Theo quy định của Luật đấu giá tài sản, Chính phủ được giao quy định chi tiết 5 vấn đề: việc cấp, thu hồi Thẻ đấu giá viên (Khoản 3 Điều 14); đấu giá trực tuyến (Khoản 4 Điều 40); việc đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành (khoản 2 Điều 80); việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn (Khoản 4 Điều 65). Theo đó, Chính phủ ban hành 02 Nghị định: (i) Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo hướng dẫn các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 14, Khoản 4 Điều 40, Khoản 2 Điều 80 Luật đấu giá tài sản; (ii) Nghị định quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn do Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo hướng dẫn quy định tại Khoản 4 Điều 65 Luật Đấu giá tài sản.
Để triển khai quy định tại Khoản 4 Điều 65 Luật đấu giá tài sản nêu trên, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn là cần thiết.
1. Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định
- Phù hợp với quan điểm định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII: “Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế”.
- Quy định chi tiết khoản 4 Điều 65 Luật đấu giá tài sản và bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Luật đấu giá tài sản, Luật giá, thống nhất với các quy định tại văn bản hướng dẫn Luật giá, Nghị định 53/2013/NĐ-CP về tổ chức, thành lập và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
- Phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty quản lý tài sản (VAMC) bao gồm: (i) các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt và (ii) các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường.
- Xây dựng cơ chế để kiểm soát hoạt động bán đấu giá tài sản của Công ty quản lý tài sản (VAMC) nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo tiến trình đẩy nhanh hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản (VAMC) theo nội dung của Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.
2. Một số kiến nghị cụ thể
2.1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Về phạm vi điều chỉnh thì theo phân công nhiệm vụ tại khoản 4 Điều 65 Luật đấu giá tài sản, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định gồm 02 nội dung lớn:
(i) Quy định việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá và thuê tổ chức đấu giá thực hiện đấu giá tài sản;
(ii) Quy định việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn trong trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá.
Về đối tượng áp dụng, đối tượng áp dụng Nghị định bao gồm:
(i) Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng;
(ii) Doanh nghiệp thẩm định giá tài sản;
(iii) Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;
(iv) Tổ chức tín dụng có nợ xấu bán cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng;
(v) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đấu giá tài sản là nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
2.2. Về giải thích thuật ngữ
Để làm rõ nội dung theo nhiệm vụ được giao, dự thảo Nghị định cần giải thích đối với 02 thuật ngữ: (i) Tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và (ii) Khoản nợ xấu của Công ty quản lý tài sản (VAMC), cụ thể:
Về tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng: Tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Sau đây gọi là Công ty quản lý tài sản để thống nhất về tên gọi của tổ chức này tại Luật đấu giá tài sản, dự thảo Nghị định và các văn bản hiện hành về tổ chức này.
Về khoản nợ xấu của Công ty quản lý tài sản (VAMC): Các định nghĩa về khoản nợ xấu hiện nay chỉ mới đề cập đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà chưa có khái niệm về khoản nợ xấu của VAMC, do đó, cần thiết phải quy định khái niệm về khoản nợ xấu của VAMC để xác định rõ phạm vi khoản nợ xấu, theo đó, khoản nợ xấu của Công ty quản lý tài sản là khoản nợ xấu được Công ty quản lý tài sản mua của tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
2.3. Về những trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Công ty quản lý tài sản tự đấu giá
a) Đối với các khoản nợ xấu: Theo các quy định hiện hành tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, việc mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng của VAMC được thực hiện dưới 02 hình thức: (i) VAMC mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và (ii) VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường. Do đó, dự thảo Nghị định cần quy định các trường hợp phải thẩm định giá để xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá khoản nợ xấu của VAMC phù hợp với các hình thức mua khoản nợ xấu của VAMC nêu trên, cụ thể:
(i) Trường hợp VAMC mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, khi đến hạn thanh toán trái phiếu đặc biệt, VAMC sẽ chuyển giao lại cho TCTD bán nợ số tiền thu hồi nợ, khoản nợ chưa thu hồi (trường hợp khoản nợ chưa thu hồi được đầy đủ) và nhận lại trái phiếu đặc biệt từ TCTD. Như vậy, trong trường hợp này khoản nợ xấu chỉ chuyển giao tạm thời quyền sở hữu cho VAMC để xử lý, việc xử lý khoản nợ xấu này luôn có sự tham gia, kiểm soát của TCTD bán nợ và có ảnh hưởng tới quyền lợi của TCTD bán nợ. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định: đối với khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt phải thẩm định giá khởi điểm trong trường hợp Công ty quản lý tài sản không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ về giá khởi điểm.
(ii) Trường hợp VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường, khoản nợ xấu được chuyển giao hoàn toàn cho VAMC và việc xử lý khoản nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sử dụng vốn của VAMC (sử dụng vốn Nhà nước). Do đó, dự thảo Nghị định quy định theo hướng: đối với khoản nợ xấu được Công ty quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường phải thực hiện thẩm định giá khởi điểm.
b) Đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, việc xử lý tài sản bảo đảm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của bên bảo đảm, do đó việc xác định giá khởi điểm của tài sản bảo đảm trước hết cần tôn trọng thỏa thuận giữa bên bảo đảm với bên nhận bảo đảm (VAMC). Chỉ trong trường hợp các bên không thỏa thuận được giá khởi điểm, để đảm bảo quyền lợi của bên bảo đảm thì cần thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá khởi điểm.
