Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí hoạt động
1- Ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc), các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
2- Đối với các cơ quan, đơn vị vừa có hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vừa có hoạt động xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự trong các lĩnh vực khác thì việc hỗ trợ kinh phí hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu của các vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được áp dụng theo quy định tại Quyết định này; đối với hoạt động xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự trong các lĩnh vực khác thì thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
3- Trong quá trình thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu, nếu vụ việc có nhiều lực lượng cùng tham gia thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có trách nhiệm căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng cơ quan, đơn vị để xem xét, quyết định việc thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu đảm bảo phù hợp, hiệu quả và công khai.
Ngoài ra, Quyết định này cũng nêu rõ, nguồn kinh phí hỗ trợ gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các dự án, chương trình hỗ trợ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp trực tiếp cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
Quyết định nêu rõ, cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để chi cho các nội dung chi thuộc dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng kinh phí theo dự toán chi thường xuyên đã sử dụng hết (gồm: Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chi công tác phí; chi mua sắm trang thiết bị...).
Kinh phí hỗ trợ cũng được sử dụng để chi các khoản chi đặc thù chưa có trong dự toán chi thường xuyên. Cụ thể, chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị tai nạn, bị thương và gia đình cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí trong trường hợp không thuộc hoặc vượt phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hoặc được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Mức hỗ trợ cụ thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định nhưng tối đa không vượt quá 10 tháng mức tiền lương cơ sở.
Chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia điều tra, mật phục, truy bắt, kiểm tra, kiểm soát đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian trực tiếp tham gia trên địa bàn xảy ra vụ việc. Mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 6 năm 2016./.