Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ. Chất ma túy nói chung, ma túy có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất (còn gọi ma túy đá) nói riêng, đây là chất kích thích mạnh, khi đi vào cơ thể làm biến đổi tư duy, tri giác, làm cho con người trở nên hung hãn, tinh thần hưng phấn, thần kinh bị rối loạn, mất khả năng làm chủ hành vi. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, người ta thích sử dụng loại ma túy đá vì sự kích thích thần kinh mãnh liệt của nó. Đặc trưng nhất của người nghiện là gặp ảo giác, hoang tưởng, loạn thần (còn gọi “ngáo đá”). “Ngáo đá” cụm từ thường dùng ám chỉ cho người có những hành vi rất lạ thường và vô cùng kỳ hoặc sau khi nhiều lần sử dụng chất kích thích mạnh này, như: treo người trên trụ điện; đi lại trên mái nhà cao tầng; dùng dao chém chết bố mẹ ruột mình, chỉ vì cho rằng họ đang cố lấy nội tạng của mình!…. Cơn “ngáo đá” có thể diễn ra trong vài chục phút, vài tiếng hoặc vài tháng. Đáng lo ngại, những điều này diễn biến bên trong tâm tưởng của người sử dụng nên người xung quanh khó nhận biết. Ma túy đá biến đổi rất nhanh, khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình.
Người bị “ngáo đá” có các biểu hiện gần như giống với bệnh tâm thần phân liệt nhưng mức độ nguy hiểm hơn. Đặc biệt, người sử dụng không có biểu hiện vật vã khi lên cơn thèm thuốc, điều đó khiến người thân trong gia đình không biết được con em đã sử dụng chất ma túy đá, cũng không ít trường hợp, bác sĩ nhầm lẫn do không nắm được tiền sử sử dụng ma túy của người bệnh, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Nhiều vụ trọng án đã xảy ra, không ít người bỗng dưng mất mạng chỉ vì đối tượng thực hiện hành vi đang trong cơn “ngáo đá”. Gần 10 năm qua, số người sử dụng ma túy đá tăng nhanh đã kéo theo tỷ lệ tội phạm liên quan đến ma túy gia tăng. Hàng loạt vụ trọng án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do người sử dụng ma túy đá bị ảo giác gây ra đã gây hoang mang trong dư luận xã hội. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy những con số báo động: Tính đến thời điểm tháng 2/2017, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quan lý, tăng mạnh so với năm 2016[1]. Không chỉ riêng pháp luật xử lý vi phạm hành chính mà cả pháp luật hình sự đều quy định hành vi sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.
Phân tích về hiện tượng “ngáo đá”, các chuyên gia y tế cho rằng: Người sử dụng ma túy đá xuất hiện các hoang tưởng ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị hại, bị giết, bị truy sát,… Tình trạng “ngáo đá” rất nguy hiểm, nó có thể khiến người bị “ngáo đá” có hành vi tự sát hoặc giết người. Nguy hiểm ở chỗ, ma túy đá khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình. Người sử dụng có thể bị loạn thần ngay lần đầu tiên, nếu dùng liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến loạn thần mãn tính, có các biểu hiện gần giống với bệnh tâm thần phân liệt.
Trên thế giới số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ xảy ra do lái xe sử dụng chất ma túy chiếm tỷ lệ 14%. Lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn cao gấp 3 lần so với lái xe không sử dụng ma túy. Nếu lái xe vừa uống rượu, vừa sử dụng ma túy thì dẫn đến gây TNGT tăng gấp 23 lần. Nguy hiểm hơn, số vụ TNGT đường bộ do lái xe sử dụng chất ma túy gây ra thường rất thảm khốc. Ở nước ta, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng trong nhiều năm qua thực trạng lái xe sử dụng ma túy đã thật sự báo động, nhưng phía các cơ quan chức năng vẫn chưa đề ra được giải pháp kiểm soát chặt chẽ, hữu hiệu nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt các vụ trọng án phát sinh từ nguyên nhân lái xe có sử dụng chất ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Thực tế có khá nhiều trường hợp các lái xe ô tô đường dài sử dụng chất ma túy, coi đó là “liều thuốc” để giữ tỉnh táo khi phải ôm vô lăng xuyên suốt từ 15 đến 18 giờ mỗi ngày. Họ thừa biết rằng, việc lái xe có sử dụng chất ma túy, chất kích mạnh khác bị cấm, nên để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng, họ thường truyền tai nhau cách để “thoát” mỗi lần khám sức khỏe định kỳ của ngành giao thông.
