sách này tạo ra giải pháp tài chính, góp phần san sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trường hợp xảy ra thiệt hại thiên tai do các rủi ro đã được chuyển giao từ người sản xuất nông nghiệp sang khu vực tư nhân (doanh nghiệp bảo hiểm); góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro của người sản xuất nông nghiệp để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thông qua cơ chế bồi thường bảo hiểm, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần giảm nghèo và giảm tái nghèo khu vực nông thôn, ổn định đời sống của người nghèo, cận nghèo; thể hiện sự ưu tiên, quan tâm của nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người yếu thế trong xã hội (nghèo, cận nghèo). Tuy nhiên, chính sách này sẽ phát sinh thủ tục hành chính như: thủ tục thẩm định, chi trả phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các thủ tục này là cần thiết, để đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm đúng đối tượng được hỗ trợ. Đồng thời, giảm thiểu thủ tục hành chính cho người nông dân tham gia bảo hiểm thông qua quy định thủ tục đề nghị chi trả phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, các thủ tục hành chính này không làm phát sinh chi phí hành chính của người dân và doanh nghiệp.
Đối với hệ thống pháp luật, việc triển khai chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp làm phát sinh thêm trách nhiệm của các đối tượng sau trong việc tuân thủ, thi hành pháp luật: (i) Doanh nghiệp bảo hiểm trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm đúng đối tượng, đề nghị chi trả kinh phí hỗ trợ; trong công tác báo cáo, hạch toán doanh thu, chi phí, công khai thông tin; (ii) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng quy chế phân cấp, chỉ đạo kiểm tra, giám sát cơ quan có thẩm quyền tại địa phương trong việc thẩm định, chi trả hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại địa phương trong việc giám sát thực hiện điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kiểm soát gian lận bảo hiểm và công tác đề phòng, hạn chế tổn thất trong sản xuất; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thực hiện công tác thống kê, cung cấp theo thẩm quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm và hộ nông dân triển khai bảo hiểm nông nghiệp; tuyên truyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; hướng dẫn công tác đề phòng và hạn chế tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo đúng quy định pháp luật; (iii) Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; thực hiện quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp theo quy định pháp luật; bố trí ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm trong nông nghiệp; (iv) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, các tiêu chuẩn vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật; ban hành cơ chế giám sát việc thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn trên; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định này theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tạo cơ hội cho doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận đối tượng khách hàng mới, tiềm năng; thiết kế được các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, mang lại nhiều lựa chọn phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính của người sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng lực tài chính, hoàn thiện công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Góp phần san sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trường hợp xảy ra hậu quả do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, nếu có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hộ nông dân nghèo, cận nghèo trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản có cơ hội đa dạng hóa các giải pháp tài chính, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm để hỗ trợ khắc phục rủi ro trong sản xuất nông nghiệp khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, có cơ hội tái sản xuất, giảm tái nghèo. Tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp tiếp cận vay vốn tín dụng ngân hàng để có cơ hội mở rộng sản xuất, giảm nghèo. Việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước không phân biệt giới, do vậy, tạo ra cơ hội, điều kiện bình đẳng giới ở nông thôn. Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong nông nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo phải đóng góp một phần phí bảo hiểm (10% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo).
Để đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, các giải pháp được xây dựng bao gồm:
Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ phí bảo hiểm cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo có quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và đã giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm để bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho người nông dân, việc chi trả kinh phí hỗ trợ được thực hiện thông qua doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các thủ tục đề nghị chi trả kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm sau khi đã giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp (đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm) cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp bảo hiểm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chủ động phân cấp cho một cơ quan có thẩm quyền của địa phương để thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Để đảm bảo công khai, minh bạch thông tin, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công khai thông tin về việc phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
                                                                                      An Nhiên
 

 
[1] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2017/43138/Kinh-nghiem-phat-trien-bao-hiem-nong-nghiep-o-Thai-Lan.aspx
[2] http://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat/kinh-nghiem-bao-hiem-nong-nghiep-cua-my-292173.html
[3] http://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tin-tuc/kinh-nghiem-phat-trien-bao-hiem-nong-nghiep-o-trung-quoc-305776.html