2.4. Về lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
a) Về cách thức lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá: Cách thức lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá cần được quy định tương ứng với các trường hợp phải thực hiện thẩm định giá nêu trên, cụ thể:
(i) Đối với việc bán đấu giá khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt và bán đấu giá tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì VAMC phải thỏa thuận với TCTD bán nợ hoặc bên bảo đảm về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của tổ chức tín dụng bán nợ/bên bảo đảm trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, VAMC phải công khai về việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước và của VAMC trong thời hạn ít nhất 07 ngày làm việc để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký tham gia. VAMC quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá theo các nguyên tắc cụ thể. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp thẩm định giá có cơ hội tham gia thẩm định giá một cách rộng rãi và cũng tạo nhiều cơ hội cho VAMC trong việc lựa chọn các doanh nghiệp thẩm định giá phù hợp.
(ii) Đối với khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, Công ty quản lý tài sản chủ động thuê doanh nghiệp thẩm định giá và phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trang thông tin điện tử của Công ty quản lý tài sản để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký tham gia. Công ty quản lý tài sản quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá theo các nguyên tắc cụ thể mà không yêu cầu thỏa thuận với tổ chức tín dụng bán nợ về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, do các khoản nợ được mua theo giá trị thị trường đã được chuyển giao cho VAMC, VAMC có toàn quyền quyết định đối với các khoản nợ này.
b) Về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá:
Trên cơ sở các quy định tại Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá (điểm g khoản 2 Điều 5 về thẩm định giá quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính: “...công khai ... danh sách các doanh nghiệp thẩm định giá trong cả nước”; khoản 2 Điều 20 quy định: “Bộ Tài chính ... xóa tên khỏi Danh sách công khai doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá trên trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính”; Điều 10 quy định các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá), dự thảo Nghị định cần quy định các nguyên tắc để VAMC lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá như sau:
(i) Doanh nghiệp thẩm định giá được lựa chọn phải thuộc Danh sách công khai doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá của Bộ Tài chính;
(ii) Doanh nghiệp thẩm định giá được lựa chọn không thuộc trường hợp không được thẩm định giá theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng cần quy định doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
2.5. Về quyền và nghĩa vụ của VAMC khi thực hiện thẩm định giá khởi điểm
Dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của VAMC khi thực hiện việc thẩm định giá khởi điểm bao gồm: (i) Lựa chọn tổ chức thẩm định giá; (ii) Ký kết hợp đồng thẩm định giá với doanh nghiệp thẩm định giá; (iii) Cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải thẩm định giá cho doanh nghiệp thẩm định giá; (iv) Được ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện một số hoạt động trên cơ sở các hoạt động được ủy quyền của VAMC cho TCTD bán nợ được quy định tại Điều 12 Nghị định 53/2013/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt; (v) Về quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
2.6. Về sử dụng kết quả thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Dự thảo Nghị định cần quy định trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, VAMC quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi bán đấu giá lần đầu theo nguyên tắc giá khởi điểm không thấp hơn giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo kết quả thẩm định giá.
Đồng thời, để giải quyết các trường hợp vướng mắc trong thực tiễn khi cuộc đấu giá lần đầu không thành, tránh trường hợp phải thẩm định lại giá khởi điểm nhiều lần sau khi bán đấu giá không thành, để giảm chi phí và thời gian trong việc xác định giá khởi điểm khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo Nghị định quy định:
- Đối với bán đấu giá khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt hoặc bán đấu giá tài sản bảo đảm: trong trường hợp tiếp tục bán đấu giá, VAMC thỏa thuận lại với tổ chức tín dụng bán nợ/bên bảo đảm về giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Quy định này đảm bảo tổ chức tín dụng bán nợ/bên bảo đảm được tham gia xác định lại giá khởi điểm trong trường hợp tiếp tục bán đấu giá, đảm bảo quyền lợi của tổ chức tín dụng bán nợ/bên bảo đảm.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá, VAMC được quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Và trong trường hợp VAMC quyết định giảm giá khởi điểm, mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm (10%) giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.
- Đối với bán đấu giá khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường, VAMC được quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu sau khi bán đấu giá không thành, không yêu cầu thỏa thuận với tổ chức tín dụng bán nợ/bên bảo đảm, phù hợp với tính chất của khoản nợ được mua theo giá trị thị trường. Và trường hợp VAMC quyết định giảm giá khởi điểm thì mức giảm giá trong trường hợp này cũng không quá mười phần trăm (10%) giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó cho mỗi lần giảm giá.