Cạnh đó, số vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, cho thấy, người gây tai nạn có sử dụng ma túy đá “quá liều” không ai khác, chính là những“cậu ấm, cô chiêu”, xuất thân từ những gia đình giàu có, điều khiển xe hơi hạng sang với tốc độ cao trên các tuyến đường trong thành phố, khu vực đông dân cư, nhất là những giờ cao điểm, bất chấp mọi luật lệ về giao thông đường bộ, gây ra nhiều cái chết vô tội, thương tâm cho người tham gia giao thông.
Xét ở góc độ y học, sau khi sử dụng Methamphetamine, người “ngáo đá” có triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần, tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác. Còn ở góc độ pháp lý, người bị “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh), do đó, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Pháp luật hình sự hiện hành chưa có điều khoản quy định riêng biệt đối với người phạm tội trong tình trạng bị kích thích do nghiện ma túy, do “ngáo đá”. Theo quy định tại Điều 14 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Điều 13 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Pháp luật hiện hành không coi người bị “ngáo đá” là người mắc bệnh tâm thần do họ đã chủ động sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, BLHS cũng không quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng say rượu, có sử dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác. Vì vậy, người phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo tội danh và hình phạt tương ứng mà BLHS đã quy định như người bình thường. Ngoại trừ một số tội phạm tại các điều luật được quy định trong BLHS, nhà làm luật coi tình tiết này là yếu tố cấu thành cơ bản, như: Tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thôngđường bộ”, tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều khiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường sắt”; hoặc cấu thành tăng nặng định khung hình phạt, như: Tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”, tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” quy định tại các điều 205, 211, 202, 208 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là các điều 263, 264, 270, 271, 260, 267, 271 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), … thì hầu như không có điều luật nào quy định phạm tội trong tình trạng có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác là yếu tố cấu thành cơ bản hoặc cấu thành tăng nặng hình phạt hay coi đó tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định trong Phần Chung của BLHS.
Chẳng hạn, với trường hợp của Đỗ Văn Đ. trong cơn “ngáo đá” đã dùng dao chém liên tiếp vào người chị ruột của mình là Đỗ Thị M., khiến bàn tay trái của chị gần như đứt lìa. Không dừng lại ở đó, khi anh Trần Phước H. (chồng chị M.) chạy đến giải cứu cho chị M. đã bị Đ. chém một nhát vào đầu khiến anh H. bị thương nặng. Sau 4 ngày cấp cứu điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, anh H. bị tử vong. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2016/HS-ST của TAND thị xã B, tuyên phạt Đ. 12 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999. Hay đối với trường hợp của Trần Minh M. bị “ngáo đá” rồi chặn đường, khống chế tài xế taxi yêu cầu chở từ thị trấn T. về thành phố M. để thăm con, sau đó châm lửa đốt xe. Hành vi phạm tội này của M., bị TAND thành phố M xử phạt 13 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 3 Điều 143 BLHS năm 1999;…Cũng giống như trường hợp người say rượu phạm tội, các nhóm tội mà người bị “ngáo đá” phạm thường rơi vào nhóm tội do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), như: xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác; xâm phạm quyền sở hữu về tài sản;…Mà theo đó, chế tài quy định tại các điều luật tương ứng thường không nhẹ, do dấu hiệu pháp lý mặt chủ quan của tội phạm quy định là lỗi cố ý. Dù thực tế cho thấy, hành động của những người phạm tội trong những vụ án trên theo bản năng, họ không kiểm soát khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra.
