Theo đó, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được sử dụng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ. Công nhân và viên chức quốc phòng chỉ sử dụng trang phục, biển tên và biểu tượng quân chủng, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được cấp phát, sử dụng đồng bộ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc sử dụng, thu hồi quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục đối với từng đối tượng đang phục vụ, thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam
Nghị định quy định, quân hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao năm cánh nổi mầu vàng, xung quanh có hai bông lúa mầu vàng đặt trên nền đỏ tươi, phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh xe răng lịch sử mầu vàng, vành ngoài quân hiệu mầu vàng. Quân hiệu có 03 loại: Đường kính 36 mm, đường kính 33 mm, đường kính 28 mm. Quân hiệu có đường kính 36 mm và 28 mm dập liền với cành tùng kép mầu vàng.
Cấp hiệu được quy định theo từng cấp bậc quân nhân gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan – binh sĩ và học viên đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật.
Đặc điểm của cấp hiệu theo Nghị định số 82/2016/NĐ-CP gồm có: Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc hoặc hình chữ nhật đối với Hải quân; Nền cấp hiệu: Tùy cấp bậc sẽ có mầu vàng, màu be, màu tím than, màu xanh lá cây, màu đỏ tươi hoặc màu xanh hòa bình; Đường viền cấp hiệu cũng cũng có mầu tùy cấp bậc; Trên nền cấp hiệu gắn: Tùy cấp bậc sẽ gắn cúc cấp hiệu, gạch, sao mầu vàng; cúc cấp hiệu, vạch ngang hoặc vạch hình chữ V mầu đỏ; vạch ngang mầu vàng hay chỉ cúc cấp hiệu. Về phù hiệu: có cành tùng màu vàng; nền phù hiệu hình bình hành; hình phù hiệu màu vàng.
Trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam
Trang phục của Quân đội nhân dân gồm: Trang phục dự lễ mùa đông cho nam, nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan, gồm có: Mũ; quần, áo khoác; áo sơ mi; caravat; dây lưng; giầy da; bít tất (riêng nữ thì không có dây lưng); Trang phục dự lễ hai hàng cúc của sĩ quan Hải quân, gồm: Mũ; quần, áo khoác; áo sơ mi; caravat; dây lưng; giầy da; bít tất; Trang phục dự lễ mùa hè cho nam, nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan, gồm có: Mũ, quần, dây lưng, giầy da, bít tất, áo (riêng nữ thì có mũ, váy, áo, ghệt da, quần tất); Trang phục dự lễ của công nhân và viên chức quốc phòng: Nam mặc com-lê, nữ mặc áo dài, đi giầy da, bít tất; Trang phục dự lễ của hạ sĩ quan, nhân viên kỹ thuật; trang phục thường dùng, trang phục dã chiến, trang phục nghiệp vụ, trang phục công tác; mũ và áo chống rét của Quân nhân theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 và thay thế Nghị định số 52/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quyết định số 109/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành trừ các quy định về quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.