Quyền miễn trừ của người bào chữa trong BLHS năm 2015 – những bất cập cần xem xét sửa đổi, hoàn thiện

Ngày 27/11/2015, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua nhiều Bộ luật và Luật, trong đó có Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, do một số lý do lỗi về mặt kỹ thuật trong Bộ luật Hình sự 2015, ngày 29/6/2016, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, ngoài các lỗi kỹ thuật, nhiều vấn đề bất cập cũng được phát hiện cần thiết phải có sự rà soát, chỉnh lý để đảm bảo sự đúng đắn và phù hợp với thực tiễn xã hội và các Luật có liên quan. Một trong các vấn đề đó là các quy định về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với Người bào chữa (thường là Luật sư) được rất nhiều sự quan tâm và cần có sự nhìn nhận phân tích một cách thấu đáo trên các mặt chính trị và xã hội để đảm bảo pháp luật được thực thi và đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.
          Về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với Người bào chữa, tuy không được quy định thành một nguyên tắc nhưng đã được quy định tại Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 - Không tố giác tội phạm.
          Theo đó, khoản 3 Điều luật này quy định: Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Ðiều này trong  trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
          Xét về mặt hình thức, bằng quy định này, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự thể hiện quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của Người bào chữa về hành vi này (không tố giác tội phạm) trong một số trường hợp, tuy nhiên, thực tế thì cũng sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi cho Người bào chữa (thường là Luật sư) khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
          Theo cách hiểu thông thường nhất, bào chữa được hiểu là một hoạt động đưa ra bằng chứng, dùng lý lẽ và căn cứ pháp lý nhằm bênh vực cho người bị quy kết có hành vi phạm tội (có thể gọi là Người bị buộc tội). Quyền được bào chữa của Người bị buộc tội được biểu hiện thông qua việc họ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa cho mình trong các giai đoạn tố tụng. Người bào chữa phải đứng về phía quyền lợi của Người bị buộc tội.
Về nguyên tắc chung, Người bào chữa (thường là Luật sư) được xã hội phân công chức năng gỡ tội - phản biện, làm đối trọng trước sự buộc tội của các cơ quan tố tụng. Vì vậy, Người bào chữa phải được Người bị tình nghi, bị buộc tội tin tưởng thì mới tiết lộ các thông tin liên quan đến vụ việc mà họ bị tình nghi, bị buộc tội. Nếu Người bào chữa tiết lộ các thông tin mà mình biết được về người bị tình nghi, bị buộc tội mà những thông tin đó gây bất lợi hoặc chống lại họ thì sẽ không người nào dám tin tưởng vào người mình dự định mời bào chữa hoặc đang bào chữa cho mình. Và nếu không có sự chia sẻ thông tin một cách trung thực giữa người bị tình nghi, bị buộc tội với Người bào chữa thì Người bào chữa không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ của mình.
Vì vậy, vấn đề “Bí mật thông tin” của khách hàng đối với Luật sư phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ của luật sư với khách hàng để bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng. Ngay trong các quy định pháp luật của Việt Nam về hành nghề luật sư và quy định tố tụng liên quan đến sự tham gia của Luật sư cũng quy định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.
Khoản 3 Điều 18 Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 quy định Luật sư có nghĩa vụ: Không được tiết lộ những bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ giúp đỡ pháp lý.
Khoản 1 Điều 9, Điều 25 Luật Luật sư năm 2006, cũng như Quy tắc 12 - Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư do Hội đồng Luật sư Toàn quốc ban hành ngày 20/7/2011 quy định: Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định Người bào chữa có nghĩa vụ: Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản.