Trong khi đó, cũng là hành vi của người bị “ngáo đá”, vì cho rằng, họ đang bị một nhóm đối tượng cầm theo mã tấu, đinh ba,…ráo riết truy sát, nên họ điều khiển xe ô tô chạy với tốc độ cao, vượt qua chốt kiểm soát của Trạm cảnh sát giao thông, sau đó, đâm thẳng vào khu vực đông người và phương tiện đang chờ đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư. Hậu quả của vụ tai nạn kinh hoàng này, làm chết 02 người, bị thương 03 người khác; thiệt hại về tài sản gần 125 triệu đồng. Hành vi rất nguy hiểm này không thể lý giải rẳng, người lái xe đang trong tình trạng bị “ngáo đá” tin vào tay lái của mình, tin vào kỹ năng lái xe của mình, có thể xử lý kịp thời tình huống bất ngờ trên đường có thể xảy ra, nhưng hậu quả đã xảy ra. Bởi vì, y học đã chứng minh rằng, người sử dụng các chất Heroin, Cocain hoặc dạng chất Methamphetamine hoặc Amphetamine (ma túy đá) rất độc hại, bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông trên đường, từ đó, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông khôn lường. Dù vậy, nhưng theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành (xem điểm a, điểm c và điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông), trường hợp này người gây tai nạn chỉ có thể bị truy tố và xét xử theo khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999 (mức án cao nhất của khung hình phạt 10 năm tù), bởi theo quan điểm của nhà lập pháp, lỗi trong các vụ án giao thông thường là lỗi vô ý (vô ý vì tự tin hoặc vô ý do cẩu thả), cho dù người phạm tội có tự đặt mình vào trong tình trạng “say” chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh đi chăng nữa, nhưng xét về mặt chủ quan họ hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra.
Khoản 7 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
Điểm b khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), quy định: “2. Phạm tội tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;”.
Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, có quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo đó, tại điểm b khoản 2 Điều này, quy định:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;”
Không chỉ trong lĩnh vực pháp luật hình sự, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cũng coi hành vi của người có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, mà đang điều khiển phương tiện tham gia giao đồng đường bộ là hành vi vi phạm hành chính, là đối tượng xử phạt vi phạm. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016, viết tắt Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Nghị định này thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó:
+ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Khoản 11 Điều 5 Nghị định này, quy định: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Ngoài ra, tại điểm c khoản 9 của Điều này cũng quy định: “Người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền cùng mức phạt với hành vi nêu trên.”
+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Khoản 11 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
+ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Khoản 8 Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
Từ những nội dung vừa đề cập phần trên, qua nghiên cứu tác giả thấy rằng còn có những bất cập sau:
Thứ nhất, thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng, lực lượng tuần tra kiểm soát đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác không? Nếu có thì hàm lượng có trong cơ thể họ là bao nhiêu để ấn định mức xử lý phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm mà họ đã thực hiện. Bởi, cơ quan chức năng, lực lượng thi hành nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường chưa có đủ chuyên môn về y tế và không có trang thiết bị chuyên dụng lấy mẫu để kiểm tra, phân tích, xác định đối tượng có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật nghiêm cấm. Chính vì lẽ đó, nguy cơ mất an toàn giao thông có nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn chưa được xử lý triệt để và loại trừ.
Một bất cập khác, ngay cả khi, có đủ căn cứ xác định người lái xe đã sử dụng chất ma túy, như: Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine,… điều khiển phương tiện đang tham gia giao thông, thì hầu như cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử lý đều rơi vào tình trạng chung “cào bằng” trong xử phạt cho từng đối tượng vi phạm theo mức quy định xử phạt vi phạm hành chính đã “định tính” sẵn tại khoản 11 Điều 5; khoản 11 Điều 6; khoản 8 Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mà không phân biệt hàm lượng Heroin, Côcain hoặc dạng Methamphetamine hay Amphetamine có trong cơ thể người vi phạm cao hay thấp, nhiều hay ít, dẫn đến chế tài áp dụng không đủ mạnh, thiếu tính răn đe. Điều này là không bảo đảm nguyên tắc công bằng khi xử lý vi phạm hành chính, được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) năm 2012.
