Đối tượng áp dụng theo Nghị định là Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan và tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự; người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự:
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng.
Điều kiện cấp Giấy phép quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng, cụ thể: Doanh nghiệp phải có ít nhất 02 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin; cán bộ quản lý, điều hành tốt nghiệp một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin hoặc tốt nghiệp một ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin.
Điều kiện cấp Giấy phép quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin, cụ thể: Doanh nghiệp phải có hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm.
Xử lý vi phạm các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trong Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hoặc Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung khi thay đổi tên, thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Không làm thủ tục cấp lại khi giấy phép bị mất hoặc hư hỏng; Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho Ban Cơ yếu Chính phủ về tình hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và tổng hợp thông tin khách hàng; Sử dụng sản phẩm mật mã dân sự không do doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự cung cấp mà không khai báo với Ban Cơ yếu Chính phủ; Không lập, lưu giữ và bảo mật thông tin khách hàng, tên, loại hình, số lượng và mục đích sử dụng của sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hoặc Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi: Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự mà không có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hoặc Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; hoặc tiếp tục kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự đã hết hạn; Không tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu; Từ chối cung cấp các thông tin cần thiết liên quan tới khóa mã cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 và thay thế Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 08/5/2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.