Đây chính là sự xung đột pháp luật ngay trong hai Bộ luật lớn vừa được ban hành (khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự). Trong khi đó, các quy định về nguyên tắc giữ bí mật thông tin khách hàng của Luật sư nêu trên lại phù hợp với nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp của Luật sư trên thế giới. Tại Hội nghị lần thứ Tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp quốc, họp tại Havana, Cuba từ ngày 27/8 đến 07/9/1990, các nước tham dự đã ra Tuyên bố Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, nêu rõ: Về Các nhiệm vụ và trách nhiệm, Luật sư luôn luôn trung thành tôn trọng lợi ích của khách hàng của mình (điểm 15); đồng thời, các Chính phủ thừa nhận và tôn trọng rằng tất cả sự giao tiếp và tư vấn giữa luật sư và thân chủ của họ trong mối quan hệ chuyên nghiệp là bí mật (điểm 22). Cũng theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đều đề ra nguyên tắc luật sư phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng:
- Quy tắc đạo đức của Luật sư Croatia (The Attorneys’ Code of Ethics) được Hội đồng Hiệp hội Luật sư Croatia thông qua ngày 18/2/1995, sửa đổi ngày 12/6/1999, quy định: “Luật sư phải bảo vệ bí mật đối với bất kỳ thông tin nào biết được từ khách hàng hoặc trong khi thực hiện hỗ trợ pháp lý, đặc biệt trong quá trình đại diện hoặc biện hộ. Luật sư phải xác định một cách tận tâm những gì khách hàng muốn được bảo vệ như là bí mật của luật sư”. (Quy tắc 26 - Mục II - Bảo mật của Luật sư - The Attorney’s confidentiality).
- Quy tắc ứng xử của Luật sư Châu Âu (Code of Conduct for Lawyers in the European Union) thông qua ngày 28/10/1988, sửa đổi ngày 28/11/1998, ngày 06/12/2002 và ngày 19/5/2006, quy định: “Bảo mật” là một chức năng của Luật sư và được Nhà nước bảo hộ đặc biệt, do vậy, “Luật sư phải tôn trọng bảo mật tất cả các thông tin mà mình biết được trong hoạt động hành nghề” (khoản 2.3 Quy tắc bảo mật- Confidentiality).
- Trên cơ sở Quy tắc mẫu về ứng xử nghề nghiệp Luật sư của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA Model Rules of Professional Conduct), Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư California 2015 (California rules of professional conduct) cũng quy định tại Chương 3, quy tắc Quy tắc 3-100- Bí mật thông tin của khách hàng (Confidential Information of a Client):
(a) Không được tiết lộ thông tin được bảo vệ khỏi việc tiết lộ theo điểm 6068, phần (e) (1) Bộ luật Kinh doanh và Nghề nghiệp mà không có sự đồng ý của khách hàng hoặc theo quy định tại khoản (b) của quy tắc này.
(b) Có thể, nhưng không bắt buộc, tiết lộ thông tin bí mật liên quan đến việc đại diện của một khách hàng trong chừng mực mà thành viên có lý do tin rằng việc tiết lộ là cần thiết để ngăn chặn hành vi phạm tội mà thành viên có lý do tin tưởng có thể dẫn đến tử vong, hoặc tổn hại cơ thể đáng kể đối với một cá nhân.
(c) Trước khi tiết lộ thông tin bí mật để ngăn ngừa một hành vi phạm tội như quy định tại khoản (b), nếu hợp lý trong các trường hợp, phải:
+ Cố gắng thuyết phục khách hàng một cách trung thực: (i) không cam kết hoặc tiếp tục hành vi phạm tội hoặc (ii) theo đuổi quá trình ngăn ngừa cái chết đe doạ hoặc tổn hại cơ thể đáng kể; Hoặc làm cả (i) và (ii); Và
+ Thông báo cho khách hàng, vào thời điểm thích hợp, về khả năng hoặc quyết định của thành viên để tiết lộ thông tin theo quy định tại khoản (b).
(d) Khi tiết lộ thông tin bí mật như được quy định trong đoạn (b), việc tiết lộ của thành viên không được quá mức cần thiết để ngăn chặn.
