Biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định của BLTTHS năm 2015

Bắt buộc chữa bệnh có mục đích đầu tiên là phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự, an toàn xã hội của người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần. Bên cạnh đó, bắt buộc chữa bệnh còn mang nội dung nhân đạo cao cả, thay vì áp dụng hình phạt đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, tòa án cho họ được chữa bệnh tại cơ sở điều trị chuyên khoa. Trong trường hợp không cần thiết phải đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. BLTTHS năm 2015 đã có nhiều quy định mới nhằm hạn chế, khắc phục những hạn chế bất cập trong quy định về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của BLTTHS năm 2003.

  1. Điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Điều 447 BLTTHS năm 2015 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Điều luật trên quy định có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: Người thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm... Bệnh tâm thần điển hình bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Trường hợp này người phạm tội không đủ năng lực TNHS nên không có lỗi. Năng lực TNHS là điều kiện cần thiết để xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. Người trong tình trạng không có năng lực TNHS là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội, không đánh giá được hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm
Trường hợp thứ hai: Người phạm tội  có thể phải chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự. Vì khi phạm tội người phạm tội vẫn có năng lực TNHS, có khả năng điều khiển hành vi. Chỉ sau khi gây án người phạm tội  mới bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, mất năng lực điều khiển hành vi. Do đó, người phạm tội  bắt buộc phải chữa bệnh và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội do mình gây ra.
  1. Thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
+ Giai đoạn điều tra của Cơ quan điều tra.
 Trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Khi Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định.
Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.
+ Giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát.
Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Căn cứ vào kết luận giám định, Viện kiểm sát có thể ra một trong các quyết định:
a) Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
c) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
d) Truy tố bị can trước Tòa án.
 Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện kiểm sát có thể giải quyết vấn đề khác liên quan đến vụ án.
+ Giai đoạn xét xử của Tòa án.
Sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực TNHS thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Căn cứ vào kết luận giám định, Tòa án có thể ra một trong những quyết định:
a) Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung;
c) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án.
Khi Tòa án đã thụ lý vụ án thì người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là Chánh án hoặc phó Chánh án (mặc dù điều luật chỉ quy định chung là Tòa án).
Các trường hợp thuộc thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án bao gồm:
Thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Thứ hai, đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Thứ ba, đối với người đang chấp hành hình phạt mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, sau khi Tòa án thụ lý vụ án hình sự, gia đình bị cáo cung cấp cho Tòa án một số bệnh án chứng minh bị cáo đã từng phải điều trị bệnh tâm thần và có đơn đề nghị giám định pháp y tâm thần. Trong trường hợp này xử lý như thế nào? hiện nay tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Cần trả hồ sơ điều tra bổ sung vì đây thuộc trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng.
Quan điểm thứ hai: Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định.
Trường hợp nêu trên có thể giải quyết như sau:
- Nếu trong giai đoạn điều tra, truy tố người nhà bị cáo đã cung cấp sổ điều trị tâm thần ngoại trú mà Viện kiểm sát không ra quyết định trưng cầu giám định thì trong trường hợp này Tòa án không ra quyết định trưng cầu giám định mà Tòa án tra hồ sơ điều tra bổ sung vì thuộc trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng.
- Nếu trong giai đoạn điều tra, truy tố người nhà bị cáo không cung cấp sổ điều trị tâm thần ngoại trú mà khi Tòa án xét xử họ mới cung cấp thì Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định. Nếu có kết luận giám định tâm thần là bị cáo bị tâm thần thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
+ Trong giai đoạn chấp hành hình phạt tù.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà có căn cứ để cho rằng người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo đề nghị của Trại giam, Trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt trưng cầu giám định pháp y.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt.
Những tổ chức cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh:
- Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 (Thường tín, Hà Nội) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Bắc; 
- Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên; 
- Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực phía Nam.
3. Đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định pháp y tâm thần tiến hành giám định về tình trạng bệnh của người đó.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện Kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ra quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này. Sau khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án phải gửi ngay cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh và người đại diện của người bị bắt buộc chữa bệnh.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người bị bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp Viện Kiểm sát ra quyết định đình chỉ, thì khi nhận quyết định đình chỉ, đại diện của người bị bắt buộc chữa bệnh phải đến nhận người đó. Việc giao nhận phải lập biên bản, trong đó ghi rõ thời gian chữa bệnh tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần.
Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm đến nhận người, nhưng không đến hoặc đến không đúng thời hạn nêu trên, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đã chấp hành xong hình phạt và khi họ đã khỏi bệnh, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần tiến hành thủ tục xuất viện cho họ tương tự người bệnh bình thường khác.
Những sửa đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 về biện pháp bắt buộc chữa bệnh là rất quan trọng tuy nhiên để áp dụng trong thực tiễn cần nghiên cứu và vận dụng đúng./.
 
TRẦN VĂN HÙNG