Những điểm mới của Thông tư liên tịch hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để THA

Ngày 15/10/2009 Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án. Việc ban hành Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC đã tạo hành lang pháp lý trong việc xác định rõ đối tượng, điều kiện và phạm vi được đảm bảo tài chính, mức bảo đảm tài chính và nguồn kinh phí ngân sách bảo đảm tài chính để thi hành án... trên thực tế đã bảo đảm một số trường hợp, về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, qua 06 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, TTLT số 04/2009/TTLT-BTP-BTC đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng như: chưa quy định cụ thể về thời hạn cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính để thi hành án; chưa quy định cụ thể về lỗi và mức hoàn trả ngân sách nhà nước của người gây ra thiệt hại trong lĩnh vực bảo đảm tài chính; chưa có quy định các biện pháp chế tài cụ thể để thu hồi số tiền hoàn trả ngân sách nhà nước của những đối tượng gây ra thiệt hại đã nghỉ hưu, chuyển công tác,... khi họ không tự nguyện thực hiện trách nhiệm hoàn trả; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý người có lỗi gây ra thiệt hại trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả;...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế nêu trên, bảo đảm đơn giản, minh bạch về trình tự, thủ tục bảo đảm tài chính; việc thu hồi số tiền hoàn trả ngân sách nhà nước; đồng thời phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự, ngày 10/6/2016, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC thay thế TTLT số 04/2009/TTLT-BTP-BTC hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án. Những nội dung sau sẽ giúp bạn đọc nắm được những điểm mới cơ bản của TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC nêu trên:
Thứ nhất, điều kiện bảo đảm tài chính để thi hành án
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC, một trong những điều kiện để được ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án là: “cơ quan, tổ chức đã sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí giao khoán...”. Do đó, để tránh tình trạng cơ quan, tổ chức phải thi hành án trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, Điều 2 TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã sửa đổi theo hướng bổ sung thêm quy định: “…Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến thời điểm cơ quan, tổ chức phải thi hành án lập hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính, cơ quan, tổ chức phải thi hành án không được phép chi khen thưởng, phúc lợi, thu nhập tăng thêm”
Thứ hai, phạm vi bảo đảm tài chính để thi hành án
Bên cạnh việc quy định các trường hợp được ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã bổ sung thêm quy định loại trừ các trường hợp không thuộc diện được đảm bảo tài chính để thi hành án (khoản 2 Điều 4), cụ thể: “Trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra và đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.”.
Thứ ba, thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại
Điều 40 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định điều kiện được đảm bảo tài chính để thi hành án, đó là: “Cơ quan, tổ chức phải thi hành án thuộc diện được bảo đảm tài chính để thi hành án được ngân sách nhà nước bảo đảm tài chính để thi hành án sau khi đã yêu cầu người có lỗi thực hiện nghĩa vụ nhưng người đó chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có nhưng số tiền đã nộp chỉ đáp ứng một phần nghĩa vụ thi hành án....”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể căn cứ để xác định người có lỗi, mức độ lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại nên thực tiễn cho thấy công tác xác định người có lỗi và mức hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại trong một số vụ việc còn chậm trễ, lúng túng. Do đó, trên cơ sở quy định của Nghị định số 62/NĐ-CP, để có căn cứ xác định người có lỗi, yêu cầu người có lỗi gây ra thiệt hại thực hiện nghĩa vụ thi hành án, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã bổ sung thêm quy định về việc thành lập Hội đồng xác định người có lỗi và trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại (Điều 3), theo đó, quy định cụ thể về thành phần Hội đồng cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức làm việc của Hội đồng; quy định cụ thể về mức hoàn trả được xem xét trên cơ sở tính chất lỗi của người gây ra thiệt hại và mức tiền thuộc trách nhiệm phải thi hành án.
Thứ tư, về thủ tục thực hiện bảo đảm tài chính
Tại khoản 1 Điều 7 của TTLT số 04/2009/TTLT-BTP-BTP quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính quy định tại Điều 2 Thông tư này để thanh toán nghĩa vụ thi hành án”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 45 của Luật thi hành án dân sự đã quy định: “thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”.  Do đó, để phù hợp với quy định của pháp luật thi hành án và đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng phải thi hành án, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã sửa đổi theo hướng giảm thời hạn cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính để thanh toán nghĩa vụ thi hành án từ 30 ngày xuống thành 10 ngày (Điều 8), cụ thể: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính quy định tại Điều 2 Thông tư này để thanh toán nghĩa vụ thi hành án”.
Ngoài việc giảm thời hạn nêu trên, để tránh tình trạng chậm trễ trong việc lập hồ sơ bảo đảm tài chính, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã bổ sung thêm quy định về thời hạn cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị bảo đảm tài chính để thi hành án (Điều 8), cụ thể: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi đã áp dụng các biện pháp tài chính quy định tại Điều 2 Thông tư này nhưng không có khả năng thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị bảo đảm tài chính để thi hành án”.
Thứ năm, về thanh toán tiền thi hành án
Tại Điều 8 của TTLT số 04/2009/TTLT-BTP-BTP quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí bảo đảm thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án phải tiến hành các thủ tục thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án thông qua cơ quan thi hành án hoặc chuyển số tiền bảo đảm tài chính vào tài khoản tiền gửi của cơ quan thi hành án để thanh toán cho người được thi hành án”.