Tương tự như vậy, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Luật sư bang New York 2009 (New York Rules of Professional Conduct)- quy tắc 1.6 - Bảo mật thông tin (Confidentiality of Information) cũng quy định Luật sư không được tiết lộ bí mật thông tin bí mật, hoặc sử dụng các thông tin đó cho bất lợi của khách hàng hoặc cho lợi thế của luật sư hoặc người thứ ba, trừ khi được khách hàng cho phép hoặc để phục vụ tốt nhất lợi ích của khách hàng, hoặc trong các trường hợp khác trong phạm vi Luật sư tin rằng hợp lý là cần thiết, ví dụ như để bảo vệ sức khỏe, tính mạng; để ngăn chặn khách hàng phạm tội; để bảo vệ luật sư và nhân viên trước những cáo buộc sai trái,...
- Quy tắc ứng xử nghề nghiệp do Hiệp Hội Luật sư Canada ban hành năm 2009 (Code of Professional Conduct – Canadian Bar Association) cũng quy định: Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả các thông tin liên quan đến kinh doanh và công việc của khách hàng mà mình biết được trong quá trình quan hệ nghề nghiệp và không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào, ngoại trừ được khách hàng rõ ràng hoặc ngụ ý cho phép, theo yêu cầu luật pháp hoặc yêu cầu khác của Quy tắc này (Quy tắc 1 chương IV về Bảo mật thông tin- Confidential information).
Từ đó, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp luật sư do Đoàn luật sư Quebec- Canada (Code of Professional Conduct of Lawyers) ban hành cũng quy định Luật sư chỉ có thể tiết lộ bí mật thông tin khách hàng trong một số trường hợp khi có sự cho phép hoặc ngụ ý rõ ràng của khách hàng; để tự bảo vệ mình trong trường hợp tố tụng, khiếu nại hoặc cáo buộc; để ngăn chặn hành động bạo lực, kể cả tự sát, nơi luật sư có lý do hợp lý để tin rằng có một mối nguy hiểm sắp xảy ra về cái chết hoặc thương tích nghiêm trọng đối với một người hoặc cộng đồng... (Quy tắc 65).
Hầu hết các sự giải thích cho các nguyên tắc “Bí mật khách hàng” nêu trên đều xuất phát từ chức năng và bổn phận của Luật sư. Tính bảo mật của luật sư khách hàng bao gồm đặc quyền của Luật sư - khách hàng, học thuyết về sản phẩm làm việc và tiêu chuẩn đạo đức về bảo mật. Các nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng của Luật sư áp dụng cho các thông tin liên quan đến việc đại diện, bất kể nguồn của nó từ đâu, trên cơ sở sự tin tưởng của khách hàng đối với Luật sư và được bảo vệ bởi “Đặc quyền của Luật sư - khách hàng” theo các tiêu chuẩn về đạo đức về bảo mật, được xác lập theo luật, quy tắc và chính sách.
Như vậy, một trong các lý do mà Người bào chữa - Luật sư không được tố giác khách hàng chính là xuất phát từ các quy tắc, chuẩn mực về ứng xử và đạo đức nghề nghiệp là phải luôn giữ bí mật thông tin của khách hàng. Từ nguyên tắc bảo đảm bí mật thông tin của khách hàng và tránh xung đột pháp luật, Tuyên bố Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của Luật sư của Liên Hợp quốc về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội nêu trên cũng nêu rõ:
- Các chính phủ phải bảo đảm rằng Luật sư sẽ không phải chịu, hay bị đe doạ với, truy tố, hay những trừng phạt hành chính, kinh tế hay những biện pháp trừng phạt khác vì bất kỳ hành động nào thể theo nhiệm vụ, tiêu chuẩn và quy tắc đạo đức nghề nghiệp được công nhận (tiết c Điểm 16).
- Luật sư sẽ không bị đồng hóa với thân chủ hay các mục tiêu của thân chủ chỉ vì Luật sư thực hiện chức năng của họ (Điều 18).
- Luật sư được hưởng miễn trừ dân sự và hình sự với những lời lẽ liên quan được phát biểu với thiện ý trong các biện hộ bằng lời nói hay văn bản hoặc trong khi xuất hiện trước Toà, Hội đồng xét xử, hoặc cơ quan hành chính hay pháp luật khác (điểm 20).