2.7. Về khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn
Để xác định được việc thành lập Hội đồng đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm khoản nợ xấu có giá trị lớn thì cần thiết phải quy định thế nào được xem là khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
VAMC là doanh nghiệp đặc thù được thành lập với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu. Số lượng khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị dưới 100 tỷ đồng là rất lớn, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu rất đa dạng, phân tán tại nhiều nơi và việc xử lý khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu chủ yếu là ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện. Nếu xác định khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm có giá trị dưới 100 tỷ đồng là các khoản có giá trị lớn thì Hội đồng đấu giá sẽ phải giải quyết khối lượng lớn các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là không khả thi, làm kéo dài thời gian xử lý nợ xấu và tăng chi phí cho việc xử lý nợ xấu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu xử lý nhanh nợ xấu do Chính phủ đề ra cho VAMC.
Do đó, mức giá trị khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn là từ 100 tỷ đồng trở lên để đảm bảo tính khả thi của quy định, theo đó, “Khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn là khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá khởi điểm từ 100 tỷ đồng trở lên”.
Việc căn cứ trên cơ sở giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xác định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn phải thành lập Hội đồng đấu giá đảm bảo cập nhật chính xác hơn về giá trị hiện tại của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
2.8. Về thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Để hạn chế rủi ro trong quá trình VAMC thực hiện việc đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, phù hợp với nội dung tại khoản 4 Điều 65 Luật đấu giá tài sản, dự thảo Nghị định quy định VAMC phải thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn với thành viên bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản hoặc người được Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng, đại diện tổ chức tín dụng bán nợ trong trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt; thành viên là đấu giá viên, đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Công ty quản lý tài sản và các thành viên khác theo quyết định của Công ty quản lý tài sản (nếu có).
2.9. Về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quyền và nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng
a) Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cần được quy định như sau: (i) Cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện phải có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó phải có đấu giá viên, đại diện tổ chức tín dụng bán nợ (trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt); (ii) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp kết quả biểu quyết hoặc số phiếu bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng có quyền quyết định cuối cùng.
b) Trên cơ sở quy định của Luật đấu giá tài sản về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá tài sản, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu cần được quy định cụ thể:
- Hội đồng đấu giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu có quyền: (i) Truất quyền tham gia cuộc đấu giá và lập biên bản xử lý đối với cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá có hành vi gây rối trật tự cuộc đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá; (ii) Dừng cuộc đấu giá và báo cáo người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng để xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá hoặc khi phát hiện người điều hành cuộc đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá hoặc hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực của cuộc đấu giá; (iii) Lựa chọn hình thức đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật đấu giá tài sản để đấu giá tài sản; (iv) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ: (i) Nghĩa vụ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 24 của Luật đấu giá tài sản; (ii) Tổ chức và thực hiện đấu giá theo Quy chế hoạt động của Hội đồng, Quy chế cuộc đấu giá và quy định của pháp luật có liên quan; (iii) Chịu trách nhiệm về kết quả cuộc đấu giá trước pháp luật và người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng; (iv) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình đấu giá; tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại phát sinh sau cuộc đấu giá; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; (v) Báo cáo kết quả đấu giá tài sản và chuyển giao hồ sơ cuộc đấu giá cho người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng sau khi kết thúc cuộc đấu giá; (vi) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
c) Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng cần quy định cụ thể về quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, cụ thể:
- Chủ tịch Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có các nhiệm vụ, quyền hạn: (i) Tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Hội đồng; (ii) Chủ trì cuộc họp của Hội đồng; phân công trách nhiệm cho từng thành viên; (iii) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Quy chế hoạt động của Hội đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
- Thành viên Hội đồng thực hiện các công việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng.
- Thành viên của Hội đồng là đấu giá viên chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp cuộc đấu giá.
Về cơ bản, các quy định về Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định về Hội đồng đấu giá tài sản (tại Mục 2 Chương IV Luật Đấu giá tài sản) và phù hợp với đặc điểm hoạt động đấu giá tài sản của VAMC. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số nội dung mang tính đặc thù của Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu so với Hội đồng đấu giá tài sản đã được Luật đấu giá tài sản quy định, cụ thể:
- Quy định VAMC được thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đấu giá đối với một khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hoặc nhiều khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời bỏ quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng đấu giá: Hội đồng đấu giá tài sản tự giải thể khi kết thúc cuộc đấu giá (khoản 4 Điều 61 Luật Đấu giá tài sản). Lý do: Do số lượng khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá lớn là tương đối lớn, có thể phải tổ chức đấu giá thường xuyên, do đó quy định thành lập Hội đồng để đấu giá nhiều khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để tránh phải nhiều lần thành lập một Hội đồng với thành phần giống nhau, không cần thiết.
- Dự thảo Nghị định giao VAMC ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đấu giá (mà không phải là do Hội đồng đấu giá tài sản) để thống nhất với quyền và nghĩa vụ của VAMC quy định tại điểm b khoản 2 Điều 65 Luật Đấu giá tài sản (VAMC ban hành quy chế cuộc đấu giá). Mặt khác, số lượng khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá là tương đối nhiều nên quy chế hoạt động của Hội đồng này nên được ban hành bởi VAMC để được áp dụng chung và thống nhất.
2.10. Về hiệu lực thi hành