Hơn nữa, nghiên cứu quy định khung xử phạt là tiền tại khoản 11 Điều 5 (từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng); khoản 11 Điều 6 (từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng) và khoản 8 Điều 7 (từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng) của Nghị định 46/2016.NĐ-CP, cho thấy, chênh lệch giữa mức thấp nhất với mức cao nhất của khung là không lớn, do vậy, nhiều trường hợp ấn định mức tiền phạt vi phạm không thuyết phục khi gặp phải trường hợp người vi phạm, mà qua kiểm tra xác định có sử dụng chất ma túy, đồng thời, họ còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc nhiều tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 9 hoặc Điều 10 Luật XLVPHC năm 2012. Ví dụ: Nguyễn Văn A, đang lái xe tải, qua kiểm tra lực lượng tuần tra phát hiện có dấu hiệu sử dụng chất ma túy, nhưng A không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Ngoài ra, A có hành vi lăng mạ, xúc phạm lực lượng tuần tra. Qua đối chiếu hồ sơ dữ liệu lưu trữ cho thấy A vi phạm trong thời gian được hưởng án treo và thuộc trường hợp “tái phạm”. Kết quả test nhanh cho thấy, A dương tính với ma túy khi đang lái xe, dù với nhiều tình tiết tăng nặng như trên, mức xử phạt tiền cao nhất trong trường hợp này cũng chỉ là 18 triệu đồng. Ngược lại, nếu như không có thêm tình tiết tăng nặng nào, chiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC năm 2012; khoản 11 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức xử phạt tiền đối với A là 17 triệu đồng. Điều đó cho thấy, cùng với 03 tình tiết tăng nặng, gồm: “tái phạm”; “lăng mạ, phỉ bang người đang thi hành công vụ”;“vi phạm trong thời gian được hưởng án treo” theo quy định tại các điểm b, đ và h khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC năm 2012, nhưng cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử phạt cũng chỉ có thể nâng mức xử phạt tiền lên 01 triệu đồng. Rõ ràng là thiếu tính răn đe, không thuyết phục.
Trong khi đó, cũng theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, với trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà có nồng độ cồn trong máu hoặc hơn thở vượt mức quy định thì bị xử phạt theo từng mức độ đo được nồng độ cồn trong máu hoặc hơn thở. Cụ thể:
Đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, theo quy định tại điểm a khoản 6; điểm b khoản 8; điểm a, điểm b khoản 9 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
+Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
+Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy,tại khoản 6; điểm b, điểm c khoản 8 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, tại điểm c khoản 4; điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7 Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định:
+ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Đây là thực tế để chứng minh rằng, các quy định pháp luật hiện nay về xử lý người có sử dụng chất ma túy, nghiện ma túy tổng hợp mà tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vẫn còn chưa đầy đủ, bất cập, thiếu “định lượng”; thiếu cụ thể và mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác còn tương đối nhẹ, chưa thể hiện tính răn đe, phòng ngừa mối hiểm họa khôn lường này. Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC năm 2012, cho phép mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân lên đến 40.000.000 đồng.
Từ những lý do như vừa đề cập, tác giả đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng mà có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, theo hướng nâng mức xử phạt tiền lên gấp đôi so với quy định hiện hành. Đồng thời, thiết kế độ “giãn” hợp lý hơn giữa mức thấp nhất và mức cao nhất của khung xử phạt, nhằm tránh tình trạng khi phải áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc nhiều tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật, nhưng khoảng cách độ chênh lệch quá ngắn, vừa gây khó cho việc áp dụng vừa không thể hiện được tính khoa học
Thứ hai, nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về thể chất và mất khả năng kiểm soát hành vi sử dụng, do ma túy đã gây ra các thay đổi lâu dài trong não bộ. Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), năm 2015 thế giới có khoảng 246 triệu người tuổi 15-64 từng sử dụng ma túy. Ở Việt Nam, tính đến năm 2016, theo báo cáo của Bộ Công an ghi nhận 200.134 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ nghiện mới và đặc biệt là tái nghiện tăng cao[2]. Hơn 90% người tái nghiện sau khi cai tại các trung tâm. Theo các chuyên gia y tế, nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ[3]. Do vậy, điều trị nghiện phải bao gồm các can thiệp về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi…Vì lẽ đó, Điều 28 Luật Phòng chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) có quy định: “ …Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm”.
Sau thời gian cai nghiện tập trung tại các trung tâm (tối đa 24 tháng), khi trở về tái hòa nhập với cộng đồng, họ còn phải tiếp tục “cai nghiện”, bởi nếu không tiếp tục cai nghiện, thì nguy cơ tái nghiện trở lại là rất cao, do đó, thời gian này đòi hỏi người đã tham gia cai nghiện tập trung phải hết sức quyết tâm, giữ vững ý chí mới có thể không tái nghiện. Để thực hiện được điều này, cần phải hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, liên lạc, tiếp xúc với những đối tượng “dính” đến chất ma túy. Chính vì lý do này, theo tác giả việc quy định hình thức xử lý bổ sung “tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng” đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, là chưa phù hợp với thực tế. Vì, với thời gian cai nghiện 02 năm, sau khi trở về cũng là lúc thời hạn tước giấy phép lái xe đối với họ đã hết hiệu lực và như vậy, họ hoàn toàn có đủ điều kiện pháp luật quy định để lái xe tham gia giao thông. Dù rằng về mặt y học, thực chất họ hoàn toàn chưa thoát khỏi nghiện ma túy.
Quán triệt tinh thần quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, rất rõ ràng: Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Từ thực tiễn đáng báo động trong xã hội về tình trạng vi phạm pháp luật do người sử dụng chất ma túy, nhất là ma túy đá xảy ra trong thời gian qua, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể hậu quả mà người sử dụng chất ma túy gây ra cho xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tác giả đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật XLVPHC năm 2012, theo hướng, bổ sung quy định hình thức tước quyền sử dụng vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với người có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị phát hiện. Quan điểm của người viết, là: Tước quyền sử dụng vĩnh viễn đối với giấy phép lái xe đã được cấp chớ không phải cấm lái xe vĩnh viễn, không được cấp lại giấy phép lái xe cho người đã từng sử dụng chất ma túy, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, khi họ đủ điều kiện được cấp giấy phép lái xe. Nghĩa là, với giấy phép lái xe được cấp, nếu có căn cứ xác định người đó có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì tước và hủy giấy phép lái xe đó. Nếu người đã bị tước quyền sử dụng vĩnh viễn giấp phép lái xe đã được cấp, muốn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại thì phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định trước khi tham gia sát hạch.
Sau khi được sửa đổi, Điều 25 Luật XLVPHC năm 2012 được viết lại như sau: Điều 25. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, không có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm rất nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
2. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:
a) Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
3. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.”
Sau khi được sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 5; khoản 11 Điều 6 và khoản 8 Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, được viết lại như sau:
+Khoản 11 Điều 5: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 38.000.000 đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
+ Khoản 11 Điều 6: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
+ Khoản 8 Điều 7: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) không thời hạn (trong trường hợp có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) hoặc phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
Thứ ba, đối với các trường hợp cấp mới lần đầu, cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào, bảo đảm 100% không có người nghiện ma túy tham gia học lái xe, để được cấp giấy phép lái xe, dù chỉ là hạng A1. Nói cách khác, điều kiện để được học lái xe là phải có giấy xác nhận không nghiện ma túy. Giấy xác nhận này được lập trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về người nghiện ma túy, do công an các địa phương cung cấp. Không phải là giấy khám sức khỏe của các cơ sở y tế cấp, chứng nhận đủ sức khỏe, bởi nếu, chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe này thì khó có thể phát hiện người nào sử dụng ma túy, bởi một khi người học đã chủ động đi khám sức khỏe, thì họ sẽ có sự chuẩn bị trước để đối phó. Riêng với những người bị phát hiện sử dụng ma túy trong quá trình học, thì trung tâm sát hạch có quyền hủy kết quả học tập của người đó. Nếu đã được cấp giấy phép lái xe, nhưng sau đó có đủ căn cứ xác định, người được cấp giấy phép lái xe đã có hành vi sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì cơ quan đã cấp trước đây tiến hành thu hồi, hủy giấy phép lái xe đã cấp.Vấn đề này nhiều nước tiên tiên trên thế giới, như Mỹ, Anh, Nga, Pháp,..đã áp dụng.