Mặc dù nguyên tắc miễn trừ này đã được thể hiện tại khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015, nhưng cũng quy định không miễn trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Trong khi đó, trừ nhóm tội xâm phạm An ninh quốc gia (từ Điều 108 -121) thì các tội khác mà Người bào chữa phải chịu trách nhiệm khi không tố giác nếu ở mức đặc biệt nghiêm trọng (15-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình - theo khoản 4 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015) được quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội che giấu tội phạm) thì đó hầu hết là các tội mà Luật sư (với vai trò Người bào chữa) vẫn thường tham gia. Hơn nữa, Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội không tố giác tội phạm cũng chỉ loại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 mà không loại trừ khoản 3 Điều 19 Bộ luật này.
Mặt khác, nếu quy định chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Người bào chữa đối với trường hợp không tố giác người mà mình đã bào chữa cũng gây bất lợi cho Người bào chữa. Bởi lẽ, nhiều trường hợp khách hàng tiết lộ các thông tin liên quan đến tội phạm cho Luật sư để chuẩn bị mời bào chữa cho mình hoặc người thân của mình, nhưng sau đó lại không mời (vì nhiều lý do). Như vậy, theo nhận thức pháp luật hiện hành thì lúc này họ (Luật sư) chưa/không phải là Người bào chữa cho người liên quan đến thông tin tội phạm đó (chưa kể trường hợp những tiết lộ từ khách hàng trong vụ việc phi hình sự). Như vậy, trường hợp này Luật sư buộc phải tố giác hành vi của người mà mình chưa/không được mời bào chữa nữa. Và việc tố giác này lại mâu thuẫn với nguyên tắc nghề nghiệp của Luật sư là giữ bí mật và bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng.
Có ý kiến cho rằng, một Luật sư cũng đồng thời là công dân, cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm như mọi công dân, có nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc Luật sư tố giác khách hàng lại mâu thuẫn với việc Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật của khách hàng. Vậy, liệu Người bào chữa - Luật sư có đồng thời thực hiện được cả hai nghĩa vụ này hay không? Chỉ khi tin tưởng Luật sư thì khách hàng (hoặc Người bị buộc tội) mới cung cấp các thông tin bí mật cho Luật sư, bao gồm cả các thông tin nếu để lộ sẽ bất lợi cho họ. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định về quyền không buộc phải đưa ra những lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (được hiểu là quyền im lặng) đối với Người bị tình nghi, Người bị buộc tội (điểm d khoản 1 Điều 58, điểm c khoản 2 Điều 59, điểm d khoản 1 Điều 60, điểm h khoản 2 Điều 61).
Như vậy, trong khi những người này được quyền “im lặng”, và “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng” (Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) thì không lẽ Người bào chữa - Luật sư, người được họ tin tưởng trao đổi thông tin bí mật của mình lại đưa thông tin này ra để tố giác họ?
Trường hợp không tố giác thì vi phạm pháp luật - vi phạm nghĩa vụ công dân. Còn nếu tố giác thì vi phạm nguyên tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của mình. Và thực tế cho thấy, có lẽ sẽ không có ai sẽ mời Luật sư là người bào chữa cho mình/hoặc người thân của mình nếu Luật sư đó đã từng tố giác khách hàng trên cơ sở biết được những thông tin từ họ. Hơn nữa, rất khó có căn cứ để xác định những thông tin mà khách hàng tiết lộ đó là đúng sự thật. Việc quy định như vậy rất dễ dẫn đến việc tùy tiện áp dụng xử lý Người bào chữa, đặc biệt trong tình trạng hiện nay, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng không muốn Người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự khi quan điểm bào chữa khác biệt hoặc ngược lại với quan điểm buộc tội.
Đây là vấn đề rất quan trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của Luật sư. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, quy định quyền miễn trừ về tội này đối với người hoạt động nghề nghiệp bào chữa (kể cả người chưa/không được mời bào chữa) khi tiếp nhận thông tin từ khách hàng đến với mình; hoặc chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này đối với một số tội cụ thể thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng (theo khoản 4 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015).

 Luật sư Huỳnh Phương Nam