Để tránh tình trạng ngân sách nhà nước phải bảo đảm tài chính đối với khoản lãi suất chậm thi hành án; đồng thời, bản án, quyết định của tòa án được thi hành kịp thời, bảo vệ quyền và lợi lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã sửa đổi theo hướng giảm thời hạn thanh toán tiền thi hành án từ 05 ngày xuống thành 03 ngày (Điều 9), cụ thể: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí bảo đảm thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án phải tiến hành các thủ tục thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án”.  
Thứ sáu, về thủ tục hoàn trả các khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước
Khoản 1 Điều 10 TTLT số 04/2009/TTLT-BTP-BTC quy định: “cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm thu hồi số tiền hoàn trả của người gây thiệt hại để nộp ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, điều luật này chưa quy định cụ thể thời hạn, phương thức để cơ quan, tổ chức phải thi hành án thực hiện trách nhiệm thu hồi số tiền hoàn trả của người gây thiệt hại để nộp ngân sách nhà nước. Do đó, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã sửa đổi Khoản 1 điều này theo hướng: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc chi trả tiền thi hành án, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm ra quyết định về mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quy định tại Điều 3 của Thông tư này thu hồi số tiền hoàn trả của người gây thiệt hại để nộp ngân sách nhà nước”.
- Đồng thời Khoản 3 của điều luật này cũng đã quy định rõ nội dung của quyết định hoàn trả phải ghi rõ mức hoàn trả, thời hạn hoàn trả, khoản người có lỗi đã thi hành xong và khoản tiếp tục phải hoàn trả.
- Ngoài ra, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC cũng đã bổ sung thêm quy định “Trường hợp người phải hoàn trả không thống nhất với mức hoàn trả hoặc từ chối hoàn trả thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính”.
Bên cạnh đó, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC cũng đã quy định rõ các nội dung của quyết định hoàn trả.
Thứ bảy, quy định về thực hiện việc hoàn trả
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người có trách nhiệm hoàn trả; trên cơ sở quy định của Luật thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã bổ sung thêm quy định về phương thức hoàn trả (Điều 12), cụ thể: “(1) Việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần; (2) Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện một lần thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Quyết định hoàn trả có hiệu lực pháp luật, người có trách nhiệm hoàn trả phải trả đủ số tiền đã được xác định trong Quyết định hoàn trả; (3) Trường hợp thực hiện hoàn trả nhiều lần thì người có trách nhiệm hoàn trả số tiền theo mức và thời hạn đã được xác định trong Quyết định hoàn trả; (4) Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng của người có lỗi gây ra thiệt hại thì mức tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương hàng tháng”.
Thứ tám, quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với việc hoàn trả của người gây ra thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể
Thực tế, trong thời gian qua công tác thu hồi đối với những đối tượng gây ra thiệt hại đã nghỉ hưu, chuyển công tác,... khi họ không tự nguyện hoàn trả ngân sách nhà nước rất khó khăn. Do đó, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã bổ sung thêm quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phải thi hành án cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thu hồi số tiền hoàn trả đối với những trường hợp cụ thể này; Đồng thời, TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã bổ sung thêm quy định trong trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà vẫn không thu hồi được số tiền hoàn trả thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án có quyền khởi kiện yêu cầu người gây ra thiệt hại thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự tại tòa án, cụ thể:  
“1. Trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả đã thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức khác thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức đang quản lý thu nhập của người đó thu hồi số tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã ban hành.
2. Trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả đã chết sau khi có Quyết định hoàn trả và người có trách nhiệm hoàn trả có tài sản thừa kế và người thừa kế, thì những người thừa kế di sản của người đó phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật thừa kế; trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả chết mà không có tài sản thừa kế thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm xác minh, lập thành văn bản và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú khi còn sống về việc người đó không còn di sản. Ngay sau khi hoàn thành việc xác minh, cơ quan, tổ chức phải thi hành án phải ra quyết định miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả, cơ quan, tổ chức phải thi hành án phải báo cáo bằng văn bản và gửi kèm theo quyết định miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả tới cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan tài chính có thẩm quyền.
Trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả đã chết trước khi có Quyết định hoàn trả thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án không xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người đó.
3. Trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành án đã tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà vẫn không thu hồi được số tiền hoàn trả thì cơ quan, tổ chức phải thi hành án có quyền khởi kiện yêu cầu người gây ra thiệt hại thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự tại Tòa án”.
Thứ chín, về căn cứ ban hành và dẫn chiếu điều luật của Thông tư liên tịch
Để phù hợp với các văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, theo đó TTLT số 07/2016/TTLT-BTP-BTC sửa đổi, bổ sung một số căn cứ ban hành cho phù hợp với Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự; Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Sửa đổi dẫn chiếu điều luật (Khoản 1 Điều 1) cho phù hợp với Điều 39 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự và (Khoản 2 Điều 2) cho phù hợp với Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ về việc quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước...
 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC có hiệu lực kể từ ngày 25/7/2016 và thay thế Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.

Nguyễn Phúc Đạt - Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp