Theo Nghị định này, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành án” và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là người phải thi hành án và người đứng đầu cơ quan cấp trên của người phải thi hành án có sự theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) và các cơ quan THADS. Trường hợp người phải thi hành án không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại còn phải bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, pháp luật dân sự và các biện pháp xử lý khác. Để bảo đảm tính khả thi trên thực tế cũng như đề cao trách nhiệm của người phải thi hành án là cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước, Nghị định đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong thi hành án hành chính tương ứng với từng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (từ Điều 20 đến Điều 26). Song song với các biện pháp xử lý trách nhiệm nêu trên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, cũng như nâng cao ý thức để người phải thi hành án chủ động, trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Nghị định đã quy định biện pháp công khai thông tin về việc không chấp hành án trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự đồng thời tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Việc đăng tải thông tin chỉ được thực hiện khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án và Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra Quyết định buộc thi hành án. Nội dung đăng tải là các thông tin trong Quyết định buộc thi hành án của Tòa án, bao gồm: Họ và tên, địa chỉ của người phải thi hành án; số, ngày, tháng, năm và tên Tòa án ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; nghĩa vụ phải thi hành (Điều 30).
Nghị định số 71/2016/NĐ-CP được ban hành với kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành án hành chính, bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”, cũng như bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.
Để bảo đảm thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016), Nghị định 71/2016/NĐ-CP đã được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.