Thứ tư, thực tế đang báo động hiện nay, số vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ, có yếu tố chống người thi hành công vụ đang có xu hướng tăng mạnh về số lượng và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi ngày càng táo tợn hơn, manh động hơn. Không ít vụ việc xảy ra đối với lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên đường bị lái xe cố tình cho xe ô tô, xe đầu kéo tông thẳng vào người và trong số đó nhiều vụ để lại hậu quả rất thương tâm, dư luận rất phẫn nộ. Hoặc có trường hợp, tỏ ra bất hợp tác với lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông, lái xe, phụ xe dùng tuýp sắt, cây gỗ chủ động tấn công gây thương tích nặng cho lực lượng đang làm nhiệm vụ. Hầu hết những trường hợp manh động này, đối tượng vi phạm qua kiểm tra phân tích xác định đều dương tính với chất ma túy, chất kích thích mạnh khác. Người thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp này, họ không hoàn toàn mất khả năng tự chủ về hành vi, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mạ họ đã thực hiện. Nhưng quá trình truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng, các cơ quan chức năng không thể coi tình tiết có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, vì Luật không quy định! Cụ thể, tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 104) hay tội “Chống người thi hành công vụ” Điều 257BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 134 và Điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đều không có quy định tình tiết tăng nặng định khung hình phạt có sử dụng ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác. Điều 48 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng không coi phạm tội trong tình trạng có sử dụng chất ma túy, chất kích thích khác là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình. Do đó, việc Tòa án quyết định loại và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội trong những trường hợp vừa nêu, cũng giống như người phạm tội bình thường, dù rằng hành vi phạm tội của người có sử dụng chất ma túy, chất kích thích khác manh động hơn, nguy hiểm hơn và hậu quả để lại rất nghiêm trọng hơn. Điều đó, chắc chắn không đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng, khi mà toàn xã hội đang lên án gây gắt với loại hành vi phạm tội xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác nói chung, người đang thi hành công vụ do có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác.
Do vậy, đây cũng là bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện. Với quan điểm tiếp cận, người nghiện ma túy không phải là đối tượng tệ nạn xã hội, mà họ được coi là người bệnh. Chính vì vậy, người cai nghiện ma túy sẽ được đối xử như một bệnh nhân. Nhưng không vì là người bệnh khi họ phạm tội đáng lẽ phải bị xử phạt nghiêm minh, thì lại “bỏ qua” tình tiết làm tăng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ đã thực hiện với lý do là người bệnh – người nghiện chất ma túy. Nếu là người bình thường, trong những trường hợp trên họ không dễ bị kích thích, thần kinh không bị rối loạn, không mất khả năng làm chủ hành vi.
Thứ năm, để ngăn chặn tình trạng tài xế sử dụng ma túy, các cơ quan chức năng cần sự phối hợp kiểm tra các điểm dừng nghỉ của tài xế đường dài để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi buôn bán ma túy. Bên cạnh đó, cũng cần quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị chủ quản, chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế nghiện ma túy. Cảnh sát giao thông, phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đặt trạm kiểm soát cố định và di động trên các tuyến giao thông trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn để kiểm tra lái xe về việc sử dụng ma túy, chất kích thích. Đồng thời, phối hợp tốt lực lượng tiến hành kiểm tra đột xuất các công ty vận tải để chủ động phát hiện, xử lý kiên quyết lái xe sử dụng chất ma túy, chất kích thích. Có như vậy, số vụ tai nạn giao thông đau lòng do tài xế nghiện ma túy điều khiển phương tiện gây ra trong thời gian tới mới được ngăn chặn triệt để.